LTS: Những bài vở trên đây không nhất thiết là quan điểm của diễn đàn. Mục đích để đóng góp tài liệu tham khảo, tài liệu lịch sử làm phong phú thêm trí tuệ, làm sáng tỏ sự thật, vạch trần tội ác tập đoàn việt gian Cộng Sản. tội ác tên Giặc Hồ Chí Minh và bè lũ tay sai việt gian bán nước đã cố tình bưng bít, dấu kín, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, giết hàng chục triệu người dân vô tội, bỏ tù hàng triệu quân cán chính VNCH, bán đất dâng biển, làm nô lê cho Tàu, Nga..v.v..
" Hiểu một thời đại nghĩa là phải lấy con tâm và con mắt lịch sử, nghiệm qua các thời đại để mà đứng trên nền tảng với điều kiện đó để mà hiểu thời đại đó.""[HH-trang45]
" Để phục hưng và phục hoạt, phải lấy một con mắt nghiêm ngặt Việt, đứng siêu nhiên trên lập trường Việt, thi thiết bằng những chính sách và kế hoạch siêu nhiên và nghiêm ngặt, có một thái độ nghiêm ngặt và siêu nhiên lịch sử Việt."[HH-trang45]



HOME-Tro Ve Trang Chinh




Thursday, April 29, 2010

Keith Weller Taylor-việt nam khai quốc CII (1-4)

Keith Weller Taylor-việt nam khai quốc CII (1-4)


Việt nam khai quốc: thời đại hán việt (chương 2, phần 1)


DI SẢN MÃ-VIỆN

han general Sau khi Hai Bà Trưng qua đời, Mã Viện dành gần hết năm 43 để thiết lập nền hành chính của nhà Hán ở đồng bằng sông Hồng và chuẩn bị cho xã hội địa phương tiếp nhận sự cai trị trực tiếp của nhà Hán. Những hoạt động của ông chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn một, ông chi phối những gì còn lại từ di sản chính trị nhà tiền Hán. Giai đoạn hai, ông quyết tâm thành lập chế độ Hán ở các cấp hành chính quận và huyện. Giai đoạn ba, ông đưa người dân đi vào chế độ mới bằng hợp ước cá nhân.

Mã Viện thấy huyện Tây Vu có 32,000 hộ dân, nhiều hơn 1/3 của tất cả số hộ dân đăng ký trong đồng bằng sông Hồng, theo cuộc kiểm tra năm 2 SCN. Huyện Tây Vu là nơi đặt trị sở của triều đình Cổ Loa, vẫn là một trung tâm chính trị quan trọng, kể từ ngày còn vua An Dương Vương. Một "nhà vua Tây Vu" đã bị giết chết vào năm 1110 TCN, khi quyền hành nhà Hán được thiết lập lần đầu ở Giao Chỉ. Hơn nữa, Hai Bà Trưng đầu tiên đã đóng quân ở Tây Vu. Mã Viện nhận thấy như vậy là Huyện Tây Vu rộng, không tương xứng với những huyện khác, bèn bãi bỏ Tây Vu và chia nó ra thành hai huyện mới. Ngoài việc san đồng đều diện tích các huyện, biện pháp này của ông còn nhắm mục tiêu xoá bỏ tất cả mọi tưởng nhớ đến di sản chính trị của vùng này trước kia.

Sách chép rằng: "Đi đến đâu là Mã Viện lập quận huyện đến đấy để cai trị với những thị trấn có hào lũy bao quanh, với nhhững vùng phụ cận. Ông cho đào mương để dẫn nước vào ruộng cho dân ở đó cầy cấy. Ta thấy có hai điều đáng được cứu xét. Một là để cho những binh sĩ Hán được an cư hầu bảo vệ các quan chức Hán. Việc nói đến những thị trấn có hào lũy bảo vệ và những vùng phụ cận, những con mương mới để dẫn thủy nhập điền cho phép chúng ta nghĩ đến những người vừa là nông dân, vừa là lính. Một hào lũy bao quanh thị trấn cũng ít tác dụng nếu không có binh sĩ trấn đóng. Đồng thời, nếu binh sĩ không trồng trọt lấy được lương thực ăn thì sẽ là một gánh nặng tài chính vượt ngoài khả năng của bộ máy hành chánh ở nơi hẻo lánh này.

Những đồn lính Hán có thể đã được nuôi sống bởi những sắc thuế thu được của dân địa phương. Nhưng do việc thu thuế trước kia chưa được áp dụng; rằng chỉ mới gần đây, vùng này mới bị loạn lạc; và số binh sĩ bố trí tại hào lũy dùng vào việc thành lập quận huyện cũng tương đối phải nhiều, ta cũng có thể suy luận rằng cũng có một số binh sĩ được cấp cho ruộng đất để cầy cấy; họ vừa tự nuôi thân vừa cung cấp luôn cho cả chính quyền mới đang phải phấn đấu để ổn định. Việc cấp đất cho binh sĩ vì vậy là một khích lệ để giữ họ "ở yên tại chỗ". Những binh sĩ phải trú đóng ở nơi xa quê hương tất sẽ có tiềm năng bất mãn. Nếu được cấp ruộng đất họ sẽ ổn định và sẽ quan tâm đến các vấn đề địa phương. Điều này được ngụ ý khi các sử gia đề cập đến những con mương đào để giúp ích cho những người sống bên trong các thị trấn và những vùng phụ cận, nơi chính quyền quận huyện được thành lập.

Điều thứ nhì được hàm ý trong văn bản nói về các mương dẫn thủy là các quan cai trị Hán nay nắm quyền kiểm soát trực tiếp đất trước được coi là ruộng Lạc. Nếu có một số mương được người Hán cũng đào, thì chúng ta phải cho rằng tất cả đều được họ săn sóc chăm nom bởi vì các hệ thống không thể điều hành tốt nếu không được kiểm soát có phối hợp. Như vậy có nghĩa là nhờ chiến thắng, Mã Viện đã có cơ hội chiếm được những ruộng từ tay các Lạc hầu.

Cuối cùng thư tịch cũng chép rằng Mã Viện có "nói đến hơn 10 điều khác biệt giữa các quy chế Việt Nam và Hán. Ông giải thích rõ ràng cho người Việt hiểu những quy chế cũ dành cho họ để trói buộc họ vào bổn phận. Vì thế, người Lạc Việt thi hành những gì đã được tướng quân Mã Viện quy định." Các quy chế này nói đến những luật hình sự và những luật dân sự, không bị lẫn lộn với những luật lệ có tính cách chính trị của triều đình Hán mà Tô Định trước đây đã ép Thi Sách phải tuân theo, do đó đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy của Hai Bà. Sử chép rằng Mã Viện chi đơn giản ghi lại những khác biệt giữa các quy chế Hán và Việt mà không tỏ ý định muốn sửa đổi những khác biệt đó. Điều này ngụ ý là ở thời này người Việt Nam không bị tan nát hay mất tinh thần vì sự chinh phục của Mã Viện mà vẫn tiếp tục sinh tồn như là một xã hội có tổ chức với những khuôn mẫu riêng biệt của mình về luật lệ hôn nhân, thừa kế và trật tự công cộng.

Tuy các Lạc hầu không còn được nghe nói đến nữa, nhưng không có nghĩa là họ bị giết hay bị đuổi đi. Chúng ta đã thấy nhiều người Việt bị bắt và bị chặt đầu sau trận đánh Lãng Bạc, và khoảng từ 3.000 đến 5.000 người nữa về sau bị bắt và chết ở Cửu Chân. Nhưng lại có ghi là 10.000 người đã đầu hàng Mã Viện ở Lãng Bạc. Vì chỉ có hàng trăm gia đình được biết là đã bị lưu đầy sang Trung Quốc nên dường như có 1 số khá đông đi theo Bà Trưng mà vẫn còn được sống sót và ở lại Việt Nam sau khi đã qui hàng. Những người này chắc chắn là được Mã Viện dùng hầu hết vào những chức vụ địa phương, bởi vì ông không có cách nào khác để có đủ số nhân viên làm việc tại các quận huyện hầu trực tiếp cai trị được dân chúng.

Điều này nói rõ thêm lý do tại sao Mã Viện "giải thích rõ ràng" những luật lệ cũ. Câu nói này rất quan trọng và nó ám chỉ rằng những người nào bất tuân sẽ bị chặt đầu. Còn những Lạc hầu nào quy thuận sẽ được tha. Họ sẽ không bị giết theo như luật pháp triều đình Hán đòi hỏi. Để đáp lại ân huệ ấy, họ phải tuân theo luật pháp.

Chắc chắn Mã Viện đã rất cảm động khi ông ban hành ân huệ này. Bởi vì ông cũng cần đến họ để duy trì trật tự ở cấp bậc thấp nhất trong chính quyền. Những "chiếu chỉ" mà Mã Viện "giải thích rõ ràng" đều nói đến những luật lệ về chính quyền quận và huyện mà trên lý thuyết đã có từ năm 111 TCN, khi nhà Hán đầu tiên thiết lập quận, huyện ở Việt Nam. Chúng ta có thể nghĩ rằng "những luật lệ cũ ấy" đã được những quan chức như Tích Quang thêm thắt về nội dung và hình thức. Những cải cách thời Vương Mãng đã đưa ra những nỗ lực để thi hành luật lệ hành chính cấp quận huyện. Và kết quả của nó lúc ấy có lẽ được biểu hiện trong những điều vẫn xác nhận luật căn bản của chính quyền Hán trong khuôn khổ xã hội Việt nam cổ.

Động từ "trói buộc" trong câu nói "giải thích rõ ràng những luật lệ cũ cho người Việt Nam nghe để trói buộc họ" hàm ý một hợp đồng hay khế ước giữa Mã Viện và những Lạc hầu bị chinh phục. Và gồm một lời hứa chính thức hay một lời thề rằng họ sẽ tuân theo những luật lệ ấy. Và danh từ "thi hành" trong câu "từ đó Lạc Việt thi hành những gì tướng quân Mã Viện quy định" có nghĩa là thi hành những gì hầu đáp ứng mệnh lệnh do cấp trên ban ra. Và điều đó lại lập thêm một bằng chứng nữa về một quan hệ hợp pháp được định nghĩa rõ ràng mà các Lạc hầu thất thế phải theo. Đoạn viết "những gì tướng quân Mã Viện quy định" hàm ý một tiêu chuẩn về cách cư xử được thiết lập như một quy luật hành chánh dành cho các thế hệ về sau.

Ảnh hưởng của cá nhân Mã Viện đối với lòng tưởng nhớ ông của toàn thể dân chúng Việt Nam rất lớn. Một Thứ Sử đời nhà Đường ở thế kỷ 9 cũng mang họ Mã thấy sự tưởng nhớ này có đủ sức thuyết phục để ông coi Mã Viện như một bực tiền bối hầu tăng thêm uy tín của chính ông đối với người Việt. Nhiều truyền thuyết đã được thêu dệt quanh những thắng lợi lớn lao và thành tích siêu việt của Mã Viện được cho là đã thực hiện ở Việt Nam. Mã Viện là người có tài năng khác thuờng, một chiến sĩ cao tuổi rất gan dạ. Thật chẳng có gì khó để tưởng tượng đuợc rằng chính tiếng tăm của ông để lại ở Việt Nam tự nó là một yếu tố quan trọng trong việc thiết lập một chế độ mới để trực tiếp cai trị qua hệ thống quận huyện. Một trong những công trạng của ông về sau được dân gian đồn rằng ông có dựng một đôi cột đồng để đánh dấu ranh giới phía Nam của giang sơn nhà Hán. Có chuyện kể về những người đã đuợc Mã Viện cho định cư ở lại gần nơi cột đồng ấy. Người ta bảo rằng những người này mang họ Mã và vẫn dùng ngôn ngữ của họ mãi trong nhiều thế kỷ về sau. Và chuyện này gợi nhớ lại việc Mã Viện định cư người Hán ở lại Việt Nam. Di sản Mã Viện gồm hai khía cạnh: một, ông dã thiết lập được một nền hành chánh ở cấp quận Huyện; hai, ông đã đưa người Hán di cư vào trong xã hội Việt Nam. Chính quyền Hán bị lu mờ dần bởi sự xuất hiện của những đại gia đình mọc lên qua những cuộc hôn nhân hỗn hợp Việt Hán sau này.

NHỮNG ĐẠI GIA ĐÌNH HÁN VIỆT

Khi cuộc chinh chiến của Mã Viện hạ màn, một lớp người cầm quyền mới ra đời. Lớp người ấy xuất hiện từ số những người Hán di cư và những gia đình Việt Nam. Chúng ta đã thấy một số người Hán thuộc giai cấp thượng lưu chạy xuống miền Nam vào thời Vương Mãng rối ren. Nhiều người trong số này quay trở về Trung Quốc sau khi nhà Hán phục hưng; nhưng rõ ràng là đã có một số người Hán ở lại. Nhất là ở trong vùng thuộc Quảng Tây, Quảng Đông ngày nay. Và cả ở Việt Nam nữa, nhưng ít hơn.

Nhà họ Sĩ làm nên danh tiếng vào cuối thời Hán, gốc ở Sơn Đông, xuống định cư ở huyện Thương Ngô trong suốt thời kỳ Vương Mãng. Rồi nhà họ Lý, gốc của Lý Bí, người sau này khai sáng nền độc lập của Việt Nam ở thế kỷ 6, cũng đến từ Hoa Bắc cùng thời đó. Việc nổi dậy của hai Bà Trưng chắc đã khiến cho hầu hết những người di cư ở Việt Nam lại bỏ trở về Trung Quốc. Nhưng chắc chắn cũng có một số quay trở lại Việt Nam vào lúc cuộc viễn chinh của Mã Viện chấm dứt. Cuộc di cư đầu tiên trong thời Vương Mãng có lẽ gồm những phụ nữ và trẻ em. Cho nên cộng đồng người Trung Quốc thượng lưu ở Việt Nam đã giữ được đặc tính của họ đến 1-2 thế kỷ sau.

Cuộc viễn chinh của Mã Viện đã đem đến một lớp người di cư mới. Đội quân của ông gồm 8.000 binh sĩ ở miền Bắc và 12.000 dân quân mộ ở Quảng Tây, Quảng Đông. Sử chép Mã Viện trục xuất hàng trăm gia đình Việt Nam lên miền Bắc Trung Quốc, và chúng ta có thể tin chắc rằng ông cũng đã định cư nhiều binh sĩ của ông ở lại Việt Nam để làm nền móng cho chính quyền Hán. Một số trong những ngưòi này chắc về sau đã lấy vợ gốc Bắc, nhưng có thể cũng có người đã lấy con gái của những người di cư ở lại từ thời Vương Mãng. Và cũng lại có thể có nhiều người đã lấy vợ, con gái những gia đình bản xứ. Khi Tần Thủy Hoàng xâm nhập miền Nam ba thế kỷ trước đó, Triệu Đà đã yêu cầu vua cung cấp cho ông 30.000 phụ nữ từ miền Bắc Trung Hoa xuống để làm vợ cho binh sĩ của ông. Nhưng không có dấu tích nào là Mã Viện cũng thỉnh cầu triều đình như vậy cho binh sĩ Hán của ông tại Việt Nam.

Binh sĩ của Mã Viện không phải là những người có học như những người di cư thời Vương Mãng. Họ đem theo gươm giáo cung tên thay vì sách vở giấy bút. Có lẽ họ thấy dễ hội nhập với xã hội bản xứ và bị ảnh hưởng lây; nhất là nếu họ lại có đất đai sở hữu, họ ít có ý muốn trở về Bắc. Nhiều người có thể đã có cha mẹ là 2 giống rồi; tức là con cái của ngưới Hán di cư lấy dân bản xứ vùng Lưỡng Quảng ngày nay. Sự quan tâm của những người này đến văn hoá Hán và lòng trung thành của họ với nhà Hán được duy trì, nhờ những trường hợp, cơ hội được phục vụ như viên chức trung và hạ cấp trong các cơ quan Hán, đặc biệt là trong nghành cảnh sát hay quân đội.

Việc định cư những binh sĩ Hán có liên hệ lâu dài đến việc cấp phát ruộng đất. Nói chung, trong thời kỳ hậu Hán, việc cấp phát sở hữu đất đai đã được thi hành, do đó phát sinh một số địa chủ có thế lực. Việc chính quyền đánh thuế về sau lại có khuynh hướng làm cho nông dân nghèo phải bán lại cho các thương nhân hay quan chức giàu có, rồi trở thành tá điền. Trung Quốc đã có những trường hợp này và có thể đã có trường hợp tương tự ở Việt Nam.

Đất đai sở hữu ở Việt Nam còn nằm trong chế độ cộng đồng các Lạc hầu dường như đã được hưởng một số quyền hành làng xã hay cộng đồng dành cho họ dưới hình thức nhân công, thực phẩm hay hàng hóa thủ công. Về phần họ, các Lạc hầu dâng nạp cho các ông chủ của mình những đồ cống nạp. Ta có thể suy rằng đó là những lợi tức đáng kể mà triều đình thời tiền Hán đã thâu được.

Sau cuộc viễn chinh của Mã Viện, quan niệm về tư hữu tài sản và lợi tức nhà nước đều được áp dụng một cách tổng quát hơn, ít ra cũng ở trong khu vực quanh các trung tâm hành chánh. Những binh sĩ Hán định cư đều là những phương tiện trực tiếp để xây dựng một nền móng kinh tế xã hội mới theo kiểu Trung Quốc về sở hữu đất đai và thâu lợi tức. Ngoài việc này, còn việc các quan chức Hán thâu thuế những nông dân Việt Nam quá mức đến nỗi họ mang nợ rồi mua lại ruộng đất của họ và biến đất ấy thành tư hữu. Một giả thuyết nữa là các binh sĩ Hán có thể đuợc cấp những đất công đã bị tịch thu. Dân địa phương bị mất đất giờ đi khai khẩn những vùng mới được giao cho họ với tư cách là tài sản riêng. Trong bất cứ trường hợp nào, quan niệm tư hữu tài sản bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào thời này và làm nền móng kinh tế cho lớp Hán-Việt cầm quyền. Nhất định không phải là tất cả, và có lẽ cũng không phải là hầu hết, những đất công đưọc đổi thành tư như thế, nhưng cũng đủ để gây nên hậu thuẫn hay sự ủng hộ cho lớp cầm quyền mới. Những thay đổi ấy, phần nhiều xảy ra ở những khu vực phụ cận các trung tâm lớn của Hán, nơi vào lúc đó được thuận tiện nhất cho việc trồng lúa nước. Đó là những nơi mà những ngôi mộ cũ bằng gạch xây theo kiểu Hán đã đào được.

Khoảng 120 ngôi mộ bằng gạch xây kiểu Hán, có niên đại từ hậu bán thế kỷ 1 sang suốt thế kỷ 2; và có thể là tới tận cuối thế kỷ 4 hay 5, đã được đào thấy ở Bắc Việt Nam. Những ngôi mộ này và đồ vật chôn theo trong mộ cung cấp cho chúng ta những bằng chứng để phân tích đời sống của giới cầm quyền mới ở Việt Nam vào thời đó.

Về kiểu và cấu trúc xây cất, những ngôi mộ ấy cho ta thấy những nét đặc trưng của thời Hán. Hơn nữa, ngoài một ít ngoại lệ, những vật tìm thấy trong mộ không nói lên điều gì là Việt Nam cả, mà lại cho thấy chúng giống y như những vật thấy ở trong các mộ Hán đào được ở lưu vực sông Hoàng Hà. Điều này chứng tỏ là lớp cầm quyền ở Việt Nam đã chính thức chấp nhận gần như hoàn toàn văn hóa Hán.

Phần vật chất tìm thấy qua những đồ vật chôn trong các mộ là những nét văn hoá rất cao. Không những có đồ vật trang điểm bằng thủy tinh; vật dụng bằng đồng, bằng đất nung; gươm bằng sắt; và những đồng tiền đúc thời Vương Mãng và Hậu Hán. Lại còn có cả bàn cờ; nhạc cụ; gương soi; nghiên mực và chân đèn. Như thế, tất người chết chôn trong các mộ đó phải là người có học và có một cuộc sống xã hội cao và khác nhau.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Chân đèn với tượng người tỳ nữ đang quỳ

Tuy không có một cái trống đồng Đông Sơn nào thấy trong các mộ, nhưng một số vật, nhất là chân đèn, có thể nói lên một sự pha trộn ảnh hưởng của Hán với địa phương. Vật nổi tiếng nhất là một chân đèn có tượng người đang quỳ, tìm được trong ngôi mộ ở Lạch Trương số 3. Chân đèn này là hình một người hầu với khuôn mặt mang mác không rõ nét Trung Quốc, lại có 10 nhạc công lùn kèm theo. Dường như đó là sản phẩm mỹ nghệ địa phương. Việc những chân đèn mang sắc thái địa phương như thế phản ánh không gì hơn là một mốt thời trang của địa phương. Nó cũng có thể chỉ dẫn cho thấy việc sử dụng thời giờ giải trí, hay những thú vui giải trí trong đêm theo văn hoá địa phương.

Pottery gristmill

Những ngôi mộ lại cũng chứa đựng cả những mô hình các trại làm đồ gốm và cho thấy người chết lúc sinh thời là địa chủ giàu có nhờ nông nghiệp. Những mô hình các ngôi nhà; vựa thóc; giếng; lò gạch, được sắp xếp như nằm trọn trong một vòng rào, một pháo đài, cộng với những kiến trúc được đặt lên trên các ngọn tường mà phải có thang mới vào đuợc.

Gạch nung khắc họa những sinh hoạt trong khuôn sân một gia đình quan chức Hán giầu có, với tường rào, phòng khách, phòng ngủ, bếp, chuồng nuôi gia súc, giếng, và chòi canh. Chủ và khách ngồi uống trà trong khi gà chọi ngoài sân.

Những mô hình này giống như những mô hình được thấy ở Trung Quốc, rõ rệt nói lên rằng những đại gia đình địa chủ giàu, sống sung túc ở thời hậu Hán, cũng có những hậu bối giống họ ở Việt Nam. Rất nhiều điều được biết về những đại gia đình Hán ấy.

Họ xuất thân là những thương nhân giàu có hay quan chức có thế lực thường hay tích tụ đất đai, hạ nông dân xuống hàng thấp kém như nông nô, tá điền, hay gia nhân hầu hạ có khế ước. Những đại gia đình này bảo trợ một nhóm người riêng hay lui tới nhà mình, gọi là "môn khách", gồm các bậc danh sĩ; sĩ phu; chuyên gia kỹ thuật; gián điệp, và cả những kẻ sát nhân. Lại cũng nuôi cả những đạo quân riêng để bảo vệ mình. Những gia đình như thế dường như đã hiện hữu sau cuộc viễn chinh của Mã Viện với tư cách là người bảo hộ cho chính quyền quận huyện của Hán ở Việt Nam.

Bằng chứng của sự việc này được thấy ở Tám Tho, một khu vực gần Thanh Hoá ngày nay, trong quận Cửu Chân ngày xưa – đấy có tám lò gạch cùng thời với những ngôi mộ xây bằng gạch được đào thấy. Gạch và những đồ đất nung trong các mộ ở Trung Quốc cũng giống như những thứ thấy được trong các lò gạch ở Tám Tho. Trong một lò, tìm thấy một con dấu ấn có 3 chữ "Quân Nghi Quan" dùng để in lên những viên ngói lợp nhà. Quân là "ông/ngài"; Nghi là "nên/hợp pháp" và quan là "quan chức". Con dấu này cho thấy có hai địa vị được kính trọng vào thời đó: đĩa vị xã hội và địa vị chính quyền. Nó cho ta thấy người chôn trong mộ là những người Hán-Việt lớp thượng lưu, xưa có giữ chức vụ hành chánh nào đó trong chính quyền.

Việc tìm thấy con dấu ấn ở trong các lò gạch cũng biểu lộ rằng cái lò ấy là tài sản, hoặc được kiểm soát bởi nhà cầm quyền trong khu vực. Có thể nó thuộc thẩm quyền nhà nước, hoặc là một tài sản sở hữu tập thể của những gia đình thuộc lớp cầm quyền. Nó lại cũng có thể thuộc về cả hai nếu đó là dấu hiệu rằng xã hội thời Hậu Hán có khuynh hướng tiến tới việc những đại gia đình có sở hữu nhiều đất đai.

Những ngôi mộ phần nhiều nằm ở những chỗ đất trũng phì nhiêu, đã được tìm thấy từng nhóm có khi nhiều đến 30 ngôi ở trong một nơi giống như một nghĩa trang. Một nghĩa trang hàm ý một xã hội ở một vùng đã được ổn định và lớp cầm quyền tự coi mình là thành phần của xã hội đó. Rõ ràng họ không muốn được chôn ở những nơi khác. Có những người đã nghĩ rằng lớp cầm quyền ấy là những người Hán di cư trở thành những lãnh đạo địa phương, hoặc là lớp cầm quyền bản xứ muốn bắt chước kiểu chôn cất của Hán. Một lời giải thích khác hợp lý hơn nữa là họ không phải hoàn toàn là người Hán hay người bản xứ, mà lẫn lộn cả hai. Việc chôn cất gần nhau trong cùng một nghĩa trang chứng minh mạnh mẽ rằng những người được chôn ở đó cùng chung một quan điểm địa phương như nhau.

Những người cầm quyền chôn ở đó là người đã được ổn định trong kinh tế và xã hội địa phương. Họ đã đến định cư trong những vùng đồng bằng thịnh vượng ở Bắc Việt Nam và không có ý định trở về Trung Hoa nữa. Nay được chôn ở đấy có nghĩa là họ coi đây là quê hương, bởi vì hài cốt của lớp cầm quyền người Hán theo lệ bao giờ cũng phải được đem về quê hương, bất kể là họ chết ở đâu.

Đường xá xa xôi giữa Việt Nam và miền Bắc Trung Quốc, cùng với những rối loạn chính trị thường xảy ra nhất định đã làm nản lòng người muốn hài cốt của mình được đưa về quê ở Hoa Bắc. Có hai ngôi mộ ở Cửu Chân đã là đầu đề gây nên nhiều bàn tán. Hai ngôi mộ có vẻ là của một cặp vợ chồng. Ngôi lớn có thể là của người chồng, thấy rỗng không; trong khi ngôi nhỏ vẫn y nguyên, chưa bị động đến. Người ta giải thích rằng đó là trường hợp hài cốt của người chồng đã được đưa về quê, còn hài cốt của người vợ địa phương của ông ta để yên tại chỗ. Nếu đúng thế, đây là bằng chứng khác của một cuộc hôn nhân Hán-Việt; nhưng cũng có thể là ngôi mộ lớn, theo một vài dấu vết, đã bị phá phách bởi bọn ăn trộm mộ. Cho nên chưa đi đến kết luận cuối cùng được.

[....*]

Xét theo những ngôi mộ bằng gạch và loại xã hội mà những nguời chết đó tiêu biểu, có thể suy rằng nếu Mã Viện quả thực có định cư binh sĩ của ông ở lại đất Việt, tình trạng này đã không tồn tại lâu, nhưng dần dà làm lợi cho những đại gia đình sở hữu nhiều ruộng đất. Những gia đình đó trở thành trọng tâm của nền chính trị địa phương vào lúc nhà Hán bắt đầu suy thoái, vào thế kỷ 2.

Ngoài những người di cư thời Vương Mãng và binh sĩ của Mã Viện, không còn chứng cớ trực tiếp nào nói về việc di dân của người Hán đến Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể công nhận có sự xuất hiện của những tầng lớp di dân khác. Những danh sĩ lớp thượng lưu, những quan chức định cư có thể đã duy trì thể chất Hán tương đối mạnh mẽ. Chính ảnh hưởng văn hoá của họ đã được nhìn thấy qua những ngôi mộ gạch. Chúng ta có thể suy rằng một số những người này đã gởi con trai của họ về phía Bắc (là Trung Hoa)học hành. Và những người con trai đó, sau khi học xong, quay trở về Nam, cùng với vợ họ cưới ở miền Bắc. Thể chất Hán của lớp thượng lưu này nhất định đã được củng cố qua sự hiện diện của nhóm người lưu vong và những thành phần khác trong giới lãnh đạo Hán đã quyết định ở lại Việt Nam.

Mặt khác, nhóm người lưu vong có thể đã oán hận nhà cầm quyền Hán; và về mặt tâm lý, sẵn sàng cắt đứt quan hệ của họ với miền Bắc. Hơn nữa, những kẻ nhất quyết ở lại Việt Nam chắc chắn bao gồm nhóm quan chức bất mãn do đó hướng về một xứ xa xôi, xa cách hẳn với những trung tâm quyền lực của Hán.

Không phải tất cả những ngưòi di cư đều thuộc lớp cầm quyền. Chỉ có khoảng 120 ngôi mộ bằng gạch đã dược đào thấy cho tới nay ở Bắc Việt Nam. Nhiều người di cư là binh sĩ, lao động và các chuyên gia. Những nguời này không giống nhóm người đã xây mộ để duy trì thể chất Hán của họ. Còn những người di cư ở giai cấp dưới nữa chắc đã gia nhập vào thế giới hỗn hợp được hình thành bởi cuộc hành chinh của Mã Viện. Nhiều người sẵn sàng và cũng rất muốn dung hoà tính cách chính thống Hán của họ bằng cách hội nhập vào xã hội địa phương. Chúng ta có thể cho rằng họ hành động như thế qua những vụ hôn nhân Hán-Việt và đứng ra làm đại diện của xã hội địa phương, suốt thời kỳ loạn lạc trong thế kỷ 2.

Nói chung, có thể nói được rằng những người Hán di cư là thành phần của xã hội địa phương và đúng ra họ không còn là người Trung Quốc nữa. Họ phát triển theo viễn tượng văn minh Trung Quốc. Họ đưa những từ ngữ và công nghệ vào xã hội Việt Nam. Nhưng họ lại triển khai một tư duy địa phương, phải nhờ cậy nhiều vào truyền thống địa phương. Ngôn ngữ Việt Nam vẫn tồn tại, và chúng ta có thể cho rằng sau thế hệ thứ nhất, thứ nhì, những người Hán di cư đã nói tiếng Việt. Xã hội Việt Nam nói chung vẫn tách riêng khỏi văn minh Trung Quốc. Và xã hội Hán-Việt giống như một chi nhánh của thế giới văn hoá riêng biệt đó. Những người Hán di cư bị Việt Nam hoá dễ hơn là ngưòi Việt Nam bị Trung Quốc hoá.

* Người dịch bỏ sót, không dịch đoạn này.


việt nam khai quốc: thời đại hán việt (chương 2, phần 2)

Chúng ta có thể đoán được rằng những gia đình Lạc hầu cầm quyền nào đã quy thuận Mã Viện thì được cho làm quan chức địa phương của Hán. Những người đó đã tự nguyện tham gia vào những cuộc hôn nhân Hán-Việt. Đàn ông, đàn bà trong những gia đình Lạc cầm quyền cũ, cùng với những người con rể, cháu, hay chồng, được có địa vị tốt để phát huy những điều hay của bản xứ sang các quan chức Hán. Đàn bà Việt Nam quen được phát biểu ý kiến của mình và cầm quyền lãnh đạo cả ở trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Hình ảnh của Hai Bà Trưng vẫn còn lởn vởn trong đầu các người dân nổi dậy trong thế kỷ 2.

Những bà ngoại, các bà mẹ, và những người vợ Việt Nam vẫn còn chiếm ưu thế đối với những người ông hay người cha còn trung thành với nhà Hán. Cho nên điều này cũng giúp giải thích được tại sao những đám nổi dậy lại được dẹp yên bằng sự thuyết phục: những quan chức Hán tài giỏi đã lên tiếng kêu gọi sự trung thành vẫn còn ngự trị trong tâm hồn những người đàn ông Việt. Các sĩ quan Hán-Việt nào đóng những vai trò trọng yếu trong những cuộc nổi dậy ấy đều bị giằng co giữa lòng trung thành với nhà Hán của cha, ông mình một bên, và khuynh hướng của mẹ hay vợ mình ở địa phương. Ảnh hưởng của các cuộc hôn nhân Hán-Việt không thể không được nhận thấy trên sân khấu chính trị.

Những ngôi mộ bằng gạch kiểu Hán được đào thấy chỉ ở những nơi mà xưa kia là những quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Bắc Nhật Nam ở dọc sông Gianh. Không thấy có ngôi mộ nào ở phiá nam Nhật Nam. Điều này khiến ta nghĩ rằng ở phiá nam quận Nhật Nam không có nhiều người Hán di cư để hợp thành một xã hội riêng biệt. Dường như chỉ có một số nhỏ các quan chức Hán ở đó và vào khoảng năm 192, như chúng ta sẽ thấy sau đây, có một ngưòi con trai trong số họ đã ly khai và sáng lập nước Lâm Ấp.

Việc Hán di cư vào Việt Nam không phải là một việc làm đảo lộn mọi sự. Điều này được thấy rõ ràng trong các bản thống kê dân số là không có "một sự thay đổi bất thường nào ở Bắc Việt Nam dưói thời Hán". Rõ ràng là có một số di cư đủ để lập thành một xã hội kết hợp với nhau của lớp Hán-Việt cầm quyền ở gần khắp nơi ở Bắc Việt Nam. Nhưng lại không đủ nhiều để khống chế xã hội bản xứ về mặt hành chánh hay văn hoá. Ảnh hưởng của hiệu quả việc di cư Hán đã tiêu tan trước khi tới được làn ranh giới quân sự miền Nam.

Để làm sáng tỏ điều này, ta cần cứu xét hồ sơ về kiểm tra dân số thời ấy. Giao Chỉ Bộ trải dài dọc theo bờ biển Nam Hải tới 1.000 dặm, từ Quảng Châu đến tận Huế, và vào năm 2 SCN, gồm có dân số đăng ký khoảng 1.3 triệu. Quá nửa số đăng ký đều ở đồng bằng sông Hồng. Điều này giải thích tại sao Quận Giao Chỉ lại cũng là tên của Giao Chỉ Bộ, đó là cái trục chính về dân số ở vùng biển Nam Hải. Nó cũng giải thích tại sao người Trung Quốc đã mất bao nhiêu công sức để chinh phục người Việt Nam: vì họ sẽ không thể kiểm soát được kinh tế ở biển Nam Hải và giữ được sự lui tới tự do trên các đường thương mại ở miền Nam nếu họ không cai trị được người Việt Nam, một dân tộc mà về mặt dân số, khống chế toàn vùng. Chỉ sau khi khu vực Quảng Châu được những người di cư Trung Quốc lập nên để đối lại với người Việt Nam, nhu cầu phải thống trị được Việt Nam mới giảm đi. Nhưng việc này mãi đến đời nhà Đường mới xảy ra.

Cũng không có gì lạ lắm khi chúng ta nhớ rằng 3 quận Việt Nam có đến gần 3/4 tổng số dân ở Giao Chỉ Bộ vào năm 2 SCN. Vào thời đó, xã hội Lạc có dân số nhiều nhất toàn Trung Quốc ở Nam Hải. Ngay cả cuộc viễn chinh của Mã Viện, với những hậu quả chính trị của nó, cũng không làm xáo trộn được cái khung cảnh bành trướng dân số bình thường ấy. Sức mạnh của xã hội Việt dựa trên các nền tảng tiền sử vững chắc và bằng ngang với những áp lực của cuộc di cư từ Trung Quốc.

Di sản Mã Viện lại được thừa hưởng một giai cấp cầm quyền mới đã phát hiện để đại diện cho chính quyền Hán ở Việt Nam. So sánh các mô hình xã hội qua những ngôi mộ Đông Sơn và những ngôi mộ kiểu Hán bằng gạch đào được, thấy có những liên tục mạnh mẽ giữa các Lạc hầu và những đại gia đình Hán có nhiều đất đai. Cả hai nhóm này đều giàu có nhờ kiểm soát được nhiều đất. Cả hai nhóm đều thiết lập một lối sống để tạo ra sự cách biệt rõ rệt giữa họ với những dân mà họ cai trị. Cả hai đều tích lũy tiền bạc của cải mà họ đem theo xuống mộ. Cả hai nhóm đều được nhà Hán công nhận là chính quyền đại diện của xã hội địa phương. Các Lạc hầu cai trị những quận, huyện, nhân danh chiếc ấn đồng và giải thao xanh. Các đại gia đình Hán-Việt cai trị nhân danh những con dấu "Quân Nghi Quan" để in lên ngói lợp nhà của họ.

Trong khi những vấn đề liên hệ đến việc quản trị chính quyền quận và huyện được các Lạc hầu coi là trừu tượng, vì các Lạc hầu giữ quyền kiểm soát những đất đai dưới chế độ ân huệ cũ căn cứ trên quyền sở hữu chung; các gia đình Hán-Việt điều khiển một cơ cấu năng động hơn và kiểm soát đất đai bằng những đặc quyền tư hữu được quy định rõ qua luật pháp. Nếu khuynh hướng văn hóa của các Lạc hầu đe dọa nền tảng của chính quyền Hán, các đại gia đình Hán-Việt lại chấp nhận văn hoá Hán một cách chính thức. Mã Viện đã làm cho sự cai trị của nhà Hán ở Việt Nam thành một sự kiện đương nhiên không thể tránh được. Nhưng giới cầm quyền ở địa phương, được cấu tạo như hậu quả của sự kiện ấy, lại ở quá xa các trung tâm quyền lực của Hán, và đã bị chi phối bởi những yếu tố văn hóa của xã hội địa phương nên đã không hoàn toàn đi theo văn minh Hán.

Trong thế kỷ thứ 2, khi nhà Hán bắt đầu yếu, không đủ khả năng bảo vệ dân trong những vụ nổi loạn ở biên thùy, thì những gia đình Hán-Việt bắt đầu nắm vai trò thủ động. Những mưu toan của Hán để giữ vững nền thống trị càng đi đến chỗ bị lâm nguy hơn là được ổn định. Và các gia đình Hán-Việt không thể không nghĩ đến việc nổi dậy.

map of Tan Han

NHỮNG CUỘC NỔI DẬY TRONG THẾ KỶ 2

Sau khi Mã Viện đi khỏi Giao Chỉ, ông phải mất gần 6 tháng mới về được tới kinh đô Hán ở Lạc Dương (LoYang). Con đường bộ giữa Lạc Dương và Giao Chỉ dài khoảng 1.000 dặm. Quận Cửu Chân trải dài trên 200 dặm ở phiá Nam Giao Chỉ, còn Nhật Nam lại xa hơn nữa. – thời ấy, đó là những khoảng đường xa kinh khủng. Các quan chức Hán ở miền Nam, về vật chất và tâm lý đều bị cô lập với những người Trung Quốc được coi là thuộc thế giới văn minh. Nhiều người bị ghét bỏ, bị đổi đến đây và nhận nhiệm sở của mình như là kẻ bị đi đầy. Có người đến để vơ vét của cải nhân khi ở cái vùng biên cương vô luật pháp này.

Ông Ozaki Yasushi nghiên cứu chính quyền thời Hậu Hán ở Giao Chỉ Bộ kết luận rằng nhà Hán không bao giờ hoạch định một nền cai trị thành công ở đó. Tỉ lệ của cải vơ vét được cực kỳ cao vì các quan chức thường trở về Bắc sau khi họ đã vơ vét được khá nhiều trong thời gian không bao lâu cả. Lớp người di cư Trung Quốc mới nổi lên cộng tác chặt chẽ với các quan chức tham ô, và áp đặt gánh nặng hối lộ, bóc lột lên đầu người bản xứ.

Tình trạng ấy gây nên những vụ nổi loạn. Và những vụ nổi loạn lại đưa đến việc những sĩ quan quân đội có khả năng được gởi đến. Nhưng vì có khả năng, chẳng bao lâu họ được gọi về Bắc, khi cần đến. Trong gần hết thế kỷ 2, chính phủ trung ương bị rối loạn không yên và việc đánh dẹp cũng lại theo đà ấy tăng lên với những đoàn quân được gởi đến theo định kỳ để thay thế các quan chức hành chánh. Chính trong những điều kiện đó mà những gia đình ở địa phương của những người Trung Quốc di cư tìm cách đứng ra đảm đương quyền hành khi nhá Hán sụp đổ.

Ông Goto Kimpei, trong những nghiên cứu về thời kỳ này cũng kết luận như thế. Ông còn cảnh cáo đừng nên tin bề ngoài của những hồ sơ về các "viên chức tốt" và "những viên chức xấu". Ví dụ, một viên Thái Thú ở Hợp Phố dưới triều vua Hoàn (147-67) bị cáo buộc đã cưỡng đoạt ngọc trai của dân và vơ vét của cải khác của họ : dân bị mất ngọc trai về sau chết đói, vì họ thuờng đem ngọc trai xuống Giao Chỉ đổi lấy gạo.

Chuyện này được chép ở tiểu sử của Thái Thú Mạnh Thường, người đã đến Giao Chỉ sau khi vụ việc trên xảy ra và rất lấy làm phiền lòng. Đồng thời, tiểu sử của Thứ Sử Cổ Tông, một trong những Thứ Sử trong những năm 180, đã được mô tả là một ông quan gương mẫu, lúc nào cũng chăm lo cho dân. Tiểu sử của ông chép rằng sự tham nhũng của người tiền nhiệm của ông đã khiến cho dân phải chết đói và nổi loạn.

Chuyện kể trên đều được ghi trong các tiểu sử khắc vào mộ bia của những ông quan để khen ngợi người đã chết. Cho nên chắc hẳn là không nói điều gì xúc phạm đến uy tín của Mạnh Thường và Cổ Tông. Chúng ta cũng có thể lại nghĩ rằng để làm nổi bật những tính tốt của những quan chức này, những điều xấu của người tiền nhiệm của các ông lại càng được thêm thắt hơn lên. Vì nghe làm quan nói chung là rất xấu trong thời kỳ đó nên khuynh hướng chép sử là đặc biệt ghi chép về những quan chức tốt. Và sự trái ngược tốt xấu càng được tô điểm thêm lên. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng những thành tích của những ông quan được gọi là "tốt" chắc cũng chỉ to bằng hạt cát.

Có hai ông quan dưới triều Hoàng Đế Minh (58-75 SCN) đã tượng trưng cho hai loại quan tốt xấu nói trong sử chép thời Hậu Hán. Lý Thiện, Thứ Sử Nhật Nam "đã cai trị với lòng nhân từ, bác ái, khoan dung đối với những phong tục lạ". Về sau, ông được thăng chức và được đổi về Bắc. Mặt khác, Trương Hối, Thái Thú Giao Chỉ đã "lợi dụng pháp luật để ăn hối lộ". Và của cải vơ vét được chất đầy một nhà kho. Về sau, ông bị xử trảm và những của cải của ông được đem phân phát cho mọi người.

Câu nói rằng Lý Nhiệm "rất khoan dung đối với những phong tục khác lạ" được coi như là một biện pháp cai trị thành công của ông và rất bổ ích. Nó cho thấy rằng, để cai trị được người Việt Nam, người Trung Quốc phải thích ứng với văn hoá địa phương, không được bắt dân địa phương phải theo lối sống của mình.

Nhưng trong khi người Trung Quốc không thể thay đổi được văn hoá địa phương, họ đã kiểm soát được nền kinh tế và bòn vét được của cải vật chất của địa phương. Sự tham ô của Trương Hối được ghi lại, vì nó đủ làm cho triều đình, dù ở mãi tận nơi xa, cũng phải chú ý. Thật vậy, ảnh hưởng chung của chính quyền Hán ở miền Nam đều có tính cách bóc lột. Và tham ô thành một hành động tiêu chuẩn.

Trong khi hiệu quả trừng phạt của cuộc viễn chinh của Mã Viện mờ dần, các hành động bóc lột vơ vét không còn được coi là tự nhiên. Và sự chống đối ngày càng công khai. Trong năm 89, Hoàng Đế Hồ phải ra lệnh chấm dứt việc đem trái cây tươi từ Giao Chỉ về tận kinh dô, chỉ vì tốn kém về người và ngựa cho những thứ chóng hư ấy. Ngoài ra, ngày đêm lại bắt dân phải è cổ mà chạy hết tốc lực. Chúng ta có thể cho rằng việc chấm dứt những chuyện hoang phí ấy là phản ánh áp lực của miền Nam.

Mặc dầu chế độ cai trị của nhà Hán ở Giao Chỉ có nhiều khuyết điểm, tình hình chính trị được ổn định một cách đáng kể trong gần một thế kỷ. Khi quyền lực của Hán bắt đầu lung lay, triệu chứng đầu tiên ở miền Nam không phải là một sự hỗn loạn, mà lại là sự thối nát của tình hình ở biên cương. Một loạt những cuộc xâm nhập và nổi dậy ở đó đã làm hao mòn chính quyền một cách quá sức. Nó gây nên một sự bất ổn trong nội bộ Trung Quốc và khuyến khích một tinh thần bất khuất phục nảy nở.

Đầu năm 2 SCN, được biết có một xứ gọi là Hoàng Chỉ ở nam quận Nhật Nam đã gởi sừng tê giác đến tận Hán triều cống nạp. Theo lập luận, đó là xứ Kanci ở mãi gần xứ Conjeerveram ở miền Nam Ấn Độ. Nếu như thế, đây là chứng cứ của một sự tiếp xúc bằng đường biển rất yên ổn với vùng duyên hải ở Nam và Đông Nam Á. Việc buôn bán những đồ hàng xa xỉ vùng nhiệt đới là mối bận tâm chính của các quan cai trị địa phương. Và những cuộc tiếp xúc bằng đường biển là một lối thoát mạnh mẽ cho nền kinh tế của nhà Hán đang xuống dốc. Khi văn minh Trung Quốc tiến xuống miền Nam với các đạo quân viễn chinh, nền văn minh Ấn Độ bành trướng theo các đường thông thương buôn bán ở Đông Nam Á. Quận Nhật Nam, nơi mà 2 đường văn minh giao lưu đã trở thành một kho chứa đồ và bãi chiến trường văn hoá quốc tế.

Óc Eo, một khu khảo cổ học ở hạ lưu sông Mê kong, nơi bây giờ là miền Nam Việt Nam, đã cho rất nhiều bằng chứng phong phú về những cuộc tiếp xúc với Tây Phương. Ngoài số lớn những đồ vật gốc Ấn Độ, lại cũng đào được những đồng tiền đúc La Mã nữa. Một trong những đồng tiền này mang hình Antonius Pius (138-61). Các tướng lãnh của người kế vị Antonius Pius như Marcus Aurelius (161-80) là người đã chinh phục một phần xứ Mesopotamis năm 162-65, và điều này là nguồn gốc của nhiều sự tiếp xúc với những đường giao thương đi về hướng Đông. Bởi vì năm 166, một nhóm thương nhân tự xưng là sứ giả của Marcus Aurelius đã tới Giao Chỉ bằng đường biển trên đường đến kinh đô nhà Hán. Con đường biển giữa Đông Á và Tây Á lúc đó là một mạch giao thương rất tốt.

Biên giới văn hoá của mạch giao thương ấy là Tường Lâm ở cực Nam quận Nhật Nam, quanh vùng Huế ngày nay. Ở đây, các quan chức Hán đã tiếp xúc với những luồng văn minh Ấn Độ hoá khi chúng kéo tới dọc theo những đường thương mại Đông Nam Á. Vào khoảng năm 192, người con trai của một quan chức huyện Tường Lâm tên là Khu Liên đã giết viên Lịnh (thẩm phán) của huyện và tự xưng làm vua lập ra nước Lâm Ấp. Lâm Ấp đã tồn tại cho đến mãi thế kỷ 17, thành một láng giềng rất quan trọng của Việt Nam.

Nước Lâm Ấp theo văn minh Ấn Độ; tuy nhiên Lâm Ấp lại bành trướng từ bên trong cơ cấu chính quyền Hán và bám chặt vào vùng bià của thế giới chính trị Trung Quốc trong 3 thế kỷ trước khi mở rộng được quyền lực sang những khu vực ở xa nữa về phiá Nam. Những vùng biên giới phát triển mau chóng này đã gây nhiều bất ổn cho Giao Chỉ bắt đầu từ thế kỷ 2.

Năm 100, vào đầu mùa hè, hơn 2,000 dân ở Tường Lâm nổi lên cướp và đốt phá các trung tâm Hán ở trong huyện. Người Trung Quốc phản ứng bằng việc lập một đạo quân tuyển từ các huyện trên phiá Bắc. Sau khi thủ lãnh cuộc nổi dậy bị bắt và xử tử thì những người đi theo bèn xin quy hàng. Nhà Hán bèn thiết lập một bộ chỉ huy quân sự đặc biệt ở Tường Lâm để đề phòng mọi biến động trong tương lai. Năm 102, Tường Lâm được cho miễn không phải đóng 3 thứ thuế trong 2 năm: đó là để ban ơn khoan hồng cho cái tội đã dám nổi loạn.

Trong mấy chục năm sau đó, miền biên giới bề ngoài được yên ổn. Năm 124, bọn "man di ở bên kia biên giới Nhật Nam" kéo đến và xin quy thuận nhà cầm quyền Hán. Có vẻ như đó là một cuộc di dân và có thể là một nhóm dân tỵ nạn đi trốn những cuộc tranh chấp chính trị xảy ra ở bên kia biên giới. Sự thực không được biết vì không có đủ chi tiết. Mặt khác, ông Rolf Stein đưa ra một trường hợp rõ rệt để giải thích câu nói "bọn man di…" trên đây là có ý chỉ những dân nằm trong địa bàn quận Nhật Nam, nhưng ở ngoài tầm kiểm soát của quan chức Hán. Một cuộc tiếp xúc hoà bình với bọn "man di từ bên kia biên giới Nhật Nam cũng đã xảy ra vào năm 85.

Năm 136, bạo động lại bùng nổ ở biên giới gây xúc động tới các quận ở xa tít về phiá Bắc. Và từ đó chính quyền Hán ở đó không bao giờ được hoàn toàn phục hồi. Nhiều ngàn quân gọi là quân Khu Liên từ "bên kia biên giới" kéo đến và tấn công Tường Lâm. Chúng lại đốt các trung tâm người Hán và giết chết các quan chức Hán. Một nguời tên Cơ Xương kéo một đoàn quân vào Nhật Nam để dẹp loạn nhưng sau bị loạn quân bao vây một cách tuyệt vọng. Loạn quân lại kéo lên phiá Bắc và Thứ Sử Giao Chỉ là Phan Liên lập một đạo quân hơn 10.000 tuyển ở Giao Chỉ và Cửu Chân. Nhưng những quân này lại không muốn đến nơi biên cương xa xôi, nên không những đã không chịu đi về Nam mà lại còn nổi lên đánh phá các trung tâm người Hán trong 2 quận nhà.

Khi tin về đến kinh đô Hán, triều đình lần đầu tiên quyết lập một đạo quân 40.000 người lấy ở 4 tỉnh miền Hoa Bắc và Hoa Trung để gởi xuống Nam. Nhưng kế hoạch bị hủy bỏ theo những khuyến cáo của một quan đại thần là Lý Cố. Lý Cố viện ra 7 lý do không nên gởi quân xuống Giao Chỉ :1) Những nơi định mộ quân cũng đang ở trong tình trạng bất ổn; 2) Gởi một đạo quân đi xa xuống Nam như thế sẽ đưa đến biến loạn và đào ngũ; 3) Khí hậu ở miền Nam sẽ gây bệnh tật và chết chóc; 4) Đi xa sẽ làm cho mọi người bị kiệt sức; 5) Chi phí để tiếp tế sẽ quá cao; 6) Một đạo quân viễn chinh phải có sẵn viện binh và sẽ gây ra oán hận; 7) Những binh sĩ ở Giao Chỉ và Cửu Chân đã không chịu đánh, làm sao quân từ ngàn dậm xa xôi đến lại làm cái việc mà họ sẽ không làm? Lý Cố khuyên nên dùng Chúc Lương và Trương Kiều mà ông cho là những quan chức có khả năng, có tinh thần và rất dũng cảm để trấn an quân phiến loạn bằng cách thuyết phục và cho hối lộ. Bảy điểm của Lý Cố nói lên thái độ của nhà Hán đối với miền Nam lúc đó. Tình hình thật khác hẳn với thế kỷ truớc khi Mã Viện được lệnh kéo xuống Nam mà không có gì phải nghi ngại cả. Giờ đây triều đình bị khống chế bởi một bầu không khí ở hậu trường và bởi những thái giám có quyền hành. Vua chỉ hơn bù nhìn một chút. Hơn thế nữa, nhà Hán lúc ấy lại còn phải bận tâm với một đe doạ nghiêm trọng hơn ở biên giới phía Tây. Hơn nữa, sự lựa chọn ngoại giao để đổi lại với đe doạ, cưỡng ép là sự thừa nhận những thực tế địa-chính trị ở vào thời điểm và địa điểm ấy. Giao Chỉ chỉ là một tiền đồn xa xôi của đế quốc Hán nhưng các quan chức Hán ở đó bị cô lập trong biển người "miền Nam man rợ". Khi triều đình Hán bắt đầu suy nhược và không còn khả năng chống đỡ sóng gió, sự thay đổi trong không khí chính trị được cảm nhận ngay ở tiền đồn Giao Chỉ, và những hậu quả cũng được thấy rõ ngay.

Những lời khuyên của Lý Cố đã được nghe theo. Thay vì một đạo quân, 2 người được phái đi. Trương Kiều được làm Thứ Sử Giao Chỉ Bộ và Chúc Lương làm Thái Thú Cửu Chân. Hai người đều thuộc phe Lý Cố, và họ tượng trưng cho cố gắng của Lý Cố để nâng cao địa vị, phe đảng của ông. Ông đánh bạc bằng khả năng của thủ hạ của ông đối với sự cứng đầu của bọn phản loạn. Và tiền đặt cọc chính là uy tín của ông ở trong triều.

Năm 138, khi Trương Kiều vào đến Giao Chỉ, ông bèn phổ biến những lời lẽ hòa giải và dân chúng phản ứng tốt. Còn Chúc Lương táo bạo, cho xe của mình chạy thẳng vào trong vùng bọn phản loạn đóng ở Cửu Chân vnói chuyện với họ một cách "oai vệ" khiến cho hàng chục ngàn tên xin về quy thuận. Trương Kiều lại gởi một sứ giả đến Nhật Nam với những lời lẽ "dịu dàng và khích lệ" và cũng được bọn phản loạn "hồi chánh". Thế là nhờ tư cách cá nhân, chỉ có một vài người đã bình định được Giao Chỉ.

Nhưng hoà bình được lập lại kiểu ấy rất mong manh và Thái Thú Giao Chỉ là Chu Cương yêu cầu cho Giao Chỉ được nâng lên quy chế "Châu" (tỉnh) để tăng cường uy tín nhà Hán. Lời yêu cầu bị bác, nhưng không lâu sau, Chu Cương được phong Thứ Sử khi Trương Kiều trở về triều. Đồng thời trị sở Giao Chỉ được dọn từ Luy Lâu về Long Biên, vì Long Biên phòng thủ được dễ hơn.

Năm 144, lại một cuộc nổi loạn nữa bộc phát ở miền Nam. Cũng gần giống như 8 năm về trước, cuộc nổi loạn bắt đầu từ Nhật Nam. Loạn quân chiếm cứ các trung tâm Hán, xúi dục những vụ nổi loạn như thế ở Cửu Chân và Giao Chỉ. Thái Thú Giao Chỉ là Hà Phương cố thuyết phục loạn quân quy phục và hứa sẽ khoan hồng.

Sau biến cố này, tình hình ở đây tương đối được yên tĩnh trong hơn 10 năm. Tuy nhiên, quyền hành của Hán yếu dần và ý tưởng nổi loạn lại chỉ đợi thời cơ là nổi lên.

Với những biến cố vừa kể, chúng ta có một số câu hỏi. Năm 100, cuộc nổi loạn ở Tường Lâm bị dẹp yên bởi những binh sĩ được mộ từ các nơi xa ở miền Bắc, có lẽ là ở Bắc Nhật Nam, Cửu Chân và Giao Chỉ. Một bộ chỉ huy quân sự đặc biệt được lập tức thành lập ở Tường Lâm. Ba mươi sáu năm sau, khi Nhật Nam lại tái phát bạo loạn, các binh sĩ được mộ ở Cửu Chân và Giao Chỉ không chịu xuống miền Nam nữa. Thay vào đó, quay lại chống đối nhà cầm quyền Hán ngay tại trong quận. Kết quả là các quan chức Hán không dám héo lánh tới khu vực ấy trong hai năm. Và khi họ quay trở lại, trở lại với những cử chỉ hòa giải rồi vội vã dời hành dinh đến chỗ an toàn hơn. Vậy điều gì đã gây ra sự khác biệt ấy trong phản ứng của Cửu Chân và Giao Chỉ đối với Nhật Nam trong thời gian cách nhau chỉ có khoảng hơn một thế hệ ?

Câu hỏi bắt chúng ta phải xét xem đúng ra ai là người ở Cửu Chân và Giao Chỉ mà năm 100 đã quyết định theo Hán; rồi đến năm 136 lại chống Hán? Không còn sót lại những chi tiết nào cho biết về những đơn vị ở địa phương đã được tuyển mộ và tổ chức như thế nào; những công tác này tất được giao cho những người có dấu hiệu trung thành với Hán, nhất là những người có mang dòng máu Bắc. Đám binh sĩ là những người gốc địa phương, không có gì phải nghi ngờ cả. Và họ phục vụ bao lâu khi lãnh đạo Hán đoàn kết và đáng được tin cậy. Lớp sĩ quan trung gian giữa những binh sĩ ấy và quan chức cấp trên có thể là con cháu của lớp binh sĩ Mã Viện đang phục vụ những đại gia đình Hán-Việt vẫn nắm giữ quyền hành địa phương.

Trong tình trạng khẩn trương của năm 100, chắc chắn là con cháu của các binh sĩ lớp Mã Viện đã lãnh đạo những người được tuyển mộ để đi dẹp cuộc nổi loạn ở Tường Lâm. Và những người ấy rồi sau phục vụ trong bộ chỉ huy quân sự được thành lập ở đó. Mẹ của họ có thể là những người phụ nữ địa phương, nhưng những người cha họ đã chiến đấu cho nhà Hán. Và nay hành động của họ như thế là điều tự nhiên.

Còn trong tình trạng khẩn cấp của năm 136, con cháu của những người năm 100 được gọi đến. Và họ thấy rằng làm loạn là điều tự nhiên, hơn là phục vụ. Dĩ nhiên vào năm 136 thì ở khắp nơi trong Trung Quốc, ý niệm trung thành với nhà Hán đã kém hơn năm 100. Điều có ý nghĩa hơn cả là vào lúc đó, lớp các quan chức Hán ở hạng trung và kém hơn ở Việt nam và có quyền hành; có thể đã có 3 thế hệ người ông thuộc dân địa phương. Và chỉ có 1 ông cố là nguồn gốc Bắc. Tính chất Hán của những người ấy đã bị phai mờ nghiêm trọng vì những cuộc hôn nhân qua lại giữa 2 giống.

Những cuộc nổi loạn năm 136 và 144 giống nhau ở chỗ cả 2 đều được dẹp yên bằng thuyết phục. Như thế nghiã là trong khi những người lãnh đạo nổi loạn có thể đã bị thúc dục nổi lên chống Hán do ảnh hưởng của các bà nội, bà ngoại, bà mẹ, hay vợ họ. Lòng trung thành với Hán của cha, ông họ cũng đủ cảm nhận để khuyến khích họ quay trở lại trung thành với Hán. Nhất là khi có các quan chức Hán cấp cao xuất hiện.

Trương Kiều và Chúc Lương năm 138 và Hạ Phương năm 144 có lẽ đã gây lại được lòng trung thành của phản loạn bằng cách tỏ ra như thế là đứng về phía họ mà căm thù bọn Thái Thú và quan Lịnh hay ức hiếp nên có thể đã gây ra những rối loạn ấy. Họ đưa ra những lời lẽ hòa giải và cam kết sẽ khoan dung cho mọi người. Đó là những " lời lẽ xoa dịu và đầy khích lệ " đã đem lại cho dân địa phương lý do để họ tin rằng sự bất công rồi sẽ được sửa chữa. Cách nói như thế trở thành một kiểu cách của các quan chức Hán đáp ứng với những vụ nổi loạn hay bất bình ở Giao Chỉ. Nhưng chúng ta sẽ thấy sau đây, Chu Thừa và Cổ Tông, vào cuối thế kỷ lại cũng được tiếng là có tài dẹp yên được các cuộc nổi loạn và bất bình của dân chúng: các ông sa thải những quan chức tham ô, cải tổ hành chánh và hứa sẽ có 1 chánh quyền lương thiện để phục vụ dân. Tuy nhiên các ông chỉ là những ngoại lệ đối với tính tham ô đã thành như luật lệ.

Cuộc nổi loạn kế tiếp bắt đầu ở huyện Cự Phong, nằm trong vùng đất cao, phân chia đồng bằng sông Mã với sông Cả ở Cửu Chân. Năm 157, một quan Lịnh đáng ghê tởm ở Cự Phong làm cho dân chúng tức giận. Một người dân Cự Phong là Chu Đạt đã nổi lên giết viên quan Lịnh, rồi kéo thẳng lên phiá Bắc với khoảng 4-5 ngàn người. Thái Thú Cửu Chân là Nghê Thức bị giết ngay ở ngoài mặt trận. Chỉ huy quân sự Cửu Chân là Ngụy Lang về sau đem binh tấn công lại, bắt và giết được 2.000 người. Ông dùng phương pháp đe doạ và cưỡng ép để lấy lại quyền kiểm soát ở Nhật Nam, nơi trước kia cũng vì thế mà có loạn.

Đấy là một kiểu nổi loạn mới, do một viên "quan Lịnh Hán đáng tởm" gây ra, thay vì là 1 sự bạo động như ở Tường Lâm, Chu Đạt, người đã giết viên quan Lịnh và lãnh đạo cuộc nổi loạn ngắn ngủi nhưng đẫm máu, đã không hề dược các sử gia Việt Nam nói đến. Chỉ thấy ông đã được nhắc đến trong các sử liệu Trung Quốc. Nếu như thế, vụ này nói lên cái tính chất dịa phương của lớp dân lai Hán-Việt đang lớn lên. Chu Đạt đánh phá các trung tâm Hán ở Cửu Chân với khoảng 4-5 ngàn người. Cuối cùng y đã bị đánh bại bởi một đội quân cũng gồm những người địa phương. Và điều này hàm ý lớp dân lai Hán-Việt đã được phân cực sau những biến cố năm 138 và 144, chia ra người thì chống Hán, người trung với Hán.

Cuộc nổi loạn của Chu Đạt giới hạn trong quận Cửu Chân và Nhật Nam lại cho ta thấy sự phát triển của xã hội lai Hán-Việt theo điều kiện địa lý. Những khu vực cách xa các trung tâm chính của Hán nhất, công khai chống Hán rất sớm. Sự thành công của Chu Đạt khi giết được không những một quan Lịnh người Hán mà cả viên Thái Thú Cửu Chân lúc lâm trận cho thấy ông ta là người rất rành về quân sự. Huyện Cự Phong là 1 vùng đất cao ở biên giới. Trước khi nổi dậy, có lẽ ông đã được phụ trách vùng biên này. Công tác ở vùng biên, như sau này lịch sử chứng minh, thường là một kinh nghiệm cải cách bởi vì những quan chức nào không được tin cậy hoặc tham nhũng thường hay bị đổi ra biên giới, như một hình thức giáng cấp. Làm việc ở biên giới có nhiều bấp bênh, đưa đến nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với những người được gọi là man di. Vì thế, lẽ tự nhiên là những người thuộc lớp lai Hán-Việt bị đổi ra biên giới lại thường là những người đầu tiên nêu cao cờ nổi loạn. Biên giới là nơi kinh niên gây bệnh bất mãn vừa bởi vì những người bị đổi ra đấy thường hay bị ghét bỏ. Vừa vì văn hoá của người bản xứ ở biên giới ngược lại với văn minh Hán, từ nếp sống gia đình đến quan niệm về quyền lực. Mặt khác, những người cầm quân đánh Chu Đạt chắc phải là xuất thân từ những cộng đồng nông nghiệp ở gần các trung tâm Hán trong đồng bằng sông Hồng và sông Mã.

Chu Đạt và 2.000 người đi theo đã bị chặt đầu. Như vậy là tạm thời loại được một số cứng đầu, bướng bỉnh ra khỏi lớp dân lai Hán-Việt. Ba năm sau, vào năm 160, Cửu Chân và Nhật Nam lại nổi loạn, nhưng những người cầm đầu đã được thuyết phục để quay trở về trung thành với nhà Hán bởi những người đã từng dẹp được cuộc nổi loạn năm 144. Đó là Hạ Phương. Hạ Phương áp dụng một chính sách "vừa nhã nhặn vừa oai nghiêm" và riêng ở Nhật Nam đã có hơn 20.000 người quay về hồi chánh.

Một lý do chính yếu làm những dân lai Hán-Việt nổi loạn, ngoài việc các quan chức Hán tham ô, là sự tintưởng họ có thể tự bảo vệ lấy được hiệu quả hơn nếu họ có cơ hội tự đảm nhiệm lấy mọi việc. Ngày càng rõ rệt là ở đấy, người Hán không bảo đảm nổi an ninh cho họ. Đối với họ, phải có sự lựa chọn giữa sự hỗn loạn của chính quyền đang suy yếu và sự ổn định do chính họ đảm nhiệm mà không có sự can thiệp của các quan chức Hán từ phương Bắc đến.

Biên cương phía Nam không phải là nơi duy nhất có rối loạn ở Giao Chỉ Bộ. Trong những vùng núi non ở Quảng Tây và Quế Châu bây giờ cũng có những cuộc nổi loạn. Những sự rối loạn ấy cũng ảnh hưởng đến Việt Nam vì chúng phát xuất ở giữa vùng ấy và trung tâm hành chánh của Giao Chỉ Bộ tại Thương Ngô. Năm 163, một tướng quân là Cát Kỳ được sai đến dẹp loạn, nhưng lại bị giặc bắt. Chuyện về sau ra sao, không thấy ghi lại; nhưng cách hành xử của Thứ Sử Chu Thừa có thể là một yếu tố quan trọng. Sự hiểu biết của chúng ta về Chu Thừa bị hạn chế trong một đoạn đề cập đến ông trong sách An Nam Chí Lược. Tuy [chuyện Cát Kỳ bị giam bắt] không được ghi chú ngày tháng trong An Nam Chí Lược, nhưng dường như phù hợp với những biến cố lịch sử xảy ra vào thời đó.

Là một quan ngự sử của triều đình, Chu Thừa đã tranh biện với vua và bị đổi đi làm Thứ Sử Giao Chỉ. Sau khi đến miền Nam, ông báo cáo về triều đình như sau :

Giao Chỉ là một đất ở xa; tham ô và hối lộ là điều thường có. Những gia đình có thế lực thông đồng lừa gạt; các quan chức địa phương khinh xuất và áp bức; dân chúng bị bóc lột và ức hiếp. Thần được đội ơn triều đình và sung sướng được là bề tôi của bệ hạ. Ý thần muốn xin bệ hạ cho phép được quét dọn sạch sẽ nơi này".

Ông bắt đầu bằng cách sa thải hơn 30 quan chức. Sữ ghi ông được tiếng là đã "bình định" đuợc Giao Chỉ. Nhưng cũng cần phải nghiên cứu về chuyện Chu Thừa bởi vì chuyện nằm trong khuôn mẫu của sử liệu vẫn hay nói là "quan tốt" đến sau khi "quan xấu" đi. Tuy nhiên, những thay đổi quan trọng đã được thực hiện ở Giao Chỉ Bộ, trong giới cầm quyền. Trưóc kia, các Thái Thú được bổ nhiệm từ Bắc xuống, nhưng vi triều đình còn bận về các chuyện tranh chấp trong cung đình và những quan có tài lai hiếm; nên có sẵn người nào, bổ nhiệm nguời đó, bất kể tài năng ra sao. Vì thế nên Giao Chỉ phải bổ những người địa phương vào chức Thái Thú. Thay vì là quan chức của triều đình, nay các Thái Thú lại dần dần thành người đại diện cho quyền lợi địa phương. Cứ như thế, nên lại xuất hiện ở Giao Chỉ một phong trào địa phương mạnh được dân chúng ủng hộ. Và chính nhờ như vậy mà gia đình họ Sĩ thành nổi tiếng và giàu có.

Dưới thời Hoàng Đế Hoàn (147-67) nhà Hán, Sĩ Tư được bổ Thái Thú Nhật Nam. Năm thế hệ trước đó, tổ tiên họ Sĩ bỏ quê hương ở Sơn Đông để tị nạn Vương Mãng. Họ định cư ở Thương Ngô, nơi đặt phủ Giao Chỉ, tức Quảng Tây ngày nay. Gia đình họ Sĩ và những gia đình khác cùng hoàn cảnh lại được Hán công nhận là những người trọng tài cho quyền lực địa phương. Và những người này lại đến lượt phát triển thêm quan hệ chủ-khách với dân bản xứ. Cho nên họ dần dần thành trọng tâm của nền chính trị địa phương khi chính quyền của triều đình lu mờ dần.

Một trong những người con của Sĩ Tứ là Sĩ Nhất, lúc đó là một sĩ quan quân đội cấp quận. Thứ Sử Giao Chỉ là Đinh Cung rất có ấn tượng với tài mẫn cán của Sĩ Nhất, nên về sau, khi được bổ nhiệm về triều, ông đã mang Sĩ Nhất đi theo. Sự liên kết giữa Sĩ Nhất với một người cỡ Đinh Cung cho thấy những đức tính của những người họ Sĩ và giải thích vì sao họ Sĩ sau được nắm quyền.

Năm 178, quận Nam Hải (Quảng Châu) nổi loạn, sách động cả Hợp Phố và Giao Chỉ cùng nổi lên theo, dưới quyền chỉ huy của một người là Lương Long. Cuộc loạn lại lây cả xuống Cửu Chân và Nhật Nam. Và cũng được cả những bộ lạc ở Quảng Tây bây giờ theo nữa. Đây là lần thứ nhất mà tất cả các quận ở Giao Chỉ cùng đứng lên một loạt. Và cũng là lần đầu tiên việc chống Hán được khởi xướng bởi một quan chức của triều đình. Đó cũng là lần đầu tiên, người Việt Nam nổi dậy chống Hán do những biến cố trên miền Bắc. Thứ Sử Chu Ngung không làm gì được.

Năm 181, Chu Tuấn được triều đình sai xuống Giao Chỉ. Ông là một vị tướng có tài, hành động bán độc lập và nổi tiếng trong lúc Hán triều suy yếu đang mất dần thế lực ở vùng quê. Trên đường đi xuống Nam, Chu Tuấn ghé qua quận nhà, mộ thêm một số quân bản hộ, thêm vào số 5.000 của triều đình. Ông chia quân ra làm 2 đạo, tiến theo 2 đường. Ông lại phái những sứ giả đi trước đến tiếp xúc, nói chuyện với loạn quân và tìm hiểu tình hình. Khi tới nơi, ông tập hợp những thành phần Hán lại, rồi tấn công quân nổi loạn. Lương Long bị bắt và bị chặt đầu. Tình hình được yên. Chu Tuấn là vị tướng có tài, nhưng hoà bình mà ông lập lại không được lâu dài quá thời gian ông trú đóng ở miền Nam.Ba năm sau, năm 184, những quân sĩ đi khẩn hoang lại về hùa với loạn quân nổi dậy và giết Thứ Sử Chu Ngung. Tình hình được chép như sau :

Giao Chỉ có nhiều đồ hiếm mà quý. Từ đầu đến cuối, các Thứ Sử đều vơ vét được nhũng tài sản khổng lồ. Các quan chức và dân chúng uất hận nên nổi loạn.

Chuyện này cũng không mới mẻ gì ở Giao Chỉ. Tham ô và áp bức đã là lẽ thường của chính quyền Hán ngay từ đầu. Tuy nhiên, điều mới chính là những lực lượng địa phương bấy giờ đang thử sức mình và thành công đối với những quan chức mà dân ghét. Cuộc nổi dậy này duy nhất có liên quan trực tiếp đến các binh sĩ đi khai hoang ở miền Nam. Nhũng người này có lẽ là ở Thương Ngô, nơi có dinh Thứ Sử.

Các đường lối hoà giải không còn hiệu quả nữa. Triều đình lại bổ nhiệm Cổ Tông, người có tiếng thanh liêm, lảm Thứ Sử Giao Chỉ Bộ. Khi đến nhiệm sở, Cổ Tông phát hành một tờ bố cáo ghi 5 điều sau đây: 1) tất cả mọi người đều được quyền làm ăn trong thái bình; 2) những người vô gia cư và lưu lạc sẽ được đón nhận và chăm sóc; 3) thuế sẽ được miễn cho những ai gặp khó khăn; 4) những kẻ ác ôn và bóc lột sẽ bị chém đầu; 5) người lương thiện sẽ được lựa chọn, bổ nhiệm làm quan chúc.

Với chính sách ấy, hoà bình đã được nhanh chóng lập lại. Nếu như tiểu sử sau này của Cổ Tông là đúng, dân chúng có bài ca tụng ông như sau:

Cha Cổ dến muộn nên chúng con phải nổi dậy.

Giờ đây đã thấy người tốt và được sống yên ổn.

Chúng con không dám phản bội một người bạn.

Tiếng tăm Cổ Tông là một nhà cai trị nhân từ tùy thuộc một phần lớn vào tâm lý lịch sử, thường gán tất cả những đức tính của một quan chức tốt cho ai thành công trong việc thâu được thuế và giữ được trật tự trong địa hạt thẩm quyền. Nhìn vào mặt trái của những gì gọi là hùng hồn trong những việc ông làm, có thể bảo là ông đã giảm thuế, và giết bọn nổi dậy để vãn hồi trật tự. Đây là một phương pháp bình định thông thường. Nhưng đức tính cá nhân của ông là một yếu tố. Những ý định của ông là làm sao vãn hồi hành chánh quận và huyện, có nghĩa là làm sao thu thuế được bình thường. Bằng cách diệt hết các hành động tham ô sách nhiễu và thu thuế không chính đáng, có thể ông đã nổi tiếng theo như nói trong bài ca trên. Nhưng khi làm như vậy, chính ông cũng khiến cho việc thâu các thuế hợp lý được dễ dãi hơn. Theo ông Goto Kimpei, Cổ Tông nổi tiếng nhờ sự thành công thu được thuế ở Giao Chỉ và đó làmột bực thang để sự nghiệp ông được thăng tiến. Sau 3 năm, ông được thăng lên chức vụ cao hơn trên miền Bắc. Không phải là không thể có chuyện những thành tích của ông được bịa đặt ra cho ông được thăng chức. Chúng ta có thể cho rằng những chánh sách và hệ thống kiểm soát của quận, huyện đều được ghi rõ trong những nguồn tài liệu.

Thành công của Cổ Tông ở Giao Chỉ là nhờ chánh sách gây được nhiều tham gia hơn của dân vào công việc chính quyền. Chính sách lựa chọn và tuyển mộ quan chức từ những người trong các gia đình địa phương chắc chắn đã là niềm vui cho những người di cư có học và có khả năng lãnh đạo. Theo các tài liệu của Việt Nam, Cổ Tông được kế vị bởi một nguời ở địa phương là Lý Tiến làm Thứ Sử. Tài liệu đã thuật lại 1 tờ tâu của Lý Tiến về triều, xin bổ nhiệm thêm nhiều người miền Nam nữa vào các chức vụ ở khắp nơi trong nước. Và tờ tâu cũng nói đến những chuyện về 2 ngưòi con của 1 gia đình ở Giao Chỉ đã được nổi tiếng tại triều Hán.

Chuyện về Lý Tiến đáng nghi ngờ vì không thấy nói đến trong các sử liệu Trung Quốc. Hơn nữa, việc ấy đi ngược lại chính sách của triều đình là không bổ nhiệm người địa phương cai trị địa phương mình. Tuy nhiên, chính quyền Hán ở Giao Chỉ trong phần tư cuối thế kỷ 2 không có một nền hành chánh biên chế hẳn hoi, nên do chính sách của Cổ Tông đề nghị tuyển chọn quan chức ở ngay nơi các gia đình địa phương, và cũng do triều đình muốn duy trì sự ổn định, một người địa phương có lẽ đã được bổ nhiệm làm Thứ Sử.

Dù sao, vào những năm cuối thập niên 180, ảnh hưởng của Hán ở Giao Chỉ phần lớn là hư danh. Đến khi huyện Tường Lâm trở thành trung tâm của Vương Quốc Lâm Ấp độc lập năm 192, những cấp thẩm quyền ở Bắc đã điều hành mọi việc qua quyền hành của gia đình họ Sĩ. Nhà Hậu Hán đã lập lại được trật tự ở miền Nam và tình hình được hết sức ổn định. Trong khi gia đình họ Sĩ, tuy được coi như là một sắc thái của nền chính trị Trung Quốc, trên thực tế đi theo truyền thống hùng mạnh của thế giới vùng biển Đông Nam Á, mà trong đó, Lâm Ấp là một thí dụ điển hình.

Sự phồn thịnh của Giao Chỉ Bộ dưới thời họ Sĩ, một phần là do vị trí của gia đình ấy nằm ở vùng biên giới gần biển ở phía Nam Trung Quốc. Nhờ đó, họ có được một sức mạnh kinh tế hậu thuẫn cho vị trí chính trị của họ khiến họ có thể đối phó hữu hiệu được với tình hình thay đổi nhanh chóng ở phía Bắc. Giai cấp dân lai Hán-Việt bắt đầu có kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực chính trị qua những cuộc nổi loạn trong thế kỷ 2. Trong lúc quyền hành nhà Hán biến dần đi, lớp người này đứng ra đảm đương chuyện thống trị, và dưới sự lãnh đạo của gia đình họ Sĩ, đã thành lập một trung tâm chính trị vững chắc tại miền Bắc Việt Nam. Những người Hán di cư thuộc lớp thượng lưu vẫn công nhận chính thức nền văn minh Trung Quốc, nhất là qua việc họ dùng những sách giáo khoa Trung Quốc để dạy dỗ con cái. Nhưng nói chung, xã hội lai Hán-Việt đã hướng theo những ảnh hưởng của Phật Giáo Ấn Độ đến từ đường biển. Cho nên, vào cuối thế kỷ 2, nền văn minh Ấn Độ trở thành một thay đổi khả quan hơn ảnh huởng Hán đang tàn tạ; tác động sự hưng thịnh của Vương Quyền Lâm Ấp và Phật Giáo Việt Nam.

Kết quả và vinh quang của xã hội Việt Nam chính là thời đại Sĩ Nhiếp. Vì trong suốt 40 năm, những đại gia đình Hán-Việt đều được sống không bị ngoại bang kiểm soát. Điều ấy đã trở thành một thời đại đáng ghi nhớ trong sự hình thành nền văn minh Việt Nam.


việt nam khai quốc: sĩ nhiếp (chương 2, phần 3)


Ram at Si Nhiep Tomb

Tượng cừu trên mộ bia Sĩ Nhiếp

Sĩ Nhiếp là con trai lớn của Sĩ Tứ, Thái Thú Việt Nam dưới thời Hoàng Đế Hoàn (147-67). Trước đó, gia đình Sĩ di cư khỏi Sơn Đông để xuống Nam, thời đại Vương Mãng. Sĩ Nhiếp sanh năm 137 ở Thương Ngô, tức Quảng Tây bây giờ. Thời còn trẻ, ông lên miền Bắc, ở Dĩnh Xuyên (tức Hồ Nam bây giờ) để học văn dưới sự hướng dẫn của Lưu Tử Kỳ. Lớn lên, ông được bổ nhiệm làm quan ở triều đình Hán, Khi phụ thân ông mất, ông trở về quê nhà ở Thương Ngô. Chịu tang phụ thân xong, ông đi thi và đỗ Mậu Tài, được bổ làm Lịnh ở huyện Ngô tại miền Đông Tứ Xuyên. Hình như vào thời ông Cổ Tông làm Thứ Sử, trong những năm 180 khi những người địa phương có khả năng được tuyển chọn để thực thi một chính sách nhân đạo mới mà Sĩ Nhiếp được chọn làm Thái Thú Giao Chỉ.

Trong quan hệ của ông với triều đình Hán, Sĩ Nhiếp tỏ ra là một viên Tổng Quản trung thành làm việc trong hệ thống quận và huyện. Tuy nhiên, suy từ những biến cố xảy ra sau khi ông mất, người ta thấy rõ ràng lúc sinh thời, ông chủ trì một tổ chúc quyền lực ở địa phương, căn cứ trên những đại gia đình Hán-Việt nào có thể cung cấp được những đạo quân bản bộ riêng. Viễn tượng hỗn hợp của môi trường Hán-Việt trở thành một yếu tố quan trọng cho kinh nghiệm lịch sử Việt Nam. Về phía Hán, Sĩ Nhiếp hành động với danh nghĩa một người lính giữ gìn biên cương của Hán. Nhưng về phía Việt Nam, ông là thủ lãnh của một xã hội gồm có những người cầm quyền ở địa phương. Trong bối cảnh hỗn hợp này, cũng không khó để chuyển dịch khuynh hướng từ bên này sang bên kia. Vì vậy, một lãnh đạo thuộc giòng máu lai Trung Quốc giữ vai trò Hán-Việt hỗn hợp, hay trong vài trường hợp thiên hẳn về phía Việt Nam là một khuôn mẫu rất phổ biến trong xã hội Việt Nam thuở ấy. Sĩ Nhiếp là vị lãnh đạo đầu tiên trong số nhiều lãnh đạo mạnh của địa phương đã xuất hiện với mục đích xây dựng một xã hội bản xứ trong khuôn khổ của nền văn minh Trung Quốc.

Chu Tuấn, viên tướng đã bình định Giao Chỉ năm 181, đã giúp phá giặc Khăn Vàng ở Bắc Trung Quốc năm 184. Dưới sự bảo trợ của gia đình Chu, nhiều người tị nạn thuộc giới thượng lưu đã chạy xuống Giao Chỉ để tránh cơn bão loạn của giặc. Con trai của ông là Chu Phù đã được phong làm Thứ Sử Giao Chỉ. Quan hệ giữa Thứ Sử Chu Phù và Thái Thú Sĩ Nhiếp có phần chênh lệch. Chu Phù là người ở xa đến, phải nhờ cậy vào các bộ tướng của mình và cả những người tị nạn ở giai cấp thuợng lưu. Sĩ Nhiếp là người ở địa phương đứng đầu các đại gia đình thuộc xã hội cầm quyền ở địa phương. Lãnh thổ cầm quyền của Sĩ Nhiếp được ổn định và ngày càng thịnh vượng. Tuy ở chức vị cao hơn, Chu Phù không thể khẳng định uy quyền của mình với Sĩ Nhiếp; những đất đai dưới quyền Chu Phù (ngày nay là Lưỡng Quảng) đầy rẫy những giặc cướp và quan chức bất mãn.

Chu Tuấn chết năm 195, và gia đình Chu về sau bị sa sút. Năm 196, Chu Phù bị “theo dõi và bị giết chết” bởi một “người hùng địa phương.” Ta có lý do để nhận thấy bàn tay của Sĩ Nhiếp sau vụ này. Bởi vì lúc Chu Phù chết, Sĩ Nhiếp đã mau lẹ chiếm lấy quyền kiểm soát vùng duyên hải Giao Chỉ. Ông bổ nhiệm 3 người em trai của ông là Sĩ Nhất, Sĩ Vi, và Sĩ Vũ làm Thái Thú Hợp Phố, Cửu Chân và Nam Hải. Khoảng 100 sĩ phu theo Chu Phù xuống Nam đều được Sĩ Nhiếp tiếp đón và dung nạp.

Vào lúc đó, giang sơn nhà Hán đang bị quân phân thành 3 nước mà về sau gọi là thời “Tam Quốc” trong lịch sử. Nhà Hán cố gắng để vãn hồi quyền hành đang tàn tạ của mình bằng một cuộc cải cách hành chánh trong đó quyền hành được ủy nhiệm rộng rãi cho các quan Mục Bá (đứng đầu các châu). Giao Chỉ Bộ không nằm trong hệ thống mới này và triều đình bổ nhiệm Truơng Tần thay Chu Phù làm Thứ Sử.

Trương Tần là một người lập dị, mà theo các sử gia “không nghe theo những lời dạy trong sách của các hiền triết xưa, và hủy bỏ luật pháp của nhà Hán.” Ông hay chít một cái khăn đỏ, ngồi đốt trầm hương, gảy đàn và đọc “những sách nhảm nhí.” Thật vậy, Trương Tần rất yêu chuộng Lão Giáo, và từ khi Lão Giáo trở thành một đặc điểm của Giặc Khăn Vàng, có thể kết luận rằng đó là nguyên nhân ông bị lớp quan lại của triều đình dè bỉu. Điều đó giải thích tại sao ông bị đổi xuống Giao Chỉ Bộ.

Tuy nhiên, quyền hành ở phần lớn Giao Chỉ nằm trong tay Sĩ Nhiếp. Trương Tần chỉ có quyền giới hạn trong hai huyện hẻo lánh là Thương Ngô và Uất Lâm ở thượng lưu sông Tích. Địa vị của Trương Tần rất bấp bênh vì nó nằm trong phạm vi tham vọng của Lưu Biểu là thủ lãnh Kinh Châu ở ngay phía Bắc. Chẳng bao lâu, Truơng Tần và Lưu Biểu gây sự xung đột nhau luôn luôn. Sĩ Nhiếp ủng hộ Trương Tần vì họ Lưu bị triều Hán coi như đang làm phản. Triều đình Hán quá yếu và ở quá xa, nên không giúp đỡ gì được cho Trương Tần. Nhưng đến năm 203, triều đình nâng Giao Chỉ Bộ lên hàng Châu và do đó, thăng chức Trương Tần lên hàng Mục bá. Kể tự đó, Giao Chỉ Bộ được chính thức gọi là Giao Châu. Mặc dầu được hậu thuẫn tinh thần, hai năm sau Trương Tần bị một trong những bộ tướng phản bội và giết chết ông. Lưu Biểu lập tức sai bộ tướng là Lai Cung đến Thương Ngô để huy động những binh sĩ trung thành với họ Lưu.

Khi tin Trương Tần bị giết đến tai nhà Hán, tờ chiếu dưới đây được gởi đến cho Sĩ Nhiếp:

Giao Chỉ là đất miền Nam xa xôi ở gần các sông ngòi và bờ biển; những đặc ân của triều đình từ trước đã không xuống tới nơi được, và những tin tức từ dưới cũng không lên được tới triều đình. Trẫm biết rằng loạn tặc Lưu Biểu đã sai bộ tướng Lai Cung xuống để canh giữ miền Nam. Nay trẫm ban chiếu phong Sĩ Nhiếp làm Bình Nam Tướng Quân, có quyền hành 7 quận và xác nhận vẫn làm Thái Thú Giao Chỉ như trước.

Dựa trên tài liệu này, rõ ràng là triều đình Hán từ nay không còn khả năng áp đặt uy quyển trung ương đến mọi sự việc ở đất Nam. Triều đình chỉ còn cách gia phong chức tước với hy vọng sẽ ảnh hưởng được những diễn tiến ở xa. Sĩ Nhiếp đáp ứng lại bằng cách gửi sứ giả mang những đồ triều cống về dâng vua. Vì có những nhiễu loạn, nên đây là một thành tích đáng ghi. Triều đình công nhận sự biểu dương lòng trung thành bằng cách phong thêm cho Sĩ Nhiếp chức Trấn An Tướng Quân và một tước vị nữa lên hàng quí tộc.

Giang sơn của Sĩ Nhiếp thực sự đứng bên ngoài đế quốc nhà Hán. Nó thuộc vào cái thế giới thương mại đang phát triển ở biển Nam Hải với những con đường thông thương trên biển đi xuống phía Nam và sang phiá Tây. Như vậy, Sĩ Nhiếp lại vừa có thể đứng ngoài những cuộc tranh chấp ở miền Bắc xa xôi, vừa giữ được địa vị chính thống của mỉnh đối với một triều đình không còn quyền hành gì. Cho tới khi tương lai của nhà Hán bị cạn kiệt, Sĩ Nhiếp mới ngả về phe thắng thế ở Nam Trung Quốc, tức là Tôn Quyền, người sáng lập nhà Ngô thời Tam Quốc.

Liên minh của Sĩ Nhiếp với Tôn Quyền đã chặn đứng những tham vọng của Lưu Biểu tại miền Nam. Lưu Biểu chết năm 208 và hai năm sau, Tôn Quyền sai một tướng là Bộ Chính xuống quan sát Giao Châu. Bộ Chính rất vui lòng quét sạch được sự can thiệp của Lưu Biểu ở Thương Ngô và để đất miền Nam còn lại cho Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp và các em trai của ông đón tiếp Bộ Chính long trọng, nhận lãnh chức tước được ban và dâng biếu cho Bộ Chính rất nhiều tặng phẩm. Tôn Quyền phong Sĩ Nhiếp làm Tả Tướng Quân để thừa nhận sự cai trị hữu hiệu của ông ở miền Nam.

Năm 220, một người họ Tào bắt vua Hán cuối cùng phải thoái vị, nhường ngôi cho y để lập nhà Ngụy ở Hoa Bắc. Họ Lưu ở Tứ Xuyên bèn lập nhà Thục Hán và Tôn Quyền ở Nam Kinh lập ra nhà Ngô. Sĩ Nhiếp lập tức gởi con trai là Sĩ Tấn lên Nam Kinh để bày tỏ lòng trung thành. Tôn Quyền lại phong cho Sĩ Tấn làm Thái Thú một quận ở lưu vực sông Dương Tử. Đồng thời cả Sĩ Nhiếp, em ông là Sĩ Nghi và những con của họ được Ngô phong cho chức tước mới. Khi Sĩ Nhiếp thuyết phục được những thủ lãnh các bộ lạc ở vùng núi Quế Châu thần phục Tôn Quyền, ông lại được phong thêm chức tước nữa.

Sĩ Nhiếp liên tiếp gởi về triều đình Ngô những đồ hàng xa xỉ quý hiếm như nước hoa, ngọc trai, vỏ đồi mồi, san hô, hổ phách, trái cây các loại, chim công, sừng tê giác, ngà voi, thuốc và nhiều thứ hiếm hoi khác. Em ông là Sĩ Nghi triều cống hàng trăm con ngựa. Không có năm nào là không có vật triều cống mới. Đó là một nguồn lợi tức quan trọng cho nhà Ngô và nó cũng bảo đảm cho địa vị họ Sĩ ở Giao Châu.

Trị sở của Sĩ Nhiếp là Luy Lâu, một trung tâm chính trị rất lâu đời. Triệu Đà đã thiết lập một sứ bộ ở đó vào khoảng 450 năm trước. Nó bị bỏ hoang trong những năm 140 khi loạn lạc làm cho Luy Lâu không được an ninh, do đó thành Long Biên ở giữa vùng đối bìa phía Bắc của đồng bằng được dùng làm trung tâm hành chánh của quận từ đó cho tới khi Sĩ Nhiếp lên nắm quyền vào những năm 180. Việc Sĩ Nhiếp lại lấy Luy Lâu làm trị sở cho thấy là quyền hành của ông được địa phương ủng hộ mạnh mẽ. Ông là một nhà cai trị mẫu mực, theo lời người viết tiểu sử ông như sau:

Sở học của Sĩ Nhiếp rất rộng và xuất sắc. Ông lại có tài tuyệt vời về các vấn đề cai trị. Ông rất khiêm nhượng với các thuộc hạ, kính trọng các bậc sĩ phu và có tính tình rất phóng khoáng. Trong thời đại loạn (cuối triều Hán) ông đã bảo vệ được cả 1 vùng rộng lớn. Trong 29 năm trời, ông chặn đứng được mọi rối ren ở trong vùng và nhân dân đều được yên ổn làm ăn sung sướng. Khi ông đi đâu, có chiêng, trống, nhạc, còi, đi trước. Ngựa và xe chật đường. Bất cứ nơi nào ông đến đều có cả chục người Hồ cầm hương đi theo; hàng chục thê thiếp của ông ngồi xe có rèm che theo sau. Anh em, con cháu ông cưỡi ngựa có lính đi hộ vệ. Quyền hạn và uy tín của ông không ai sánh kịp. Tất cả những dân tộc man di ở miền Nam đều run sợ và quy thuận ông. Triệu Đà cũng không bằng ông.

Việc so sánh Sĩ Nhiếp với Triệu Đà là có ý nghĩa. Giang sơn của ông ở cùng khu vực địa lý như đất Nam Việt cũ của Triệu Đà mặc dầu Sĩ Nhiếp cai trị từ miền Bắc Việt Nam chứ không phải từ miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên có một điều khác biệt là trong những thế kỷ tiếp sau thời Triệu Đà, một nền văn minh mới được phát triển ở các vùng biển phía Nam. Sự thịnh vượng của Giao Chỉ dưới quyền Sĩ Nhiếp có liên hệ mật thiết với sự xuất hiện của cực thu hút mới ấy.

Một học giả người Pháp còn đi xa hơn khi so sánh Sĩ Nhiếp với Alcuin, người có công thành lập trường học triều đình vào thời vua Charlemagne và nhờ đó văn hóa La Tinh được truyền bá ở miền Bắc Âu Châu. Danh tiếng của Sĩ Nhiếp là người theo Khổng Giáo cũng được nâng cao nhờ chuyện ông bảo trợ những nho sĩ Hán đến tị nạn. Một số trong những người tị nạn ấy là những bậc sĩ phu thượng thặng và đa diện rất tiêu biểu trong thời Hán. Tuy vậy, ảnh hưởng văn hóa của những bậc sĩ phu Hán đối với dân Việt Nam lúc đó vẫn chưa được sâu đậm. Thật vậy, phần lớn các hoạt động liên hệ đến việc Trung Quốc hóa người bản xứ do các quan chức Hán ghi lại thường chỉ là những tuyên truyền hời hợt và chỉ là một phương tiện cho các học giả này dễ dàng được thăng quan tiến chức ở chốn biên thùy heo hút này.

Những danh sĩ Hán không cho Giao Chỉ là nơi xứng đáng để họ làm việc nên chỉ nôn nóng trở về Bắc ngay khi nào tình hình chính trị cho phép. Khi Sĩ Nhiếp liên minh với Tôn Quyền, nhiều người đã bỏ về Tứ Xuyên và Bắc Trung Hoa. Vốn đã phải chạy xuống Nam làm khách của họ Chu, họ vẫn chống Tôn Quyền là ngưòi đã lên nắm quyền làm thương tổn nhà Chu. Còn những người khác thì dễ dãi hơn và về sau đều quy thuận nhà Ngô.

Tài liệu xác đáng nhất về thời kỳ này là do ngòi bút của Tiết Tống. Ông đã đi xuống miền Nam lúc còn trẻ để trốn tránh hỗn loạn khi nhà Hán sụp đổ và được học hành ở Giao Chỉ với một danh sĩ tị nạn là Lưu Chiểu, người đã được Sĩ Nhiếp che chở trong nhiều năm. Tiết Tống đã làm việc với Sĩ Nhiếp và lập sự nghiệp ở phương Nam. Sau khi Sĩ Nhiếp chết, ông được nhà Ngô phong làm Thái Thú Hợp Phố ở miền Tây Quảng Đông. Năm 231, 5 năm sau khi Sĩ Nhiếp qua đời, ông viết một tờ biểu dài dâng lên vua Ngô để tóm tắt tất cả những kinh nghiệm của ông với tư cách là một viên chức hành chánh của Giao Châu.

Ý chính trong biểu trình của Tiết Tống là sự gần như vô hiệu quả trong quá trình văn minh hóa dân chúng miền Nam. Tính cách hỗn tạp của các nhóm dân thiểu số cũng đủ làm nản lòng những nhà cai trị. Ông viết:

Những phong tục không đồng nhất, và ngôn ngữ, không ai hiểu được ai đến nỗi phải có nhiều thông ngôn cho mỗi lần nói chuyện.

Đối với một người Trung Quốc “có học” như Tiết Tống, sự man rợ của người dân bản xứ quả là kinh khiếp:

Dân chúng như chim muông và thú vật; họ búi tóc và đi chân đất; còn y phục, chỉ khoét 1 cái lỗ ở giữa mảnh vải rồi chui đầu qua hay là buộc túm vào 1 bên sườn trái (theo kiểu man di). Thật là vô ích nếu bổ nhiệm những quan cai trị địa phương trong nhóm họ; nếu có bổ nhiệm các quan chức huyện, có họ cũng như không.

Tiết Tống duyệt xét lại những biện pháp văn minh hóa do những quan chức thuộc các thế hệ trưóc đã thi hành và có ghi lại trong sử liệu. Ông đề cập đến những tội phạm được Tần Thủy Hoàng đưa xuống miền Nam và nhất là những cải cách lớn thời Vương Mãng mà các quan chức như Tích Quang, Thái Thú Giao Chỉ và Nhâm Diên, Thái Thú Cửu Chân đã thi hành. Những ông này đã dạy dân cày cấy; lập trường học để dạy họ học chữ theo các sách giáo khoa Trung Quốc, và bắt mọi người phải theo những lễ nghi về hôn nhân chính thức, phải có người làm mai mối, có bố cáo của quan chức và có các bậc cha mẹ chứng kiến khi hứa hôn. Nhưng thật ra, những người đã đọc sách chỉ biết “một cách thô sơ về chữ nghĩa” và ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với đời sống địa phương thật là “tiêu cực.” Chỉ những viên chức được bổ nhiệm đến những vùng này mới biết cách cư xử theo đúng phép văn minh.

Những cố gắng Trung Quốc Hóa tóm lại đã không để lại dấu tích gì trên văn hóa địa phương vào thời Tiết Tống:

Cứ theo những thư tịch còn lại, những hoạt động để văn minh hoá dân đã được tiến hành trên 400 năm rồi; nhưng theo những gì mà chính tôi được nhìn thấy trong nhiều năm từ ngày tôi đến đây, tình hình thực sự lại là một cái gì khác.

Tiết Tống kể ra tỉ mỉ những phong tục địa phương không thấm nhuần được ảnh huởng Trung Quốc:

Về hôn nhân ở Châu Nhai trên đảo Hải Nam, nơi không ai chịu tuân theo các quy luật hành chánh, cứ đến tháng 8, những chủ gia đình tập hợp mọi người lại; đàn ông và đàn bà cứ tự ý mình người này lấy người kia và trở thành vợ chồng trong khi cha mẹ chẳng có quyền hành gì. Trong hai huyện Mê Linh ở Giao Chỉ và Đô Long ở Cửu Chân, khi trong nhà có người anh chết, người em trai được lấy chị dâu làm vợ mình. Tục này đã có từ bao nhiêu thế hệ, do đó đã thành lệ hẳn hoi. Và những quan chức huyện cũng đành chịu mà phải cho phép chứ không bắt bỏ đi được. Tại Nhật Nam, đàn ông và đàn bà ở trần truồng mà đi ra ngoài, chẳng thẹn thùng gì cả. Tóm lại, có thể nói rằng những dân ấy ở ngang trình độ với sâu bọ.

Người Trung Quốc đặc biệt ghê tởm những phong tục hôn nhân không chính thống mà lại chối bỏ quyền phụ hệ vốn là trọng tâm nền chính trị của họ nếu không muốn nói là toàn diện nền văn minh của họ. Nói đến chuyện em chồng được lấy chị dâu khi anh mình chết là một điều có ý nghiã với người Việt Nam bởi vì đó là bằng chứng hùng hồn của tính cách song phương trong xã hội Việt Nam cũ. Như đã nói, Mê Linh là trung tâm chính trị thời tiền sử của đồng bằng sông Hồng; đó là quê hương của các vua Hùng và của Hai Bà Trưng. Nếu Mê Linh nằm ở ngay cửa ngõ đồng bằng sông Hồng, Đô Long nằm ở ngay cửa ngõ đồng bằng sông Mã. Đó là những “bếp lò” được sùng kính của văn minh Việt Nam với cội rễ rất sâu từ thời kỳ đá mới.

Tục gọi là “em trai chồng lấy chị dâu khi anh mình chết” trước kia được cho là “di thừa của chế độ mẫu hệ”, nhưng trong những năm gần đây, quan điểm này đã bị các nhà nhân chủng học bác bỏ bởi vì không ai đồng ý là làm thế nào mà một thói quen lại có thể là di tích của một lối sống cổ và hơn nữa, ngày nay ít có ai muốn dùng từ “mẫu hệ” bởi vì mọi người không ước lượng được ý nghĩa của nó như thế nào trong các xã hội thời cổ.

Tục này, như đã được thi hành qua các thời kỳ lịch sử, cho người đàn bà quyền được lấy em trai của người chồng chỉ khi nào người chồng chết. Đây là một cách chối bỏ nguồn gốc của truyền thống đa phu-đa thê, và hàm ý là nó đã tồn tại sau khi xã hội thẩm định lại vấn đề tình dục. Hơn thế, đứa con đẻ ra do một cuộc hôn nhân “em thay anh” như thế lại được coi như là con của người chồng đã chết. Cái luật thừa kế ít người ưa này, dựa trên những quan niệm về phụ hệ, có lẽ đã nhanh chóng hủy bỏ tục lệ “em trai chồng kế anh lấy chị chồng” trong một môi trường mà nam giới khống chế, bởi vì chúng ta có thể nghĩ rằng hầu hết mọi đàn ông đều không ai muốn làm cha một đứa con nối dõi một người đàn ông khác, cho dù người đó là anh mình.

Sư phụ của Tiết Tống là Lưu Hi, cũng phê bình về phụ nữ ở đất Nam. Lưu Hi coi người Giao Chỉ là những “người man di không thể sửa đổi được,” và ông trở về Bắc ngay khi những điều kiện cho phép. Về sau, ông viết một cuốn sách nhan đề “Chính Danh” và trong mục giải thích về tên gọi của những đồ trang sức phụ nữ, ông viết:

Trưng bày hạt ngọc trai bằng cách sâu vào lỗ tai: thế gọi là đeo bông tai. Nguyên thủy là do người man di phía Nam xử dụng. Những phụ nữ man di không tin cậy được; họ là những con người lang chạ đi lung tung ngủ hết với mọi người . Vì thế, họ bị bắt buộc phải đeo những thứ kêu leng keng ấy để giữ họ ở nhà. Ngày nay, những người ở Trung Quốc lại bắt chước họ.

Trong khi không có chỗ nào trong đoạn này nêu rõ người Việt Nam, chúng ta biết rằng Lưu Hi sống chung với người Việt Nam trong nhiều năm, gần mười năm, và những điều ông biết về “những người man di” miền Nam là do các cuộc tiếp xúc của ông với người Việt. Chúng ta không biết chắc Lưu Hi đánh giá chính xác đến đâu lý do mà những phụ nữ Việt Nam đeo bông tai, nhưng những lời ông viết có thể biểu hiện sự thay đổi về vai trò giới tính trong xã hội Việt Nam. Đoạn văn trên thể hiện sự áp đặt của giá trị phụ hệ trên xã hội Việt Nam. Những phụ nữ dường như quen được hưởng quyền hành mạnh mẽ gồm cả một vài đặc quyền về tình dục. Những người đàn ông mong được nắm quyền phụ hệ muốn ra vẻ là biết cách trị những bà vợ cứng đầu bằng cách bắt họ đeo một sức nặng như những đôi bông tai kêu leng keng.

Không những người Việt Nam khó dạy về phương diện văn hoá, mà về phương diện chính trị, họ cũng không dễ thuần thục. Tiết Tống đã làm cho độc giả của ông thắc mắc không hiểu tại sao Trung Quốc lại chú tâm đến một nơi như Việt Nam và sau đó ông đưa ra vài lý do:

Họ dễ dàng nổi loạn và khó bình định; những quan chức huyện hành động rất đường hoàng và cẩn thận tránh không khiêu khích họ. Những gì ở ngoài đồng hay ở trong nhà mà có thể thu được bằng thuế rất ít. Mặt khác ở đó nổi tiếng về những đồ quý hiếm: ngọc trai; hương trầm; thuốc; ngà voi; sừng tê giác; mai rùa; san hô; chim vẹt; chim trả; công; và nhiều thứ quý báu có thể thoả mãn được tất cả mọi người. Vì vậy, không cần thiết phải tùy thuộc vào thuế má để đem lợi về cho triều đình.

Những sinh hoạt bình thường của chính quyền Trung Quốc như giáo dục hay thuế má thường hay gặp rắc rối vì những sự khác biệt hiện hữu trong lề lối của dân bản xứ. Chính ra, những quan tâm của Trung Quốc đối với Việt Nam không phải là về mặt hành chánh, mà là về sự khai thác và vơ vét. Sức quyến rũ của những đồ xa xỉ miền nhiệt đới đầu tiên đã khiến Tần Thủy Hoàng phải đem quân xuống miền Nam, và những lợi tức vơ vét được mau lẹ vẫn là sức thu hút của vùng ấy đối với người Trung Quốc. Kết quả là các quan chức Trung Quốc không phải là những nhà cai trị mà là những chuyên gia “làm giàu mau lẹ.” Tiết Tống lại nhận xét như sau:

Phải công nhận rằng ở bên ngoài đất nước ( ở miền Bắc và Trung Trung Quốc) những người được tuyển chọn làm quan cấp huyện không được xem xét cẩn thận. Dưới thời Hán, luật pháp lỏng lẻo, và nhiều quan chức bê tha và trác táng. Kết cục là có nhiều hoạt động bất hợp pháp xảy ra.

Tiết Tống đưa ra một vài thí dụ tỉ mỉ. Ông nói Hán phải bỏ đảo Hải Nam sau một cuộc nổi dậy được sách động bởi những quan chức tham ô đến nỗi họ buộc dân phải cắt tóc để họ thu đem bán cho nơi làm tóc giả để lấy tiền. Một Thái Thú tên là Hoàng Cái đến Nhật Nam rồi giết vài thủ lãnh địa phương vì cho rằng họ đã không chịu nộp ông nhiều đồ tặng phẩm. Rồi ông bị dân nổi lên đuổi chạy về Trung Quốc.

Những quan chức Cửu Chân coi thường pháp luật đến nỗi có một lần quân sĩ do Sĩ Nhiếp sai đến để vãn hồi trật tự cũng bị đuổi về. Thế thì vùng này có thể được cai trị như thế nào? Tiết Tống khuyến cáo rằng những người được tuyển lựa ra làm quan phải:

Khôn ngoan và cẩn trọng; có khả năng nghĩ ra những phương pháp khéo léo để duy trì lòng trung thành của dân chúng. Chỉ như thế nền hành chánh mới có thể thực thi được. Những người tầm thường được dùng để cai trị theo đường lối bình thường không được tinh tế hay không có những biện pháp đặc biệt ra ngoài khuôn phép, sẽ có ngày càng nhiều cướp bóc và loạn lạc.

Như thế, rõ ràng là người Việt Nam vượt ra ngoài khuôn khổ cai trị thông thường. Những quan chức Trung Quốc ở Việt Nam không thể thành công chỉ qua cách áp dụng luật pháp. Cai trị người Việt Nam đòi hỏi tài nghệ đặc biệt.

Theo những điều Tiết Tống nói thì chúng ta phải nên nghi ngờ là vẫn có cái khuynh hướng nói quá đáng về ảnh hưởng của văn hoá Hán đối với người Việt Nam và của vai trò được cho là của Sĩ Nhiếp để củng cố ảnh hưởng ấy.

Sĩ Nhiếp là một thủ lãnh khôn ngoan, hiểu thấu thời và vị trí của mình. Ông là người được hưởng lợi ở những trào lưu chính trị có thế lực xuất phát từ xã hội bản xứ. Ông lãnh đạo lớp người lai Hán-Việt đã ăn sâu gốc rễ trong xã hội địa phương sau nhiều thế hệ có hôn nhân qua lại giữa hai bên. Lớp người đã giác ngộ rõ hơn về quyền lực chính trị khi chính quyền Hán bắt đầu bị nao núng. Cái thời đại lâu dài đầy những rối loạn, bất ổn tiêu biểu phần lớn thế kỷ 2 được kết thúc với sự thăng thiên của Sĩ Nhiếp.

Thật ra, cũng không chắc nhân cách của một người lại có thể là nguyên nhân của nhiều thay đổi như thế. Sự thăng tiến của Sĩ Nhiếp trùng hợp với chuyện hạ màn của chính quyền Hán ở miền Nam. Các biến cố xảy ra sau khi ông mất cho ta thấy rằng gia đình ông khác hẳn với giới cầm quyền ở địa phương. Gia đình ông đứng ra như là đại diện của hoàng triều và là người trung gian giữa các thế lực ở địa phương với chế độ chính trị ở miền Bắc. Việc ông được triều đình gia phong quan tước đem lại tính cách chính thống cho lớp người cai trị ở địa phương bằng những giây ràng buộc họ chặt chẽ vào xã hội địa phương. Có thể nói rằng lớp người ấy rút kinh nghiệm ở truyền thống quyền hành mà họ được hưởng của các Lạc hầu cũng như của các quan chức Hán, vì cả hai đều là tổ tiên của họ.

Gate to Si Nhiep Memorial Temple

Lăng Sĩ Nhiếp, Thuận Thành, Bình Ninh (Bắc Việt)

Gia đình Sĩ Nhiếp và những gia đình khác vẫn giữ đặc tính Hán rất mạnh. Hầu hết những người trẻ tuổi trong gia đình họ Sĩ đều được học hành ở miền Bắc. Tiểu sử của Sĩ Nhiếp nói đến “hàng chục thê thiếp”; và nhiều, nếu không phải là hầu hết những người này là đàn bà địa phương, mà ảnh hưởng của họ ít nhiều cũng được nhận thấy trong nội bộ gia đình. Đàng sau gia đình Sĩ, những người Hán-Việt lai cũng tiêu biểu cho một nét văn hoá bị chi phối bởi sự thăng trầm của các cuộc hôn nhân hai giòng. Điều tất nhiên là trong khi các dân lai Hán-Việt, vì hãnh diện và muốn có uy tín, hoặc là vì sở thích riêng, khao khát được thích ứng hoàn toàn với văn minh Hán mặc dầu tổ tiên họ đã bị pha trộn, lại có những người, vì có ác cảm với những sự khoa trương của văn minh Hán, hoặc cũng vì sở thích riêng lại hăng hái giữ chặt lấy lối sống địa phương.

Về sau, Sĩ Nhiếp được giữ một địa vị danh dự trong hàng ngũ anh hùng của dân tộc Việt Nam Sự thành công của ông không được thấy nhiều qua những điều ông làm, mà qua những điều ông không làm. Ông không đi ngược lại nhân sinh quan của người bản xứ. Ông không thi hành những đường lối cai trị nào có tính cách ngoại lai đối với họ; ông không bòn rút, vơ vét của cải của họ bỏ vào túi riêng. Ông đã để cho lối sống địa phương được phát triển nảy nở.


việt nam khai quốc: ảnh hưởng phật giáo (chương 2, phần 4)


buddha-statue-in Java

Tượng Phật Borobodur ở Java, Nam Dương. Phật giáo đến Việt Nam vào thế kỷ 2 thuộc thời đại Sĩ Nhiếp qua những giao thông thương mại từ Đông Nam Ấn Độ và những quốc gia ở vùng biển Nam Hải

Một sắc thái của văn hóa Việt Nam đã nảy nở trong thời kỳ Sĩ Nhiếp cai trị là Phật Giáo. Như chúng ta đã thấy, sử chép rằng những người theo Sĩ Nhiếp gồm có nhiều người Hồ. Hồ là tên người Trung Quốc đặt cho những nhóm dân tộc khác nhau, kể cả những người từ Ấn Độ hay từ Trung Á Châu đến. Thật vậy, có một số đông người Ấn Độ và người Trung Á sống ở Giao Châu vì lý do thương mại hay tôn giáo. Vào lúc đó, vương quốc Kushana ở Bắc Ấn Độ phát động thương mại và truyền bá Phật Giáo ra khắp các phần đất ở Á Châu và Giao Châu tiếp thu được rất bén nhạy qua các tiếp xúc với phía Tây.Một người Hồi ở Giao Chỉ là Khương Tăng Hối có tiểu sử được người Trung Quốc ghi lại. Gia đình Khương Tăng Hối nguồn gốc ở xứ Sogdiana vùng Trung Á, nhưng đã có nhiều thế hệ gia đình lập nghiệp ở Ấn Độ. Cha của Tăng Hối định cư ở Giao Chỉ và chết ở đó. Sau khi cha chết, Tăng Hối đi tu, thành 1 chú tiểu năm lên 10 tuổi. Ông đọc sách Nho và học đạo Phật; ông dịch nhiều kinh điển Phật Giáo từ chữ Phạn sang chữ Nho. Về sau, lúc có tuổi, ông du hành lên miền Bắc, sáng lập ra nhiều thiền viện và xây dựng chùa chiền. Năm 24, ông đứng làm lễ quy y Tôn Quyền theo đạo Phật và do đó, truyền bá Phật Giáo vào triều đình Ngô. Ông mất năm 180. Tiểu sử của ông viết ông là vị tăng lữ đầu tiên đến Đông Ngô.

monk tombs

Những tháp mộ cổ của các thượng tọa Phật giáo, trong phạm vi chùa Phật Tích, Bắc Ninh, nơi được gọi là “cái nôi của Phật giáo Việt Nam”

Thời đó, Giao Chỉ là trung tâm để truyền bá Phật Giáo vào Trung Quốc. Một tăng lữ người Indo-Scythian là Cường Lương Lâu đã dịch kinh Phật ra tiếng Giao Chỉ vào thế kỷ thứ 3. Cũng vào khoảng thời gian ấy một người Ấn khác là Kì Vực đi thuyền lên Phù Nam rồi theo đường bộ đi dọc bờ biển, làm những phép lạ khiến dân địa phương rất quan tâm đến Phật Giáo. Ông tới Lạc Dương vào gần cuối thế kỷ. Sử liệu Trung Quốc chép rằng những vị này là những người duy nhất đáng tôn kính trong số các tăng lữ Ấn Độ hay Trung Á; khoảng vài chục người đã được Sĩ Nhiếp giữ lại ở Giao Chỉ làm môn khách.

mythical lion fish on bended knees in  Phat Tich

Tượng sư tử cá trên bục đá ở chúa Phật Tích, Bắc Ninh

Đồng thời với những tăng lữ từ miền Nam đến, cũng có những người khác cùng đạo đã đến từ miền Bắc. Bài tựa cuốn “Mậu Tứ”, một cuốn sách luận về Phật Giáo, đã mô tả tình hình ở Việt Nam dưới thời Sĩ Nhiếp. Bài này nói đến Mậu Bác, người sanh vào khoảng giữa 165-170 ở Thương Ngô. Mậu Bác đã sống ở Giao Chỉ lúc còn trẻ, và trở về Thương Ngô khoảng năm 190. Ông hấp thụ được một nền học vấn về Lão Giáo, nhưng cuối cùng ông lại quay sang đạo Phật. Bài tựa có những chi tiết quý báu nói về cái không khí văn hoá thời đó như sau:

Vào thời đó, sau cái chết của Hoàng đế Linh (189), đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn. Chỉ có Giao Chỉ là được tương đối yên ổn. Có những người khác thuờng ở miền Bắc đến đó sinh sống. Nhiều người quan tâm đến việc thờ cúng các thần linh, tịch cốc và tu đạo trường sinh bất tử. Nhiều người tận tâm học hỏi những môn đồ. Mậu Bác không ngừng chống đối những hành động ấy, và viện những sách Tứ Thư, Ngũ Kinh của Trung Quốc ra; và không một đệ tử Lão Giáo hay đạo thờ thần linh nào dám tranh luận với ông.

Phật Giáo Việt Nam bắt nguồn từ giữa thời kỳ đó. Việc truyền bá đạo Phật vào Việt Nam đi đôi với việc xây dựng bốn ngôi chùa ở chung quanh vùng Luy Lâu trong thời gian Sĩ Nhiếp cai trị. Những chùa này là chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện thờ các vị Phật về mây, mưa, sấm, sét và điện chớp. Huyền thuyết về những ngôi chùa này như sau:Vào thời ông Sĩ Nhiếp, một tăng lữ là Từ Đinh ở Phù Nam, hạ lưu sông Mekong đến ngụ ở một ngôi làng gần Luy Lâu, và tu phép khổ hạnh. Ông là một nguời giản dị, không nghĩ gì đến tiền bạc, tài sản. Ông lấy tên là Man, nghĩa là man di, và có một người con gái, đặt tên là Man Nương, có nghĩa là “tiểu thơ man di.”

Cuối đời hoàng đế Linh (168-89), một người đạo Bà la môn từ miền Tây Ấn Độ, tên là Khâu Đà La từ phía Nam đến. Ông cũng trổ tài những phép lạ và truyền bá đạo Phật. Từ Đinh tôn thờ ông như một vị Phật sống và giữ ông ở lại với mình như một vị khách. Con gái của Từ Đinh là Man Nương trở thành đệ tử của Khâu Đà La, theo ông học đạo Phật và pháp thuật làm mưa, làm gió. Về sau, danh tiếng của Man Nương đến tai Sĩ Nhiếp sau khi bà trổ tài chấm dứt được một nạn hạn hán bằng phép thuật thần thông của bà.

Lại có một lần, một trận bão đánh bật gốc cây bàng to lớn và thổi bay cây ấy đến trước dinh Sĩ Nhiếp. Ba trăm người lực lưỡng không khiêng nổi cây ấy đi chỗ khác. Đến khi bà Man Nương nhấc cây ấy lên một cách dễ dàng thì thấy đó là một linh vật. Có bốn bức tượng được thấy trên thân cây tượng trưng các Phật về Mây, Mưa, Sấm Sét và Điện Chớp. Thế là những ngôi chùa được dựng lên để thờ bốn vị Phật đó. Về sau, Sĩ Nhiếp lại cho dựng một ngôi chùa gọi là Phúc Nhân để bà Man Nương về đó tu, gọi là “Chùa Hang Thần.”

Từ truyền thuyết đó, rõ ràng Phật Giáo được lan tràn trong dân gian, một phần như cách chế ngự những thay đổi bất thường của thiên nhiên trong bối cảnh nông nghiệp. Bằng cách lập những ngôi chùa này, thờ những biểu thị của thời tiết và đặt tên theo các đấng hiện thân của hật, người Việt Nam củng cố truyền thống văn hóa sẵn có của họ với chính thể của những tư tưởng mới. Sự tích bà Man Nương hơn nữa chứng tỏ vai trò quan trọng của phụ nữ trong văn hoá và xã hội Việt Nam thời cổ.

Huyền thoại Đầm Nhất Dạ cũng bao hàm ảnh hưởng Phật Giáo khiến một học giả Việt Nam vào thế kỷ 19 viết bài thảo luận về “các tăng lữ Phật Giáo Ấn Độ vào thời các vua Hùng. ” Bất kể bản gốc của huyền thoại này, điều rõ rệt là nó đã giữ nguyên hình thù từ thời đại Sĩ Nhiếp vì những chi tiết Phật Giáo trong huyền thoại đã phản ảnh thời đại này. Theo huyền thoại Đầm Nhất Dạ, công chúa Tiên Dung, các hoàng tử của vua Hùng và chồng của công chúa là Chử Đồng Tử đã tổ chức một ngôi chợ sầm uất có các thương nhân nước ngoài lui tới. Khi đã được giàu có rồi, Chử Đồng Tử có lần đi theo một thương nhân làm một chuyến du hành trong vùng biển Nam và mang theo ít vàng. Họ ngừng lại nghỉ ngơi ở một ngọn núi ở bờ biển. Và trong khi thương nhân đi tìm nước ngọt uống, Chử Đồng Tử trèo lên đỉnh núi. Ở đó ông thấy túp lều của một tu sĩ Phật Giáo Ấn Độ, tên là Phật Quang. Chủ Đồng Tử quyết định ở lại đó với tu sĩ. Ông đưa vàng cho thương nhân bảo đi mua hàng và lúc về, ghé lại đón ông cùng về.

Trên đỉnh núi, Phật Quang truyền cho Đồng Tử những lời dạy của Phật và ban cho ông một cây gậy biểu tượng vương quyền và một cái nón rơm biểu tượng vương miện. Khi Đồng Tử trở về với công chúa Tiên Dung, ông kể lại cho bà nghe những gì ông đã học được. Về sau, hai ông bà từ giã cuộc đời thương mại và đi du hành đây đó để tìm sư phụ học đạo. Có một lần, hai ông bà về nhà quá muộn và phải ngủ qua đêm ở ngoài bờ ruộng dưới cái bóng của cây gậy dựng lên, trên chụp cái nón rơm. Sáng hôm sau, khi thức dậy, cây gậy và chiếc nón đã biến thành một toà lâu đài nguy nga trang hoàng đầy những đồ châu báu.

Mối liên hệ giữa các thương nhân đi biển với sự truyền bá đạo Phật mô tả tình hình lịch sử thời Sĩ Nhiếp. Điều đặc biệt lý thú là câu chuyện về quyền phép, pháp thuật của Phật được biểu hiện qua sự xuất hiện của tòa lâu đài do phép lạ từ cây gậy và cái nón, như muốn nói rằng sự thành tâm thờ Phật được gắn liền với sự giàu có về thương mại. Phật Giáo mang ý nghĩa rất mạnh trong giang sơn của Sĩ Nhiếp. Ông bảo trợ các tăng lữ Phật giáo; do đó ông chính thống hóa quyền hành của ông trong con mắt tất cả những tín đồ Phật giáo mới mẻ. Việc lập chùa để thờ các vị Phật bảo trợ cho nông nghiệp được sung túc, cho thấy Phật Giáo đã xâm nhập một cách có ý nghĩa vào giới nông dân. Như vậy, trong con mắt của dân, quyền hành của Sĩ Nhiếp được tăng mạnh thêm bởi ông có vị trí như một nhà cai trị tôn thờ Phật Giáo.

Đây là thời kỳ mà Việt Nam xét lại hướng văn hóa của mình. Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo, tất cả đều phát triển qua những mức độ khác nhau. Phật Giáo đặc biệt thu hút những thường dân qua sự hội nhập ôn hòa của tôn giáo này vào việc thờ phụng thần linh bản xứ của họ, sự thờ thần cây cối hay những thần quyền khác. Lớp người cầm quyền phần nhiều theo Khổng Giáo vì học vấn, giáo dục của họ. Lão Giáo đứng giữa Phật Giáo và Khổng Giáo. Nhiều người, ngoài công khai theo Khổng Giáo, nhưng ở chỗ riêng tư theo Lão giáo. Và nhiều người theo Lão giáo thấy Phật giáo chỉ cách Lão giáo một bước ngắn.

Vào gần cuối triều Hán, Lão giáo có khuynh hướng chính trị hóa và nhiều khi có ý hướng chống đối chế độ đượng thời. Khuynh hướng này vẫn tồn tại ở Hoa Trung trong nhiều thế kỷ sau. Nhưng truyền thống Lão giáo ở miền Nam, tuy nhiên chú tâm vào việc tu đạo trường sinh bất tử thay vì về các vấn đề chính trị. Thuốc trường sinh mà những đệ tử Lão giáo pha chế thì sẵn có ở miền Nam, và có nhiều đỉnh núi cao có tiếng là nơi những đệ tử Lão giáo bất tử đã từ giã cõi trần bay vào tiên giới. Những tín ngưỡng địa phương đặt vào các thần linh, thần quyền đã thay đổi được rất nhiều ảnh hưởng của cả Lão giáo lẫn Phật giáo.

viet buddha

Tượng Phật trong Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, phố Tràng Tiền, Hà nội.

Tuy Việt Nam có sự gắn bó chính trị với Trung Quốc, những luồng văn hóa quan trọng tiếp tục được đón tiếp từ các miền Nam Hải. Vào thời nhà Đường, ảnh hưởng trước nhất của Phật giáo đến từ miền Đông Nam Ấn Độ bằng đường biển thay vì đường bộ từ Bắc Ấn. Những bức tượng Phật thời nhà Đường đào được ở Quảng Tây cho thấy những nét giống như tượng Borobodur ở Java và khác nhiều với những tượng kiểu Gandharan ở Tây Bắc Trung Quốc. Thời kỳ thịnh vượng ở Giao Chỉ dưới thời Sĩ Nhiếp cũng trùng thời văn minh Ấn Độ phát triển đầu tiên ở Đông Nam Á và do đó, Giao Chỉ được hưởng lợi rất nhiều từ sự phát triển này.


Counter