LTS: Những bài vở trên đây không nhất thiết là quan điểm của diễn đàn. Mục đích để đóng góp tài liệu tham khảo, tài liệu lịch sử làm phong phú thêm trí tuệ, làm sáng tỏ sự thật, vạch trần tội ác tập đoàn việt gian Cộng Sản. tội ác tên Giặc Hồ Chí Minh và bè lũ tay sai việt gian bán nước đã cố tình bưng bít, dấu kín, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, giết hàng chục triệu người dân vô tội, bỏ tù hàng triệu quân cán chính VNCH, bán đất dâng biển, làm nô lê cho Tàu, Nga..v.v..
" Hiểu một thời đại nghĩa là phải lấy con tâm và con mắt lịch sử, nghiệm qua các thời đại để mà đứng trên nền tảng với điều kiện đó để mà hiểu thời đại đó.""[HH-trang45]
" Để phục hưng và phục hoạt, phải lấy một con mắt nghiêm ngặt Việt, đứng siêu nhiên trên lập trường Việt, thi thiết bằng những chính sách và kế hoạch siêu nhiên và nghiêm ngặt, có một thái độ nghiêm ngặt và siêu nhiên lịch sử Việt."[HH-trang45]



HOME-Tro Ve Trang Chinh




Wednesday, March 2, 2011

Hồ sơ mới giải mật: CIA và nhà họ Ngô

LTS. tài liệu này chưa được chinh xác cần phải so sánh với các nguồn khác

Hồ sơ mới giải mật: CIA và nhà họ Ngô

9:35, 21/04/2009


“CIA and the House of Ngo” (CIA và nhà họ Ngô) là 1 trong 6 quyển sách của nhà sử học Thomas L. Ahern Jr (cựu điệp viên CIA từng nhiều năm hoạt động tại chiến trường miền Nam Việt Nam) về các hoạt động bí mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Việt Nam, Lào, Campuchia trong chiến tranh Việt Nam.

Trong loạt bài đầu tiên này, chúng tôi xin trích dịch một số nội dung liên quan đến những mối quan hệ bí mật giữa CIA với anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, những khúc mắc, mâu thuẫn giữa anh em họ Ngô với các quan thầy Mỹ, nguyên nhân, âm mưu của cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 và sự sụp đổ của chế độ Diệm - Nhu.

1. "Chọn mặt gửi vàng"

Năm 1951, CIA bắt đầu các hoạt động tại Việt Nam. Nhiệm vụ ban đầu của cơ quan này là hỗ trợ người Pháp duy trì thế trận chống Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tuy nhiên, đến giai đoạn 1953-1954, người Pháp ngày càng thất thế, nhất là sau trận đại bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 5/1954) dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva (tháng 7/1954).

Washington bắt đầu chuẩn bị kế hoạch nhảy vào thay chân Pháp, và nhiệm vụ của CIA là chuyển sang tìm kiếm một nhân vật đủ bản lĩnh để đứng ra xây dựng “thành trì chống Việt Minh” ở miền Nam Việt Nam.

Mối quan hệ giữa anh em Diệm - Nhu với CIA thực ra đã bắt đầu từ khá lâu trước khi ông Diệm lên nắm quyền (tháng 7/1954). Ngay từ khi CIA mới đến Việt Nam, Ngô Đình Nhu là một cầu nối liên hệ cực kỳ quan trọng.

Trong giai đoạn đầu (từ năm 1950 đến trước tháng 1/1953), ông Nhu là đường dây liên lạc duy nhất của CIA trong các hoạt động chính trị tại Sài Gòn. Và xuyên suốt quá trình 9 năm hợp tác giữa CIA với chính quyền Sài Gòn, ông Nhu luôn đóng vai trò cầu nối của mọi liên lạc giữa CIA với người anh trai.

Anh em Diệm - Nhu.

Mặc dù chẳng có thành tích gì nổi bật, nhưng Ngô Đình Diệm vẫn là chọn lựa số 1 của các quan thầy Mỹ - Pháp, và sau đó trở thành thành trì chống Cộng của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, vì Ngô Đình Diệm có một số đặc điểm hiếm có vào thời đó: tinh thần chống Cộng, theo đạo Thiên Chúa và biết tiếng Anh. Tuy nhiên, sự chọn lựa này cũng đã tạo ra mầm mống chống đối trong hàng ngũ các tướng tá xuất thân từ lò đào tạo của Pháp và cả các giáo phái miền Nam, như Cao Đài, Hòa Hảo và lực lượng Bình Xuyên của tướng Bảy Viễn...

Từ cuối năm 1953 đến trước khi Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng, Ngô Đình Nhu tiếp tục là cầu nối liên lạc giữa CIA với Diệm. Thông qua Nhu, CIA đã tìm hiểu nắm bắt được những ý định của Ngô Đình Diệm cũng như các tham vọng tương lai của Nhu. Nhu đã thẳng thắn tuyên bố với CIA rằng, ông ta có khả năng "cầm lái" anh mình.

Thực tế, Nhu vừa là người thân, vừa là cố vấn thân cận nhất, luôn luôn ở sát cạnh Diệm để kịp thời đưa ra những quyết sách theo đúng ý đồ của mình. CIA nhận định: muốn điều khiển Diệm tất phải tác động thông qua Nhu. Điều này cộng với tài đa mưu túc trí và lòng nhiệt tình cộng tác đã giúp Nhu trở thành trọng tâm trong mọi kế hoạch hành động bí mật của CIA tại Việt Nam.

2. Vài nét về trùm tình báo Edward Lansdale

CIA có 2 cơ sở hoạt động tại Sài Gòn, bao gồm: Trạm CIA, thường gọi là trạm chính quy, đảm nhiệm các hoạt động chính của CIA; và trạm thứ hai, còn gọi là "trạm Lansdale", bao gồm các cố vấn, nhân viên ngoại giao hoạt động ngầm từ bên trong Tòa đại sứ Mỹ, dưới quyền chỉ huy của trùm tình báo Edward Lansdale.

Tháng 4/1954, Paul Harwood được điều động từ Manila, Philippines đến Sài Gòn, hoạt động bên trong Trạm CIA, hỗ trợ Trưởng trạm Emmett McCarthy trong việc tiếp cận anh em Diệm - Nhu. Hai tháng sau (6/1954), Đại tá Edward Lansdale cũng xuất hiện tại Tòa đại sứ Mỹ với chức vụ Tùy viên Không quân. Thực chất vai trò của 2 ông này là cố vấn cho anh em Diệm - Nhu, và cả 2 đã hoạt động như một cặp bài trùng cho đến khi Harwood về nước tháng 4/1956.

Chuyên gia đảo chính Lansdale, năm 1963.

Trước đây, Lansdale từng đến Việt Nam vào năm 1953 trong thành phần phái bộ quân sự Mỹ do tướng John O'Daniel dẫn đầu hỗ trợ Pháp đang ngày càng thất thế. Một điều thú vị là Lansdale không phải là người của CIA.

Ông ta xuất thân từ OSS (Văn phòng phục vụ chiến lược, tiền thân của CIA), nhưng hoạt động tình báo khắp nơi theo sự điều động của Chính phủ Mỹ. Ông ta từng được Washington giao 5 triệu USD bay sang Philippines hỗ trợ chính quyền Elpidio Quirino chống lại lực lượng Hukbalahap (quân đội của đảng Cộng sản Philippines thời đó). Sau đó, Lansdale kết thân với Ramon Magsaysay và giúp ông này giành thắng lợi trước Quirino trong cuộc bầu cử cuối năm 1953 và lên làm Tổng thống Philippines.

Đến Sài Gòn lần này, Lansdale hoạt động dưới vỏ bọc Tùy viên Không quân bên trong Tòa đại sứ Mỹ. Thực chất, Đại tá Lansdale chính là "trưởng trạm 2" của CIA tại Sài Gòn, có nhiệm vụ giúp Ngô Đình Diệm xây dựng nhà nước "dân chủ" trên vùng lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào làm thành trì chống Cộng tại Đông Nam Á. Nhờ kinh nghiệm và thành công tại Philippines, Lansdale tự tin rằng ông ta đã nắm trong tay "bí quyết" đánh bại các cuộc nổi dậy của quân cách mạng.

Vì thế tháng 7/1954, Lansdale mạnh miệng tuyên bố trước Giám đốc CIA Allen Dulles rằng, mục tiêu của ông ta không gì khác hơn là xây dựng một "nền tảng chính trị" ở Đông Dương, nếu thành công, sẽ "giúp CIA nắm quyền kiểm soát chính phủ và thay đổi toàn bộ bầu không khí chính trị" tại đây.

Thực tế sau năm đầu của chính quyền Ngô Đình Diệm, Lansdale vẫn chưa thể làm được như đã tuyên bố. Mặc dù Lansdale luôn cố gắng tạo ảnh hưởng đối với Diệm để thuận tiện việc triển khai các chương trình, chiến lược của Washington tại miền Nam Việt Nam, nhưng tính thụ động, ngoan cố và chính sách cai trị độc tài, phản dân chủ của Ngô Đình Diệm cộng với sự tham nhũng, lộng quyền của Nhu đã không chỉ làm hỏng nhiều kế hoạch của Lansdale mà rốt cuộc còn làm sụp đổ chế độ cộng hòa mà CIA đã cất công hỗ trợ xây dựng.

3. CIA và cuộc di dân lịch sử 1954-1955

Tình hình rối loạn trong những tuần lễ đầu sau khi Diệm lên nắm quyền và nhất là sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (tháng 7/1954) đặt chính quyền non trẻ của ông ta trong tình trạng bị đe dọa triền miên. Chúng cũng là nỗi ám ảnh thường trực đối với các trạm CIA, cho nên CIA luôn phải tìm cách củng cố nền tảng chính trị cho Diệm - Nhu, cả ở trong và ngoài vĩ tuyến 17.

Không chỉ lo ngại bị miền Bắc "thôn tính", CIA còn lo Diệm có thể dễ dàng bị các thế lực chống đối trong Nam như tướng Nguyễn Văn Hinh, bác sĩ Phan Quang Đán thuộc phe đối lập... lật đổ, trong khi chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn chưa thu phục được lòng dân, nhất là vùng nông thôn.

Các điều khoản trong Hiệp định Geneva đưa ra 2 thời hạn để các bên thực thi: thứ nhất là thời hạn 300 ngày để những người Việt muốn theo bên nào thì di cư theo ý nguyện, lấy vĩ tuyến 17 và dòng sông Bến Hải làm ranh giới tạm chia đôi đất nước Việt Nam; và thời hạn thứ 2 là vào tháng 7/1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất trên toàn quốc.


Hồ sơ mới giải mật: CIA và nhà họ Ngô (kỳ 2)
11:25, 24/04/2009



Sự hợp tác tình báo giữa CIA với anh em họ Ngô trong hoạt động thu thập thông tin tình báo chống phá cách mạng miền Bắc và “Việt Cộng” trong Nam đã manh nha từ những tháng đầu của chế độ Ngô Đình Diệm (11/1954). Tuy vậy, các nỗ lực hợp tác ban đầu không đi đến đâu do CIA còn phải lo hỗ trợ anh em Diệm - Nhu đối phó với các thế lực chống đối.

Kể từ cuối năm 1956, sau khi Paul Harwood (Trạm CIA) và Ed Lansdale (trạm 2 bên trong Tòa đại sứ) rời Việt Nam, hoạt động của CIA tại Việt Nam cũng thay đổi theo hướng tăng cường thu thập tin tình báo chống Cộng. Từ đó, hợp tác tình báo giữa CIA và anh em Diệm - Nhu cũng được hâm nóng và đẩy mạnh hơn trước.

Nỗ lực hợp tác tình báo ban đầu giữa CIA và SEPES

Cho đến cuối năm 1954, các kết quả hợp tác từ mối quan hệ giữa Mỹ với chính quyền Ngô Đình Diệm chủ yếu xoay quanh việc xác lập ảnh hưởng của CIA và giúp Diệm ổn định chính quyền ở miền Nam. Việc thu thập tin tình báo về miền Bắc vẫn chưa mang lại kết quả gì đáng kể. Hầu như Diệm - Nhu chẳng nắm được mấy thông tin về miền Bắc. Do vậy, Trưởng trạm CIA McCarthy muốn tìm cách giúp Diệm thiết lập một cơ quan tình báo đối ngoại nhằm chống phá miền Bắc.

McCarthy nhận thấy cần phải tiếp cận người Việt Nam thông qua Đại sứ Heath hơn là sử dụng kênh Harwood-Nhu. Heath là một người có tính độc lập cao, từng dự liệu về tương lai hợp tác khó khăn giữa phái bộ Mỹ với anh em Diệm - Nhu. Harwood cố gắng hỗ trợ bằng cách xúi Diệm đến "nhờ vả" Tòa đại sứ.

Tháng 11/1954, Diệm đến Tòa đại sứ, có Lansdale đi kèm. Sau khi "thăm dò" ý tứ đối phương, cuối cùng giữa Diệm và Đại sứ Heath cũng nhất trí được kế hoạch hợp tác liên kết tình báo. Vấn đề còn lại là đặt trụ sở của liên minh tình báo này ở đâu, bên trong bản doanh quân đội hay trong Bộ Quốc phòng.

Rốt cuộc, Viện Nghiên cứu chính trị xã hội (SEPES) - bộ phận tình báo thuộc đảng Cần lao của Nhu do Trần Kim Tuyến lãnh đạo - được chọn đứng ra liên kết với CIA. Tuyến không có kinh nghiệm tình báo, nhưng người phó của ông ta tên là Hoàng Ngọc Diệp thì rất rành và sẵn sàng hợp tác trong liên minh với CIA.

Với sự hỗ trợ của CIA, Diệp bắt đầu rà lại toàn bộ số điệp viên cộng tác với CIA còn nằm lại ở miền Bắc và cả những thành phần trong Nam có thể trở về Bắc giả làm "kẻ đào thoát" để cài cắm, nằm vùng.

Mặc dù có liên minh CIA-SEPES, Diệm vẫn tiếp tục phụ thuộc vào CIA để thu thập tin tình báo và CIA vẫn luôn cố gắng giúp chính phủ Diệm xây dựng năng lực tình báo quốc gia riêng. Cơ quan Tình báo an ninh đối nội thời Pháp thuộc là Sureté được đổi tên lại là Cục Cảnh sát đặc biệt (PSB) vẫn còn lưu trữ hồ sơ về Việt Minh và thành phần cộng tác trong Nam, vì thế CIA khai thác PSB để theo dõi, thu thập thông tin về Việt Cộng.

PSB đã tỏ ra hợp tác rất tích cực. Tuy nhiên, nỗ lực liên kết tình báo nhằm xây dựng một cơ quan tình báo độc lập cho chính quyền Diệm đã không đi đến đâu, sớm bị lãng quên khi những vấn đề bất ổn với các giáo phái tiếp tục bùng phát vào những tháng đầu năm 1955. Lansdale và Harwood do quá bận rộn giải quyết vấn đề giáo phái nên nỗ lực thu thập tin tức tình báo về miền Bắc trong giai đoạn này đành bị gác lại.

Trò hề trưng cầu dân ý đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống miền Nam

Sử gia Thomas L. Ahern Jr đã viết rằng không có sự trợ giúp của CIA thông qua cặp bài trùng Lansdale-Harwood thì chế độ Ngô Đình Diệm khó trụ nổi quá 6 tháng đầu tiên. CIA (cụ thể là Lansdale và Harwood) đã giúp Diệm từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, hết thu phục các giáo phái (đặc biệt là Cao Đài Tây Ninh) rồi đến đập tan âm mưu đảo chính của tướng Nguyễn Văn Hinh, chỉ huy quân đội thân Pháp vào cuối năm 1954.

Ngồi hàng đầu, trái qua: tướng Nguyễn Văn Hinh, tướng Lê Văn Tỵ, Ed Lansdale và phụ tá Joe Redick.

Nhưng cuộc "tảo thanh" các giáo phái và lực lượng Bình Xuyên diễn ra cuối tháng 4/1955 mới là vụ căng thẳng nhất trong giai đoạn đầu bình ổn chính quyền Ngô Đình Diệm. Đó cũng là cao điểm hợp tác giữa CIA với anh em Diệm - Nhu. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Lansdale và Harwood, anh em Diệm - Nhu đã dẹp tan được "mối họa" Bình Xuyên, buộc Bảy Viễn phải rút lực lượng về mật khu Rừng Sác cố thủ.

Không những thế, cái gương Bình Xuyên còn có tác dụng răn đe, khiến cho lực lượng Hòa Hảo ở miền Tây phải co vòi, rụt cổ, trong khi phái Cao Đài đã về theo Diệm từ sau cuộc thương thảo của Lansdale với tướng Trịnh Minh Thế mùa thu năm 1954. Tháng 7/1955, thông qua sự trung gian thương lượng của Lansdale, các lực lượng quân sự còn lại của Cao Đài, Hòa Hảo đã đồng ý sáp nhập vào quân đội quốc gia.

Sau những biến động đó, Diệm bắt đầu tính đến chuyện phế truất Vua Bảo Đại nhằm hợp thức hóa chế độ cầm quyền của ông ta từ vĩ tuyến 17 trở vào để "né" Hiệp định Geneva (tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 7/1956). Washington không đồng tình kế hoạch của Diệm vì cho rằng thời cơ chưa đến, và không đủ cơ sở pháp lý cho việc đó. Thế nhưng, Lansdale lại là người đã giúp Diệm thực hiện ý đồ bằng cách hiến kế Diệm tiến hành trò hề trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955, với kết quả có tới 98% phiếu ủng hộ Diệm lên thay cựu hoàng Bảo Đại.

Sau đó 3 ngày (26/10), Diệm tự phong làm Tổng thống, truất phế Vua Bảo Đại, khai sinh nền Đệ nhất Cộng hòa. Điều nực cười ở đây là tổng số phiếu đã kiểm lại nhiều hơn tổng số cử tri đăng ký đến 150.000 phiếu (!?). Trạm CIA, Tòa đại sứ, Tổng hành dinh CIA, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao, tất cả đều biết việc gì đã xảy ra đằng sau màn kịch khôi hài này nhưng đều coi như không hay biết gì cả.

Sau khi tướng Trịnh Minh Thế chết (cuối tháng 4/1955), ảnh hưởng của Lansdale và Harwood đối với anh em Diệm - Nhu cũng suy yếu dần. Mặc dù Lansdale và Harwood vẫn làm cố vấn cho Diệm - Nhu cho đến hết kỳ nhiệm vụ, nhưng quan hệ giữa đôi bên đã có phần lạnh nhạt hơn và không ít lần tranh cãi, mâu thuẫn gay gắt.

Tháng 4/1956, Harwood mãn nhiệm vụ rời Sài Gòn. Tháng 12/1956, đến lượt Lansdale cũng mãn nhiệm trở về Washington làm việc trong Bộ Quốc phòng. Trạm CIA do Lansdale chỉ huy bên trong Tòa đại sứ cũng ngưng hoạt động từ đó, và CIA chỉ còn một trạm duy nhất tại Sài Gòn.





Hồ sơ mới giải mật: CIA và nhà họ Ngô (kỳ 3)
5:50, 27/04/2009

Lucien Conein.

Hợp tác với người Mỹ nói chung giống y như câu nói dân gian “chơi dao có ngày đứt tay”; thuận theo ý quan thầy thì sống, nghịch ý thì vong mạng. Khi anh em Diệm – Nhu ngày càng theo đuổi các chính sách độc tài gia đình trị, nhận trợ giúp về mọi mặt mà không thực hiện đúng ý đồ của quan thấy Mỹ, số phận của họ coi như đã được an bài, chỉ chờ “thời cơ” hành quyết…

Vụ đảo chính bất thành tháng 11/1960

Mối quan hệ giữa CIA và các cơ sở khác của Mỹ với Diệm - Nhu ngày càng xấu đi sau thời Lansdale- Harwood. Năm 1958 - 1959, CIA liên tục phát hiện những trò tiểu xảo của Nhu và SEPES do Trần Kim Tuyến lãnh đạo nhắm vào các sĩ quan của Trạm. Đến tháng 7/1958, CIA đã có nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền Diệm - Nhu đang chủ trương chống lại phái bộ Mỹ, kể cả các liên lạc viên CIA.

Trạm CIA tại Sài Gòn cho biết, trong một cuộc họp nội các Chính phủ vào đầu tháng 1/1959, Diệm đã cảnh giác các quan chức của mình về nguy cơ bị lật đổ "thậm chí bởi chính những người bạn viện trợ cho chúng ta", có ý ám chỉ người Mỹ, và căn dặn họ không nên tiết lộ các bí mật quốc gia hoặc các kế hoạch hành động mật.

Thái độ dè chừng, giữ khoảng cách như thế, cùng với việc Diệm ngày càng trở nên độc đoán, bảo thủ, khó tiếp cận và khó thuyết phục trong khi mục tiêu chống Cộng đang ngày càng gặp nhiều khó khăn đã khiến cho quan hệ ấy trở nên trầm trọng hơn. Và người Mỹ một lần nữa lại nghĩ đến nước cờ "thay ngựa giữa dòng".

Khoảng nửa cuối năm 1960, CIA bắt đầu đánh hơi được mầm mống nổi loạn chống Ngô Đình Diệm ở Sài Gòn ngày càng tăng. Tháng 9, CIA bắt đầu tập hợp thông tin về thành phần bất mãn trong hàng ngũ tướng tá quân đội.

Tháng 10, CIA cố gắng khai thác tướng Trần Văn Minh và các nguồn khác nhằm tìm kiếm thành phần tham gia đảo chính. George Carver, một sĩ quan CIA tại Trạm Sài Gòn, móc liên lạc với chính trị gia Hoàng Cơ Thụy (đảng Đại Việt) nhằm mở rộng nguồn thông tin.

Bất chấp những cố gắng "bắt mạch" nhưng CIA vẫn không nhận được dấu hiệu báo trước về vụ đảo chính ngày 11/11/1960 của nhóm quân nhân. Cũng như mọi người bình thường khác, Trạm CIA chỉ nhận biết tình hình đảo chính khi nghe thấy tiếng xe tăng chuyển động vào sáng sớm hôm 11/11, kèm theo đó là tiếng súng nổ vang rền hướng vào Dinh Gia Long.

George Carver cố gắng liên lạc điện thoại với Hoàng Cơ Thụy và được mời đến gặp một nhóm chính khách dân sự đang hy vọng được quân đội đưa lên nắm chính quyền thay Ngô Đình Diệm.

Được phép của Colby, Carver lái xe đến nhà Thụy. Carver mang theo một sứ mệnh là gây sức ép buộc nhóm đảo chính không được tấn công Dinh Gia Long như đã tuyên bố. Carver còn ra sức thuyết phục nhóm Hoàng Cơ Thụy thương lượng với Diệm để tìm giải pháp chính trị.

Ở một mũi khác, Russ Miller - sĩ quan CIA phụ trách các chiến dịch phá hoại miền Bắc - cũng lái xe Jeep đến Dinh Gia Long cùng với phiên dịch Dick Bender. Súng đã ngừng nổ, hai bên đang ở thế giằng co.

Cánh báo chí chen lấn ở trước Dinh để nghe ngóng tin tức. Miller không hơn gì họ, mù tịt về kẻ chủ mưu. Người duy nhất Miller có thể khai thác tin tức là bác sĩ Phan Quang Đán - phát ngôn viên của phe đối lập - thì chỉ hẹn sẽ tổ chức một cuộc họp báo tại Tổng hành dinh Bộ Tổng tham mưu liên quân (JGS) gần sân bay Tân Sơn Nhất. Miller lại phóng xe Jeep đến sân bay.

Miller được lệnh của Trạm CIA tránh can dự "cố vấn" này nọ mà chỉ việc lặng lẽ theo dõi diễn biến rồi báo cáo về Trạm. Miller tự giới thiệu mình là người từ Tòa đại sứ Mỹ đến. Gặp Đại tá không quân Nguyễn Chánh Thi, Miller lại có được kênh cập nhật thông tin khá đầy đủ và liên tục về tình hình đảo chính.

Trong khi đó, biết được CIA đang phái người theo dõi sự việc ở cả 2 chiến tuyến, Đại sứ Elbridge Durbrow vào cuộc, tận dụng phương tiện làm việc của Trưởng trạm Colby để theo dõi báo cáo từ Carver và Miller, đồng thời liên lạc điện thoại với Dinh Gia Long.

Đại sứ Henry Cabot Lodge.

Nắm được chủ trương chơi "hàng hai" đối với sinh mệnh chế độ Diệm - Nhu của Bộ Ngoại giao Mỹ, Durbrow không trực tiếp bày tỏ sự ủng hộ nào với Diệm - Nhu mà chỉ đưa ra lời khuyên ngài Tổng thống Việt Nam Cộng hòa nên chấp nhận thương lượng với nhóm quân nhân. Chính sự can thiệp này của đại sứ Durbrow đã góp phần giúp cho chính quyền Ngô Đình Diệm thoát nạn.

Cánh quân nhân đảo chính bắt đầu phân hóa giữa tấn công quân sự với việc thương lượng một cách êm thấm. Và họ dễ dàng bị tác động bởi sức ép của người Mỹ. Tuy vậy, nhóm quân nhân vẫn trong tư thế sẵn sàng tấn công trong khi cuộc thương lượng kéo dài suốt ngày 11 cho đến tận khuya, rạng sáng ngày 12/11.

Diệm có vẻ chấp nhận một số nhượng bộ, nhưng thực chất ông ta đang dùng cuộc thương lượng để "câu giờ" chờ quân tiếp viện đến "cứu giá" của Đại tá Trần Thiện Khiêm. Russ Miller thông báo cho Đại tá Thi biết quân tiếp viện của Khiêm đang đến. Thi hiểu như vậy là trò chơi đã kết thúc, đành kéo quân đi.

Sau vụ đảo chính hụt, nhân vật chính trị số 1 Hoàng Cơ Thụy đã phải xin tị nạn trong Tòa đại sứ Mỹ và được Mỹ đưa sang Philippines rồi chạy trốn sang tận bên Nhật Bản. Riêng Carver, do bị Trần Kim Tuyến phát hiện có liên hệ với nhóm đảo chính nên bị chính quyền Diệm - Nhu phản đối quyết liệt, cuối cùng phải rời khỏi Sài Gòn. Chỉ có Miller và Lucien Conein bình an. Từ vụ việc này, giữa anh em Diệm - Nhu và phái bộ Mỹ, trong đó có Trạm CIA, càng mất tin tưởng nhau hơn.

Counter