1. Bàn cổ thủ xuất Hỗn mang chi sơ, Vị phân thiên địa. Bàn cổ thủ xuất, Thuỷ pha”n âm dương. Thiên khai ư tí. Địa tịch ư sửu, Nhân sinh ư dần… Trong cảnh thái hoang ban sơ khi trời đất chưa phân thì ông Bàn Cổ xuất hiện đầu tiên. Việc làm trước hết của ông là phân ra âm dương. Âm dương là tiết điệu căn cơ gỡ nhịp cho cuộc đại diễn của vũ trụ, cầm cân nẩy mực cho quá trình biến dịch của muôn loài, trong đó con người dẫn khởi. Sách nói một ngay ông biến đổi chín lần, mỗi lần ông lớn lên mười thước thì đất dầy ra bấy nhiêu, trời cao thêm cũng bấy nhiêu. Bàn Cổ sống 18 ngàn năm, nên đất cực dầy, trời cực cao, còn thân ông lớn quá xá. Bấy giờ ông khóc, nước mắt chảy ra làm nên hai giòng sông Hoàng Hà và Dương Tử. Hơi ông thở thành ra gió, ông xem chung quanh thành ra sấm chớp, khi ông vui tính thì trời đẹp, lúc ông nổi giận thì trời tối lại, mây mù phủ kín. Khi ông chết xác ông rã ra từng mảnh làm thành năm dãy núi trong thiên hạ. Hai con mắt làm nên mặt trời mặt trăng, mỡ chảy ra hóa thành biển cả sông ngòi, tóc đâm rễ vào đất mọc lên thảo mộc. Sâu bọ trên thân xác ông làm nên loài người. Đó là tóm tắt câu truyện Bàn Cổ (*), có đã lâu đời nên rất giàu khả năng biểu thị toàn thể triết lý Đông phương, nên nói về Bàn Cổ chính là nói đến chỗ khởi đoan của triết lý Đông phương vậy. (*) Truyện Bàn Cổ là truyện Bàn Vũ cũng gọi là Bàn Hồ của dân Dao (man) trong Bách Việt đã được Từ Chỉnh đời Tam Quốc chỉnh lý lại và đưa vào sách Tam Ngũ Lược Ký. Trên kia chúng ta đã khởi đầu khai thác thần thoại một cách tổng quát, bây giờ chúng ta tiếp tục việc tìm hiểu dưới khía cạnh riêng biệt có thể gọi là nhân thoại, nghĩa là những huyền thoại trình bày con người không thụ động nhưng là chủ động tham gia vào việc kiến tạo ra vũ trụ, không theo nghĩa kiến tạo ra vũ trụ từ không đến có, vì trước Bàn Cổ đã có cảnh Thái Hoang rồi, nhưng theo nghĩa nhân chủ trong văn hóa tức con người nắm phần xếp đặt vũ trụ thế nào để mình làm chủ những ý nghĩa trong vũ trụ. Hiểu như thế là đáp trước vấn nạn nêu lên do lối hiểu thụ động về con người. Theo đó thì truyện Bàn Cổ thực là vô lý, ngoa ngôn; người chi mà lại tự phụ làm ra cả trời với đất, thực không đáng bàn tới. Nhưng đứng ở quan điểm chủ động của triết lý nhân sinh mà nhìn thì chúng ta thấy truyện Bàn Cổ rất hợp để đặt nổi khởi đoan tự con người: con người trứơc hết rồi mới đến thiên địa vạn vật theo tinh thần “thiên địa vạn vật nhất thể” mà Trang Tử diễn tả bằng câu: “Thiên địa dữ ngã tịnh sinh”: trời đất cùng với ta sinh ra vậy. Như thế không phải là vấn đề trước sau theo thời gian đo đếm, nhưng theo nghĩa vũ trụ cơ thể không thể không có con người làm trái tim. Thiếu con người vũ trụ sẽ là bộ máy vô hồn. Vì thế mà phải có Ta ngay tự đầu và Ta đây được biểu thị bằng ông Bàn Cổ đại diện cho Đại ngã tâm linh. Câu truyện Bàn Cổ được kể lại đây nhằm mục đích cụ thể hóa và minh họa câu sách Trung Dung đã trưng ở đầu: “Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ”: đạo quân tử khởi đầu tự con người, con người trong xương thịt, sống trong thời gian và không gian, nằm trong nhiều liên hệ xã hội, mà liên hệ trung tâm quan trọng và nền móng nhất theo Việt nho là phu phụ. Nên nói tự phu phụ là nói tự con người cụ thể. Nói vắn tắt là khởi tự nhân. Đây là một chân lý tưởng không bao giờ có thể nhấn mạnh quá đáng: vì chúng ta đã thấyhai khởi điểm thiên địa đều gây nên muôn trùng đau khổ cho con người nên cần phải nhấn mạnh sự thiết yếu khởi tự người: vì khởi từ đầu là tận cùng ở đó, luật tuần hoàn là như vậy. Để giúp vào việc đặt nổi nhân đoan thì không còn câu truyện nào xứng hợp bằng huyền thoại Bàn Cổ, vì nó khởi đầu ngay tự ông với tấm thân to lớn bao phủ tất cả mọi sự vật trong truyện, nên hy vọng bóng ông sẽ che rợp tất cả bao nhiêu luận bàn về con ngừơi để ám chỉ rằng phải học về con người một cách nhân sinh nghĩa là đặt nền trên con người, lấy con người làm tiêu chuẩn, làm trung tâm và cho tỏa bóng ra bao phủ tất cả các cái học khác, không cho chúng bị khuôn theo sự vật trời hay đất. Nhiều triết học gia Tây phương hiện đại như Cassier muốn thay thế câu định nghĩa của Aristote bằng câu định nghĩa “Người là con vật tiêu biểu” (animal symbolicum) vì lối tiêu biểu dễ giúp cho người ta tìm trở lại ngọn nguồn. Đó là điều rất đáng noi theo. Chúng ta thú vị nhận thấy rằng điều các triết học Tây Aâu mới mong ước thì chúng ta cám ơn tiên tổ đã di truyền lại cho một tiêu biểu về con người thực lớn lao cao cả. Do đó cần đem vào một tấm lòng chân thành để tìm hiểu ý nghĩa uyên nguyên của nó. Lúc ấy chúng ta sẽ nhận ra truyện Bàn Cổ xuất hiện như một kho tàng chứa không biết bao ngàn năm kinh nghiệm và suy tư của người xưa đã được đúc kết lại đó, nó làm nên một phương thức sống, một thái độ ở đời, một lối nhập cảnh có thể giới thiệu với ta quan niệm vũ trụ nhân sinh của tiên tổ vậy. Chúng ta hãy khởi đầu nghĩ về câu: Bàn Cổ thủ xuất: Mỗi chữ mang theo một chân lý quan trọng. Sao lại thủ xuất mà không hậu xuất. Thủ xuất là cốt tránh cái tai họa bị chèn ép, khi ra sau. Au tard venu les os, đến sau chỉ còn có xương xẩu; nghĩa là xuất hiện sau thiên nhiên thì sẽ bị nhiên giới hóa, hoặc nói theo đời nay là bị vật đích hóa, như trong quan niệm về vũ trụ đã làm xong hẳn, để ban ra (donné) rồi con người mới đến sau. Chỉ một chữ sau trước tưởng không quan trọng gì, kỳ thực đến sau là sẽ bị kẹt trong hai gọng kìm duy tâm hay duy vật: tâm có trước hay vật có trước. Vấn đề quan trọng, vì có trước nghĩa là làm chủ chốt và sẽ giản lược yếu tố sau vào mình. Bởi thế mới tranh luận thực hăng say giằng giai trải qua từng mấy ngàn năm mà chưa vỡ lẽ: chưa bên nào chịu bên nào. Tâm có trước hay vật có trước. Nếu tâm có trước thì là duy tâm, trong đó con người trở thành duy linh coi thân xác thế gian là kẻ thù. Nếu là duy vật thì con người cũng duy vật coi tâm linh chỉ là bèo bọt tuỳ phụ. Cả hai đều quên con người cụ thể toàn diện. Chính vì còn thiếu một khoa nhân bản trung thực khởi đầu ngay tự con người cho nên chưa tìm ra lối thoát, mãi tới nay chẳng mèo nào chịu mèo nào nên phải phân lý làm hai thế giới bắc loa lên gửi cho nhau chả còn biết bao nhiêu lời qua tiếng lại, có đệm cả bằng bom đạn nổ long trời lở núi. Có vậy chúng ta mới mở mắt ra để nhìn nhận cái minh triết tiềm mặc trong bốn chữ “Bàn Cổ thủ xuất”. Tức là không đặt vấn đề duy tâm hay duy vật bên ngoài con người. Vũ trụ có trước hay sau kệ thây nó, bàn cãi đã chẳng giải quyết nổi con quay ra huynh đệ tương tàn. Vậy thì điều thiết yếu hơn là mình hãy biết việc mình đã: biết đâu mà thổi tù và cho vũ trụ bên ngoài mình. Hãy bàn đến cái vũ trụ khi mình xuất hiện, khi mình có tương quan với nó. Hãy bỏ hẳn cái lối việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng. Đó là đại để cái triết lý của “Bàn Cổ thủ xuất” để phân ra âm dương trời đất. Đó là trời đất mà trong ấy mình không là kẻ ăn đậu ở nhờ, nhưng là chủ nhân ông. Như câu của Từ Hồ (môn đệ Vương Dương Minh) “Thiên đại đó là thiên địa của ta, và cuộc biến hóa đó cũng chính là cuộc biến hóa của ta chứ không phải của vật nào khác”. (*) (*) Thiên địa ngã chi thiên địa. Biến hóa ngã chi biến hóa. Phi tha vật dã. Từ đấy vũ trụ hết còn xa lạ nhưng là của con người, con ngừơi đã in dấu mình vào bằng cách xếp đặt và điều lý. Đấy là một lối nhập cảnh thần tình nhưng xưa nay ít được để ý. Học giả Granet đã nhận định rằng: “Có một sự kiện chứng tỏ ngừơi Trung Hoa đặc biệt chú trọng đến vấn đề chính trị tức là với họ thì lịch sử Vũ trụ bắt đầu một trật với lịch sử của nền văn minh loài người. Nó không mở đầu bằng những suy luận về Vũ trụ nhưng việc bàn về vũ trụ vốn nằm lẫn với tiểu sử các bậc Hoàng Đế. Do đó tiểu sử các vị anh hùng cổ đại chứa nhiều yếu tố thần thoại, nghĩa là những đề tài vũ trụ sinh hóa có được đưa vào văn học thì cũng đã bị chuyển hóa theo chiều lịch sử loài người rồi, nên xuất hiện như là sự kiện lịch sử của con người làm ra: cũng được khởi hứng do cùng một mối quan tâm chính trị. Vạn vật có hiện hữu ra đó thì cũng cốt là để gây nên cuộc thái hòa của những người sáng lập ra nền văn minh của nước. Chính nhờ sự minh triết của các ngài mà loài người cũng như vạn vật mới có thể thuận theo thiên mệnh và nhân tính của mình. Nhờ uy thế các ngài mà có được sự thái hòa ở trong xã hội, là cái sẽ kéo theo sự Thái bình, tức một sự quân bình trọn hảo của đại vũ trụ và chiếu giãi vào việc tổ chức của các tiểu vũ trụ. Vì khuynh hướng trong chính trị đó nên họ đẩy ra ngoài mọi suy luận về vũ trụ tạo thành”. (tức bàn về vũ trụ thiếu vắng phần con người tham dự) PC.342 2. Nhân sinh ư dần Chính nhờ ở việc đã đặt vào dấu ngoặc các vấn đề thuộc vũ trụ tạo thành bên ngoài con người mà Bàn Cổ đáng mang huy hiệu là tiên tổ của hiện tượng luận. Nền triết lý này cũng chủ trương đặt vào ngoặc đơn mọi vấn đề triết lý là cốt để tránh cái tai nạn bị nhiên giới hóa cho những người bám riết ý niệm sự vật. Vì thế mà họ chủ trương phải giảm trừ triết học, giảm trừ lý trí suy luận để thì giờ mà sống mà quan sát kinh nghiệm sống vừa xuất hiện trong trinh sơ chưa bị lây nhiễm nọc độc của ý hệ. Họ gọi đó là trở lại với chính sự vật (Su den sachen selbst), nghĩa là nhận định sự vật lúc vừa xuất hiện trong kinh nghiệm sống chưa bị bẻ quặt do triết thuyết, chưa bị trói buộc vào phạm trù, hoặc lên khuôn thành đề án (thématisé) chưa bị tô tạo bởi những ý niệm tiền chế, những định đề ước lệ hay làm cho sự vật bị bẻ quặt, nhưng là vũ trụ nguyên tuyền giống như lý tưởng nhà Phật mong nhìn trực thị sự vật “bản lai diện mục”. Họ có đạt được cùng chăng là chuyện khác. Ở đây ta chỉ nói tới ý muốn thiết tha gác sang một bên mọi lý luận về vũ trụ và ta cho rằng đó chính là thái độ của ông Bàn Cổ trong cái sống mải miết, sống đến độ không còn giờ để nói lấy nửa lời, thế mới đúng là “tiền ngôn, tiền niệm”, sống trào lên dào dạt: mỗi lần biến là lớn lên 10 thước, biến đổi 9 lần trong một ngày “nhất nhật cửu biến”. Thật là cái sống dâng trào cuồn cuộn chảy xiết. Do đó tất cả không gian trở thành không gian sống, vũ trụ trở thành vũ trụ của ông, của con người tự làm lấy nên nói hơi ông thở ra thành gió, giông, cái liếc nhìn của ông thành sấm chớp. Như thế khỏi cần đặt vấn đề quyền với lợi. Vì ông thủ xuất nên đã có ai mà phải tranh dành. Nietzsche khoe khoang rằng Zarathoustra của ông ta trổi vượt hơn các nhân vật khác vì chính Zara dựng nên chân lý và điều chỉnh vũ trụ: “Zara, crée la vérité et gouverne le monde” (Ecce. 130). Điều này còn thật hơn cho Bàn Cổ, với cái thân bát ngát, cái nhìn rộng rãi vô biên. So với Prométhée được coi là hùng cường vì trèo lên trời ăn trộm lửa, thì Bàn Cổ vượt xa, ông khỏi trèo trời vì chính ông làm ra trời đất, làm ra sấm sét thì chút lửa có đáng giá gì mà phải ăn trộm. Chỉ việc đưa mắt nhìn một cái là khói lửa bốc lên rần rật! Vì thế nói nhân sinh ư dần. Dần là con hổ mạnh mẽ nhất trong 10 con vật tiêu biểu: tí, sửu, dần, mão… (thìn = rồng không trông thấy nên không kể), Dần thường gọi là Chúa sơn lâm. Nhưng nói thế có phải là hoang đường chăng? Thưa không hoang đường chi hết. Đó là truyện có thực nhưng là một sự thực bị chôn vùi đi và nay mới khám phá ra tức là có ý nói đến khía cạnh tạo tác của con người trong vũ trụ, khía cạnh tương quan của người với sự vật. Sự vật có là có trong tương quan với con người: chỉ có vũ trụ của tôi khi nào tôi hiện thực dự phóng của tôi vào đó. Trước đấy có hay không tôi không cần biết, không thể biết, vì một khi biết là khởi đầu đặt mối tương quan. Sách nói Bàn Cổ thuỷ xuất là muốn trỏ vào cái lúc thức tỉnh của tâm trạng con người. Từ lúc chỗi dậy cái mà Vương Dương Minh kêu là linh minh, thì mới có trời đất. “Trời không có linh minh của ta thì lấy ai ngẩng lên nhìn trời cao. Đất không có cái linh minh của ta thì lấy ai cúi xuống nhìn đất sâu?” Thục V.310 “Tâm bất tại thị chi bất kiến, thính chi bất văn”Đ.H. khi tâm chưa thức tỉnh chưa có đó thì xem đâu có thấy, lòng dân có nghe. Bởi chưng: sự vật có đó hay không nhưng nếu không có con người hiểu biết, xếp đặt thì chúng vẫn chỉ là những vật dầy đặc nằm bầy nhầy trong hỗn loạn, bị che lấp tự căn cơ, chứ đâu có trên có dưới, có trong có ngoài để mà có vũ trụ, lớp lang, với giá trị và ý nghĩa nọ kia. Do đó mới nói “Hỗn mang chi sơ, vị phân thiên địa, Bản Cổ thuỷ xuất, thủy phán âm dương” là vậy. Khi chưa có Bàn Cổ tứ c chưa có con người nhận xét thì tất cả là hỗn mang đâu có trời cao, đất thấp, đâu có hàng cây soi bóng dưới nước ao thu. Các vòm sao đâu có được gọi là Thanh Long, Bạch Hổ, Licorne, Bắc Đẩu, Tua rua (Moderne 30). Vũ trụ chỉ có cho tôi khi nào tôi đặt một mối liên hệ với nó hoặc như đối tượng của nhìn, nghe biết hay trục lợi. Đại học có với tôi từ lúc tôi thấy cần phải đi đến học, từ lúc tôi điều lý, tôi chỉ cho một chỗ đứng, một tác dụng quy chiếu vào tôi. Khi còn nhỏ chưa ra khỏi tuổi trung hoà, thì cô không có cho cậu. Cô chỉ khởi “có” từ ngày cậu dậy thì: từ lúc đó thì cô có ngày có đêm, có một cách kinh sợ đến nỗi ti má lóm mà cũng gọi ngoa ngoét là má lõm đồng tiền. Tiền nong chi đâu. Thế nhưng mà vẫn cấp cho cậu được nhiều hoan lạc hơn cả tiền nong đó. Đấy là đại khái cái nghĩa chữ có là có trong tương quan và do đó có vũ trụ kéo theo sự có rất nhiều vũ trụ. Nghĩa là có một vũ trụ quan riêng biệt cho mỗi người. Có bao nhiêu người là có bấy nhiêu vũ trụ khác nhau làm bằng những mối bận tâm khác nhau. Trên nhà khách mấy ông thầu khoán đang âu lo vì giá ximăng lên gấp đôi. Ngoài sây hai em bé hí hửng vì một phát giác kinh khủng: ba đồng hai cặp một giò (ba đồng được hai đôi dế một chân). Trong bếp bà mẹ cằn nhằn vì rau muốn vọt lên những ba đồng một bó. Đang lúc dấy triết gia lo âu vì vấn đề thời không chưa đúc lại được. Đó: mới trong một khoảng chưa đầy trăm thước mà đã có đến bốn năm thế giới bao quanh gây nên những thái độ khác nhau: âu lo, hí hửng, bực mình, suy cứu… Mỗi thái độ phản chiếu một vũ trụ quan khác nhau. Thế mà bao lâu trước người ta không nhận ra, nên cũng không nhận ra con người tham dự vào việc kiến tạo vũ trụ, không nhận ra sự có nhiều thế giới bao quanh; mỗi người có mỗi thế giới riêng biệt. Bạn hỏi: cái đó có phần đúng nhưng ơn ích chi. Thưa ơn ích lắm, trước hết là cho việc kính trọng người khác, cho tinh thần tương dung. Vì nếu không nhận ra, không thâm tín thì ai cũng tưởng chỉ có một vũ trụ quan của mình, của phe nhóm mình nên dễ dàng đưa đến thái độ độc đoán: đem vũ trụ quan tư riêng hiểu lầm là duy nhất để chụp lên đầu tha nhân như thái độ của triết học duy vật hoặc duy tâm. Sau là giúp nhận thức ra được sự sai lầm tai hại của những triết thuyết chưa khám phá ra phần chủ quan nội tâm của con người, nên dễ đem những vũ trụ khách quan trừu tượng làm bằng những ý niệm khô chết để đặt lên con người sống thực. Thảm kịch con người khởi đầu từ đó. Đây là hậu quả của lối nhập cảnh thụ động (la manière passive de s’insérer dans le monde). Chính vì muốn chống lại lối đó mà Hiện sinh cũng như Hiện tượngluận mới trỗi dậy “phản kháng” lối nhìn vũ trụ hoàn toàn thụ động như con vật và tuyên dương lối “biết như công dân của vũ trụ”, nghĩa là có tham dự vào bằng nhận thức chủ quan có tính cách nhân chủ. Hiện sinh trổi hơn triết cổ điển vì coi con người là một vật thể mà sự xuất hiện của nó làm cho vũ trụ có (l’homme est un être don’t l’apparition fait que le monde existe). Không có thế giới tự nhiên độc lập bên ngoài cái nhìn cấu tạo ra nó. Vũ trụ chỉ có trong lúc con người lãnh lấy trách nhiệm tìm hiểu nó. Thế giới cụ thể của mỗi người là thước đo tầm hoạt động, tầm hiện diện của người ấy. Nếu nó không có phần đóng góp tích cực vào vũ trụ quan thì đấy là vong thân. Nietzsche viết: “Toàn thể cái vũ trụ quan liên hệ thực sự đến ta thì chúng ta đều đâm rễ vào trong đó bằng những nhu cầu, ước vọng, vui mừng, trông cậy, màu sắc, đường nét, những hình ảnh tưởng tượng, những lời khẩn cầu, nguyền rủa. Đó là một thế giới chính của chúng ta đã tạo dựng nên, rồi chúng ta quên bẵng đi, đến nỗi sau cùng chúng ta đã phải đi tìm nguyên nhân cấu tạo, chúng ta vò đầu làm khổ trí não với vấn đề nguồn gốc vũ trụ”. Tóm lại ngày xưa người ta hiểu lầm rằng có thế giới khách quan bên ngoài, tự tại, riêng biệt, còn con người được đặt vào đấy một cách thụ động mà không chú ý đến phần tham dự chủ quan của nó. Đó là điểm thiếu sót rất trầm trọng vì nó đưa con người đến hố vong bổn. Điểm đó hiện đang được khoa Hiện tượng nhắc nhở. Nhờ thế mà triết Tây đi sát lại gần triết lý Đông phương hơn bằng sự phát giá thêm ra một trời khác, đất khác, một vũ trụ khác có thể gọi là khoảng sống (l’espace vital). Với triết học cố định, với thiên nhiên của duy niệm người ta mới biết có khoảg vật lý (l’espace physique) với tính chất liên tục, quay hướng nào cũng đồng tính như nhau y hệt, có thể đếm đo một cách hoàn toàn khách quan. Nhà triết học duy niệm chỉ biết có khoảng không hình học đó, nhầy nhụa và im lìm, con người không tham dự chi vào trong việc kiến tạo ra “bầu trời đó cả”. Đến nay thì hiện tượng luận khám phá ra một khoảng không khác: “khoảng không sống động”, mà đặc tính của nó là quy định mọi cử động của chúng ta cũng như nhận thức của chúng ta cũng lại ban cho nó một cơ cấu, một hình thức. Cái thế giới này còn tiến xa hơn câu nói của Berkeley: “Thế giới chính là cái nhìn của tôi”, vì tuy đã đóng góp nhưng còn hạn cục trong cái nhìn. Đến nay triết học khám phá ra cả những cơ năng khác trong con người cũng đều dự phần vào việc làm ra thế giới gọi là thế giới bao quanh (Umwelt) tức là một mảnh, một “miếng” (portion) của khu vực mà chủ tri tiếp xúc một cách trực tiếp vừa bằng những bộ phận giác cảm vừa bằng những bộ phận chuyển dịch, tất cả làm ra một thế giới tạo tác. Vì thế có nhiều vật phản chiếu khác nhau tuỳ theo cái khung, cái lược đồ của nó, ta cần phải biết mới hiểu được vật đó. Tóm lại một thế giới sống động bao hàm các quan điểm của người nhìn, kể cả những lầm lạc của thị giác (illusion d’optique) hiện nay đang được các nhà hiện tượng luận và nhiều khoa khác khai thác, thí dụ những khoa môi sinh. Không dè ông Bàn Cổ đã từ lâu khai thách theo lối đó, nhưng vì không nói nên không ai để ý. Nhưng khi nghiên cứu tỉ mỉ mới nhận ra là ông đã đạt chặng thứ ba của tâm thức con người, gọi là nhân thời, thời của nhân chủ, của con người tạo tác. Nhìn tổng quát quá trình tiến hóa của loài người, chúng ta có thể chia ra đại khái (grosso modo) ba giai đoạn là thiên thời tùng phục thần thoại, địa thời nhịp theo phạm trù sự vật, sau cùng là nhân thời con người trở lại nội tâm mình để tuân theo tính mệnh “tương dĩ thuận tính mệnh chi lý”. Tính mệnh hiểu theo nghĩa nội là Nhân tính khi con người không còn sống thụ động theo hai đợt trên mà đi vào lối tự tác hành. Đó chính là từ bỏ vong thân để đi vào đạt thân vậy. Thực tại này đã có một số triết gia về lịch sử hé nhìn thấy, như Vico chẳng hạn. Ông đã chia lịch trình tiến hóa nhân loại theo ba giai đoạn: - Thần thoại với thần quyền (l’âge divin). - Anh hùng (l’âge héroique) vơi những thiên anh hùng trường ca (épopée). - Con người (l’âge humain) với văn chương bình dân. Như vậy đại để cũng hợp với tiến trình thiên địa nhân và kiện chứng rằng Việt nho đã đạt tới giai đoạn nhân chủ rồi. Triết cổ điển Tây Aâu mãi tới quãng từ thế kỷ 17, 18 mới phần nào bắt đầu bước vào giai đoạn “nhân hoàng”. Cuộc cách mạng Pháp 1789 được Hégel chào mừng như là “bình minh” của giai đoạn thứ ba này. Bây giờ ta xét đến việc đầu tiên của ông Bàn Cổ sau lúc xuất hiện đó là “thủy phán âm dương”. 3. Thuỷ phán âm dương Câu này đưa Bàn Cổ lên hẳn một vị trí cao hơn nhóm hiện sinh và hiện tượng luận. Nhóm này tuy có chủ trương sống để nhờ đó chứng kiến đựơc sự xuất hiện của vũ trụ trước ý thức sinh hoạt của mình, nhưng lại quá mê tả cảnh lan man, nên chưa vươn lên thật cao để tìm ra mối quán thông thâu tóm các sự phát kiến, các công thức lè tè vào một mối để đến nỗi đọc hiện tượng luận ta lại như rơi vào cảnh tan nát khác. Đành rằng dặt nổi bật các vũ trụ quan tư riêng là công lớn, nhưng nếu không tìm ra một tiết điệu phổ biến thì lại thiếu thống nhất, mà thiếu thống nhất, làm sao sống mạnh, làm sao mà siêu lên bao quát nhân sinh để tiêm sinh lực cho các hiện tuợng lè tè, nên không dẫn đầu được khoa học, mà trong đó khoa vật lý vi thể đã hé thấy vạn vật đều tạo thành bởi hai luồn khí âm dương chạy ngược chiều. Điều đó ông Bàn Cổ đã đạt tới nên nói “Thuỷ phán âm dương”: tất cả vũ hoàn mênh mông và phiền tạp với muôn vàn sắc thái, thế nhưng ông thâu tóm vào một nhịp điệu “nhất âm nhất dương chi vị đạo”. Tất cả đạo tức là đường tiến diễn của vũ trụ cũng như nhân sinh chỉ là một âm một dương, một tàng một hiển, một ra một vô, nhất hạp nhất tịch. Dầu muôn triệu tỉ tỉ vật loại khác nhau đều tham dự trong cái luật âm dương này. Đó là tiết điệu căn cơ nằm ẩn sâu trong lòng vạn vật. Cái nhìn con người thường bị những thành kiến ngáng che nên bị bẻ quặt và dừng lại ở ngoài bị phu đa tạp: mỗi lúc chỉ nhìn được có một khía cạnh rời rạc chia cắt. Phải là bậc Thánh Triết tâm hồn giũ bỏ được các thiên kiến tư riêng mới đủ sức nhìn xuyên qua những dạng thức man vàn, những màu mè đa tạp để nhìn nhận ra cái “khí vận sinh động”, cái nhịp điệu phổ biến đang đưa từ cực âm sang cực dương. “Đó chính là cái nhìn soi thấu có tính cách giải gỡ cứu thoát và gọi là vũ trụ”. Đó chính là sứ mạng của triết lý nhằm giải thoát con người ra khỏi những cái nhìn bé nhỏ vụn tạp bò sát lấy hiện tượng làm nên những tiểu vũ trụ bao quanh của mỗi cá nhân tiểu ngã, để băng mình vào thẳm cung, nhìn ra cái vũ trụ phổ biến của vạn vật, của Con Người Đại Ngã Bàn Cổ. Vũ và trụ là hai yếu tố căn cơ mà nơi con người, vũ biểu thị cho sinh lực, cho thiên nhiên; còn trụ là tâm linh, là ý thức sáng soi nhận thức. Hai chữ đúc lại thành chữ Tính Bản Nhiên của con người, cho nên bản tính đó luôn luôn tiến tới trong sinh lực, trong sự chinh phục thiên nhiên đồng thời tiến sâu vào nội tâm, vào tiêm thức, siêu thức. Triệt trên đã bàn đến yếu tố Sinh trong cái sống của ông Bàn Cổ. Ở triệt này chúng ta bàn sơ qua về yếu tố Tâm linh. Câu thuỷ phán âm dương có thể coi như một bước tiến hóa trong tâm thức con người trên đường “khắc kỷ” nghĩa là trong đường chinh phục lại cái mình để gỡ ra khỏi các thế lực ngoại lai. Khi chưa gỡ ra được thì tất cả đối với tâm thức con người còn là “hỗn mang chi sơ”, chưa phân biệt được gì, cao cả như trời đất còn chưa phân biệt được huống nữa những cái nhỏ bé, tế vi. Đó là trạng thái đồng nhất bất phân. Sau đó trạng thức phân biệt mình ra khỏi vô ngã. Tuy nhiên nó còn hoàn toàn thuộc giác quan với một sự cụ thể dầy đặc (concrétisme opaque). Vòng chân trời chưa vươn qua việc ăn uống sinh nở, hoàn toàn theo bản năng sai khiến. Tiếp đến bước nữa thuộc lý trí: với bước này tuy vẫn còn công nhận cái vũ trụ ban ra kia, nhưng đã tìm cách biến dạng đi, đây là trạng thức của triết cổ điển và khoa học thực nghiệm. Sau cùng trạng thức “tham dự” mới mở ra với Hiện tượng luận, tức là giai đoạn nhìn ra sự đóng góp của con người trong việc kiến thiết vũ trụ quan. Tuy nhiên thế giới này chưa hẳn vượt tầng mức “thế giới bao quanh” vì hãy còn vướng mắc quá nhiều trong việc hiện sinh hiện tại, hiện tượng chưa đủ vươn cao để quy tụ tất cả lại trong một mối Nhất Thống quán thông. Điều này chỉ thực sự xảy đến với ông Bàn Cổ. Ngay một cách xuất hiện nghe đã mạnh mẽ hơn. Chữ của hiện tượng luận là nhập cảnh (manière de s’insérer dans le monde). Cảnh có rồi đó, mình tìm cách nhập vào, tìm cách chen kẽ vào. Xin ông bà làm ơn xê ra một chút cho tôi chen kẽ vào, ké vào với (cho tôi m’insérer). Nghe vẫn còn tiều tuỵ, chưa được mạnh như câu “Bàn Cổ thủ xuất”. Xuất hiện ra từ cõi sơ nguyên có ghế danh dự đàng hoàng chứ không xen kẽ nhưng là “Thiên sinh ư tí, Địa tịch ư sửu, Nhân sinh ư dần”. Tí, Sửu, Dần là ba cung đầu để dành cho tam tài: thiên địa nhân cả ba tịnh sinh, để lên ngồi ghế danh dự. Kế đến việc làm đầu tiên khai mạc diễn trình xuất hoạt cũng lớn lao như vũ trụ: thuỷ phán âm dương, trước hết phân ra hai cực âm dương của bầu nguyên khí. Với câu đó là ông đưa những kiến thức lẻ tẻ vụn vặt của các vũ trụ bao quanh đang còn thiếu thứ lớp ngổn ngang để đặt vào một thứ tự mới. Thứ lớp này có tính chất phổ biến nên bao quát hết thảy vạn vật, bởi không còn gì thoát ra ngoài âm dương. Vì thế âm dương không còn lệ thuộc vào nơi này hay thời gian kia, nhưng là thiên niên bất hủ. Và đang được các khoa học tân kỳ phát giác như sẽ bàn về sau. Ở đây chỉ cần tóm rằng âm dương sẽ là hai đại tượng, hai cột cái chống đỡ ngôi nhà triết Việt nho, nghĩa là vũ trụ quan cũng như nhân sinh quan đều được thấm nhuần hai nguyên lý căn bản đó. Thế mà cả hai đều do con người phát minh ra “thuỷ phán âm dương”. Công việc đầu tiên mà lớn lao nền tảng như vậy thì thật xứng đáng là việc của một trong Tam tài. Do đó mà con người tự trong quan niệm căn để không bị đóng rọ theo những nguyên lý tự ngoài chụp vào, và nhờ đấy có khả năng vượt ra khỏi thế giới bao quanh nhỏ hẹp của việc ăn làm mưu sống, không để những cái lo nhỏ mọn trói buộc, để vươn lên, nhận ra tầm kích Đại Ngã Tâm Linh, rồi để tâm nuôi dưỡng chiều kích tâm linh đó bằng những tác động bao la có tầm vóc vũ trụ, xứng đáng là triết gia có khả năng an bang tế thế, điều lý vũ trụ, không để cho mình chìm vào cảnh hỗn mang, hay để cho sự vật sai sử, mà lại vươn lên tham dự, để góp công vào với thiên địa trong việc nuôi dưỡng muôn loài. “Khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục”. Xin hãy mượn câu sau của Tuân Tử để diễn đạt ý tưởng bao la đó: “Tâm là vua hình thể, là chủ của thần minh, ra lệnh mà không chịu lệnh ở đâu cả. Tự cầm lấy, tự chiếm lấy, tự cướp lấy, tự lấy lấy, tự làm, tự thôi”. (*) (*) Tâm giả hình chi quân dã, như thần minh chi chủ dã, xuất lệnh nhi vô sở thụ lệnh, tự cấm dã, tự đoạt dã, tự thủ dã, tự chỉ dã (chương Giải Tế). Thật là một triết lý nhân sinh tự cường thâm hậu hết chỗ có thể nên đã biến vũ trụ quan thành thế giới của nhân hoàng. Điều đó không phải chỉ có trong sách nhưng lan tràn cả đến thái độ bình dân. Lý Công Uẩn lúc còn ở chùa, có lần ăn trộm oản. Phật báo mộng cho sư cụ hay nên Uẩn bị đòn. Uẩn liền trả đũa bằng cách viết trên lưng tương Phật câu: “Hãy cút về Thiên Trúc” (nếu nay thì sẽ viết Go home). Đêm sau Phật phải can thiệp để nhà sư điều chỉnh lại mối tương quan giũa tam hoàng, để Uẩn rút lại lệnh trục xuất Phật. Giá kể ở phương khác thì câu truyện có vẻ phạm thượng. Nhưng ở cõi nhân hoàng thì thần với nhân cũng ngang vai nên đó là chuyện công nhiên. Mạnh Tử viết: “Sau khi đã cúng tế đàng hoàng rồi mà trời cứ nắng thì đổi thần đi” (Mạnh VII. 14). Tuy Mạnh Tử có y dùng câu trên để biện minh cho việc cách mạng lật đổ của ông vua vô đạo hôn mê… nhưng thí dụ ông dùng biểu lộ một tâm trạng coi người ngang với quỷ thần: vua quan có thể phong thần, giáng chức thần. Do đó Viễn Đông là xứ mà người hiền nhân quân tử được đề cao nhất. Tiếc thay cho Nietzsche đi tìm một triết lý sức mạnh và tràn sức sống (philosophie une spontanée, jaillissement de vie et de force. Gai Savoir p.10-11) lại không gặp được ông Bàn Cổ. Nếu gặp, Nietzsche đã rất hài lòng thấy Bàn Cổ không hế có để lòng vương vấn với những ý nghĩ tự ti mặc cảm hay sợ sệt âu lo hoặc những vái lạy làm phân tâm, không dồn hoàn toàn lực lượng vào sống. Trái lại nơi Bàn Cổ là sống ầm ầm, sống như thác đổ, sống sôi sùng sục không phút nghỉ ngơi. Quả thật đó là một thuyết vũ trụ tạo thành đầy lương tri với tính chất nhân chủ: con người tự “xếp đặt” vũ trụ để dành cho mình một chỗ đứng quan trọng. Xa biết bao với vũ trụ tiền chế ngoài quyền lực con người theo kiểu thần thoại, thiếu sự tham dự của con người (thiên khởi), cũng không còn là một vũ trụ quan suy diễn từ một số yếu tính đời đời bất biến (địa khởi) nhưng là một quan niệm nhân sinh thuận lợi cho cuộc sống của con người trong đó con người giữ vai trò then chốt quen gọi là vũ trụ chi tâm (trái tim của vũ trụ). Và đó là điểm then chốt trong nhân chủ, và cũng là điểm đã bị quên lãng, nên gọi là vong thân. Khi nói vong thân là nói vong đi, quên mất, đánh mất chiều kích bao la nọ. Nói vũ trụ chi tâm thì nghe có vẻ vu khoát. Con người bé nhỏ làm sao dám tự phụ có chiều kích vũ trụ. Đây là điều mới nghe có vẻ nghịch lý, cùng lắm là một lối nói khoa đại của văn chương. Sự thật lại không phải văn chương mà là một sự thực cao cả hơn hết, quan trọng hơn hết mà triết học trung thực có sứ mạng phải làm cho con người nhận thức ra chiều kích vô biên đó cũng như nuôi dưỡng cho chiều kích đó lớn lên mãi, lớn tới cái mức của vũ trụ. Lúc ấy mới là Người lưỡng thê có hai đời sống: một cuộc sống tiểu ngã ai cũng thấy cũng lo, còn một cuộc sống nữa thuộc đại ngã còn cần phải nuôi dưỡng hơn. Đó mới là việc tối hệ trọng vì khi thành công trong việc lớn này thì việc nuôi dưỡng đời sống tiểu ngã sẽ trở nên dung dị như một hoatrái tất nhiên sẽ nẩy ra từ cái gốc đại ngã kia. Đây là chỗ khác biệt giữa nhân chủ và nhân bản. Nhân bản thường thu gọn vào chiều kích cá thể, còn nhân chủ tỏa ratới chiều kích vũ trụ, với sự mạng giúp đất trời trong việc hóa dục (tán thiên địa chi hóa dục). Triết lý nhân chủ an vi phải làm cho người ta nhận chân ra được rằng đó không là câu nói văn chương rỗng, mà là một khẩu hiệu cần hiện thực. Có hiện thực được chiều kích vô biên thì chiều kích cá thể mới ổn định, đến nỗi ta có thể dùng chiều kích cá thể để kiểm chứng sự thành bại của chiều kích đại ngã. Một nền triết mà còn chấp nhận chế độ lệ với những đặc ân gây nên bất bình đẳng quá đáng thì chính là dấu hiệu nền triết ấy đã vong thân theo nghĩa đã quên mất chiều kích vô biên đại ngã nơi con người. Nhân chủ sẽ đặc biệt chú tâm đến điểm này trong toàn bộ. Bây giờ ta hãy kiểm chứng ở mặt xã hội. 4. Hậu quả về phương diện xã hội do quan niệm nhân khởi Quan niệm này đã bảo vệ người Viễn Đông không bị giết chóc vì thiên hay địa. Trái lại luôn giữ được: “ăn với đất vui với trời” như một phần trong đại cơ thể vũ trụ “giao thực hồ địa, giao lạc hồ thiên”. Sau này máu người Viễn Đông có bị đổ ra do những cuộc giao tranh ý hệ, thì cũng là tại đã du nhập những thuyết ngoại lai, chứ truyền thống Viễn Đông không có vun trồng thuyết nào mang tính chất giết người cả. Đang khi những nơi khác giết người vì quan niệm thiên lệch thì Việt nho thờ người, quý trọng đời sống con người. Hai đức Hiếu, Đễ là lối cụ thể biểu lộ đức Nhân sinh quý trọng đời sống: Hiếu là trọng cái nguồn gốc sự sống, những người đã truyền sinh cho mình. Đễ là trọng kính sự sống nơi con người nào đã bảo toàn được sự sống lâu hơn mình hầu thâu thập kinh nghiệm sống. Ta hãy đọc một đoạn trong Kinh Lễ, chương XXI, hãy gác hình thức trọng kính đã lỗi thời sang một bên để thưởng thức sự cụ thể hóa đức hiếu sinh, kính trọng sự sống của con người. Tiết 15: “Đời xưa vua Thuấn quý đức, trong những người đồng đức thì quý trọng người hơn tuổi. Đời Hạ quý tước, trong những người đồng tước thì quý tuổi cao. Đời Aân quý phú, trong những người đồng phú thì quý tuổi cao. Đời Chu quý thân, trong những người đồng thân thì quý tuổi cao nhất”. “Tất cả các đời Ngu, Hạ, Aân, Chu, chưa có nhà nào không trọng kính người có tuổi. Kính lão là truyện có đã tự xa xưa. Tuổi tác được kính nể đầu tiên rồi sau mới tới bà con thân cận”. Tiết 16: “Nơi triều đình, những người đồng tước thì người hơn tuổi đứng đầu. Người già 70 tuổi vào chầu vua có quyền mang gậy (thất thập trượng ư triều), khi vua hỏi ý kiến thì phải mời ông ngồi xuống chiếu. Tám mươi tuổi thì không phải vào triều nữa, vua cần hỏi ý kiến thì phải thân hành đến nhà ông (bát thập bất hầu triều, quân vấn tắc tựu), như thế là đức Đễ được giữ nơi triều đình”. Tiết 17: “Đi bên người già phải lùi lại sau một chút, nếu đường chật không đi ngang được thì theo sau. Đi xe hay đi bộ, nếu gặp cụ già phải tránh ra một bên. Thấy người tóc hoa râm mang đồ nặng phải giúp. Như thế là đức Đễ lan ra xa tận ngoài đường. Người cùng một hương xã khi tụ hội phải nhờ đến các vị bô lão dẫu là nghèo nàn; không được chạm tới dẫu là yếu đuối; không được hà hiếp dẫu là thiểu số. Như thế đức Đễ thấu nhập vào thôn xóm”. Tiết 18: “Theo tục người xưa, năm mươi tuổi hết phải đi săn, nhưng tới lúc chia thịt, ông lại được phần hơn. Như thế đức Đễ được giữ trong lễ đi săn. Trong quản ngũ chi ra từng đội, từng đoàn… những nhóm người và năm người, người hơn tuổi ở trên (đổng tước tắc thượng sĩ, Đễ đạt hồ quân tử lữ hĩ). Nghĩa là như thế đức Đễ thấu nhập đến tận quân đội”. Tiết 19: “Thế là hai đức Hiếu Đễ phát ra tự triều đình, đi ra đường lộ, nhập vào thôn xóm, tán ra đến việc đi săn, thâu vào trong quân đội. Mỗi người đều bênh vực, nếu cần thì hy sinh cả mạng sống mà không dám phạm tới (hiếu đễ phát chư triều đình, hành hồ đạo lộ, chí hồ châu hạng, phong hồ sưu thú, tụ hồ quân lữ, chứng dĩ nghĩa tử chi, như phất cảm phạm dã)”. Tiết 21: “Lễ ở nhà Minh Đường là thiên tử có ý dạy cho vua chư hầu đức Hiếu. Thết tiệc ba bô lão và năm vị có kinh nghiệm ở đại học là có y dạy chư hầu đức Đễ. Tế tiên hiền ở nhà tây học là có ý dạy phải vun trồng chữ đức. Làm lễ tỉnh canh là có ý dạy chư hầu phải tìm cách nuôi được dân. Lễ triều yết để dạy chư hầu đức thần phục; năm điều đó là đại đức trong thiên hạ”. Tiết 21: “Ở tiệc thết bô lão và năm lão thành giàu kinh nghiệm thì chính thiên thử phải xắn tay, cắt thịt, tẩm giấm và đưa tới mỗi vị. Cuối bữa vua dâng chén rượu để các ngài tráng miệng, rồi vua ra đội mũ cầm thuẫn (múa cho các lão xem) để dạy chư hầu biết kính tuổi già… Vua thiết lập ra bốn tường, ai vào học cũng phải cứ thứ tự tuổi mà xếp trên dưới (đương nhập học nhi đại tử xỉ). Tiết 22: “Khi thiên tử đi kinh lý phải đến viếng các cụ già bắt đầu từ người già trăm tuổi, muốn hỏi ý kiến về chính trị vua phải đi tìm đến nhà (dục ngôn chính giả, quân tựu chi khá dã…)” Chúng tôi không hề có ý nói rằng các lời tốt đẹp trên đây đều thực thi cả. Trái lại không thiếu những thực tại tàn nhẫn, mạng người vẫn bị coi rẻ. Những lời trên đây chỉ trưng ra làm tang chứng cố gắng của một nền triết lý đã hết sức tìm cách thể hiện lòng nhân đạo, đức hiếu sinh, để chống với sự tàn bạo của loài người đâu đâu cũng nghiêng nặng về phía ác. Trong quyển Tâm Tưu có bàn rằng giữa những cái không đẹp có những lời đẹp vẫn đáng quý, huống chi những lời đẹp đó không phải là những lời cầu âu mà do nguyên lý sâu xa của đức sinh sinh vậy. 5. Con người luôn luôn là trung tâm điểm học hỏi Quan niệm nhân khởi còn một cái lợi mà ngày nay người ta bắt đầu nhận ra, đó là con người luôn luôn nắm phần chính cốt trong chương trình học tập, không bao giờ để cho thiên học hay địa học lấn át, không bao giờ để cho cái học xoay quanh toàn thể thần thoại như nhiều nơi xưa, hay xoay quanh toàn cơ khí vật chất như hiện nay, gây nên hậu quả quá mải miết chết ra cơ khí và tạo dựng nên của cải, đến nỗi xao lãng không chú trọng đến những mối liên hệ giữa con người với nhau, kết quả là con người trở thành mồi cho sự sợ hãi lo âu. Triết lý Việt nho trước sau vẫn là một nhân bản học. Không một giai đoạn lịch sử nào nó đã thôi là một nhân văn, trái lại luôn luôn trung thành với nguyên lý “tri nhân tắc triết” trong Kinh Thư: “Biết được người là biết triết lý”, và tổ tiên ta đã quen nói biết mình là triết nhân: “triết nhân tri kỷ”. Nhờ đó mà khoa tri nhân thật là sâu rộng, như khoa tâm lý miền sâu chứng tỏ nhiều lần, chẳng hạn Jung nói: “Chúng ta dùng sự trổivượt kỹ thuật làm đạo lộn vũ trụ quan của Đông phương, thì họ lại gây bối rối trong tâm hồn của ta do sự hiểu biết tâm linh của họ cao sâu hơn”. (*) Đó là những lời làm cho ta vững tâm tìm hiểu di sản thiêng liêng của tiên tổ. (*) Tandis que nous bouleversons son monde, matériel par la supériorité de nos connaissances techniques, l’Orient de son côté jette le trouble dans notre monde. Tóm lại người sao chiêm bao vậy. Chiêm bao đây hiểu là những tư tưởng cảm nghĩ con người về vũ trụ. Đó chính là hình ảnh của con người từ con người chiếu giãi ra. Vậy hình ảnh vũ trụ của con người Việt nho là một vũ trụ của con người, do con người xếp đặt và giữ phần then chốt cho mình khi kể mình là trái tim của vũ trụ. Đó là quan niệm cao cả không thể cao cả hơn được nữa. Đấy mới là quan niệm nói lên hết thực thể của con người. Sau đây là mấy kết luận chung về các khởi đoan: - Khởi điểm vẫn là trung tâm điểm, nếu khởi từ thần thoại (thiên) thì thần thoại làm vua, làm trung tâm điểm, con người bị đẩy ra ngoài; khởi từ địa cũng thế, con người cũng bị chà đạp. Chỉ có khởi từ con người thì con người mới được làm trung tâm. Nhưng không phải trung tâm bít kít theo kiểu duy nhân (anthropocentrisme) của con người tiểu ngã mà là trung tâm của con người đại ngã hành xử nhịp nhàng cùng với Trời và Đất nên nhân khởi còn là lối đi dẫn tới sự hiểu được trời đất: “cực kỳ chí giả sát hồ thiên địa”. - Chỉ có quan niệm sau cùng này mới giữ được thế quân bình, mà chỉ có sự quân bình đó mới bảo vệ được cho con người khỏi bị áp lực do phía thiên hay địa. Con người Viễn Đông chính nhờ đã đi lối nhân khởi nên xóa bỏ được những hung bạo tàn ác do hai khởi điểm kia gây ra nhuốm đỏ lịch sử nhân loại. Đó là mấy ơn ích có thể kiểm chứng khiến ta vững tâm để tiến sâu vào nội địa của việc khảo sát về con người. BÀN CỔ
Link dưới đây là 1 trang nói về Bàn-Cổ ...sống 18 ngàn năm , dùng búa chẽ đôi cái hổn độn ban sơ làm đôi mà phân chia trở thành trời đất v v..., khi chết thì đôi mắt biến thành mặt trời và mặt trăng , thân thể thì biến thành mặt đất với sông ngòi cây cỏ v v..., Có thuyết lại nói Bàn-Cổ là 1 dòng họ Vua thời khai sơn lập địa với nhiều đời vua trải qua nhiều kỷ v v...; tất cả chỉ là truyền thuyết , khi viết về truyền thuyết chắc là khỏi dẫn chứng sách ! vì ngay cả sách thì cũng ghi chú là truyền thuyết ! và cho dù có nơi đã lập đền thờ ông Bàn-Cổ thì cũng không có gì lạ ! vì mê tín nên có nơi còn thờ Nhị Lang thần Dương Tiễn , thờ Bát tiên , thờ Tề Thiên Đại Thánh v v...( ở Tỉnh Bình Dương , ngay trung tâm thị xã Thủ Dầu Một có con đường Hùng Vương rất ngắn , 1 đầu là đi về hướng chợ của phường Phú Cường , còn đầu kia thì hướng về cầu Bà Hên , và ngay cầu Bà Hên có cái chùa tên là Linh Không Đàn , chùa nầy thờ Tề Thiên Đại Thánh , cho nên còn gọi là chùa ông Tề ! )
Bà - Cổ là trái Bầu ...không phải tôi là người phát giác ra đâu : trích trong 1 web site =>" 盘 ”即 葫 芦 , “盘 瓠 ”或 “盘 古" " " Bàn tức Hồ Lô , 'Bàn Qua' hoặc 'Bàn Cổ' ... Và đây là link mà tôi đã đọc Bàn -Cổ là Hồ Lô:
http://zh.wikipedia.org/zh-cn/%E7%9B%98%E5%8F%A4 |