LTS: Những bài vở trên đây không nhất thiết là quan điểm của diễn đàn. Mục đích để đóng góp tài liệu tham khảo, tài liệu lịch sử làm phong phú thêm trí tuệ, làm sáng tỏ sự thật, vạch trần tội ác tập đoàn việt gian Cộng Sản. tội ác tên Giặc Hồ Chí Minh và bè lũ tay sai việt gian bán nước đã cố tình bưng bít, dấu kín, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, giết hàng chục triệu người dân vô tội, bỏ tù hàng triệu quân cán chính VNCH, bán đất dâng biển, làm nô lê cho Tàu, Nga..v.v..
" Hiểu một thời đại nghĩa là phải lấy con tâm và con mắt lịch sử, nghiệm qua các thời đại để mà đứng trên nền tảng với điều kiện đó để mà hiểu thời đại đó.""[HH-trang45]
" Để phục hưng và phục hoạt, phải lấy một con mắt nghiêm ngặt Việt, đứng siêu nhiên trên lập trường Việt, thi thiết bằng những chính sách và kế hoạch siêu nhiên và nghiêm ngặt, có một thái độ nghiêm ngặt và siêu nhiên lịch sử Việt."[HH-trang45]



HOME-Tro Ve Trang Chinh




Thursday, July 29, 2010

Quảng Trí-Phim 2012 qua cái nhìn của người học Phật

Phim 2012 qua cái nhìn của người học Phật
Quảng Trí


Bộ phim 2012, hay có thể hiểu là Đại họa năm 2012, do Roland Emmerich đạo diễn, Công ty Sản xuất và Phát hành phim Columbia Pictures phát hành và bắt đầu trình chiếu ở nhiều nước trên thế giới từ ngày 11-11-2009. Đây là một bộ phim rất được nhiều người quan tâm với nhiều lời bình luận khác nhau, có cả tích cực lẫn tiêu cực. Và bộ phim đã đem lại doanh thu rất lớn cho nhà sản xuất.

Phim diễn tả sự hủy diệt của trái đất do những thảm họa động đất và sóng thần gây nên. Bộ phim này lấy nguồn cảm hứng từ tác phẩm “Những dấu vân tay của Thượng đế” (Fingerprints of the Gods) của tác giả Graham Hancock. Và nó còn căn cứ vào lịch của người Mayan, theo lời dự đoán trong lịch này thì thế giới sẽ bị hủy diệt hoàn toàn vào ngày 21-12-2012.

Theo như những tình tiết trong phim 2012, nguyên nhân dẫn đến ngày tận thế của trái đất là sự tập hợp thành hàng của những thiên thể trong hệ mặt trời, điều này tạo nên những tia bức xạ ngắn trong ánh nắng của mặt trời và nó khiến cho trung tâm điểm của trái đất bị hỗn loạn, dẫn đến hàng loạt các trận động đất kinh hoàng diễn ra ở khắp nơi. Kéo theo đó là nhiệt độ của trái đất tăng lên đột ngột khiến băng ở hai cực tan nhanh, rồi sóng thần, lũ lụt diễn ra trên khắp địa cầu. Trước sức tàn phá kinh hoàng của những thiên tai, toàn bộ thế giới bị hủy diệt, những công trình đồ sộ, những tòa nhà kiên cố, ngay cả tượng Nữ thần Tự do, một biểu tượng của nước Mỹ cũng bị sụp đổ, và thậm chí ngay cả những đỉnh núi cao của dãy núi Hymalaya, mái nhà của thế giới, cũng bị nhận chìm trong dòng nước cuồn cuộn của những cơn sóng thần kinh hoàng. Qua đó, chúng ta có thể cảm nhận một cách sâu sắc về sự vô thường của cuộc sống. Tất cả mọi sự vật hiện tượng trong thế giới này có sinh ra thì sẽ có lúc bị mất đi, bị tàn hoại, dù cho những thứ đó có kiên cố đến mức nào, dù người ta có yêu quý và tự hào về nó đến đâu đi nữa cũng không thể nào nắm giữ, bảo tồn mãi mãi. Ngay cả mạng sống của mình còn chưa giữ được thì nói gì đến việc bảo vệ những vật bên ngoài thân. Vô thường là định luật chung của kiếp sống. Chính vô thường mà mọi sự vật hiện tượng hình thành và phát triển để rồi đi đến giai đoạn tàn hoại. Chúng ta không thể nào thay đổi được định luật này. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là tìm cách kéo dài khoảng thời gian tồn tại và phát triển của các sự vật, hiện tượng.

Những tác nhân chính dẫn đến sự tàn hoại của môi trường tự nhiên và suy nhược sức khỏe ở con người là do sự khai thác, phá hủy thế giới tự nhiên của con người; do khí thải công nghiệp, chất thải y học của loài người vượt quá sức chịu đựng của trái đất; do sự giết hại các loài động vật dẫn đến sự mất cân bằng trong hệ sinh thái, khiến những trận thiên tai kinh hoàng xảy ra. Ở đây, bộ phim 2012 đã đóng vai trò như là một tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người trong vấn đề bảo vệ môi sinh, môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Chúng ta cần phải dừng lại việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ, chấm dứt nạn phá rừng, hạn chế việc giết hại sinh vật, xử lý các chất thải, khí thải một cách hợp lý để giữ cho hệ sinh thái ở mức cân bằng. Nếu không thì chính chúng ta rút ngắn vòng đời của chúng ta, chính chúng ta bức tử trái đất, khai tử thế giới loài người.

Khi được các nhà khoa học dự báo ngày đại họa sẽ xảy đến cho trái đất, những nhà cầm quyền đã bắt đầu một cuộc chay đua với thời gian. Họ đã lập kế hoạch kiến tạo những con tàu đặc biệt để làm phương tiện di tản cho nhiều người thoát qua nạn đại hồng thủy, họ gọi những chiếc tàu đặc biệt này là Ark. Từ “Ark” này được lấy từ sự tích ông Noah đã dùng chiếc thuyền Ark để gia đình ông và các loài vật khác đi tránh nạn đại hồng thủy trong kinh Cựu ước. Theo như trong phim, người ta tạo ra những con tàu đặc biệt này để những nhà lãnh đạo, những nhà khoa học hàng đầu và những người đặc biệt có thể lên những con tàu đặc biệt ấy để di tản. Vì sự kiện này mà nhiều nhà khoa học đã bị ám sát trước khi đại họa xảy ra vì họ tìm cách thông báo cho công chúng biết về đại họa và tiết lộ bí mật về kế hoạch kiến tạo và địa điểm của những con tàu. Ở đây, chúng ta nhận thấy một điều hết sức quan trọng, đó là trong nghịch cảnh, trong những lúc nguy kịch nhất mới thấy rõ lòng người. Những lúc nguy kịch ấy, những điều xấu xa nhất cũng như những điều tốt đẹp, cao cả nhất của con người mới thể hiện rõ, đó là thời điểm trọng đại để người ta thể hiện lòng vị tha quảng đại hay là sự ích kỷ to tướng của mình.

Chính trong thời điểm quyết định sự sống còn của bản thân, nhiều người đã bỏ mặc sự sống chết của người khác, giẫm lên trên sinh mạng của người khác để giành lấy cơ may sống sót cho riêng mình. Trong khi đó cũng có không ít người đã cứu giúp người khác với tất cả khả năng của mình cho đến giây phút cuối cùng, thậm chí họ đã không màng đến sự sống chết của bản thân. Điển hình cho lòng vị tha, hy sinh quảng đại này là Tổng thống Wilson, người đã quyết định ở Thủ đô Washington D.C. để thông báo cho mọi người biết những thiên tai kinh hoàng sắp xảy ra và cũng là để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát với mọi người trong khi người con gái và những quan chức thân cận của ông nài nỉ ông lên đường đi đến những con tàu đặc biệt để di tản, và cuối cùng ông đã bị chết trong cơn sóng thần ghê rợn. Bên cạnh đó còn có Jackson Curtis, người đã bất chấp mọi nguy hiểm để đưa người vợ cũ và hai con của mình đi di tản. Và cũng chính Jackson đã bất chấp cả tính mạng, lặn xuống khoang tàu, gỡ những vật vướng kẹt ở các bánh răng để có thể đóng kín cửa con tàu lại, cứu mạng cho tất cả mọi người ở trên tàu. Vì nếu Jackson không làm điều đó thì con tàu không chạy được, nó sẽ bị chìm, tất cả mọi người và cả Jackson đều phải chết.

Chúng ta hãy nghĩ xem, vì mục đích gì mà chúng ta muốn tiếp tục duy trì sự sống của nhân loại? Và nếu chúng ta đánh mất nhân phẩm, đánh mất thiện tâm của mình, thờ ơ trước sự đau khổ, chết chóc của người khác thì chúng ta sống có ý nghĩa gì nữa không? Để làm một con người văn minh, để xứng đáng là một con người thì chúng ta phải có lòng nhân đạo, và đối xử với nhau một cách văn minh, đầy tình người. Điều này đã được Adrian Helmsley, một nhà địa chất học và là người quan trọng trong nội các của chính phủ Mỹ, nhấn mạnh rằng: “Ngay khi chúng ta không còn tranh đấu cho lợi ích của người khác, thì lúc đó chúng ta đã đánh mất đi nhân phẩm của mình”. Và ngay tại thời điểm quan trọng nhất, quyết định đến sự sống còn của số đông, đó là lúc đưa ra quyết định có nên mở cửa những con tàu Ark để cho rất nhiều người đang đứng trên bờ có thể lên tàu hay không, thì hầu hết mọi người nắm quyền lãnh đạo ở trên tàu đã tán đồng quyết định mở cửa tàu. Điều này muốn nói lên rằng, điều quý nhất ở con người đó là lòng nhân đạo, là tình người, chính điều này đã nâng con người lên một tầm cao mới, khác biệt với các loài động vật, nếu con người còn tồn tại mà mất hết nhân tính thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Sự xuất hiện hình bóng những vị Tăng sĩ người Tây Tạng ở trong phim cũng đã làm cho bộ phim thêm phần sâu sắc và giá trị. Trong đó, vị Rinpoche uyên bác đã nhắc lại lời dạy cốt tủy của bản kinh Kalamas với người đệ tử tên Nima khi vị đệ tử này nói lên sự hoài nghi về sự im lặng ghê rợn của núi rừng vào thời điểm đó: “Đừng tin vào bất cứ một điều gì, đơn giản chỉ vì con đã nghe người ta nói”. Và vị Rinpoche này đã lặp lại sự tích cổ trong nhà thiền, ngài đã rót cho Nima một ly trà cho đến khi nó tràn ra ngoài, và nói với Rima rằng: “Giống như ly trà này, tâm con đã đầy những định kiến, và phán xét. Muốn thấy được ánh sáng trí tuệ, thì trước tiên con phải làm cho ly nước của con trống rỗng đã”. Vâng, chúng ta không nên vội tin những lời đồn đại, bởi vì có nhiều thông tin bịa đặt, không xác thực, và bị phóng đại rất nhiều. Chúng ta nên học cách kiểm chứng các nguồn thông tin. Điều này sẽ giúp ta tránh được sự lo sợ, hoang mang không đáng có. Và chúng ta nên gạt bỏ những ý kiến chủ quan, những định kiến của mình, cởi mở lòng mình để học hỏi và tiếp thu ý kiến của người khác. Một điều đáng chú ý nữa là câu trả lời của Rima khi người gác cổng bến cảng yêu cầu anh ta không được dẫn theo những người khách lạ: “Tôi là đệ tử của một vị Rinpoche vĩ đại, tôi không thể làm điều đó. Tất cả chúng ta đều là con dân của bà mẹ trái đất”. Quả đúng như vậy, tất cả chúng ta là con dân của trái đất này, chúng ta phải biết bảo vệ và đùm bọc lẫn nhau, phải đối xử thân thiện với nhau. Chúng ta là anh em của nhau. Và biết đâu trong vòng luân hồi sanh tử, chúng ta đã từng là cha mẹ, anh em, bà con ruột thịt của nhau. Có ai nhẫn tâm bỏ mặc sự sống chết của người thân, của cha mẹ mình?

Hình ảnh một vị lão Tăng người Tây Tạng, ngài Rinpoche, sống trong một ngôi chùa hẻo lánh trên đỉnh Hymalaya ngồi tĩnh tại uống trà, trong khi mọi người đang chạy loạn, nước đang dâng lên cuồn cuộn, và khi nước ngập đến đỉnh Hymalaya, chuẩn bị nhận chìm ngôi chùa của mình, vị lão Tăng này đã đi đến bên Đại hồng chung, đánh lên những tiếng chuông hùng hồn và chốc lát sau thì tất cả đều chìm trong biển nước. Sức mạnh tâm linh, hay sự định tĩnh của những người tu hành đã thể hiện một cách ấn tượng. Dù phải đối diện với sự thật phũ phàng thế nào đi nữa, tâm họ vẫn luôn bình tĩnh, minh mẫn. Dù cái chết cận kề, họ vẫn không âu lo, vì họ hiểu sâu sắc định luật vô thường của kiếp sống. Và với họ, sự chết không có gì đáng sợ, bởi họ không luyến tiếc bất cứ thứ gì ở đời nữa. Chính vì thế mà trong những giây cuối cùng của sự sống, ngài Rinpoche đã đủ định tĩnh đánh lên những tiếng chuông Đại hùng, để cảnh tỉnh nhân sinh và đánh thức nhân tâm.

Và trong đoạn cuối của bộ phim, tác giả một lần nữa đề cao tính nhân văn, tình thương yêu của con người, mà cụ thể ở đây là tình cảm gia đình, tình thương yêu của cha mẹ và con cái, khi người con gái của Jackson hỏi lúc nào thì họ về nhà, Jackson đã đáp lại rằng: “Chúng ta sẽ tìm một nơi nào đó để sống, ở đâu mà các thành viên trong gia đình được sống bên nhau, thương yêu nhau thì đấy chính là quê nhà”. Tình thương yêu chính là mái ấm che chở và nuôi lớn con người. Thiếu tình thương yêu thì con người bị cô đơn, lạc lõng.

Một điểm không kém phần quan trọng trong phim 2012 là câu kết của nó trong video clip quảng cáo cho bộ phim: “Sự kết thúc là một sự khởi đầu” (The end is just the beginning). Quả vậy, tất cả mọi sự vật hiện tượng đều vận động và biến đổi, chúng không hoàn toàn triệt tiêu mà chỉ là sự chuyển biến. Sự kết thúc của cái này sẽ tạo nên sự khởi đầu cho một cái kia. Đây cũng chính là ý nghĩa về sự tái sinh mà đạo Phật thường nhắc đến. Tất cả mọi thứ, dù hữu hình hay vô hình, có tâm thức hay không có tâm thức đều luôn vận động và biến đổi. Điều này không có gì huyền bí, siêu hình cả. Định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng cũng cho thấy: “Năng lượng không mất đi và cũng không tự sinh ra, nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác”. Trong phim 2012, khi những người di tản, thoát được nạn đại hồng hủy, họ đã bắt đầu một cuộc sống mới, và lịch sử lại bắt đầu tính từ năm thứ nhất.

Về ngày tận thế, trong Phật giáo không có những lời dự đoán nào, ngoài việc Đức Phật luôn nhấn mạnh rằng mọi vật đều vô thường, trái đất của chúng ta cũng không ngoại lệ; tuy vậy, chúng ta không nghĩ thế giới sẽ bị hủy diệt vào đúng ngày 21-12 -2012 như trong phim diễn tả.

Sự sống rất mong manh. Chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào chứ không nhất thiết là đến năm 2012. Một khi chúng ta ý thức rõ sự vô thường của cuộc sống thì chúng ta sẽ biết quý trọng từng phút giây của sự sống và sử dụng chúng hữu hiệu hơn. Có lẽ đây cũng là thông điệp chính mà phim 2012 muốn gởi đến tất cả khán giả.

Quảng Trí

Sunday, July 25, 2010

Phương Duy-Đọc tiểu luận Bắc di cư Công giáo Việt Nam của Linh mục Peter Hansen

Đọc tiểu luận Bắc di cư Công giáo Việt Nam của Linh mục Peter Hansen

Phương Duy

Lịch sử cận đại Việt Nam nhìn dưới lăng kính hay góc độ nào cũng hiện rõ 2 cuộc di cư vĩ đại đầy nước mắt và cả máu đổ: cuộc di cư từ Bắc vào Nam 1954 có thời hạn kéo dài khoảng 1 năm và cuộc di tản, vượt biên vượt biển ồ ạt tự phát kể từ 30/4/1975 kéo dài đến 20 năm. Cũng có thể cho rằng sau hơn 35 năm chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, cuộc di cư thứ hai này vẫn còn kéo dài cho đến nay dưới nhiều hình thức khác như lấy chồng ngoại quốc, đi lao nô hoặc du học không trở về, du nhập lậu bất hợp pháp thành người Việt “chui” thường được biết với cái tên “người rơm”… Nói một cách đơn giản, cả 2 cuộc di cư là sự bỏ phiếu bằng chân chạy trốn chế độ độc tài toàn trị của cộng sản Việt Nam. Thực tế, đây là 2 biến cố lịch sử trời long đất lở mà các nhà nghiên cứu sử học đã đang và sẽ còn phải sưu tầm đào xới thêm nhiều nữa. Nhân bản dịch của Hiếu Tân “Bắc di cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc Việt Nam và vai trò của họ tại Cộng hòa miền Nam 1954-1959[1] (tiểu luận của tác giả ngoại quốc Peter Hansen bàn về một khía cạnh của cuộc di cư 1954[2]), người viết, từng là một trong đoàn người ra đi đông đến cả triệu người ấy, nhưng lúc đó đang ở trong độ tuổi lên ba, còn quá nhỏ để hiểu biết tường tận hơn về biến cố, nay có dịp nhìn lại qua sự tham khảo và những nhận định tương đối khách quan của một nhà nghiên cứu ngoại quốc về những biến cố lịch sử trọng đại. Từ bài tiểu luận này, người viết tìm thấy một số dữ kiện khá mới của tác giả liên quan đến vai trò của người Bắc di cư Công giáo tác động đến xã hội miền Nam Việt Nam sau cuộc di cư vĩ đại đó. Xin được chia sẻ những dữ kiện này và người viết cũng xin có thêm một số nhận định riêng về vai trò của người Bắc di cư Công giáo Việt Nam còn ảnh hưởng tới đất nước cho đến tận ngày hôm nay cả trong và ngoài nước.

Sơ lược về tác giả Peter Hansen

Peter Hansen, có tên Việt Nam là Hàn Sơn Thạch (Thạch= Đá=Peter, Hàn Sơn = Hansen), nguyên là một luật sư, đã có thời gian làm việc thiện nguyện tại một số trại tỵ nạn Hồng Kông và Philippinnes trong những năm đầu 90s nơi ông làm quen với cộng đồng Việt Nam và từ đó dẫn đến việc đam mê nghiên cứu tìm hiểu các vấn đề Việt Nam và châu Á. Trở về Úc, ông từ bỏ nghề luật sư để vào tu viện và thụ phong chức linh mục Công giáo năm 1996. Người viết đã có dịp gặp gỡ Linh mục Peter Hansen khoảng mười năm trước đây khi ông được chỉ định làm Linh mục phó xứ nơi mình đang sinh sống. Cởi mở, đơn giản, bình dị, nói tiếng Việt khá lưu loát, từng thuyết giảng bằng tiếng Việt cho người Việt trong thánh lễ với lối nói dí dỏm, khôi hài, đó là những gì người viết còn nhớ trong quãng thời gian quen biết ông khoảng một năm ngắn ngủi. Sau đó Linh mục được chỉ định làm giám đốc trung tâm Mary of the Cross, một trung tâm cố vấn và giúp đỡ cho những người ghiền rượu và ma tuý của giáo phận Melbourne. Chính trong thời gian này, với kinh nghiệm nghề luật trước đó, Linh mục đã cùng với một tổ hợp luật sư Úc phối hợp tra cứu pháp luật và tìm kiếm chứng cớ để giải bày các trình tự tố tụng liên quan đến công việc nhắm cứu mạng (bất thành) cho tù nhân Nguyễn Tường Vân bị bắt và bị treo cổ về tội mang lậu bạch phiến tại Singapore năm 2005. Tuy thất bại trong việc cứu sinh mạng của Nguyễn Tường Vân, Linh mục Peter Hansen cùng với những tổ chức chống án tử hình đã gây được tiếng vang khi làm cho tang lễ của Nguyễn Tường Vân, một tử tội tầm thường bỗng trở nên quan trọng, trở thành một đề tài tranh cãi cả trong truyền thanh báo chí đến công luận nước Úc.[3]

Peter Hansen tốt nghiệp MA tại Đại học Monash, Tiến sĩ thần học về lịch sử Giáo hội tại Đại học Melbourne. Hiện là linh mục chánh xứ một họ đạo tại Melbourne, và là giảng viên tại trường Đại học Công giáo Melbourne, khoa Lịch sử Giáo hội Á châu.

Sơ lược một số điểm chính yếu trong tiểu luận

Ngay chủ đề đã nói lên ý chính của tiểu luận là khảo sát về nguồn gốc của người Bắc di cư Công giáo tỵ nạn cộng sản và vai trò của họ tại miền Nam Việt Nam. Trong tiểu luận này, Linh mục Peter Hansen phản bác 2 luận điệu thường được hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong giai đoạn này khai thác sử dụng, nhưng ông cho là cách hiểu sai về Bắc di cư. Một là quan điểm cho rằng người Bắc di cư hầu hết là do những cố gắng tuyên truyền, lôi kéo của CIA hay các cơ quan chính phủ khác của Hoa Kỳ. Hai là quan điểm cho sự tái định cư của họ ở trong và chung quanh Sài Gòn là một chủ mưu có tính chiến lược của chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm bảo vệ chế độ. Tác giả đã tham khảo nhiều tài liệu liên quan bao gồm các học giả Việt Nam trong và ngoài nước, các tài liệu của Hoa Kỳ, Âu, Á, cũng như của giáo hội Công giáo toàn cầu với phần phụ chú cho người đọc có thể tìm và nghiên cứu thêm về nguồn gốc của những dẫn chứng. Đồng thời, ông cũng cất công đi đến Việt Nam để ghi lại một số những nhân chứng sống nói về kinh nghiệm của họ trong giai đoạn di cư này.

Phản bác luận điệu 1

Để bác bỏ luận điệu 1, cho rằng người Bắc di cư bị lôi kéo dụ dỗ của những người như đại tá Edward Landsdale của CIA hay ông Ngô Đình Diệm qua các phương tiện như rải truyền đơn hoặc tuyên truyền khác mà người cộng sản Việt Nam thường xuyên tạc như các hành động rỉ tai: Chúa, Mẹ đã vào Nam…, Linh mục Peter Hansen cho rằng luận cứ này chỉ tập trung vào mỗi khía cạnh chính trị vào lịch sử sau 1954 của người di cư mà bỏ qua những khía cạnh quan yếu khác: tôn giáo, tập quán và văn hoá của người miền Bắc, sự xung đột lương giáo, mối hiềm khích giữa khối Công giáo miền Bắc và chính quyền cộng sản lúc bấy giờ. Ông đưa ra những lập luận sau:

- Đối với người Việt, quê cha đất tổ là một ràng buộc rất linh thiêng, tối quan trọng. Họ không thể vì cuồng tín mà bị lừa bởi những mánh khoé mưu mô đơn giản như thế. Chính Lansdale cũng không tin lý thuyết chiến tranh tâm lý của ông ta là nguyên nhân chủ yếu cho cuộc di cư khi ông phát biểu rằng người ta không đơn giản từ bỏ đất đai nhà cửa, mồ mả tổ tiên để ra đi chỉ vì một mảnh truyền đơn, vài khẩu hiệu.

- Chính quyền Ngô Đình Diệm vừa mới thành lập, còn quá non trẻ, không đủ sức xúi giục, cưỡng ép một lượng khổng lồ người di dân cả triệu người mà ngay cả đặt vào tay một siêu cường như Hoa Kỳ cũng gặp rất nhiều khó khăn, nói chi đến chuyện dụ dỗ và cưỡng ép người miền Bắc phải di cư vào Nam. Đây chẳng qua là một câu nói của nhà cầm quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (cộng sản Bắc Việt) đã trở thành một công thức định sẵn cho sự tuyên truyền.

Vậy tại sao có quá nhiều người Bắc di cư vào Nam mà đa số là người Công giáo? (Số liệu chính thức của Việt Nam Cộng hòa biên soạn tháng Mười 1955: 676.348 người Công giáo (76.3%), 209.132 là Phật giáo (23.5%), 1041 Tin Lành (0.2%) trên tổng số Bắc di cư). Linh mục Peter Hansen đưa ra những lý do:

- Sự thù hằn giữa giáo hội Công giáo và chính quyền của Hồ Chí Minh. Sự thù hằn này bắt nguồn từ ý tưởng đánh đồng của nhà cầm quyền Hà Nội cho rằng Công giáo Việt Nam là tay sai của thực dân Pháp và đã có nhiều vụ kết tội, ám sát, thủ tiêu gần như trở lại thời kỳ cấm đạo, đến nỗi người Công giáo phải lập ra những biệt khu tự bảo vệ chống Việt Minh mà nổi bật nhất là biệt khu Phát Diệm.

- Sự hiềm khích lương giáo ngay tại các làng xã thôn xóm miền Bắc còn rất sâu đậm, hơn hẳn miền Nam, phát xuất từ việc Công giáo bị coi là tà đạo và bị cấm đoán từ những triều đại phong kiến cũ, cho dù việc cấm đạo trong thời thực dân đã không còn nữa. Sự hiềm khích thường dẫn đến va chạm xung đột, có khi dẫn đến đổ máu, đến nỗi người Công giáo Bắc khắp miền Bắc thường phải sống biệt lập, co cụm thành từng nhóm để tự bảo vệ nhau. Lối sống biệt lập này của Bắc di cư Công giáo đã được mang theo vào miền Nam và ngày nay vẫn còn tồn tại ở trong nước và khá đông ở hải ngoại. Khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thái độ thù hằn, kết án họ như những tay sai của Pháp, đồng thời kích động xúi dục người lương (không công giáo) sỉ nhục, tàn phá người Công giáo Bắc khiến họ lo sợ cho tài sản, tính mạng của họ.

- Một số ra đi vì nạn đói kém. Họ coi việc di cư vào Nam, nơi đất rộng người thưa, và lời đồn đại về sự trù phú màu mỡ như một phương trời mới cho sinh kế.

- Một số từng làm việc hành chánh, quân sự cho người Pháp lo sợ cho an nguy của gia đình họ, không thể ở lại với chính quyền Việt Minh…

- Một số đông (Thanh, Nghệ, Tĩnh) quá khiếp sợ các màn kể tội, đấu tố trong các phong trào phản phong diệt thực, cải cách ruộng đất. Đặc biệt là những người dân đang sống trong những vùng do Việt Minh kiểm soát.

- Một số ra đi để được tự do hành đạo, vì họ tin vào người lãnh đạo miền Nam, ông Ngô Đình Diệm là một người đồng đạo.

- Yếu tố quan trọng nhất dẫn đến số đông người Bắc di cư Công giáo vẫn là sự ảnh hưởng của hàng giáo phẩm Việt Nam. Ảnh hưởng chứ không phải do sự lôi kéo dụ dỗ của các cha cố. Lý do dễ hiểu là vì người Bắc di cư Công giáo gần như tin tưởng tuyệt đối vào hàng giáo sĩ, những người họ coi là đại diện Thiên Chúa. Vì thế, mọi tư tưởng hành động của các vị đối với họ luôn luôn đúng, họ không cần suy nghĩ. Thống kê (trong tiểu luận của Peter Hansen) cho thấy, ngoại trừ Hà Nội là một trong 2 điểm tập trung cho sự di cư, giáo phận nào vị giám mục chọn ra đi thì số linh mục và giáo dân cũng ra đi đông đảo; vị giám mục chọn ở lại thì số ra đi cũng ít ỏi hơn. Niềm tin tưởng tuyệt đối vào chủ chăn này thường được hiểu như đức vâng lời, một tính chất cho đến nay vẫn còn là một đặc thù của người Bắc di cư Công giáo Việt Nam.

Phản bác luận điệu 2: Vai trò của Bắc di cư Công giáo tại miền Nam trong những năm đầu

Các học giả Tây Phương khi nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này của miền Nam thường đi đến kết luận là khối Bắc di cư Công giáo là thành phần chính yếu hậu thuẫn cho chính quyền Ngô Đình Diệm trong việc xây dựng và củng cố chế độ, đồng thời cũng là lực lượng chống Cộng Sản kiên quyết mạnh mẽ nhất. Chính vì thế, chính quyền Ngô Đình Diệm đã lợi dụng họ như một lực lượng bảo vệ thể chế bằng chiến lược tái định cư họ tại ven đô Sài Gòn và các tỉnh lân cận thành một vòng đai quanh Sài Gòn để vừa ngăn chặn sự xâm nhập của cộng sản, vừa ngăn ngừa những nội thù phản loạn trong lòng chế độ. Về điểm này, qua sự nghiên cứu, Linh mục Peter Hansen lại đưa ra những nhận định khác theo từng thời điểm trong ba giai đoạn tái định cư người Bắc di cư.

Giai đoạn 1: trạm tiếp cư trong thời điểm hai miền di chuyển tự do trong ba trăm ngày chiếu theo Hiệp định Paris 1954. Với số lượng khổng lồ cả gần triệu người, Peter Hansen cho rằng đừng nói chi đến chính phủ Ngô Đình Diệm mới ra đời, không một chính phủ nào trên thế giới có thể đối phó với các vấn đề hậu cần liên quan đến người mới tới. Đây là một tình trạng giải quyết cấp thời theo tình hình. Vì thế, trạm tiếp cư là những cơ sở công cộng có sẵn như trường học, nhà thờ, trại lính Pháp đã rút đi, hay những bãi đất trống quanh Sài Gòn, một giải pháp tạm bợ không có tính chiến lược.

Giai đoạn 2: định cư ngẫu nhiên. Bắt đầu từ sau thời điểm kết thúc ba trăm ngày đi lại tự do. Do những bất tiện của các trạm tiếp cư, đồng thời một số cơ sở (nhà thờ, trường học…) phải trả lại cho chủ cũ hoặc cho đúng việc sử dụng. Do người di cư cần tìm kiếm công việc sinh sống, họ chuyển đến những tỉnh liền kế quanh các trung tâm đô thị như Biên Hoà, Gia Định, Long Khánh. Tiến trình này không hoàn toàn do chính phủ điều động, mà thường phối hợp với một uỷ ban tái định cư do một giám mục cầm đầu. Vì vậy, giai đoạn định cư này thường mang hình thức giáo dân theo chủ chăn. Gia Kiệm là điển hình của một vùng mà giám mục Lê Hữu Từ đã chọn định cư cho giáo phận Phát Diệm của mình.

Giai đoạn 3: tái định cư lâu dài, bắt đầu vào cuối năm 1955. Đây mới là những cố gắng mạnh mẽ của chính quyền Ngô Đình Diệm vận động người Bắc di cư theo những kế hoạch định cư nhằm thực hiện những mục tiêu chính trị, an ninh và kinh tế lâu dài. Nhưng trong giai đoạn này, chính phủ không nhằm vào những vùng đô thị đông dân cư để làm vành đai bảo vệ chế độ như kết luận của đa số nhà nghiên cứu sử. Thực tế, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đưa họ đến những vùng dân cư thưa thớt hơn như đồng bằng sông Cửu Long (20 kênh đào Cái Sắn thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang) và kế hoạch định cư dinh điền (cao nguyên Trung Phần: các tỉnh thành Đà Lạt, Pleiku, Buôn Mê Thuột). Kế hoạch này không chỉ nhằm phát triển về kinh tế mà còn là con đê ngăn chặn sự nổi dậy của cộng sản. Kế hoạch tương đối thành tựu vì đa số người Bắc di cư Công giáo là nông dân cần đất đai để sinh sống, vùng đất vào thời điểm tương đối yên bình, đồng thời lại thích hợp với lối sống biệt lập về tín ngưỡng từ miền Bắc của họ. Điều nguy hại mà chính quyền Ngô Đình Diệm không tiên đoán trước được khi có kế hoạch phù hợp với lối sống biệt lập của Bắc di cư Công giáo là nó kìm hãm sự hoà nhập của họ vào nếp sống người dân địa phương miền Nam (kể cả người Công giáo). Hệ quả là từ sự cảm thông trong những ngày đầu di cư đổi thành niềm oán hận của dân địa phương đối với cả chính quyền Ngô Đình Diệm lẫn người Bắc di cư Công giáo mà họ (dân miền Nam) cho là được quá ưu đãi. Có thể nói điều này đã góp phần vào những biến động chính trị những năm sau đó, dẫn đến sự sụp đổ của nền đệ Nhất Cộng hoà tại miền Nam Việt Nam và cái chết của anh em ông Ngô Đình Diệm.

Kết luận: vài điều lý thú rút ra từ tiểu luận

Như trên đã nói, người viết là một thành phần của con số đông đảo Bắc di cư Công giáo vào thời điểm đó, với cảm nhận bất ngờ được nhìn thấy lại mình dưới nhãn quan của một người ngoại quốc nghiên cứu về một phần lịch sử Việt Nam một cách vừa tổng thể lại vừa sâu sắc tỉ mỉ hơn những gì chính bản thân mình đã trải nghiệm. Với khả năng hạn hẹp, người viết không đủ sức thấu hiểu hết những khảo sát của tiểu luận thật chính xác. Tuy nhiên, người viết tìm thấy trong ấy một số nhận định khá kỳ thú:

- Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm thường xuyên có mối bất hoà với hàng giáo phẩm của các giáo khu Bùi Chu và Phát Diệm về vấn đề hai giáo khu này từng hợp tác chặt chẽ với Pháp và Bảo Đại trước 1954. Nhưng cả hai vị giám mục của 2 giáo khu cùng ra đi vào Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm, đem theo đa số các linh mục và giáo dân dưới quyền. Điều này cho thấy cả hai phía lãnh đạo đất nước và lãnh đạo tôn giáo đã có chung mối quan tâm lớn lao về ảnh hưởng nguy hại của một xã hội theo chủ nghĩa cộng sản, một hiểm hoạ cho đất nước và dân tộc như thế nào mà con người cần hợp tác chống lại hơn là chống đối nhau về những dị biệt khác.

- Nhận xét riêng, dù có ý đồ lợi dụng số người di cư lớn lao ngay từ thời điểm này hay không cho những tham vọng chính trị vào những năm sau, anh em ông Diệm đã tỏ lộ sự khôn ngoan trong chính trị với việc gạt bỏ tị hiềm, sẵn sàng hợp tác với những ai có cùng quyết tâm xây dựng một thể chế tự do dân chủ cho một nửa nước. Sau này trong những năm cuối của chế độ, khi có những đồn đại về một liên lạc bí mật giữa hai chính quyền Nam Bắc để giải quyết những xung đột chính trị, quân sự giữa hai miền Nam Bắc không cần đến bàn tay của người Mỹ, đi tìm một giải pháp cho đất nước giữa người Việt dù đang thù địch chống đối nhau cũng là điều có thể hiểu được.

- Lối sống biệt lập tôn giáo của Bắc di cư Công giáo, theo sự tham khảo của Linh mục Peter Hansen, bắt nguồn từ một giáo hội với những trang sử đẫm máu các vị tử đạo , dẫn đến sự thù nghịch lương giáo ngay trong cùng một xóm làng trải qua nhiều thế hệ thành một nỗi lo sợ ám ảnh, lại bị đồng hoá là Việt gian (tay sai của Pháp). Đây là lối sống hầu như không hiện hữu tại miền Nam. Người viết cho rằng, ngoài yếu tố tín ngưỡng trên, hình thức sinh hoạt làng xã riêng biệt trong lũy tre làng của miền Bắc (miền Nam cũng không có hình thức này) cũng góp phần tạo nên lối sinh hoạt biệt lập của người Bắc di cư Công giáo. Mặc dù sau cuộc di cư, mối nghi kỵ lương giáo tại miền Nam hầu như không xảy ra, lối sống biệt lập của họ mang từ miền Bắc vào vẫn giữ nguyên, và cho đến ngày nay ra tới hải ngoại, dù không sống co cụm lại với nhau, một số nơi vẫn có những sinh hoạt tôn giáo nguyên trạng thuở trước, đàn chiên đi theo và ngoan ngoãn vâng lời chủ chăn. Một tồn tại mang tính bảo thủ.

- Có sự khác biệt về lề lối sinh hoạt của hai giáo hội Nam và Bắc: giáo hội miền Bắc kiên quyết và chậm thích ứng trong hội nhập nhưng tôn giáo lại có tính cách nhập thế đi sâu vào hoàn cảnh xã hội và không ngại lên tiếng về những vấn đề chính trị. Giáo hội miền Nam mềm mỏng, hoà đồng nhưng giới hạn lằn ranh giữa đạo và đời quá rạch ròi đến mức xa rời thực tế. Phải chăng từ sự khác biệt này mà trong những năm tháng gần đây, chúng ta nhìn thấy những va chạm xung đột giữa Công giáo Việt Nam và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (Toà Khâm sứ, Thái Hà, Tam Toà, Đồng Chiêm…) thường xuyên xảy ra trong các giáo khu miền Bắc hơn là trong các giáo khu thuộc miền Nam? Và một điều đáng ghi nhận nữa là mặc dù vẫn giữ nguyên lối sống biệt lập tôn giáo từ miền Bắc đưa vào, hàng giáo phẩm và nhiều giáo dân Bắc di cư tại miền Nam lại đã thấm nhuần lề lối sinh hoạt mềm mỏng và giới hạn đạo đời để đứng ngoài các lĩnh vực mà họ lên án là mang màu sắc chính trị, hoặc đau đớn hơn, tránh né cả các vấn nạn xã hội (giáo dục, phá thai, tham nhũng, cường quyền) với lời biện giải đó là những phạm vi ở ngoài tín lý không có trong quy luật của Giáo hội Công giáo?

15/7/2010

© 2010 Phương Duy


[1]Bắc di cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc Việt Nam và vai trò của họ tại Cộng hòa miền Nam 1954-1959”, Hiếu Tân dịch. Tạp chí talawas, số Mùa Xuân 2010, chuyên đề: Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam.

[2] “Bắc di cư: Catholic Refugees from the North of Vietnam, and Their Role in the Southern Republic, 1954–1959”, Peter Hansen, Journals of Vietnamese Studies, Oct 2009, Vol. 4, Issue 3 (pps: 173 -211).

[3]Australia, đất nước của sự bao dung”, Phương Duy ( DCVonline – Người Việt Hải Ngoại – 11/12/2005).

THẾ HUY-Trả lại sự thật cho lịch-sử về việc Sư-Đoàn 3 BB lui quân tại Quảng-Trị vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Trả lại sự thật cho lịch-sử về việc

Sư-Đoàn 3 BB lui quân tại Quảng-Trị vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

THẾ HUY, Paris.

Năm nay, tháng 7/2010, trong dịp nghỉ hè tại Mỹ, chúng tôi gặp một số sĩ quan Sư-đoàn 3BB cư-ngụ tại vùng Nam California. Trong cuộc trao đổi, anh em nhắc lại kỷ niệm của những ngày binh-lửa, trong đó có cuộc lui quân của các đơn vị thuộc SĐ3 trên “Đại Lộ Kinh-Hoàng” năm 1972.

Sự kiện đó đã khơi lại trong tôi nỗi bẽ bàng, đắng-cay về một trận đánh oan-khiên tới độ phi-lý mà các đơn-vị trú-phòng tại đây đã phải gánh-chịu và đấy cũng là những băn-khoăn, thắc mắc nằm sâu trong ký-ức tôi từ hơn 38 năm rưỡi qua.

Tưởng cũng phải nói ngay rằng: Khi cuộc lui quân để tái phối trí này xảy ra, tôi đang làm việc tại Ban Nghiên-cứu và Kế hoạch Đặc-biệt, dưới quyền Tr/tá Phạm-Đức-Lợi (1) thuộc Phân Khối Không-Ảnh/Phòng 2/Bộ Tổng Tham-Mưu.Nhiệm-vụ của chúng tôi là ghi nhận tất cả mọi diễn- biến, mọi đổi thay trên toàn lãnh thổ Miền Bắc và các hoạt động địch trên Đường Mòn HCM. Trung bình mỗi tuần, chúng tôi có 2 hoặc 3 nhiệm ảnh do Hoa kỳ cung-cấp. Chúng tôi khẳng định là TT Thiệu, Thủ-Tướng Khiêm và Đ.Tướng Viên nắm rất rõ tình-hình và biết chắc rằng VC sẽ tấn công qua vùng Phi-Quân-Sự. Ba vị lãnh đạo cao nhất đã được chúng tôi đệ trình những tấm Slides được phóng lớn với đầy đủ chi tiết từ cuối năm 1971 cho đến ngày xảy ra trận chiến vào cuối tháng 3/72 vì từ mùa thu 1971, VC đã ráo riết đưa hàng đoàn xe ủi đất và dân công để làm một lộ trình mới từ đường mòn HCM đi về hướng đông nam đến tận vùng Phi-quân-Sự.Con đường này đã được hoàn tất vào khoảng tháng 1/72. Những tin tức tình báo kỹ thuật cũng xác nhận sự kiện đó. VC còn thiết lập các vị trí hỏa tiễn SAM, pháo 130 ly và hoả tiễn 122 ly ngay cạnh vùng Bắc PQS. Điều đó có nghĩa là các căn-cứ hoả lực cuả ta tại vùng Nam Bến-Hải đều nằm trong tầm pháo cuả VC. Mỗi chiều thứ sáu, Đại-tá Phạm-ngọc-Thiệp, Trưởng P2/TTM đều thuyết trình trước ba vị lãnh-đạo quân sự cao nhất cuả VNCH về tình hình QS tại toà nhà chính Bộ TTM, nhưng những hoạt-động địch tại phía Bắc vùng PQS vẫn tiếp tục. Hơn thế nữa, khi VC làm tiếp đoạn đường này xuyên qua sông Bến Hải vào tận vùng Phi-quân-Sự phía Nam mà vẫn không thấy bên ta động tĩnh gì, mặc dù nhiều lần chúng tôi đã xin Không Quân HK oanh-kích. Sự bỏ ngỏ và thái-độ khó hiểu cuả các giới chức Việt/Mỹ lúc đó đã làm cho chúng tôi hết sức kinh- ngạc.

I. Mạn đàm với Chuẩn-tướng Vũ-văn-Giai, Cựu Tư-lệnh SĐ3BB:

Cuộc trò truyện với các chiến hữu SĐ3 khiến tôi nghĩ đến việc tìm hiểu thêm để viết về những điều đã khiến tôi bận tâm và băn khoăn từ mấy chục năm qua. Bởi vậy, tôi ngỏ ý muốn gặpTướng Giai để biết thêm về những điều mà tôi nghĩ rằng chỉ có ông mới trả lời chính xác được. Bốn ngày sau, vào trung tuần tháng 7/2010, tôi đến gặp Tướng Giai tại tư gia của ông cũng ở Nam California. Đi cùng với tôi là Tr/tá Nguyễn-tri-Tấn, cựu tr/đoàn phó trung đoàn2/SĐ3. Khi VC tấn công qua sông Bến Hải, ông Tấn là tiểu-đoàn-trưởng TĐ3/2/SĐ3. Ông là người rất gần gũi với Tướng Giai vì đã cùng tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào trước đây.

Vì làm việc chung với Mỹ nên chúng tôi thường sử-dụng các tên ngoại quốc mà người Mỹ đã đặt cho các căn-cứ hoả lực tại vùng nam vĩ-tuyến 17. Do đó,chúng tôi muốn biết là khi VC tấn công, các căn-cứ này do Hoa kỳ hay VN trấn giữ thì Tướng Giai cho hay là hoàn toàn do VNCH trách nhiệm.

Về việc VC sửa soạn tấn-công, Tướng Giai tiết lộ rằng ông đã được cố vấn Mỹ báo trước,nhưng trong cương-vị của mình, ông không thể làm gì hơn được. Khi cuộc chiến xảy ra, các cố vấn Mỹ khuyên ông lui quân để phòng thủ ở tuyến sau vì theo họ, lực lượng trú phòng cuả ta không thể đương cự được.Được hỏi về dư luận cho rằng Tướng Hoàng-xuân-Lãm ra khẩu lệnh cho ông rút quân, nhưng sau đó Tướng Lãm đã phủ nhận để tránh trách nhiệm; Tướng Giai trả lời rằng điều đó không đúng.Ngược lại,ông Lãm muốn SĐ3 giữ nguyên vị-trí, dù áp-lực và các trận địa pháo của địch đã phá vỡ nhiều phòng tuyến khiến các đơn vị phòng thủ hoang mang và vô cùng hoảng hốt.

Tướng Giai cũng cho chúng tôi biết thêm là ngay từ đầu, HK đã chống lại việc thành lập SĐ3 vì họ đã chuẩn bị cho việc rút quân Mỹ ra khỏi VN và không chấp nhận việc tăng quân viện cho VNCH.SĐ3/BB ra đời hoàn toàn do quyết định của Bộ TTM/QLVNCH.Do đó, Mỹ hầu như bỏ mặc cho phía VN xoay trở với những khó khăn tại vùng địa đầu giới tuyến do SĐ này đảm-trách.Sự kiện trên khiến tôi liên tưởng tới cái chết của Đại tá Lê đức Đạt, TL/SĐ23 vì ông không được cảm tình cuả John Paul Vann, người cố vấn Mỹ “rất đặc biệt” tại Quân-đoàn 2 lúc đó.

Trả lời câu hỏi là trước khi VC mở cuộc tấn-công và với tình hình sôi động như vậy, SĐ3 có được tăng cường đặc biệt bằng các đơn vị tổng-trừ-bị hay không; Tướng Giai xác-nhận là các đơn-vị TQLC và BĐQ thì đã được tăng phái cho SĐ3 từ khá lâu.Riêng trong những ngày trước khi cuộc đánh đẫm máu xảy ra thì không có thêm lực lượng nào khác.

Ngoài ra, Cựu TL/SĐ3 còn cho chúng tôi hay rằng: Trước đó một tháng, Tướng Lavelle,Tư-lệnh Không-quân Mỹ tại Thái-bình-Dương vì ra lệnh cho KQ Mỹ bắn cháy một số xe tăng của VC nên ông ta đã bị Mỹ cách chức,lột lon và truy-tố!.

Cũng trong cuộc mạn đàm này,chúng tôi được biết thêm là song song với những biến chuyển cuả tình hình Quảng Trị, Mỹ và VC vẫn tiếp tục gặp gỡ nhau trên bàn Hội Nghị Paris, và từ trước năm 1971,hai bên đã thoả thuận về việc cấm mọi hoạt động của các phi cơ quân sự Việt-Mỹ tại vùng Bắc sông Bến Hải.Sự kiện này khiến chúng tôi hiểu tại sao những bản “Đề nghị mục tiêu oanh kích” mà chúng tôi gửi cho BTL/MACV cuả Mỹ ở Sàigon,vào thời điểm đó, đã không được thực hiện. Đấy cũng là lý do khiến KQ/VNCH từ Đà Nẵng không được phép tấn công và phá hủy ngay từ khi VC bắt đầu mở lộ trình mới từ đường mòn HCM dẫn đến vùng Bến Hải hầu tiếp cận các căn cứ hoả lực và các đơn vị phòng thủ cuả VNCH tại phiá nam cuả vùng PQS.Rõ ràng là HK đã dọn đường và dành mọi điều kiện thuận lợi cho VC tấn công VNCH mà trước đó họ vẫn ca tụng là “Tiền đồn chống Cộng” cuả Thế giới Tự Do.Tổng Thống Thiệu, Đ.T.Viên dư biết các sự kiện đó,nhưng tại sao các ông không tìm một biện pháp nào tương xứng để phòng bị hoặc đối phó? Phải chăng VNCH đã được lãnh đạo bởi những người không đủ đảm lược và tầm vóc ?

Tướng Giai còn cho chúng tôi hay rằng cũng vào thời điểm này, TT Thiệu tuyên bố ngụ ý rằng đây sẽ là mồ chôn cuả VC.

Chúng tôi hỏi là: Về tương quan lực lượng giữa ta và địch trước khi VC tấn-công vào vùng hoả tuyến, niên-trưởng có nghĩ rằng việc sử dụng một sư-đoàn tân-lập với một quân số phức-tạp như SĐ3/BB để đương đầu với một lực lượng VC có một quân số nhiều lần lớn hơn và được tăng, pháo yểm trợ mạnh-mẽ; là một sai lầm nghiêm-trọng của Bộ TTM ở Sàigon hay không? Tướng Giai không trả lời, ông mỉm cười,một nụ cười héo hon, chua xót khiến chúng tôi chạnh lòng và xúc-động.Những thắc mắc của chúng tôi hầu như đã được giải tỏa. Hơn nữa, chúng tôi không muốn khơi lại vết thương lòng của một vị tướng vừa được vinh thăng tại mặt trận,nhưng chỉ it lâu sau đó, bị tước đoạt binh-quyền và khi VC chiếm được Miền Nam, ông lại bị Cộng Sản đọa đầy thêm 13 năm nữa. Ông hiện sống âm thầm, ẩn-dật và khép kín trong một chung cư dành cho người già cùng người vợ yếu đau và chính ông, sức khoẻ cũng không được khả quan lắm.

Có lẽ vì định mệnh, khi BTL SĐ3/BB di chuyển về căn cứ Hoà Khánh tại phiá nam đèo Hải Vân, gần Ngã Ba Huế; tôi được thuyên chuyển từ Sàigon ra tăng cường cho P2/SĐ3.Ngay sau khi trình diện Ch/Tướng Hinh TL/SĐ3,tôi được gửi ra BTL Tiền phương đóng tại Hương An và đi bay với các toán trực thăng Mỹ trong các cuộc hành quân “lấn đất giành dân” trước khi bản Hiệp Định Paris được ký kết vào ngày 27/01/1973. Trong gần ba năm, tôi đã chứng kiến điều kiện chiến đấu khó khăn cuả các đơn vị tiền đồn và tôi hiểu rằng Miền Nam sẽ mất vào bất cứ lúc nào.

Tiếp liệu và đạn dược bị hạn chế tối đa.Một viên đạn bắn đi là kho đạn trung ương hao đi một ít vì không được bổ sung.Nguyên tắc “một đổi một” được quy định trong HĐ Paris không được phía HK thực hiện. Điều đó có nghĩa:VNCH là một con bệnh mắc chứng nan y nằm chờ chết!. Chiến đấu trong hoàn cảnh đó là chiến đấu trong nỗi tuyệt vọng.Ai chịu trách nhiệm về việc này?

Tại Ngã Ba Huế, tôi chứng kiến cảnh dân quân VNCH từ Huế vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng trong những ngày 21-22/3/75. Đúng một tuần lễ sau, lúc 00giờ20 ngày 29/3/75, tôi cũng là một trong những người sau cùng rời Căn cứ Hoà Khánh bằng đường bộ sau khi Tướng Hinh và một số sĩ quan cao cấp nhất có mặt tại BTL/SĐ3 lên trực thăng bay ra tàu Mỹ đậu ngoài khơi gần Đà Nẵng. Hai mươi mốt ngày sau, tôi tìm về được với gia đình và người thân ở Sàigon đúng 10 ngày trước khi thủ đô cuả VNCH rơi vào tay CS.

I I. Phân-tích và nhận định về cuộc lui quân để tái phố trí của SĐ3/BB khỏi Quảng-Trị năm 1972:

Chúng tôi không nhắc lại chi-tiết của các trận đánh vì trong suốt mấy chục năm qua, nhiều tác- giả tham-dự trong biến cố này đã viết khá đầy đủ.Hơn nữa, đó cũng không phải là chủ-đích của bài viết này.

Theo quan niệm của chúng tôi thì sự thành công hay thất bại, dù huy-hoàng hay chua xót tới đâu, chúng ta cũng có thể phân-tích và nhận-định một cách khách-quan để từ đấy, rút ra những kinh-nghiệm hữu-ích cho các thế hệ tương lai, nhất là những thất bại, để con cháu chúng ta không rơi vào vết xe đau thương và bẽ bàng cuả ông cha chúng.

Để nhìn vấn-đề một cách trung-thực và chính xác hơn, chúng ta phải nhìn từ “góc cạnh chính trị” của cuộc chiến VN vào thời điểm đó.Tuy nhiên, trên bình-diện thuần túy quân-sự,qua việc thất bại ấy, chúng ta ghi nhận những khuyết điểm sau:

1. Thành phần:

Thành phần chủ-lực cuả SĐ3 là Tr/đoàn 2 lấy ra từ SĐ1.Đặc biệt, Tr/đoàn này có tới 5 tiểu đoàn.Khi được chuyển qua SĐ3 thì 3 tiểu đoàn ở lại với Tr/Đ2. Đây là một đơn vị dạn dày tác-chiến và nổi danh từ lâu tại vùng giới tuyến. Nhưng hai trung đoàn 56 và 57 thì mỗi trung đoàn có một tiểu đoàn còn lại cuảTr/Đ2 trước kia và một tiểu đoàn lấy ra từ SĐ2BB; số còn lại là các tân binh quân-dịch, địa phương quân, nghĩa quân và lao công đào binh chưa có kinh nghiệm chiến-trường mà đột nhiên phải đối mặt với một trận đánh bốc lửa có cả tăng, pháo và các loại vũ khí nặng của VC đánh phủ đầu thì việc thất trận không làm ai ngạc nhiên.Vả lại, chúng ta đừng quên rằng SĐ3 và các đơn-vị tăng phái đã phải đối-đầu với một lực lượng địch đông gấp 3 lần về quân số, và chiến trường đã được VC sửa soạn kỹ từ nhiều tháng trước.

2. Tinh-thần và khả năng chiến đấu:

Chỉ 3 ngày sau khi VC mở trận đánh, căn-cứ Holcomb của TĐ8/TQLC đã bị VC tràn ngập.Ngay sau đó,việc đầu hàng của Tr/tá Đính,Tr/đoàn trưởng tr/đoàn 56 tại căn-cứ Tân-Lâm cùng 1500 binh-sĩ dưới quyền đã làm chấn động tinh thần quân nhân các cấp khiến nó trở thành một phản ứng dây chuyền trong những tuần lễ tiếp theo đối với các đơn vị khác.Hiện-tượng này đã được lập lại trong cuộc di-tản ồ ạt vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/75 tại Miền Trung trước khi mất nước.

Tóm lại, với một tương quan lực lượng như thế và với tình hình phức tạp từ trung ương đến địa phương như đã trình bày ở trên, chúng ta có thể kết luận rằng bất cứ một tướng lãnh nào, dù tài giỏi đến mấy, cũng khó có thể thay đổi được tình thế bởi nó đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát cuả các cấp chỉ-huy.Các đơn vị tăng phái nhiều khi nhận lệnh theo hệ thống hàng dọc từ đơn vị mình chứ không hoàn toàn nằm dưới sự điều động cuả Tướng Giai.Với quân số như thế, cuộc hành quân này trở thành một cuộc hành quân cấp quân đoàn, vượt khỏi khả năng của Tướng Giai vừa được vinh thăng chuẩn tướng sau cuộc hành quân Hạ Lào 1971, nhất là nó lại xảy ra đúng vào lúc mà tinh thần quân nhân các cấp đang bị hoang mang, giao động hết mức.

3. Các yếu-tố chính-trị liên quan đến chiến cuộc tại Miền Nam:

Trước tình hình hết sức xáo trộn tại Miền Nam sau ngày QĐ đảo chính lật đổ chính-phủ Đệ Nhất Cộng Hoà, người Mỹ đến VN “gọi là” để giúp VNCH trong cuộc chiến đấu chống cộng và họ hy vọng rằng chiến tranh sẽ chấm dứt trong một thời gian ngắn bởi họ tin-tưởng hầu như tuyệt đối vào hiệu năng cuả võ khí. QĐ Mỹ đã chiến thắng hai cuộc Đại Chiến Thế Giới và đã thắng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, đè bẹp đạo quân Trung-cộng và Bắc Hàn năm 1953 nên người Mỹ nghĩ rằng sẽ dễ dàng giải quyết cuộc chiến tại VN. Những người làm sách lược và chỉ huy QĐ Hoa Kỳ không hiểu được bản chất và sách lược cuả cuộc chiến tranh du-kích là kéo dài thời gian làm cho đối phương mất kiên nhẫn, mệt mỏi, chán nản và căng thẳng thần kinh khiến đối thủ phải bỏ cuộc. Với phương thức đánh lén, đánh trộm, họ có thể tấn công đối thủ vào những lúc bất ngờ và thuận lợi nhất nên dễ đạt được kết quả mà chỉ cần rất ít người tham chiến.Giả dụ, nếu thua họ sẽ dễ dàng trà trộn vào đám đông, quần chúng hay trốn vào rừng hoặc chạy qua biên-giới các nước bên cạnh.Qua hình-thái chiến tranh ấy, VC đã làm cho người Mỹ chán nản vì bị thiệt hại khá nhiều về sinh mạng cũng như về ngân sách mà kết quả đạt được không như dự tính.

Bản chất cuả người Mỹ là mau chán, tiết kiệm thời gian. Làm việc gì họ cũng đặt nặng vấn đề thời gian và năng suất bởi vậy cuối năm 1964 họ đổ quân vào VN và cuối năm 1967 họ đã nghĩ đến việc rút quân.Việc QĐ Hoa Kỳ án binh bất động khi VC bắt đầu tấn công QLVNCH trong những ngày đầu cuả Tết Mậu Thân 1968 đã một phần chứng minh điều đó.Cá nhân chúng tôi không tin rằng các cơ quan tình báo Mỹ không biết gì về cuộc Tổng-công-Kích này trước khi nó xảy ra. Là một nước cổ súy cho tự do và dân chủ, nhưng những người lãnh đạo Hoa Kỳ ít quan tâm đến tâm lý, lịch sử, truyền thống và văn hoá của người bản xứ. Người Mỹ cũng không muốn hiểu rằng sự có mặt cuả QĐ Mỹ ở VN đã tạo cơ hội cho khối CSQT mở rộng mặt trận tuyên truyền lừa gạt dư luận thế giới rằng VC đánh VNCH và Mỹ là để giải phóng Miền Nam; dù thực chất đó là một cuộc xâm lăng nhằm mở rộng Khối CSQT vì cuộc chiến VN đã bắt đầu 7 năm trước khi QĐ Mỹ đến VN. Mỗi năm CSQT đã chi ra hàng trăm triệu mỹ kim về lãnh vực đó và kết quả là dư luận thế giới nghiêng về phiá VC.Các cuộc biểu tình chống Mỹ xảy ra tại khắp nơi trên thế giới và ngay tại nước Mỹ do các thành phần phản chiến và thiên tả Mỹ chủ trương. Điều đó mặc nhiên bất lợi cho cả Mỹ lẫn VNCH.

Nước Mỹ mỗi tháng tiếp nhận hàng trăm quan tài, hàng ngàn thương binh trở về từ một nước xa xôi, không liên hệ gì đến đời sống hàng ngày của họ trong khi chi phí quốc phòng mỗi năm một tăng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Đã thế, họ còn bị cả thế giới lên án thì việc chống chiến tranh cũng là một phản ứng dễ hiểu và tự nhiên.Hơn nữa, phe đối lập tại Thượng và Hạ Viện Mỹ đả kích chính phủ để kiếm phiếu trong các muà bầu cử cũng là một yếu tố khiến Mỹ muốn rút khỏi VN. Được sự viện trợ và thúc đẩy cuả CSQT, VC ngày càng mở những trận đánh quy mô hơn và tổn thất cuả mỗi bên ngày một lớn. Sinh mạng con người đối với CS chẳng nghĩa lý gì, nhưng sinh mạng người lính Mỹ khiến gia đình họ phải lo lắng nên họ đòi chính phủ HK phải chấm dứt chiến tranh bằng mọi giá để chồng con cuả họ được lành lặn trở về trước khi trở thành quá trễ.

4. Mục tiêu cuả chính phủ HK khi tham chiến tại VN:

Là một quốc gia giàu mạnh với tất cả các cơ cấu hạ tầng vĩ đại và tối tân, do đó không bao giờ HK muốn chiến tranh xảy ra ngay trên lãnh thổ cuả mình vì sự thiệt hại về tài sản cũng như về nhân mạng sẽ vô cùng to lớn. Đó là lý do khiến HK tham dự vào 2 cuộc thế chiến ở phiá bên kia bán cầu và ở Cao Ly .

Sau thế chiến thứ 2, khối CSQT lớn mạnh và chủ trương phát động cuộc chiến tranh xâm lấn khiến HK phải áp dụng sách lược bao vây để chận đứng. Với cương vị đứng đầu phe tư bản và thế giới tự do, Mỹ viện trợ cho các nước có chiến tranh bằng chính ngân sách cuả mình để phe thân Mỹ thắng hoặc nắm được ưu thế, chứ không nhằm biến các nước này thành thuộc địa như Pháp, Anh, Tây-ban-Nha, Bồ đào Nha đã làm từ cuối thế kỷ thứ 19. Riêng tại VN, trong cuộc chiến vừa qua, HK muốn dùng VNCH như một bức tường để ngăn chặn CSQT bành trướng về phía ĐNA vì theo quan điểm của Mỹ lúc ấy, họ cho rằng nếu VNCH sụp đổ thì các nước lân bang cuả VN sẽ dần dần rơi vào quỹ đạo cuả CS. VNCH chấp nhận HK là đồng minh vì cả hai có cùng một chủ đích chống CS. Vả lại, ngoài HK ra, VNCH không còn một lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, việc HK gửi quân sang VN là một điều thất sách như đã đưọc nói đến ở trên.

5. Lý do khiến Mỹ muốn rút quân ra khỏi VN:

Ngoài nguyên nhân là phản ứng bất lợi cuả quần chúng,chính phủ Mỹ còn nghĩ rằng nếu dùng ưu thế về võ khí để thắng trong cuộc chiến VN thì Mỹ lại phải đương đầu trực tiếp với Trung Cộng. Lúc ấy điểm nóng cuả chiến tranh sẽ là vùng biên giới Việt Trung. Điều đó nhất định không phải là điều HK mong muốn. Hơn nữa, hơn ai hết, bằng những hình ảnh chụp bằng phi-cơ U2 bay trên thượng tầng khí quyển và không ảnh chụp từ vệ tinh, HK biết rất rõ rằng tại biên giới giữa Liên bang Xô Viết và Trung Cộng, mỗi bên đều dàn hơn 20 sư đoàn sẵn sàng tác chiến vì sự xung đột về ý-thức-hệ, và vì cả hai đều muốn cầm đầu khối CSQT. Đấy cũng là động lực thúc đẩy Mỹ làm thân với TC và mượn tay TC ngăn chận Nga mở rộng ảnh hưởng về phiá nam vì vào thời điểm ấy, tiềm lực quân sự của TC chưa thể là đối thủ và là mối bận tâm hàng đầu của Mỹ. Qua chiến lược đó, VNCH bắt buộc trở thành “vật hy sinh để tế thần”, cùng chung số phận với Đài Loan bị đẩy ra khỏi các tổ chức Quốc Tế vì Mỹ muốn làm vừa lòng “người bạn mới”. Đó là kết quả cuả chính sách” ngoại giao bóng bàn” cuả Henry Kissinger và Richard Nixon.Tình nghiã đồng minh với VNCH và Đài Loan chấm dứt!. VNCH bị bức tử.

Hai mươi năm sau, Liên Bang Xô Viết và khối CS Đông Âu sụp đổ. Trung Cộng mỗi ngày một lớn mạnh về kinh tế lẫn quân sự và qua những biến cố tại Biển Đông từ hơn 10 năm qua, trở thành mối lo hàng đầu của Mỹ. Trong bối cảnh ấy, HK lại tìm mọi cách để làm thân với VC để tìm một chỗ đứng tại vùng Đông Nam Á châu hầu cân bằng cán cân thế lực tại khu vực này của thế giới.

IV. Kết Luận:

Nhiều người trách Mỹ phản bội VNCH. Họ có thể đúng nếu trên lãnh vực bang giao QT buộc tất cả các nước trên thế giới hành sử theo nguyên tắc: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Tiếc rằng, điều đó sẽ không bao trở thành sự thật như một quy-ước bắt mọi người phải tôn trọng nên mỗi quốc gia đều làm những gì có lợi nhất cho mình. Hơn ai hết, HK đã từ lâu theo đuổi chủ trương ấy. Tôi không nhớ tên một nhà lãnh đạo nào đó của HK đã thẳng thắn xác định ngụ ý rằng HK không có Bạn, cũng không có Thù, chỉ có quyền lợi của HK là trên hết.

Cuộc chiến VN đã kết thúc một cách đau thương, đầy nước mắt và cuộc lui quân cuả SĐ3/BB

tại Vùng Hoả Tuyến 1972 là bước khởi đầu cho nỗi đắng cay và đọa đầy chung cuả cả Dân Tộc.

Khi chính trị chen vào bất cứ lãnh vực nào thì mọi lý lẽ và đạo đức phải đội nón ra đi !!.

Xin một phút mặc niệm cho tất cả những người đã nằm xuống vì LÝ-TƯỞNG TỰ DO. Chúng tôi nghiêng mình trước nỗi thống khổ cuả những chiến hữu đã bị đọa đầy, khổ nhục sau cuộc chiến đấu “oan khiên nhưng hào hùng và gian khổ” để bảo vệ Đất Nước.

THẾ HUY, Paris.

Viết xong tại California ngày 19/7/2010.

Ghi chú:

(1) Trung tá Phạm-đức-Lợi tức nhà thơ Mạc-ly-Châu trong Hội Văn nghệ Sĩ QĐ đã tự sát tại nhà riêng ngày 30/4/75 khi VNCH rơi vào tay CS.

Trọng Đạt:-Triệt Thoái Quân Đoàn 2, cuộc hành quân phá sản-12-3 -1975

Triệt Thoái Quân Đoàn 2, cuộc hành quân phá sản

Trọng Đạt:

Một ngày trước khi Tướng Phú tuyên bố Ban Mê Thuột thất thủ, hôm 12-3 -1975 Hạ Viện Mỹ biểu quyết cắt 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc cho Việt Nam Cộng Hoà do Tổng Thống Ford đệ trình Quốc Hội, Đại sữ Mỹ Martin cũng thông báo cho Tổng thống Thiệu biết quân viện năm tới từ tháng 6 sẽ không được chuẩn chi, như thế có nghĩa họ bỏ rơi miền Nam hoàn toàn, Quân đội Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn đủ đạn dược để đánh trận trong vòng một vài tháng.
Tại Pleiku Liên đoàn 4 BĐQ chưa thể giải tỏa được quốc lộ 19, Sư đoàn 22 BB tại gần Qui nhơn chiến đấu dữ dội với Sư đoàn 3 Sao Vàng CS, phi trường Cù Hanh bị pháo kích, 3 phi cơ A-37 bị phá hủy.
Sư đoàn 10 CS sau khi chiếm Ban Mê Thuột tiến về tuyến Phước An, tại đây ta chỉ còn 700 người và 4 khẩu 105 ly.
Hôm 11-3 Tổng thống Thiệu họp Hội đồng Tướng lãnh gồm các Tướng Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Đặng Văn Quang để trình bầy kế hoạch mà ông gọi là “Tái phối trí lực lượng”, với tình hình vũ khí đạn dược như hiện nay ta không thể giữ cả 4 Quân khu, mà chỉ đủ lực lượng giữ Quân khu 3, Quân khu 4 và một phần duyên hải Vùng 2, Quân khu 1 chỉ giữ Huế và Đà Nẵng, sẽ rút bỏ Cao nguyên về giữ đồng bằng, bỏ những vùng xương xẩu để về giữ những vùng mầu mỡ. Hội đồng Tướng lãnh đồng ý, không ai phản đối.
Mất Ban Mê Thuột, Tổng Thống Thiệu nay biết rõ địch mạnh hơn hồi 1968, và Mùa hè đỏ lửa 1972. CSBV xé bỏ Hiệp Định Paris, Đồng Minh ngoảnh mặt làm ngơ trước tình hình nguy khốn, ông Thiệu mất tinh thần, đưa ra kế hoạch táo bạo trong một phiên họp tại Cam ranh ngày 14-3. Trong Hội nghị này có Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Thiếu tướng Phạm Văn Phú. Sau phiên họp Tướng Phú kể lại cho Phạm Huấn, người ký giả chiến trường này đã ghi lại trong Cuộc Trịêt Thoái Cao Nguyên 1975.
Ông Thiệu cho biết Quốc Hội Mỹ cắt giảm quân viện khiến ta thiếu thốn đạn dược tiếp liệu, Mỹ hủy bỏ cam kết yểm trợ bằng không lực khi Cộng Sản vi phạm Hiệp định Paris, lãnh thổ phòng thủ quá rộng lớn, ta thiếu thốn đạn dược, tiếp liệu, áp lực địch rất mạnh… Ông cho biết Tướng Phú phải đem hết chủ lực quân, chiến xa, pháo binh của Quân đoàn về phòng thủ duyên hải, nghĩa là rút bỏ Pleiku, Kontum..

Nghe thế Tướng Phú bèn xin cho toàn bộ Quân đoàn ở lại chiến đấu, ông thoáng nhìn thấy sự sụp đổ miền Nam sẽ diễn ra do kế hoạch “tái phối trí” của TT Thiệu.

“- Thưa Tổng thống, cho tôi được “tử thủ” Pleiku, giữ cao nguyên.
Tướng Thiệu cười nhạt:
– Tử thủ? Với quân số, đạn dược hiện có, liệu anh chiến đấu được bao nhiêu ngày với Cộng Sản?
– Thưa Tổng thống từ 40 đến 60 ngày!
– Rồi sao nữa?
Tướng Phú khựng lại, đưa mắt nhìn tướng Viên cầu cứu, nhưng tướng Viên quay đi chỗ khác. Tướng Phú đáp:
– Tôi sẽ chiến đấu đến cùng, cho đến khi không còn được tiếp tế súng đạn, lương thực nữa!
. . . . .
. . . . . . . . . .
… Tướng Phú vẫn liều lĩnh nói với giọng hơi lớn:
– Thưa Tổng thống, thưa quí vị tướng lãnh,
Nếu rút khỏi cao nguyên năm nay, thì một cuộc tấn công khác của Cộng Sản, có thể vào năm tới, sẽ mất duyên hải và mất nước. Tôi và các chiến sĩ của tôi có chết ở Cao nguyên bây giờ cũng không khác gì chết ở Sài Gòn trong năm tới!”

(Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, trang 85)

Tổng Thống Thiệu bác bỏ ý kiến Tướng Phú, ông nói đây là kế hoạch chung của Hội Đồng Tướng Lãnh mà ông đã bàn thảo.

“- Tôi ra lệnh cho anh mang chủ lực quân, chiến xa, đại bác, máy bay …về phòng thủ Duyên hải, và tổ chức hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột.
. . . .. . . . . . . . . . .
– Lệnh này, từ cấp tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng trở xuống không được biết.
– Thưa Tổng thống…
– Có nghĩa là các lực lượng Địa phương quân vẫn ở lại chiến đấu. Các cơ sở hành chánh 3 tỉnh.Pleiku, Kontum, Phú Bổn vẫn tiếp tục làm việc cùng với tỉnh trưởng, quận trưởng như thường lệ.
. . . . . . . . . . .
– Quyết định mang tất cả chủ lực quân chiến xa, pháo binh, máy bay của Quân đoàn II khỏi Pleiku, Kontum, tôi đã thảo luận với các tướng lãnh. Đây cũng là một quyết định chung của Hội đồng Tướng lãnh, như quyết định hôm qua cho Tướng Trưởng ngoài quân đoàn I.
Phòng họp im phăng phắc, không có một phản ứng, chống đối nào. Bỗng tướng Phú hỏi ôngThiệu một câu gần như lạc đề:
– Thưa Tổng Thống, nếu chủ lực quân, Thiết giáp, Pháo binh rút đi làm sao Địa phương quân chống đỡ nổi khi Cộng Sản đánh? Hơn 100 ngàn dân 2 tỉnh Pleiku, Kontum và gia đình anh em binh sĩ?
– Thì cho thằng Cộng Sản số dân đó! Với tình hình nặng nề hiện tại, mình phải lo phòng thủ, giữ được vùng dân cư đông đúc, mầu mỡ… hơn là bị “kẹt” quá nhiều quân trên Vùng Cao nguyên…”

(CTTCN1975, trang 85, 86)

Về buổi họp này, ông Cao Văn Viên (Những Ngày Cuối Của VNCH) thuật lại cũng gần giống như Phạm Huấn, theo ông Tổng Thống Thiệu cho biết phải chiếm lại Ban Mê Thuột, Tướng Phú xin thêm quân tiếp viện, ông Thiệu hỏi Tướng Viên có đủ quân tiếp viện cho Tướng Phú không, Tướng Viên trả lời không còn quân trừ bị. Khi ấy ông Thiệu đứng trước bản đồ miền Nam nói Ban Mê Thuột quan trọng hơn Pleiku, Kontum nhập lại về kinh tế, dân số, nhiệm vụ Quân đoàn 2 phải tái chiếm Ban Mê Thuột, ông hỏi Tướng Phú dùng đường nào để đem quân về tái chiếm Ban Mê Thuột, Tướng Phú đề nghị theo đường số 7.
Văn Tiến Dũng cũng đã ghi lại lời khai của Chuẩn Tướng BĐQ Phạm Duy Tất bị CS bắt trong hồi ký của y. Tướng Tất cho biết chiều 14-3 Thiếu Tướng Phạm Văn Phú sau khi dự Hội nghị Cam Ranh về đã họp Bộ Tham Mưu Quân đoàn và kể lại diễn tiến buổi họp. Ông Thiệu hỏi Tướng Viên còn quân trừ bị không, Tướng Viên nói không còn, ông Thiệu hỏi Tướng Phú nếu không có quân tăng viện thì giữ được bao lâu, Tướng Phú nói có thể giữ được một tháng nếu có yểm trợ không quân, tiếp tế bằng không vận về đạn dược, vật liệu và bổ sung quân số bù lại thiệt hại vừa qua, ông sẽ ở lại Pleiku chiến đấu và chết ở đó.
Ông Thiệu nói không thoả mãn được các điều kiện đó, CS thì rất mạnh nên phải rút khỏi Kontum, Pleiku đưa quân về giữ đồng bằng duyên hải. Sau đó ông Thiệu hỏi rút bằng đướng số 19 được không, Tướng Viên trả lời đường này rất nguy hiểm, ông Thiệu hỏi đường số 14 đi được không, Tướng Viên đáp đường 14 không thể đi được. Cuối cùng chỉ còn đường số 7 ( CSBV gọi là đường số 7B) từ lâu không dùng tới nhưng tạo được sự bất ngờ. Tướng Phú cũng cho biết theo lệnh ông Thiệu chỉ rút các đơn vị chủ lực, bỏ Địa phương quân lại, không được thông báo cho các Tỉnh trưởng biết để họ ở lại tiếp tục chống giữ.
Như vậy những lời thuật lại của Phạm Huấn, Đại Tướng Viên, Văn Tiến Dũng.. gần giống nhau.
Kế hoạch đã được coi như hợp thức hoá và lệnh triệt thoái được ban hành, các Tướng lãnh không ai phản đối. Khi bàn việc lựa chọn đường rút quân, Tướng Viên cho biết đường Quốc lộ 21 không thể xử dụng được vì đường 14 giữa Pleiku-Ban Mê Thuột đã bị địch cắt, Bắc Việt hiện có 3, 4 Sư đoàn chính qui tại chiến trường Ban Mê Thuột, không thể từ đó xử dụng đường 21 về Nha Trang. Đường 19 nối Pleiku – Qui Nhơn cũng khó thành công vì đèo An Khê đã bị cắt ở hai phía Đông, Tây, Cộng quân đóng chốt nhiều nơi, trước đây Pháp đã từng bị Việt Minh phục đánh kích tan tác trên đèo này. Ngoài đường số 7 không còn đường nào khác, Tướng Phú đề nghị chọn đường số 7, kế hoạch được chấp thuận.
Tổng Thống Thiệu nói kế hoạch rút quân để bảo toàn lực lượng hầu tái chiếm Ban Mê Thuột, ông dặn Tướng Phú phải giữ bí mật, không được cho các Tỉnh trưởng biết, chỉ có chủ lực của Quân đoàn rút, Địa phương sẽ phải ở lại chiến đấu, như vậy về cơ bản kế hoạch đượm vẻ bất nhân, tàn nhẫn. Chiều 14-3 Bộ Tư lệnh Quân đoàn triệu tập các sĩ quan cao cấp để thông báo lệnh rút bỏ Cao nguyên tuy nhiên không có giấy tờ Lệnh hành quân cấp Quân đoàn, cuộc hành quân tổ chức vội vã không được chặt chẽ.
Tướng Phú lệnh cho Lữ đoàn 2 Kỵ binh rút từ đèo Nang Yang về tăng phái cho Liên đoàn 23 BĐQ và Công binh để sửa chữa cầu cống, giữ an ninh trên lộ trình đường số 7. Tỉnh Lộ 7 từ ngã ba Mỹ Thạnh tới Tuy Hoà trước đây là đường trải đá, có 3 cầu chính: Phú Thiện 50m, Le Bac 600m, Cà Lúi 40m. Đoạn cuối tỉnh lộ 7 trong địa phận Tuy Hoà, quận Củng Sơn không an toàn cho sự lưu thông.
Ngày 16-3 đoàn xe quân sự bắt đầu rời Pleiku, Tướng Phú và Bộ Tư lệnh đi trực thăng về Nha Trang, bỏ lại Chuẩn tướng Phạm Duy Tất lo đôn đốc đám di tản. Theo Tướng Hoàng Lạc cuộc lui binh gồm có 4 đoàn, mỗi đoàn 250 xe, tổng cộng có 1,200 xe cộ (theo Phạm Huấn có tất cả 4,000 quân xa đủ loại, mỗi ngày một đoàn xe). Ngày 16-3 đoàn xe lên đường êm xuôi vì có yếu tố bất ngờ, thấy di tản nhanh và dễ dàng nên khi tới Phú Bổn Tướng Phú ra lệnh ngưng lui binh và lập phòng tuyến tại Hậu Bổn. Các biến cố dồn dập sau đó vượt khả năng của giới thẩm quyền, quân nhân tại Phú bổn bị ảnh hưởng giây chuyền cũng hốt hoảng gia nhập đoàn chạy loạn.
Ngày hôm sau 17-3 dân chúng Kontum, Pleiku chạy ùa theo làm náo loạn cuộc lui binh, tình hình đã không thuận lợi như ngày đầu mà lại gây nhiều trở ngại cho sự triệt thoái.
Ngày 18-3 Liên đoàn 7 BĐQ đang cùng thiết giáp đánh chốt CS xui xẻo bị không quân oanh tạc lầm, gây nhiều thương vong cho quân bạn. Hỗn loạn xẩy ra, lính Thượng nổi loạn đốt doanh trại và giết nhiều người Việt khiến tình hình càng phức tạp, bọn lưu manh côn đồ, bọn nằm vùng đốt chợ, CS pháo kích phi trường gây kinh hoàng cho đoàn người di tản, tối đến địch pháo kích thị xã gây nhiều tử thương cho quân dân di tản. Các chiến xa M-48, M-41 bị phá hủy 70%, lực lượng chiến xa pháo binh dồn đống tại Phú Bổn. Sau trận pháo kích dữ dội của Cộng quân, các xe tăng M-48, M-41, đại bác bị hư hại hết không thể xử dụng được, 40 chiến xa và 8 khẩu 175 ly bị phá hủy.
Từ ngày 16-3 –1975 Sư đoàn 320 CS Ở Buôn Hô (Ban Mê Thuột) gần đoàn quân triệt thoái được lệnh hành quân cấp tốc đuổi theo đánh phá, đến 18-3 lực lượng lớn của BV tiến vào Phú Bổn, đánh phá dữ dội rồi tiếp tục đánh xuống Củng Sơn, các Liên đoàn BĐQ, thiết giáp, bộ binh của VNCH bị thiệt hại nặng. Địch xử dụng nhiều đại bác, xe tăng lấy được của miền Nam để truy kích đánh phá, một lỗi lầm tai hại của cuộc lui binh mà không ai ngờ tới.
Nhận được báo cáo tình hình nguy khốn Tướng Phú ra lênh bỏ Hậu Bổn để về Tuy Hoà. Cuộc chạm súng tại Hậu Bổn kéo dài tới sáng hôm sau, đoàn quân đi được 20km thì Cộng quân đã tràn vào Phú Túc, Liên đoàn 7 BĐQ chiếm lại quận Phú Túc. Khi ra khỏi Phú Túc, súng nổ khắp nơi giành đường đi, hỗn loạn ngày càng trầm trọng. Binh lính chửi rủa Tổng thống Thiệu suốt dọc đường vì cuộc lui binh thê thảm này, dân chết lính chết, thật là một địa ngục, mộït hành lang máu.
Công binh lập 2 cầu nổi, một tại Le Bac, một tại Đồng Cam, đoàn xe đến được sông Ba thì thì bị cát lún, mất ba ngày để trực thăng chở vỉ sắt lót đường, dù gặp khó khăn đoàn xe đầu tiên về tới Tuy Hoà, chỉ có một chiếc xe bị kẹt giữa cầu nổi khiến cả đoàn quân tắc nghẽn. CSBV tổ chức các chốt chặn đường, một Tiểu đoàn ĐPQ và một Tiểu đoàn BĐQ được giao nhổ chốt. Ngày 22-3 hai Tiểu đoàn BĐQ ở đoạn hậu đánh tan Trung đoàn 64 CS (SĐ -320) gây nhiều thiệt hại, Trung đoàn phải rút lui. BV đưa thêm các lực lượng đã tham chiến tại Ban Mê thuột với chiến xa yểm trợ theo tỉnh lộ 287 đổ xuống đường số 7. Tướng Cẩm báo cáo Tướng Phú, Tướng Phú ra lệnh tan hàng, Cẩm và Bộ tham mưu bay trực thăng về Tuy Hoà, những người còn lại chạy về hướng Đông. Phía Tây xe tăng CS đang tiến tới, hướng Bắc là Pleiku, hướng Nam địch đang đóng chốt, ai len lỏi theo sông Ba thì về được Tuy Hoà. Ngày 26-3 Tiểu đoàn 34 BĐQ thanh toán các chốt sau cùng tại xã Mỹ Thạnh Tòng, những người, xe còn lại của cuộc lui binh đã tới được Tuy Hoà, trong số 1,200 xe cộ chỉ có 300 mở đường máu tới nơi.
Sáu năm sau, vào giữa tháng 3-1981, Đài phát thanh VOA đã bình luận.

“Cuộc rút quân trên đường số 7 được coi như một cuộc thảm bại lớn nhất trong lịch sử chiến tranh tại miền Nam Nước Việt từ trước đến nay”.

Phạm Huấn gọi đó là hành lang máu, con đường máu và nước mắt dài 300 km trong 9 ngày đêm, đó cũng là một cuộc hành quân phá sản. Hậu quả là tổn thất của cuộc lui binh thật khủng khiếp, theo Nguyễn Đức Phương khoảng 60 ngàn chủ lực quân khi tới Tuy Hoà chỉ còn khoảng một phần ba 20 ngàn người, 5 Liên đoàn BĐQ khoảng 7,000 chỉ còn 900 người, Lữ đoàn 2 thiết kỵ với hơn 100 xe tăng thiết giáp chỉ còn lại 13 cái M-113.
Trong Những Ngày Cuối VNCH ông Cao Viên cho biết có nhất 75% khả năng tác chiến của quân đoàn II bao gồm sư đoàn 23 bộ binh cũng như các lực lượng Biệt động quân, thiết giáp, pháo binh, công binh và truyền tin đã bị hủy hoại chỉ trong vòng có mười ngày. Chiến dịch đánh chiếm lại Ban Mê Thuột không thể thực hiện được, đơn giản chỉ vì Quân đoàn 2 không còn lực lượng tác chiến nào cả. Quân Cộng Sản đã chiếm được Kontum, Pleiku không cần phải chiến đấu. Khuyến khích bởi chiến thắng với tầm mức không ngờ, các sư đoàn F10, 316 và 320 CSBV quyết định đánh tới. Ngay lúc bấy giờ, địch quân biết rằng lực lượng mà Quân đoàn II xử dụng để ngăn chận bước tiến quân của họ về hướng bờ biển chỉ còn là Lữ đoàn 3 Dù tại Khánh Dương.
Theo tài liệu Mỹ (The World Almanac Of The Viet Nam War.) và của Nguyễn Đức Phương, trong số 400 ngàn dân Cao nguyên chạy loạn chỉ có 100 ngàn tới được Tuy hòa. Theo Tướng Hoàng Lạc trong số 200 ngàn dân chạy loạn chỉ có 45 ngàn tới Tuy Hoà. Các kho quân dụng tại Kontum, Pleiku bỏ ngỏ, tất cả quân dụng, vũ khí trị giá 253 triệu Mỹ Kim lọt vào tay CS. Sự thiệt hại về tinh thần còn to tát hơn nhiều. Theo tướng Hoàng Văn Lạc kế hoạch không đầy đủ, kỷ luật hỗn tạp, không nghiên cứu lộ trình, cầu cống, dân chúng và gia đình binh sĩ hỗn độn làm cho quân đội mất tinh thần khiến ai cũng chỉ lo chạy tháo thân. Dân chúng nghe tin tức bi quan qua đài BBC đã ồ ạt chạy về phía Nam làm náo loạn cuộc triệt thoái khiến cho tinh thần binh sĩ xuống thấp.
Tổng cộng 60 ngàn quân triệt thoái chỉ có 20 ngàn tới được Tuy Hoà, khoảng 200 ngàn dân chỉ có 45 ngàn tơi nơi yên lành. Những người thương binh trong các bệnh viện cũng như bị thương trên đường chạy loạn chỉ nằm chờ chết vì bác sĩ y tá không còn nữa, số người bị thương bị giết.. có thể lên tới nhiều nghìn hay hàng vạn người.
Ông Cao Văn Viên nói:
“Thất bại tự tạo của quân đoàn II là một giấc mơ hãi hùng trên cả hai phương diện tâm lý và chính trị cho dân chúng cũng như cho QLVNCH. Rối loạn, lo âu, sợ hãi, lên án, tội lỗi cũng như thất vọng bắt đầu đè nặng lên tâm trí mọi người”
Những tin đồn cắt đất nhường cho Cộng Sản lan nhanh khiến người ta đổ sô nhau chạy về hướng Nam, Quân khu 1 cũng rơi vào tình huống tương tự.
Không biết tin đồn ấy do đâu mà ra, cũng có thể do CS nằm vùng tung ra để gây hoang mang náo loạn, tin cắt đất này đã ảnh hưởng vô cùng tai hại, cùng với sự tuyên truyền xuyên tạc và phá hoại của đài BBC Luân Đôn, quân dân Vùng 1 và 2 cứ ùn ùn kéo nhau chạy về phương Nam khiến cho CS không phải đổ máu vẫn chiếm được nhiều lãnh thổ của miền Nam . Trong khi ấy tại Sài Gòn phía đối lập tăng hoạt động bất tín nhiệm chính phủ Thiệu, quân đội cũng mất tin tưởng người ta cho rằng chỉ có phép lạ may ra cứu được miền Nam. Cuộc lui binh trên tỉnh lộ 7 đã đi vào vết xe đổ của trận Cao Bắc Lạng năm 1949 và cuộc di tản Quảng Trị cuối tháng 4-1972. Cuối tháng 9-1949, Đại Tá Charton triệt thoái 3 tiểu đoàn Pháp ra khỏi Cao bằng đến đầu tháng 10 bị Việt Minh chận đánh tan rã, Pháp mất 7,000 quân và nhiều đơn vị tinh nhuệ, 500 quân xa, trên 100 súng cối và 13 đại bác, 10 ngàn súng cá nhân và cộng đồng, đại liên trung liên, trận đánh đã rung động cả nước Pháp.
Cuối tháng 4 năm 1972, các đơn vị phòng thủ Quảng Trị dưới sự chỉ huy của Tướng Vũ Văn Giai chiến đấu trong tuyệt vọng, vùng trách niệm của Sư đoàn 3 thu hẹp dần, Việt Cộng tấn công phía Tây và Nam Quảng Trị, cô lập lực lượng phòng thủ, binh sĩ ta ngày càng suy sụp tinh thần trước những trận pháo kích dữ dội của CSBV. Trước hoàn cảnh thiếu thốn tiếp liệu trong khi địch tấn công dữ dội, Tướng Giai trình bầy kế hoạch triệt thoái về Nam sông Thạch Hãn với Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh vùng 1.
Được Tư lệnh chấp thuận, ông cho lui binh tức thì ngày 1-5-1972 Sư đoàn 3 và các lực lượng tăng phái như Thiết giáp, Biệt động quân, Thuỷ quân lục chiến.. tất cả khoảng 9 Trung đoàn ồ ạt chạy về Nam qua Quốc lộ I. Cộng quân thừa cơ pháo theo chết như rạ trên đại lộ kinh hoàng, Quốc lộ đầy các loại xe bốc cháy, hàng mấy nghìn người bỏ xác tại đây, Lữ đoàn thiết kỵ có hơn 1,000 người tử thương, Sư đoàn 3 chết 2,700 người, mất 100 xe tăng, 140 đại bác …

Đại tá Phạm bá Hoa nói.

“Những bài học chiến thuật trong trường Võ bị cũng như trường Đại học quân sự..đều thừa nhận rằng, trong các cuộc hành quân thì hành quân rút lui (hay triệt thoái, lui binh) là nhiều nguy hiểm hơn các cuộc hành quân khác, vì đơn vị đưa lưng về phía địch. Khi tấn công thì trước mặt là địch và sau lưng là hậu tuyến, còn trong rút lui thì trước mặt là hậu tuyến mà sau lưng trở thành tiến tuyến. Nguy hiểm là vậy. Nguyên tắc căn bản của bài học lui binh là phải có một lực lượng hành quân giao tiếp để bảo đảm an toàn phía trước mặt (hậu tuyến), còn lực lượng lui binh thì tự bảo vệ phía sau lưng (tiền tuyến), ngoài ra phải được không quân quan sát và yểm trợ hoả lực nữa.
Với cuộc hành quân giao tiếp chậm chạp từ Tuy Hoà lên, đoàn quân triệt thoái ngày càng tan tác trên đường lui binh vô cùng hỗn loạn vì bị quân Việt Cộng liên tục phục kích, tập kích. Khi về đến Tuy Hoà thì tổn thất đến nỗi không còn khả năng thực hiện kế hoạch phản công chiếm lại Ban Mê Thuột được nữa. Số dân thường bị chết dọc đường nhiều không kém số thương vong của quân đội. Chết vì súng đạn, chết vì xe cộ tranh giành lối đi mà gây tai nạn bừa bãi, chết vì tranh nhau miếng ăn nước uống, chết vì cướp giật…”

(Cuộc Rút Quân Trên Đường Số 7)

Cũng theo ông Phạm Bá Hoa, một điều trớ trêu là ta tưởng Cộng quân bao vây Pleiku nhưng thực ra khi quân ta rút đi ngày 16-3-1975 thì bốn ngày sau đó, 20-3 địch mới tiến vào tỉnh lỵ sở dĩ như vậy vì ta thiếu tin tình báo. Cộng quân còn ở cách xa Pleiku rất nhiều nhưng Tướng Phú đã quá sợ hãi, ông tưởng địch sắp vây tấn công tới nơi. Sự thực các Sư đoàn CS còn ở xa về phía Nam và Đông Nam Pleiku và gần đoàn quân triệt thoái nên ta mới bị địch pháo kích, đánh phá gây thiệt hại cho đoàn quân nặng nề chưa từng thấy trong 20 năm chiến tranh.
Theo ông Cao Văn Viên, kế hoạch rút bỏ Quân khu 2 và 1 của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là do một mình ông ấy nghĩ ra, không hỏi ý kiến ai. Ông Cao Văn Viên cho rằng đó là một kế hoạch đúng nhưng thực hiện quá trễ, đúng lý ra phải thực hiện từ 6 tháng trước. Dù kế hoạch đúng về quân sự nhưng cũng khó có thể thể chấp nhận được vì nó là một kế hoạch bất nhân bỏ đồng bào lại cho CS.
Khi ông Thiệu lệnh cho Tướng Phú khi rút Quân đoàn 2 phải dấu kín không được cho địa phương biết để lừa họ phải ở lại chiến đấu. Lệnh này đã gây tệ trạng cấp lớn bỏ quân, bỏ dân chạy trước khi cuộc tháo chạy bắt đầu diễn ra, kế hoạch cho phép bỏ rơi đồng bào ruột thịt của mình vào tay Cộng sản, chính người miền Nam đã bỏ rơi lẫn nhau trong khi ta lại lớn tiếng chỉ trích người Mỹ bỏ rơi đồng minh.
Kế hoạch rút quân về duyên hải để rồi từ đó theo đường Quốc lộ 21 lên tái chiếm Ban Mê Thuột của ông Thiệu nói trong phiên họp tại Cam Ranh thật không có gì vô lý hơn. Đường rút quân từ tỉnh lộ 7 xuống Tuy Hoà, từ đó xuống Nha Trang rồi lại từ Nha Trang đi ngược lên Ban Mê Thuột dài gấp 3 lần đườùng Quốc Lộ số 14 từ Pleiku xuống Ban Mê Thuột, đầy gian nan nguy hiểm. Lui binh để tái chiếm Ban Mê Thuột chỉ là một cách nói dối để đánh lừa các Tướng Lãnh trong phiên họp và để che dấu cái ý định rút bỏ Cao Nguyên của TT Thiệu mà thôi.
Hầu như tất cả giới quân nhân, chính khách, ký giả truyền tin… đều cho rằng kế hoạch tái phối trí, rút bỏ Quân khu 1 và 2 về bảo vệ Quân khu 3 và 4 của ông Thiệu là tai hại, nó đã làm sụp đổ miền Nam nhanh chóng lại đẩy bao nhiêu quân, dân vào chỗ chết một cách oan uổng. Kế hoạch tỏ ra rất không tưởng vì không thể di tản hàng nghìn xe cộ, hằng mấy trăm nghìn quân dân chạy loạn tới nơi tới chốn qua một con đường đã bỏ hoang từ bao lâu nay, cầu cống hư hỏng, cũ kỹ chật hẹp, một điều xui xẻo tai hại là đường rút quân lại đi ngang ổ kiến lửa CSBV đóng tại Buôn Hô, chúng đã đuổi theo đánh phá gây thiệt hại trầm trọng.
Sự sai lầm của kế hoạch tái phối trí lực lượng đã khiến cho CS chiếm được cả hai tỉnh Kontum Pleiku mà không mất một viên đạn. Lệnh cho Quân đoàn 2 triệt thoái khỏi Cao nguyên, Tướng Thiệu đã mở một cuộc hành quân phá sản và dọn cỗ sẵn cho Việt Cộng xơi.
Lần đầu tiên trong chiến tranh Đông Dương cả một quân đoàn phải rút chạy. Thất bại trên đường số 7 một phần do thất thủ Ban Mê Thuột, nếu không mất Ban Mê Thuột chắc không ai nghĩ phải bỏ Kontum Pleiku, từ sai lầm chiến thuật đi đến sai lầm chiến lược. Ngoài ra tin cắt quân viện của Quốc Hội Mỹ cũng làm ông Thiệu hốt hoảng điên đầu. Các cuộc hành quân không được Bộ Tổng tham mưu điều khiển giám sát, Tổng thống ra lệnh trực tiếp cho các Tư lệnh quân đoàn, Bộ Tổng tham mưu không được ra bất cứ lệnh nào cho các đơn vị, một phần vì ông Thiệu dành độc quyền lãnh đạo nên mới đưa tới sụp đổ hệ thống phòng thủ nhanh như vậy.
Triệt thoái là một lệnh bí mật, chỉ một số ít sĩ quan cao cấp của Quân đoàn được truyền đạt, sự thực đó chỉ là một sự dối trá lừa gạt nhau để bỏ nhau chạy trước. Nhiều người cho rằng Tướng Tư lệnh Phú không đủ khả năng kiểm soát đôn đốc cuộc lui binh cấp Quân đoàn, sự thực không hẳn như vậy, chẳng riêng gì tại quân khu 2 mà ngay cả Quân khu 1 kiện Tướng Ngô Quang Trưởng cũng đành bó tay không thể kiểm soát nổi tình hình rối loạn.
Phạm Huấn cho rằng trên thực tế không có một lệnh tổng quát nào cả, cuộc lui binh không được tổ chức, giám sát, thi hành báo cáo chính xác, các ông Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên, Phụ tá hành quân Lê Nguyên Khang, Tham mưu trưởng liên quân Đồng văn Khuyên .. chưa hề một lần bay ra thị sát mặt trận, họ chỉ ngồi trong phòng lạnh điều binh khiển tướng bằng điện thoại. Cũng theo Phạm Huấn các Tướng Trần văn Cẩm, Lê Duy Tất, Phạm văn Phú … những người chỉ huy cuộc triệt thoái bay trực thăng thật cao trên trời, cả một Quân đoàn không có ai chịu trách nhiệm.
Tướng Trần văn Nhựt, người hùng An Lộc năm 1972 lại cho rằng Trung Ương đã không yểm trợ cuộc triệt thoái đến nơi đến chốn:

“Mặc dù Cộng quân có gia tăng quân số thật nhưng chính những quyết định hạn chế đạn dược, rút quân sai lầm nói trên đã ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần toàn thể Quân, Dân, Cán Chính và làm cho sự sụp dổ miền Nam VN quá nhanh và quá nhục nhã. Đúng ra khi lệnh rút lui Quân đoàn 2/QK2, Tổng thống Thiệu phải chỉ thị cho Đại Tướng Viên, các vị Tư lịnh và Chỉ huy trưởng các Quân Binh Chủng phải ra Nha Trang để tận tình giúp Tướng Phạm Văn Phú điều động và yểm trợ cuộc rút quân lớn nhứt trong lịch sử QLVNCH. Thiếu tất cả mọi hỗ trợ căn bản cần thiết, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đành làm người hùng cô đơn vì mọi sự việc rút lui ngoài khả năng và kinh nghiệm của ông”
(Cuộc Chiến Dang Dở trang 272)

Trang 146 Những Ngày Cuối VNCH, Ông Cao Văn Viên cho biết mặc dù mất Ban Mê Thuột nhưng lực lượng VNCH tại quân khu 2 còn khá mạnh, sự sai lầm của TT Thiệu đã khiến cho Vùng 2 sụp đổ nhanh chóng kéo theo sự sụp đổ của Vùng 1 và cả VNCH

“Sau khi Ban Mê Thuột mất, các lực lượng còn lại ở vùng II trong phạm vi Kontum-Pleiku là: một tiểu đoàn của Trung đoàn 44, 5 liên đoàn Biệt Động Quân (7, 21, 22, 24 và 25); thiết đoàn 21 kỵ binh (xe tăng M-48); 2 tiểu đoàn pháo binh 155 ly, 1 tiểu đoàn 175 ly; và các đơn vị Nghĩa Quân và Địa Phương Quân. Các đơn vị tiếp vận còn lại gồm: Liên đoàn 20 Công Binh Chiến Đấu, liên đoàn 231 Tiếp Liệu; 20 ngàn tấn đạn và bom của bộ binh và không quân; nhiên liệu đủ cung cấp cho 45 ngày; và thực phẩm cho 60 ngày. Nhiệm vụ của tướng Phú là di chuyển tất cả các đơn vị, quân liệu này về Nha Trang, và từ Nha Trang tấn công lấy lại Ban Mê Thuột”

Theo cựu Đại tá Phạm Bá Hoa trong bài Cuộc Rút Quân Trên Đường Số 7 nói:

“Cho dù ở vào trường hợp nào đi nữa thì rõ ràng là quân Cộng Sản mà mình tưởng nó bao vây hay sắp sửa bao vậy Pleiku, nhưng thật ra chúng còn ở tận đâu đâu nên mãi bốn ngày sau đó là thời gian sớm nhất chúng mới vào chiếm Bộ Tư Lện Quân Đoàn , trong khi những Sư đoàn của chúng càng ở xa Pleiku về hướng Nam và Đông Nam thì khoảng cách càng gần với đoàn quân triệt thoát hơn, do đó mà thiệt hại của quân đoàn nặng nề chưa từng thấy trong hơn 20 năm chiến tranh! Một thất bại vô cùng đau đớn cho những người cầm súng…”

Một điều xui tai hại là con đường đường rút quân tỉnh lộ 7 lại gần vị trí đóng quân của Sư đoàn 320 CSBV tại Buôn hô , Ban Mê Thuột, họ được lệnh đuổi theo ngày 16-3, chỉ hai ngày là đã đuổi kịp và đánh phá đoàn quân triệt thoát gây thiệt hại nặng nề.
Sau này ngày 21-4-1975, Sư đoàn 18 BB đã thực hiện rút quân tại Xuân Lộc có trật tự, an toàn, ít thiệt hại, người ta đã cho di tản gia đình binh sĩ trước để lính an tâm chiến đấu. Cuộc rút quân của Sư đoàn 18 cho thấy thất bại của Quân khu 2 và 1.
– Thiếu chuẩn bị, không lập kế hoạch lui binh vì quá gấp rút.
– Không kiểm soát đôn đốc cấp chỉ huy.
– Gia đình binh sĩ, dân chúng di tản làm rối loạn hàng ngũ quân đội.
– Không duy trì được kỷ luật
Ngoài ra vì thiếu tin tức tình báo đoàn quân triệt thoái lại đi ngang tổ kiến VC, Sư đoàn 320 BV đóng tại Buôn Hô gần đoàn di tản đã đuổi kịp sau hai ngày.
Dân chúng tị nạn làm náo loạn cả lên, binh lính mất tinh thần nên nhiều đơn vị đã rã ngũ, tan hàng mặc dù chưa có chạm súng, người dân chạy loạn đã làm đảo lộn kế hoạch triệt thoái của Quân đoàn.
Cuộc triệt thoái khiến cho Cao nguyên lọt vào tay Cộng quân chỉ trong mấy ngày, nó cũng kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ Quân khu 2 và cũng đã để lọt vào tay địch nhiều vũ khí đạn dược, xe tăng, đại bác.
Tỉnh Quảng Đức nằm ở tây Nam Darlac (Ban Mê Thụôt) và phía Bắc Lâm đồng vẫn còn đứng vững sau 12 ngày cầm cự tại quận Kiến đức phía Tây thị xã Gia nghĩa. Ngày 9-3-1975 một Sư đoàn Việt Cộng chiếm quận Đức lập phía Tây Bắc Quảng Đức, còn lại Quận Kiến đức phía Tây thị xã vẫn còn đứng vững, họ bảo vệ được thị xã yên ổn được gần hai tuần lễ.
Đến ngày 22-3 tình hình tiếp liệu thiếu hụt, binh sĩ ngoài tiền tuyến quá mệt mỏi trước áp lực địch, tỉnh đã tính chuyện di tản mặc dù chưa có lệnh của Quân đoàn. Sáng 22-3-1975 Đại tá tỉnh trưởng Quảng đức lấy tiền trong ngân khố đem lên trực thăng đưa về Sài gòn rồi quay trở lại, ông ghé Lâm đồng nghỉ ngơi xong lên máy bay trở về Quảng Đức nhưng trực thăng bị hỏng không quay trở về được, đó là theo lời ông ấy nói. Đến chiều Trung tá Tiểu khu phó bèn cho lệnh tỉnh di tản, hai Tiểu đoàn BĐQ tại Kiến đức gọi về tỉnh xin lệnh nhưng thấy các quan đã triệt thoái nên anh em cũng lui binh trong trật tự, họ đã gài mìn trên đường về thị xã rồi rút theo đoàn quân của tỉnh.
Về điểm này trong cuốn Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975 của Phạm Huấn nói sai hoàn toàn. Trang 170: “Đại tá Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng Đức liên lạc về khẩn báo: Quận Kiến đức mất. Quận Gia Nghĩa đang bị pháo nặng. Cộng quân từ An Lộc kéo về đã tiến sát Phi trường Quảng Đức”. Trang 171: “Hầm chỉ huy và hệ thống liên lạc của Tỉnh trưởng Quảng Đức bị pháo sập. Đại tá Tỉnh trưởng chỉ huy lực lượng còn lại của Tiểu khu, mở đướng máu rút về hướng Lâm đồng”.
Không biết Phạm Huấn căn cứ vào tài liệu nào nhưng chúng tôi là nhân chứng từ đầu chí cuối tại đây đã biết rõ sự việc. Hoàn toàn không có chuyện quận Kiến đức bị mất, thị xã Gia Nghĩa không hề bị pháo, địch còn bị cầm chân tại Kiến đức cách thị xã khoảng 15 km. Tỉnh trưởng vẫn ở tư dinh cho đến ngày di tản, hoàn toàn không có chuyện pháo sập hầm, ông tỉnh trưởng đã đi máy bay trực thăng từ sáng, hoàn toàn không có chuyện mở đường máu rút về Lâm đồng.
Đoàn quân triệt thoái từ Quảng Đức sau 5 ngày băng rừng thì tới Lâm Đồng ngày 27-3, tổng cộng khoảng sáu, bẩy nghìn người gồm ĐPQ, BĐQ, Cảnh sát..Đa số quân đội và một số ít dân chúng vượt sông tại Kinh Đà qua được Lâm Đồng, phần nhiều dân chúng bị bỏ lại vì không thể đem theo hết mọi người được. Cuộc di tản tốt đẹp, hiền lành, rất kỷ luật, hoàn toàn không sẩy ra lộn sộn nào đáng tiếc.
Ngày 27-3 đoàn quân di tản từ Quảng đức tới được Lâm đồng nhưng thật không may, ngày họ tới nơi cũng là lúc Lâm Đồng bắt đầu di tản về Phan Rang trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Từ hai ngày trước Sư đoàn 7 CS thuộc quân đoàn 4, dưới quyền điều động của Trần Văn Trà chiếm Định Quán, Hoài Đức, Giá Rai .. rồi tiến quân đánh tỉnh Lâm Đồng. Họ tiến theo đội hình xe tăng đi đầu rồi bộ binh, pháo binh, hậu cần theo sau tiến theo đường 20 gặp đồn đánh đồn, gặp bót đánh bót.
Tỉnh trưởng Lâm Đồng bỏ trốn từ hai giờ sáng, ông ta lấy tiền trong ngân khố chạy lên Đà Lạt bằng xe díp, sự thực không riêng gì Lâm Đồng, Quảng Đức mà tại cả hai Quân khu 1 và 2, nhiều đơn vị trưởng, nhiều sĩ quan cao cấp thấy tình hình bi đát đã bỏ đơn vị chạy tháo thân, tâm lý chung con người ta ai mà chẳng sợ chết. Cuộc di tản từ Lâm Đồng về Phan Rang được tiến hành có trật tự, không sẩy ra hỗn loạn như cảnh triệt thoái trên đường số 7 có lẽ vì không bị Cộng quân đuổi theo pháo kích.
Trong khi ấy hai Trung đoàn CS băng rừng từ Phước Long qua tiến chiếm quận Di Linh, chiều tối hôm ấy, pháo binh thuộc địa phận Đà Lạt bắn thả dàn vào Di Linh đang nằm trong tay Cộng quân. Hai hôm sau Đà Lạt cũng di tản về Phan Rang.
Dưới đây là những ngày cuối cùng của Quân đoàn 2, phần này chúng tôi dựa cuốn Những Ngày Cuối Của VNCH của ông Cao Văn Viên.
Vùng Cao nguyên mất, chủ lực Quân đoàn bị thiệt hại gần hết nhưng ở duyên hải Sư đoàn 22 bộ binh vẫn giữ vững phòng tuyến ở Bình Khê trên Quốc lộ 19, ở Tam Quan phía Bắc Bình Định, hai Trung đoàn 41, 42 thuộc Sư đoàn 22 chống trả mãnh liệt cuộc tấn công của Sư đoàn 3 CS dưới chân đồi Bình Khê phía Tây Qui Nhơn. Hai bên giằng co nhau từng ngọn đồi, Cộng quân bị thiệt hại nhiều trong trận đánh. Trung đoàn 95B, Sư đoàn 968 BV được tăng cường tấn công hai Trung đoàn 41, 42 nhưng ta vẫn giữ được phòng tuyến cho đến 30-3.
Ở duyên hải, BV tăng viện thêm từ Quảng Ngãi đánh Tam Quan, Bồng Sơn ngày 25-3, Trung đoàn 47 sau 3 ngày chiến đấu rút về căn cứ không quân Phù Cát lập phòng tuyến mới ở đó. Sư đoàn 320 BV sau khi đánh phá đoàn di tản trên tỉnh lộ 7B xong nhiệm vụ tiến về Tuy Hoà. Sư đoàn 10 cùng với xe tăng, đại bác từ Phước An theo đường 21 tiến về Khánh Dương ngày 27-3 để tấn công Lữ đoàn 3 Nhẩy Dù. Đặc công, thám sát CS xâm nhập Qui Nhơn đóng chốt, cắt đường giao thông, ĐPQ của ta bây giờ biến mất hết. Sư đoàn 22 BB được lệnh rút về Qui Nhơn.
Ngày 30-3 Trung đoàn 41 và 42 được lệnh rút khỏi mặt trận Bình Khê, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42, Trung tá Nguyễn Hữu Thống đã năn nỉ xin Tư lệnh ở lại đánh, ông nói tình hình chưa đến nỗi, nếu rút đi sau này khó đem quân trở lại. Nhưng đã quá trễ, khi hai Trung đoàn vào thị xã Qui Nhơn, họ bị các chốt địch bên trong thị xã chận đánh, ĐPQ của ta tại đây đã di tản, Qui nhơn đã nằm trong tay Sư đoàn 3 CS.
Sau 3 ngày chiến đấu cộng với sự yểm trợ của Hải pháo, Trung đoàn 41, 42 phá được phòng tuyến địch ở Nam thành phố. Quân của hai Trung đoàn 41, 42 thuộc Sư đoàn 22 tập trung một địa điểm phía Nam cách bến tầu 6 cây số chờ di tản. Hai giờ sáng 1-4 ba tầu Hải quân cập bến chở đám binh sĩ còn lại của Sư đoàn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42, Trung tá Nguyễn hữu Thống từ chối di tản và ở lại tự sát.
Trung đoàn 47 sau hai ngày cố thủ bị đánh bật ra khỏi phi trường Phù Cát, trên đường di tản về Qui Nhơn Trung đoàn bị phục kích tại quận lỵ, Tiểu đoàn trưởng ĐPQ tự tử, xác còn nằm trước văn phòng quận. Trung đoàn 47 mất đi hơn nửa quân số coi như bị loại khỏi vòng chiến. Sư đoàn 22 BB khi được tầu chở về Vũng Tầu chỉ còn hơn 2,000 quân.
Sáng 2-4 Cộng quân chiếm Tuy Hoà, ĐPQ rút về Nha Trang, tại đèo Cả phía Nam Phú Yên Tiểu đoàn BĐQ 34 bị thất thủ sau hai ngày cầm cự. Tại Khánh Dương Sư đoàn 10 CS và Lữ đoàn 3 Dù giao tranh dữ dội ngày 27-3, BV được pháo binh, xe tăng yểm trợ đã phá được phòng tuyến VNCH. Tiếp viện cho Lữ đoàn Dù bị chận đánh, quân Dù giữ được Khánh Dương một tuần thì thất thủ ngày 2-4, Lữ đoàn tan rã trước áp lực quá đông của địch chỉ còn hơn 300 người chạy về Nha Trang. Việt Cộng chiếm trung tâm huấn luyện Dục Mỹ, Ninh Hoà.
Nha Trang đã trở thành vô chính phủ như nhiều thành phố khác, tù quân lao phá ngục trốn ra lấy súng của đám tàn quân bỏ chạy bắn loạn xạ, cướp bóc dữ dội như thời thượng cổ. Trưa 2-4 Trung tướng Phạm Quốc Thuần chỉ huy trưởng Trung tâm Dục Mỹ đến Bộ tư lệnh Quân đoàn gặp Tướng Phu,ù hai người bàn bạc với nhau chừng 15 phút rồi cùng đi tới phi trường Nha Trang. Tướng Phú lên trực thăng bay đi tìm các đơn vị, đến chiều trở lại Nha Trang ông báo cáo cho Bộ Tổng tham mưu biết không liên lạc được với đơn vị nào. Bộ Tổng tham mưu ra lệnh cho ông phối hợp Hải, Không quân để tổ chức phòng thủ phi trường Nha Trang.
Nửa tiếng sau Tướng Phú bay khỏi Nha Trang, ông không nói gì với Ban Tham mưu Quân đoàn hay bàn thảo kế hoạch gì cả, quá tuyệt vọng ông bèn bay về Sài Gòn nhập bệnh viện Cộng Hoà ngày 4-4. Tướng Phú không còn tinh thần để chỉ huy vả lại Quân đoàn 2 của ông cũng chẳng còn gì cả. Khi ấy Ban Tham mưu Quân đoàn 2 bèn quyết định di tản khỏi Nha Trang. Từ 27, 28-3 các đơn vị của Lâm Đồng, Tuyên Đức rút về Phan rang để tháo chạy về miền Nam.
Làn sóng tỵ nạn miền Trung từ Quân khu 1, và phía Bắc Quân khu 2 đổ về Phan Rang khiến cho cả tỉnh hốt hoảng nhập bọn chạy về phía Nam. Địa phương quân, cảnh sát, công chức Phan Rang… nhiều người bỏ đơn vị để chạy loạn. Tỉnh trưởng Đại Tá Trần Văn Tư cho phá hủy máy móc và một số cơ sở quan trọng rồi rút về Phan Thiết.
Bộ Tổng tham mưu khi ấy bèn lấy Phan Rang và Phan Thiết, hai tỉnh cuối cùng của Quân đoàn 2 đem sáp nhập vào Quân khu 3 kể từ ngày 4-4-1975, Quân đoàn 3 cũng gửi Lữ đoàn 2 Nhẩy Dù ra tăng cường. Nha Kỹ Thuật, Phòng 7 Bộ Tổng tham mưu gửi nhiều toán thám sát vào hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc Phan Rang để dò thám hoạt động của Cộng quân. Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn 3 do Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy đặt tại phi trường Phan rang, Tỉnh trưởng Phan Rang được triệu hồi để tổ chức lại hành chánh và phòng thủ tỉnh. Trật tự được vãn hồi, tại phía Tây Phan Thiết Sư đoàn 7 CS đang gây áp lực, toán thám sát cho biết địch tập trung 2 Sư đoàn 3 và 10 tại Cam Ranh cách Phan Rang 45 km.
Quân đoàn 3 lại cho rút Lữ đoàn Dù về vùng 3 để phòng thủ Quân khu, thay vào đó cho tăng cường Phan Rang một Trung đoàn của Sư đoàn 22 mới trang bị, bổ sung, một Liên đoàn BĐQ, một Tiểu đoàn thiết giáp. Cuộc thay đổi quân sắp hoàn tất thì ngày 4-4 địch tấn công dữ dội, Tướng Nghi xin giữ lại một Tiểu đoàn Dù. Lực lượng Ninh Thuận, Phan Rang bây giờ gồm: một Tiểu đoàn Dù, một Trung đoàn bộ binh, một Liên đoàn BĐQ, 4 tiểu đoàn ĐPQ, một Chi đoàn Thiết giáp M-113, Sư đoàn 6 Không quân, Hải quân gồm 2 khu trục hạm, Duyên đoàn 27, một Giang pháo hạm, một Hải vận hạm và một số tầu yểm trợ.
Phan Rang phố xá vắng tanh, dân chúng đã di tản về Phan Thiết. Ngày 14-4 Sư đoàn 3 và 10 CS tấn công tuyến phòng thủ Phan Rang theo Quốc lộ 1 và 11 đánh vào phi trường, tại đây Tiểu đoàn Dù giao chiến với Cộng quân, địch chết bỏ xác 100 tên. Ngày 15-4-1975 Ông Trần Văn Đôn, Phó Thủ tướng đặc trách Quốc phòng và Tướng Toàn thị sát mặt trận.
Bị quân trú phòng đánh trảù ác liệt BV cho tăng thêm Sư đoàn 325 và nhiều xe tăng, đại bác tấn công phi trường Phan Rang đến trưa thì phòng tuyến vỡ. Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi Tư lệnh mặt trận, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân, Đại tá Nguyễn Thu Lương Lữ đoàn trưởng Dù được ghi nhận mất tích. Toàn tỉnh Ninh Thuận mất ngày 16-4, hai hôm sau ngày 18-4 mất Phan Thiết, Quân khu 2 hoàn toàn lọt vào tay CSBV.
Cuộc triệt thoái Cao nguyên đã khiến cho Quân đoàn 2 mất gần hết chủ lực quân, chỉ còn Sư đoàn 22 tại vùng duyên hải mặc dù chiến đấu rất anh dũng nhưng không thể chống lại mấy Sư đoàn Cộng quân, cuối cùng toàn bộ Quân khu đã rơi vào tay BV. Nhiều người đổ cho Tướng Phú đã làm mất Ban Mê Thuột và sụp đổ Quân đoàn 2, Phạm Huấn cho rằng ông chưa đủ khả năng nắm giữ một quân đoàn.
Ngoài ra theo Phạm Huấn tại Quân đoàn 2 có những tị hiềm các nhân, kình chống nhau giữa những phụ tá của Tướng Phú, của những phe cánh trong quân đội và giữa Tướng Phú với những ông Tướng văn phòng ở Sài Gòn của Bộ Tổng Tham mưu. Quân đoàn 2 chia rẽ nội bộ, Tướng Phú không được thuộc hạ ở Quân khu 2 nể trọng và có cảm tình, ông lại không được Tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên nể nang, thù trong giặc ngoài, tất cả cũng đã làm suy yếu phần nào nội bộ của ta.

“Vì sự đố kỵ, bất mãn, bất lực và vô kỷ luật của cả những sĩ quan cao cấp và có trách nhiệm nhất đưa đến sự thảm bại nặng nề trong cuộc rút quân khỏi Cao nguyên.”
Phạm Huấn (CTTCN, trang 125)

Sự thực Tướng Phú có một phần trách nhiệm để mất Ban Mê Thuột vào tay CS vì ông đã mắc lừa kế nghi binh của địch, nhưng sự sụp đổ Quân đoàn 2 như chúng ta đã thấy Tổng Tư lệnh là người chịu trách nhiệm nhiều nhất vì kế hoạch của ông đã có nhiều lỗi lầm tai hại. Tướng Phú đã nhìn thấy cái nguy hại của triệt thoái và đã xin ở lại tử thủ, nếu được yểm trợ về tiếp liệu thì có thể cầm cự cho tới mùa mưa, lúc ấy hai bên không thể giao chiến được nữa nhưng ông Thiệu một mực bắt phải lui binh
Trong Những Ngày Cuối Của VNCH, trang 134 ông Cao Văn Viên nói.

“ Nghĩ lại việc đã qua, câu hỏi là miền Nam có sống sót nếu chúng ta không áp dụng kế hoạch tái phối trí lực lượng quân sự hay không. Bây giờ nói thì sự đã rồi, nhưng tác giả tin miền nam có nhiều cơ hội hơn nếu không thực hiện tái phối trí. Tinh thần chiến đấu của quân đội VNCH và nhân dân bị hủy diệt là nguyên nhân trực tiếp của kế hoạch tái phố trí. Không có kế hoạch đó, có lẽ quân đội của chúng ta không tan rã nhanh như vậy. Chúng ta có thể mất đi một phần của sư đoàn 23 BB nhưng tất cả những đơn vị khác vẫn còn nguyên vẹn. Dù lấy được ban Mê Thuột Cộng quân vẫn phải ngừng lại, suy tính kỹ trước khi mở một mặt trận mới ở vùng II. Vùng II vẫn còn Sư đoàn 22BB, cộng thêm với một lực lượng tương đương với 2 sư đoàn bộ binh và hai sư đoàn không quân. Vùng II có đủ quân nhu và tiếp liệu để chiến đấu đến hết mùa khô . Không có kế hoạch tái phối trí, tác giả không nghĩ Cộng Sản có thể thành công, đánh nhanh và chiến được nhiều đất như họ đã làm ở vùng I. Tình hình quân sự nhân lực của VNCH vẫn gặp những khó khăn dai dẳng như trước khi có quyết định tái phối trí: thiếu thốn về quận viện; không còn nhân lực để lập thêm những đơn vị tổng trừ bị. Nhưng ít ra quân đội VNCH sẽ không tan rã nhanh chóng như khi quyết định tái phối trí được thực hiện”.

Các giới chức quân sự, chính trị, nhà báo… cũng cho rằng nếu ta không rút, cứ đánh chưa chắc đã thua. Sách Mạnh Tử có câu “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hoà”, Ngài giảng: Kẻ địch cất quân sang đánh nước ta là chúng có Thiên thời, nước ta có núi non hiểm trở, thành lũy cao, hào sâu là ta có Địa lợi, nhưng khi quân địch vừa tới, binh sĩ ta quăng gươm giáo bỏ chạy là vì ta không có Nhân hoà” (ta không được lòng người). Thật vậy chúng ta lui binh tức là từ bỏ ưu thế địa lợi để rồi mất luôn cả ưu thế nhân hoà.
Trước một kế hoạch tối quan trọng như thế ông Thiệu cần phải hội thảo với các vị Tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu… để lấy quyết định chung thay vì tự quyết định và như vậy ông đã tránh được trách nhiệm bản thân . Lịch sử đã chứng tỏ rằng sự tập trung quyền hành trong tay một người đã đưa tới những sai lầm trầm trọng như Hitler đã làm tiêu tan nguyên một lộ quân ba trăm ngàn người trong trận Stalingrad 1942 vì quá độc tài.
Nhà báo, dân biểu Trần Văn Ân trong lời Bạt cho cuốn Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên Năm 1975 viết.

“đây là cuốn sách đầu tiên đã nói lên được cái thân phận vừa đau thương vừa hào hùng của người lính Cộng Hoà thấp cổ bé họng, đã mô tả được những uất nghẹn của của người Sĩ quan Việt Nam nhìn thấy thảm cảnh Quân đội tan hoang mà bó tay chịu chết, và cũng đã phơi bầy được cái hậu trường tàn nhẫn, hèn nhát và bất nhân của nhóm người lãnh đạo Quốc Gia và chỉ huy Quân đội.
. . . . . . . . . .
Ba ông tướng cao cấp khác, có mặt tại Hội Nghị Cam Ranh cùng với ông Thiệu, đã hoàn toàn im lặng, không góp bàn gì về cái quyết định giết người của ông Thiệu cả”

(CTTCN 1975, trang 265, 266)

Kề hoạch của ông Thiệu và tập đoàn Tướng lãnh đã bị chỉ trích gay gắt như sau:

“Người đọc cũng thấy rõ sự tàn nhẫn, lạnh lùng của TổngThống Thiệu khi ban hành thứ mệnh lệnh tự sát cho Tướng Phú, và thái độ im lặng giả dối, sống chết mặc bay của những tướng hiện diện….
. . . . . . . . . . . . . . .
Câu chuyện Phạm Huấn kể về cái Hội Nghị Cam Ranh còn đặt ra một khía cạnh khác của nhân tình thế thái: đó là khía cạnh đạo đức của mệnh lệnh.Trong suốt buổi họp từ ông Thiệu, ông Khiêm tới ông Viên, Ông Quang, không một ai đề cập tới số phận của hằng triệu dân, hàng trăm nghìn Địa Phương Quân, Nghĩa Quân và gia đình binh sĩ sẽ bị bỏ rơi lại, và hàng chục ngàn xác chết Quân Dân chắc chắn sẽ đầy rẫy dọc theo con đường tử lộ. Ông Thiệu phân tách tình hình rồi lạnh lùng chỉ thị rút chủ lực quân thật nhanh, thật bí mật về miền Duyên Hải… Các Ông Tướng khác giữ im lặng, thản nhiên như mọi việc đã được quyết định rồi và không còn gì để bàn cãi nữa”

Trần Văn Ân (CTTCN 1975 trang 267)

Những lời kết án của Trần văn Ân, của Phạm Huấn… cũng như của bao nhiêu người khác nữa thể hiện niềm phẫn uất của quân dân đối với Hội Nghị Cam Ranh .

“Lịch sử sẽ ghi những gì về Hội Nghị Cam ranh và về các tướng lãnh đạo của nền Đệ Nhị Cộng Hoà? Sử liệu có lẽ sẽ cần năm ba chục năm để hoàn tất. Nhưng ngay bây giờ thì sử xanh đã truyền tụng quá nhiều. Sử xanh ghi rằng. “Hội Nghị Cam Ranh ngày 14.3.1975 và cuộc triệt thoái Cao nguyên ngày 17.3.1975 không phải là khởi đầu sụp đổ của chế độ Đệ Nhị Cộng Hoà Việt Nam. Hai biến cố này thực sự là dứt điểm vụt tắt cuối cùng của cơn hấp hối đã dai dẳng nhiều năm của chế độ dũng phu Nguyễn Văn Thiệu-Trần Thiện Khiêm trong đó một khối quân đội gồm Đa Số Tướng lãnh và quân sĩ tài giỏi, anh hùng đã bị lợi dụng, thao túng và chết uổng bởi một nhóm nhỏ Tướng lãnh cầm quyền tham ô, bất lực và thiếu đạo đức, với sự tiếp tay của một thiểu số người vô tài bất hạnh; kể cả một số khoa bảng thời cơ và bịp bợm.
Tiền bạc của nhân dân mà họ mang ra ngoại quốc có thể giúp họ sống sung túc tới trăm tuổi là cùng. Nhưng tội lỗi của những Tướng lãnh đạo sẽ được lịch sử ghi rõ đời đời. Lương tâm thui chột của họ có thể làm ngơ, nhưng lịch sử bao giờ cũng sáng suốt và tiếng nói dân gian bao giờ cũng công bình.
Liệu rồi đây, khi họ nằm xuống, những nấm mồ của họ có sẽ được chôn tại miền nắng ấm quê nhà hay sẽ phải nằm cô đơn giữa một miền tuyết lạnh Mỹ Châu, Âu Châu? Liệu rồi đây nhân dân có đủ khoan dung cho phép họ nằm cạnh những nấm mồ của các chiến sĩ anh hùng đã chết trên chiến địa, đã tự sát khi bại trận hay đã chết trong lao tù? Những anh hùng này đã hy sinh cho một chính nghĩa cao đẹp nhưng bị chết uổng vì một Lãnh Đạo tồi tàn”

Trần Văn Ân (CTTCN trang 272).

Tướng Phú phải chịu trách nhiệm phần nào trong cuộc hành quân phá sản và làm sụp đổ Quân đoàn. Là người tự trọng ông đã can đảm tự xử lấy bản thân vì đã không chu toàn trách nhiệm. Ký giả Trần Văn Ân đã luận bàn về tư cách của người chiến sĩ anh hùng thà chết vinh còn hơn sống nhục như sau.

“Tướng Phú đã nằm xuống. . . . với đầy đủ khí tiết của một cấp chỉ huy đã dám tự xử mình khi trách nhiệm không hoàn tất.
Tại sao những Tướng lãnh đạo nền Đệ II Cộng Hoà lại không thấy được tội lỗi của mình và không dám tự xử? Phải chăng đó là sự cách biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân, giữa người yêu nước thật sự và người làm chính trị vì tham vọng cá nhân? Phải chăng đó là sự cách biệt giữa Tướng tác chiến Phạm Văn Phú và các Tướng chính trị Nguyễn Văn Thiệu Trần Thiện Khiêm?
Ước mơ của tôi là một ngày nào quê hương được giải phóng, tôi sẽ về lại Việt Nam thăm mộ Tướng Phú và các chiến sĩ vô danh khác, thắp nén hương tưởng nhớ những anh hùng đã vị quốc vong thân, và xám hối về những tội lỗi của mình”

(CTTCN 1975 trang 273)

Cuộc triệt thoái đã ảnh hưởng tai hại tới tình hình Quân khu I để rồi cuối cùng đưa tới sự sụp đổ hai vùng chiến thuật và sự sụp đổ của cả VNCH.

Trọng Đạt


Tài Liệu tham khảo.

Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Đại Nam.
Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography 2003.
Phạm Huấn: Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, Cali 1988.
Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Cali 1987.
Văn Tiến Dũng: Đại thắng Mùa Xuân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, HàNội 2005.
Trần Đông Phong: Việt Nam Cộng Hoà, 10 Ngày Cuối Cùng , Nam Việt 2006.
Dương Đình Lập: Cuộc Tổng Tiến Công Và Nổi dậy Mùa Xuân 1975, Nhà xuất bản Tổng Hợp T.P.H.C.M 2005.
Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1990.
Lam Quang Thi: Autopsy The Death Of South Viet Nam, 1986, Sphinx Publishing.
The Word Almanac Of The Viet Nam War: John S. Bowman – General Editor, A Bison-book 1958.
Stanley Karnow: Viet Nam, A History, A Penguin Books 1991.
Marilyn B. Yuong, John J. Fitzgerald, A. Tom Grunfeld: The Viet Nam War, A history in documents, Oxford University Press 2002.
Nguyễn Định: Ban Mê Thuột Ngày Đầu Cuộc Chiến, bút ký, internet.
Phạm Bá Hoa: Cuộc Rút Quân Trên Đường Số 7B, Người Việt Dallas 19-3-2004
Hồi Ký Của Trung Uý D: Những Ngày Cuối Cùng Trên Liên Tỉnh Lộ 7B, Người Việt Dallas, 25-3-2005.
Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng: Thiên Thần Mũ Đỏ, Ai Còn Ai Mất, Người Việt Dallas số 7-10-2005.
Nguyễn Kỳ Phong: Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam: Người Việt Dallas 21-6-2006 .
Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Đỗ Cung dịch, Người Việt Dallas số 26-4-2006.
Trần Gia Lương: Một Cái Nhìn Về Tướng Phạm Văn Phú, Sài Gòn Nhỏ Dallas 2004
Tú Gàn: Trở Lại Trận Ban Mê Thuột, Sài Gòn Nhỏ Dallas Tháng 4-2005.
Trung Tướng Lữ Lan: Cuộc Chiến Ba Mươi Năm Nhìn Lại Từ Đầu, Sài Gòn nhỏ Dallas 28-4-2006.

Counter