LTS: Những bài vở trên đây không nhất thiết là quan điểm của diễn đàn. Mục đích để đóng góp tài liệu tham khảo, tài liệu lịch sử làm phong phú thêm trí tuệ, làm sáng tỏ sự thật, vạch trần tội ác tập đoàn việt gian Cộng Sản. tội ác tên Giặc Hồ Chí Minh và bè lũ tay sai việt gian bán nước đã cố tình bưng bít, dấu kín, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, giết hàng chục triệu người dân vô tội, bỏ tù hàng triệu quân cán chính VNCH, bán đất dâng biển, làm nô lê cho Tàu, Nga..v.v..
" Hiểu một thời đại nghĩa là phải lấy con tâm và con mắt lịch sử, nghiệm qua các thời đại để mà đứng trên nền tảng với điều kiện đó để mà hiểu thời đại đó.""[HH-trang45]
" Để phục hưng và phục hoạt, phải lấy một con mắt nghiêm ngặt Việt, đứng siêu nhiên trên lập trường Việt, thi thiết bằng những chính sách và kế hoạch siêu nhiên và nghiêm ngặt, có một thái độ nghiêm ngặt và siêu nhiên lịch sử Việt."[HH-trang45]



HOME-Tro Ve Trang Chinh




Thursday, April 29, 2010

Keith Weller Taylor-việt nam khai quốc CIII (1-6)

Keith Weller Taylor-việt nam khai quốc CIII (1-6)

việt nam khai quốc: chủ nghĩa địa phương và lục triều (chương 3, phần 1)


DI SẢN THỜI KỲ HÁN-VIỆT

Vào đầu thế kỷ thứ 3, giới cầm quyền địa phương ở Việt Nam đã phát xuất từ những đại gia đình Hán-Việt. Theo một tài liệu của Việt Nam, tổ tiên của Lý Bí–vị lãnh đạo tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam ở thế kỷ 6–đã di cư đến Việt Nam từ Trung Quốc dưới thời Vương Mãng, và sau 7 thế hệ đã trở thành “người miền Nam.” Vì Sĩ Nhiếp thuộc thế hệ thứ 6 từ tổ tiên đã di cư đến nuớc Việt cũng vào thời Vương Mãng, chúng ta có thể kết luận rằng chính trong thời đại Sĩ Nhiếp, gia đình họ Lý đã nhận thức được bản sắc mình là thuộc giống dòng Việt Nam.

Kinh nghiệm của gia đình họ Lý có lẽ không phải là kinh nghiệm duy nhất, mà chỉ phản ảnh một phần sự chuyển hướng tập thể của lớp cầm quyền địa phương từ trạng thái lệ thuộc vào các triều vua ở Bắc Trung Quốc đến sự chấp nhận một xã hội và một văn hoá địa phương biết tự thực kỳ lực. Sự sụp đổ của nhà Hán, và sự phân chia Trung Quốc sau đó ra thành 3 nước, tức là thời “Tam Quốc,” chắc chắn đã khuyến khích các gia đình Hán-Việt gia tăng những mối liên hệ của mình với xã hội địa phương và xác định quyền lợi của họ toàn diện hơn với quyền lực chính trị ở đó. Đấy là điều có lẽ đã được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Sĩ Nhiếp. Một yếu tố quan trọng của sự chuyển hướng này là ảnh hưởng phổ quát của Phật Giáo như một lựa chọn thay cho văn minh Hán.

Vào cuối thế kỷ 3, nhiều chùa chiền Phật giáo đã được dựng lên ở Luy Lâu, đồng thời thành phần tu sĩ địa phương được gia tăng hơn 500 người. Mặc dầu đây là tài liệu duy nhất về Phật giáo Việt Nam kiếm được ở khoảng thời gian từ thời kỳ Sĩ Nhiếp đến thế kỷ 6, chúng ta vẫn có thể kết luận rằng việc dân chúng quy y theo Phật giáo được bành trướng mạnh trong thời gian đó. Các vị sư sãi chắc chắn thuộc thành phần các gia đình cầm quyền ở địa phương. Các thiền viện và chùa chiền là những trường học hay những trung tâm văn hoá, đồng thời là những nơi có tầm quan trọng về mặt kinh tế và chính trị. Các triều vua Hán vẫn tìm cách giám sát các thiền viện ấy, nhưng những nỗ lực này rất ít ỏi và tương đối ngắn ngủi. Có những nhà sư vẫn quan tâm đến các vấn đề chính trị. Sự tiếp xúc của các nhà sư Việt Nam với các cơ cấu Phật giáo ở miền Bắc nhất định là nguồn tin tức quan trọng cho các lãnh tụ địa phương khi họ muốn thách thức quyền hành của Trung Quốc.

Trong suốt 3 thế kỷ sau cái chết của Sĩ Nhiếp vào năm 226, những gia đình thuộc lớp cầm quyền ở Việt Nam liên tiếp chống lại quyền hành của các triều vua Trung Quốc. Những biến cố xảy ra vào thời kỳ này cho thấy hình ảnh của một lớp cầm quyền địa phương được ổn định, có thể tự mình đảm đương trách nhiệm hành chánh; quyền hành của các triều vua Trung Quốc đã trở nên suy yếu, khuyến khích sự quấy nhiễu của Lâm Ấp ở biên thùy phía Nam cũng như sự kháng cự mãnh liệt và công khai từ dân Việt. Những thời kỳ thái bình và thịnh vượng của Việt Nam là những thời kỳ mà các triều đại Trung Quốc bị suy yếu hay đang trải qua những biến chuyển. Những thời mà triều đại mới lên cầm quyền của Trung Quốc muốn thôn tính Việt Nam là những thời cơ có chiến tranh hay bạo loạn.

Những lãnh đạo mới của Việt Nam trong thời kỳ này đều có tổ tiên lai Hán-Việt. Ở một khía cạnh nào đó, họ tự cho mình thuộc thành phần của một vương quốc to lớn hơn; nhưng sẽ là một điều lầm lẫn lớn nếu chúng ta gọi họ là “người Việt gốc Trung Quốc”: hầu hết những gia đình này đã từng ở Việt Nam qua nhiều thế hệ và chắc chắn là họ nói tiếng Việt. Đồng thời, quan điểm chính trị của họ cũng được căn cứ trên những quyền lợi địa phương của xã hội Việt Nam.

Trong thời kỳ này, khi nói đến chính quyền địa phương ở Việt Nam, bất kể những lúc mà sự kiểm soát của triều đình Trung Quốc còn tương đối mạnh, hay vào lúc mà Việt Nam tự chủ hay có độc lập, chúng ta chú trọng đến hệ thống cai trị bởi những gia đình có nhiều ruộng đất và có thế lực. Các hồ sơ hành chánh từ thời đó cho thấy rằng số dân đăng ký kiểm tra ở Việt Nam giảm xuống hơi quá 25.000 hộ dân vào thế kỷ 4, và số dân ấy lại sụt xuống tới khoảng 10.000 hộ vào thế kỷ 5. Như vậy có nghĩa là những người nông dân đóng thuế, vì bị mất đất vào tay những đại địa chủ, đã bị gạt tên khỏi sổ thuế.

Như chúng ta sẽ thấy dưới đây, những gia đình có tiếng tăm ở Việt Nam tham gia vào chính quyền địa phương, và vào thời các vị vua Trung Quốc bị suy yếu, họ tự chọn lấy thủ lãnh cho mình. Triều vua nào khắc nghiệt, tàn bạo hay không khả năng thường hay phân cực lớp lãnh đạo này; chia thành những gia đình chống đối quan chức triều đình và những gia đình nghênh đón họ.

Giới cầm quyền địa phương phát hiện trong thời đại Hán-Việt trải qua nhiều biến đổi trong thời đại gọi là Lục Triều trụ trì ở Nam Kinh từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 6. Những biến đổi ấy thoáng nhìn thì có vẻ như chuyện thường được tái diễn, nhưng chúng biểu lộ những manh mối về quá trình tiến hoá của xã hội Việt Nam dẫn đến tự chủ và độc lập.

NHÀ NGÔ

Năm 210, khi Tôn Quyền của nhà Ngô đưa Bộ Chất xuống miền Nam để nhận sự chào mừng tôn vinh của gia đình Sĩ Nhiếp, kinh đô của Giao Châu được dời từ Thương Ngô đến Nam Hải (Quảng Châu). Bộ Chất đóng ở Nam Hải, và sau khi nhà Ngô thành lập năm 221, ông đem một đạo quân 10.000 người từ Giao Châu lên Bắc để chống cự với Lưu Bị, người sáng lập nhà Thục ở Tứ Xuyên, lúc đó đang tiến xuống lưu vực sông Dương Tử. Sau khi đánh bại được Lưu Bị, Bộ Chất ở lại Hồ Nam để diệt trừ giặc cướp và trấn an dân chúng. Lã Đại được phái xuống thay cho Bộ Chất ở Nam Hải.

Sử chép Lã Đại là một người chính trực rất quan tâm đến công vụ và ông đi đến đâu là tiếng tăm của ông còn mãi ở đấy. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông biểu hiện tâm địa nhỏ nhen khi ông mưu mô để tiêu diệt gia đình Sĩ Nhiếp.

Sĩ Nhiếp chết năm 226, thọ 90 tuổi. Triều đình Ngô lập tức phong cho con ông là Sĩ Huy làm Viễn An Tưóng Quân, một chức mà nhà Hán đã phong cho Sĩ Nhiếp. Thế rồi trong mưu toan bẻ gãy quyền lực của họ Sĩ, Sĩ Huy bị đổi xuống làm Thái Thú Cửu Chân, trong khi một người tên là Trần Thời lại được chuyển từ Nam Kinh xuống làm Thái Thú Giao Chỉ. Lã Đại khuyến cáo rằng vì lý do đường xá xa xôi giữa Nam Hải và Giao Chỉ nên Giao Châu phải được phân chia ra như sau : 4 quận phía Bắc được tách ra để làm Quảng Châu. Sau đó, Lã Đại được phong Thứ Sử Quảng Châu và một người là Đại Lương được phong Thứ Sử Giao Châu. Trần Thời và Đại Lương lên đường đi Giao Chỉ, nhưng khi đến biên giới, biên giới bị đóng không qua được. Hai ông bắt buộc phải lưu lại ở Hợp Phố.

Sĩ Huy quyết định rằng thời cơ và thì giờ đã đến để ông dứt ra khỏi bàn tay nhà Ngô. Giang sơn nhà Hán đã bị chia thành “Tam Quốc,” chẳng có lý do gì để ngờ vực rằng một nước thứ tư không thể được thành lập; nhất là trong trường hợp họ Sĩ rất được lòng dân; giàu có; tài giỏi; và về địa dư lại ở chỗ xa xôi hẻo lánh.

Tuy nhiên Sĩ Huy gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của địa phương, cho rằng mưu tính của ông chắc chắn sẽ đưa đến một cuộc xâm lăng và rồi dân chúng sẽ bị đau khổ vì chiến tranh. Hoàn Lan, một quan chức có tiếng dưới trướng Sĩ Nhiếp, khuyên nên từ bỏ những tham vọng ấy đi và hãy nghênh đón Đại Lương đồng thời chấp nhận quyền hành của ông ta. Sĩ Huy nổi giận, ra hình phạt là cho binh sĩ quất roi đánh Hoàn Lan cho đến chết. Phản ứng tàn bạo của Sĩ Huy chứng tỏ đa số đồng ý với quan điểm của Hoàn Lan và Sĩ Huy muốn trừng trị Hoàn Lan để làm gương cho kẻ khác. Con trai của Hoàn Lan và người anh của ông là Hoàn Trí phản ứng lại bằng cách đem quân bản hộ của gia đình ra đánh Sĩ Huy. Sĩ Huy hạ lệnh đóng cửa thành và cố thủ ở bên trong. Hoàn Trí tấn công suốt mấy tháng trời mà không hạ nổi thành; cuối cùng phải xin hoà với Sĩ Huy và rút quân về. Gia đình họ Hoàn đại diện cho các quyền lợi địa phương và là những người nhìn thấy nguy hiểm nếu ủng hộ các tham vọng của họ Sĩ. Điều này cho thấy là số gia đình địa phương muốn duy trì khái niệm yên bình ở địa phương thay vì ủng hộ những tham vọng chính trị của bất cứ cá nhân hay gia đình nào. Những gia đình này tỏ vẻ tự tin ở khả năng của mình trong việc đương đầu nổi với các tướng Ngô.

Mặc dầu bị dồn vào thế phòng thủ ở bên trong thành, nhưng Sĩ Huy có khả năng cầm cự lâu hơn quân vây thành. Điều này chứng tỏ có một số gia đình địa phương ở trong thành, với quân tướng riêng của họ, có thể đã tán thành việc Sĩ Huy mưu tìm độc lập. Sự thử thách ý chí của đôi bên họ Sĩ lẫn họ Hoàn ở thế giằng co và ngay sau đó bị chế ngự bởi chuyện quân Ngô kéo đến.

Lã Đại xin được lệnh tung ra một cuộc viễn chinh để trừng phạt Sĩ Huy. Ông xuống thuyền đi theo đường biển từ Nam Hải, đem theo 3.000 quân sĩ. Ông ước hẹn hội quân với Trần Thời và Đại Lương ở Hợp Phố. Một trong các cố vấn của Lã Đại cảnh cáo rằng,”Sĩ Huy có thể dựa vào uy tín của gia đình ông ta đã được rèn đúc từ bao thế hệ nay. Toàn thể Giao Châu theo ông ta. Vậy sẽ không phải là chuyện đùa với ông ta đâu.” Lã Đại trả lời,

Sĩ Huy sẽ không dự định được chuyện ta mang quân đến. Nếu ta dấu kín được quân sĩ và kéo quân đi bí mật rồi đánh úp một trận, ta chắc sẽ toàn thắng. Nếu như ta chùng chình, tiến quân chậm chạp khiến cho y biết mà đề phòng với lũy cao hào sâu, rồi cả trăm bộ lạc man di ở 7 quận sẽ hưởng ứng theo y; lúc ấy cho đến người tài giỏi nhất cũng không làm gì y được.

Lã Đại nhận thức rằng chỉ có đánh úp, bất ngờ mới có thể thắng nổi Sĩ Huy. Và để làm như thế, ông tìm cách tiếp xúc và lôi kéo được sự cộng tác của vài phần tử trong gia đình Sĩ Huy muốn công nhận bá quyền của Ngô. Bởi gia đình họ Sĩ từ xưa vẫn thấm nhuần một nền giáo dục là trung với vua, nên không phải là tất cả đều một lòng chống lại nhà Ngô.

Một người con của Sĩ Nghi tên là Quang lại có mặt ở Hợp Phố. Sĩ Nghi và Lã Đại lại là bạn cũ từ ngày còn học ở trường, nên Lã Đại cho Quang làm phụ tá và sai đến tìm Sĩ Huy là chú y, hứa sẽ bảo đảm cho Sĩ Huy được toàn vẹn nếu y chịu đầu hàng. Sĩ Huy hết sức bất ngờ khi nghe tin Lã Đại đến nơi. Vì không kịp chuẩn bị và tin ở lời hứa của Lã Đại, nên Huy đem các anh em và các con, tất cả sáu nguời, mở cửa thành đón tiếp Lã Đại, vai áo để trần tỏ dấu hiệu quy thuận. Lã Đại tha thứ cho tất cả và bảo tất cả kéo vai áo lên rồi cho ra ở ngoài thành Luy Lâu. Sáng hôm sau, Lã Đại cho dựng 1 cái lều, rồi gọi người đến. Trước một cử tọa gồm những quan chức và tướng sĩ, Lã Đại đọc một bản cáo trạng buộc Sĩ Huy tội phản nghịch rồi hạ lệnh chém đầu hết.

Mặc dầu sáu cái đầu được đưa về tận kinh đô Ngô để trần tấu mọi việc đã làm tăng thêm tiếng tăm của Lã Đại, nhưng hành động lừa dối của ông đã gây nên sự phẫn nộ và chống đối mãnh liệt ở Giao Chỉ. Hoàn Trí bèn lôi kéo được một trong các bộ tướng của Sĩ Huy là Cẩm Lệ, rồi lãnh đạo các phần tử và dân chúng Giao Chỉ chống Lã Đại. Bởi vì trong mắt họ, Lã Đại là một người phản bội và tàn nhẫn. Nhưng Lã Đại là một tướng dũng mãnh nên đã đánh bại được địch thủ, Sau khi bình định đuợc Giao Chỉ, ông lại kéo luôn quân xuống Cửu Chân và ở đấy. Ông giết và bắt sống được tất cả 10.000 người. Những người thuộc gia đình Sĩ Huy còn sống sót về sau cũng bị bắt và xử tử hết.

Lã Đại ở lại Giao Chỉ trong 5 năm. Dưới quyền ông, 2 châu Quảng và Giao lại hợp thành 1 như cũ. Một trong hành động khác của ông là sai các sứ giả băng qua biên giới cai trị để bố cáo cho những vương quốc láng giềng biết về quyền lực của nhà Ngô. Để đáp lại, vua các nước Lâm Ấp và Phù Nam (ở hạ lưu sông Mekong) và Dương Minh (ở Bắc CamPu- Chia ngày nay) đều gởi sứ bộ và đồ tiến cống đến. Một động lực quan trọng khác trong việc Lã Đại chinh phục Giao Chỉ là ý muốn kiểm soát được những ngôi chợ thương mại quốc tế lập ở đó. Ví dụ như vào năm 226, một sứ giả của La mã đã tới Giao Chỉ và được đưa ngay đến triều đình Ngô. Những lợi tức thương mại mà trước kia chạy cả vào túi gia đình Sĩ Nhiếp, nay được đưa thẳng về kinh đô Ngô. Năm 229, Ngô lại sai sứ giả đến Phù Nam, nơi tụ họp những thương nhân đến từ Ấn Độ và những nơi xa xôi hơn nữa. Ngô cố vun đắp quan hệ của mình với miền biển Nam Hải để bù lại sự bị cô lập với nội địa trên đường vào trung tâm Á Châu.

Năm 231, Lã Đại được gọi về Bắc để dẹp một đám giặc khác đang làm loạn trong đất Ngô. Việc y theo sát quyền lợi nhà Ngô đã tách xa Ngô ra khỏi Việt Nam và dọn đường cho một cuộc nổi loạn quan trọng. Lã Đại không thành công trong việc bình định vùng biên giới phía Nam nơi vương quốc Lâm Ấp mới phát hiện trong quận Nhật Nam cũ. Mặc dù ông đã tạm thời dẹp yên được Cửu Chân, nhưng quyền hành của Ngô vẫn không được thiết lập ở đấy. Ngay sau khi ông rời khỏi Giao Chỉ, nhà Ngô lại sai một tướng khác là Chu Trì xuống để tiêu diệt và bình định bọn Việt (Yueh) man di ở Cửu Chân.

Kể từ khi có cuộc nổi dậy của Khu Liên từ một thế kỷ trước, quận Cửu Chân vẫn luôn luôn ở trong tình trạng sôi sục. Việc này có liên quan đến nước Lâm Ấp đang ngày một mạnh lên, khởi thủy từ huyện Tường Lâm ở vùng biên giới cũ. Lâm Ấp cứ bành trướng mãi ảnh hưởng của mình lên phiá Bắc. Năm 248, Lâm Ấp đột nhập vào phần đất còn lại của Nhật Nam, chiếm thêm một phần lớn của quận này, nhập với lãnh thổ của mình và giao chiến với quân Trung Quốc ở gần biên giới Cửu Chân.

Dân chúng ở Cửu Chân bèn nhân cơ hội này nổi dậy, và Giao Chỉ nối gót theo sau. Nhiều tường lũy có thành bao quanh đã bị hạ. Ngô bèn sai tướng Lục Dận xuống để đối phó với tình hình. Lục Dận dùng chiến thuật vừa đánh vừa đàm để dẹp yên nổi dậy. Bằng một bố cáo tỏ lòng thành thật và ban phát ân huệ, Lục Dận dẹp yên được trên 3.000 gia đình đi theo thủ lãnh nổi dậy là Hoàng Ngô. Sau đó, ông lại điều động binh sĩ xuống miền Nam và cũng dùng chiến thuật đó, ông thu phục được hơn 100 thủ lãnh và trên 50.000 gia đình.

Lady Trieu

Tranh dân gian vẽ Bà Triệu cưỡi voi ra trận chống lại quân nhà Ngô

Tuy nhiên, một đơn vị nòng cốt của quân nổi dậy vẫn còn ở huyện Cự Phong trong quận Cửu Chân, nơi mà năm 157, Chu Đạt đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy. Nhưng nay một phụ nữ trẻ, gọi là Bà Triệu, đã tập hợp được dân địa phương nổi dậy và lãnh đạo đội binh tiến lên Bắc. Sau nhiều tháng cầm cự, Bà Triệu bị thua trận và bị giết.

Sử Trung Quốc không nói gì đến Bà Triệu; chúng ta được biết về bà do những nguồn sử liệu Việt Nam. Theo nguồn sử liệu này, những biến cố năm 248 đã được hai bên tiếp nhận rất khác biệt. Trung Quốc chỉ ghi lại những thành tích của mình là mua chuộc được một số thủ lãnh loạn quân bằng tiền bạc và những lời hứa. Cuộc chống cự do Bà Triệu lãnh đạo đối với họ đơn giản chỉ là một hành động của man di cứng đầu và tất nhiên là đã bị quét sạch, không liên quan gì đến lịch sử. Nhưng đối với Việt Nam thì cuộc nổi dậy của Bà Triệu được nhớ đến như một biến cố quan trọng nhất của thời kỳ đó. Sự lãnh đạo của Bà kích động sâu xa tri giác của dân chúng. Hình ảnh truyền thống của bà là một lãnh đạo đáng khâm phục và đặc biệt nhưng thực tiễn và gần gũi với thường dân, với cặp vú dài cả thước phải vắt lên hai vai mỗi khi cưỡi voi ra trận. Hình ảnh ấy đã được truyền lại suốt từ thế kỷ này đến thế kỷ khác. Sau khi Bà Triệu mất đi, bà được nhân dân Việt Nam thờ cúng. Chúng ta được biết đến Bà là nhờ sự kiện Bà vẫn được dân Việt Nam tưởng nhớ đến mãi.

Những biến cố năm 248 biểu lộ những khuynh hướng đa diện của lớp người cầm quyền ở địa phương thời ấy. Sự áp bức của nhà Ngô khiến cho tất cả đều chín mùi trong ý tưởng nổi dậy, và sự xâm lược của Lâm Ấp đem đến cơ hội này. Quân Ngô bị đánh đuổi ra khỏi nước; có một số những lãnh đạo loạn quân, nhưng chỉ có tên tuổi của một người được ghi lại: đó là Hoàng Ngô với khoảng trên 3000 gia đình theo ông. Hoàng Ngô là lãnh tụ đầu tiên phản ứng lại với “thuyết phục” của quân Ngô: căn cứ lực lượng của ông rõ rệt là ở xa trên miền Bắc và có lẽ ông rất nhạy cảm trước những lời kêu gọi của triều đình. Còn ở xa dưới phía Nam có độ 100 thủ lãnh với độ trên 50.000 gia đình theo họ.

Sự không nhất trí này là hiệu quả của chế độ khắc nghiệt của Ngô. Việc tiêu diệt gia đình Sĩ Nhiếp năm 226 đã đưa đến sự chống cự của lớp lãnh đạo Hán-Việt cũ cùng với đa số dân chúng nói chung. 10.000 người đã bị giết hay bị bắt. Chế độ tàn nhẫn của Ngô chắc chắn đã phân tán được lớp lãnh đạo các cấp Hán-Việt ở địa phương. Vì thế nên năm 248, đã không có một cuộc nổi dậy nào dưới sự lãnh đạo của riêng một người, mà ngược lại có rất nhiều thủ lãnh địa phương trong số đó có những người đã nhận được hối lộ hay bị hăm doạ.

Sau khi lớp nguời này đã bị vô hiệu hoá thì những lãnh đạo bản xứ có tiếng tăm vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh. Bà Triệu là người phụ nữ cuối cùng lãnh đạo một cuộc nổi dậy được ghi trong lịch sử Việt Nam. Sự thất bại của Bà có thể đã chấm dứt sự nẩy mầm muộn màng của những lý tưởng chính trị được để lại từ thời các vị Lạc hầu, và vun xới bởi bầu không khí nới lỏng dưới thời Sĩ Nhiếp.

Chế độ của nhà Ngô đã làm chấn động lớp cầm quyền địa phương, lớp người đã phát triển dưới thời Hán và được mạnh lên dưới thời Sĩ Nhiếp. Hai lần họ nổi lên chống lại Ngô với sự ủng hộ của dân chúng. Nhưng trong khi cuộc nổi dậy năm 226 bị dẹp tan bằng vũ lực, lớp lãnh đạo Hán-Việt năm 248 lại bị Ngô đánh thất bại vì hối lộ và vì những lời đe dọa. Chỉ có những người ngoan cưòng nhất, mà nhất định không phải là lớp Hán-Việt, mới cầm cự đến hơi thở cuối cùng.

Trong thế hệ giữa hai cuộc nổi loạn, tầng lớp mới phò Ngô phát hiện trong đám dân Việt, và họ đã cho thấy rõ ảnh hưởng của họ. Chúng ta có thể cho rằng họ thuộc thành phần những người tị nạn ở giai cấp thượng lưu trong cuộc di cư thời Hậu Hán. Lớp dân lai Hán-Việt cũ và tầng lớp mới theo Ngô dường như không thể hoà giải được với nhau. Trong thập niên 260, lớp cầm quyền ở Việt Nam bị phân tán trong một cuộc nội chiến. Cuộc nội chiến này có liên quan đến những biến cố ở Trung Quốc và kết thúc thời đại “Tam Quốc” ở đó.


việt nam khai quốc: chủ nghĩa địa phương và lục triều (chương 3, phần 2)


Sự Can Thiệp của Nhà Tấn

Jin Nhà Ngô ở Nam Kinh phung phí quá độ nên có một nhu cầu rất lớn về những đồ xa xỉ ở miền Nam và cần đến kỹ năng của những người thợ thủ công khéo léo. Dưới triều Ung An (258-63), Thái Thú Giao Chỉ là Tôn Tư đã trưng dụng trên 1.000 tay thợ khéo nhất để đưa họ sang Nam Kinh. Tiếc thay là chúng ta không được biết họ là những thợ về những ngành gì. Được biết Tôn Tư đã bị mọi người ghét bỏ vì những hành động như vậy cũng như vì các sự tàn bạo của ông. Năm 263, triều đình nhà Ngô sai một quan chức là Đặng Tuân sang Giao Chỉ lấy cớ là cần điều tra về tình trạng rối ren do Tôn Tư gây ra. Nhưng khi Đặng Tuân vừa tới nơi, Tôn Tư lại mới vừa thu được 30 con công gửi về Nam Kinh, gây thêm sợ hãi là sẽ có nhiều người nữa bị trưng dụng để gởi về nơi xa. Tình trạng có thể đã không trở nên trầm trọng hơn hơn nếu không có những biến cố ở Tứ Xuyên khiến người ta lại hy vọng có thể đuổi được quân Ngô.

Năm 263, nhà Ngụy đánh được nhà Thục Hán ở Tứ Xuyên và từ đó đe dọa nhà Ngô ở phía Tây. Những người chống Ngô ở Việt Nam hy vọng có thể lợi dụng được tình hình ấy. Lã Hưng, một quan chức Ngô ở Giao Chỉ được dân chúng địa phương và các binh sĩ ủng hộ, nổi lên giết Tôn Tư và Đặng Tuân, rồi sai sứ sang Ngụy xin quy thuận và xin gởi sang Giao Châu một Thái Thú khác; đồng thời xin được giúp đỡ về quân sự. Hai quận Cửu Chân và Nhật Nam cũng theo Giao Chỉ quay sang quy phục Ngụy.

Năm 264, Ngụy phong Lã Hưng làm tướng tổng chỉ huy các lực lượng quân sự ở Giao Châu. Một tướng nữa đóng ở Tứ Xuyên là Hoắc Đặc được phong Thứ Sử Giao Châu với đặc quyền bổ nhiệm các quan chức thuộc hạ. Một năm sau, một gia đình khác có thế lực lại lấn át nhà Ngụy và lập nhà Tấn. Việc can thiệp vào Giao Chỉ vì thế chậm lại do những thay đổi triều đại mặc dầu là không đổ máu.

Hoắc Đặc giám sát mọi việc từ Tứ Xuyên. Hai người đầu tiên được ông bổ nhiệm làm Thái Thú Giao Chỉ lại chết vì bệnh trước khi đến nhiệm sở. Hơn nữa, Lã Hưng lại bị giết bởi một người trong số thuộc hạ của ông trước khi quân Tấn kéo đến.

Trong thời gian đó, nhà Ngô đang bị bận tâm về những đe dọa trực tiếp đến miền biên giới ở phía Bắc và phía Tây; hành động duy nhất của Ngô ở phía Nam là chia cắt Giao Châu như đã làm trước kia trong một thời gian ngắn vào năm 226, thiết lập Quảng Châu ở miền Bắc, nơi mà quyền hành của Ngô vẫn chưa bị lung lạc.

Tình hình Giao Chỉ trong thời gian này rất đen tối. Không ai biết người giết Lã Hưng có phải là thân Ngô hay không; nhưng một số quan chức địa phương vẫn trung thành với Ngô và tình hình chính trị bấp bênh cho tới khi quân Tấn kéo đến. Cuối cùng, viên Thái Thú của Tấn bổ nhiệm là Dương Tắc cùng 7 tướng lãnh và quân sĩ bản hộ tới nơi sau khi đã vượt 600 dặm đường qua vùng núi non. Trước khi rời Tứ Xuyên, họ đã hội thề với Hoắc Đặc rằng nếu họ bị mắc bẫy hay bị bao vây, họ sẽ chống cự trong vòng 100 ngày rồi mới chịu đầu hàng hay là sẽ chịu tử hình khi trở về; và nếu không có cứu viện đến trong vòng 100 ngày Hoắc Đặc phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của họ. Dựa trên tính chất của lời thề, cuộc viễn chinh này có lẽ là một cuộc thử vận nhiều hơn là một cuộc can thiệp quân sự được bố trí cẩn thận.

Năm 268, vua Ngô sai hai tướng là Lưu Tuấn và Tu Tắc đến chiếm lại Giao Châu. Ba lần họ mưu tiến vào Giao Chỉ là ba lần họ bị Dưong Tắc đánh bật ra. Rồi Dương Tắc phản công bằng cách sai bộ tướng đem quân vào Hợp Phố để đánh căn cứ của Ngô. Hai tướng Lưu Tuấn và Tu Tắc bị giết và quân sĩ tan vỡ, chạy tứ tung. Trong chiến thắng này, quân Tấn đã được các đơn vị quân sự địa phương giúp đỡ. Ngoài Giao Chỉ ra, các quận Cửu Chân và Uất Lâm cũng nhiệt liệt ủng hộ quân Tấn.

Một năm sau, 5 tướng Ngô lại tập hợp binh sĩ ở Hợp Phố để mở cuộc phản công. Nhưng 5 tướng không đồng ý được với nhau về kế hoạch chung nên bị chia rẽ trầm trọng. Năm 270, 2 trong 5 tướng bị xử tử vì đã đơn phương rút quân giữa lúc cuộc chiến đang dữ dội.

Đầu 271, Tấn và Ngô đánh nhau trong quận Hợp Phố, tại địa điểm là Phân Thủy. Một trong các tướng Ngô là Đào Hoàng bị thiệt mất 2 bộ tướng nên bắt buộc phải rút lui. Vì thế, ông bị các tướng kia chê bai và một trong bọn này dọa bỏ về. Đào Hoàng rất nóng lòng củng cố hàng ngũ, nên đêm hôm ấy cấp tốc đem quân đến cướp trại của Đồng Nguyên, một trong các tướng của Tấn. Ông cướp được trại, lấy được nhiều thuyền bè và cả vàng bạc của Đồng Nguyên. Nhờ đó, Đào Hoàng được thăng chức tổng chỉ huy quân Ngô.

Đào Hoàng là con của một cựu Thứ Sử Ngô ở Giao Châu. Trước khi có cuộc can thiệp của Tấn, ông là Thái Thú quận Thương Ngô. Do đó, ông rất thông thạo công việc miền Nam và thường có hành động rất mau lẹ để giải quyết tinh hình có lợi cho Ngô. Ông đánh úp quân Tấn bằng cách trực tiếp tiến vào Giao Chỉ bằng đường biển. Đồng Nguyên đặt quân phục kích và giả vờ rút lui. Nhưng Đào Hoàng đã biết trước mưu đó nên đã đánh bại được Đồng Nguyên. Thế là nắm được tình thế; Đào Hoàng liền tiếp xúc với Lương Kỳ, tướng chỉ huy các đơn vị quân sự địa phương hợp tác với Tấn. Hoàng đem cho Lương Kỳ vô số vàng bạc lấy được của Đồng Nguyên và Lương Kỳ đem hơn 10.000 quân bản hộ về với Đào Hoàng.

Sau vụ này, quân Tấn không còn tin tưởng ở các đồng minh cũ của mình nữa và Dương Tắc đem chém đầu viên tướng chỉ huy địa phương ở Long Biên vì nghi ông này đang chuẩn bị đào ngũ. Trước đó, quân Tấn bị vây ở Long Biên và bị hết lương thực trước hạn 100 ngày họ đã thề thốt khi ra đi. Biết rằng không có viện binh nào tới cả, vì Hoắc Đặc đã chết, nên đội quân ấy đầu hàng. Các tướng Tần bị bắt, giải về Nam Kinh. Dọc đường Dương Tắc bị chết, phần lớn các tướng khác về sau được tha cho về Tấn. Một người trong số là Mạnh Cán về sau hiến được một mưu hay giúp được việc đánh bại quân Ngô và do dó được phong làm Thái Thú quận Nhật Nam.

Cuộc mạo hiểm của Tấn ở Giao Chỉ không phải là một giai đoạn hời hợt của bộ mặt chính trị địa phương. Những người không chịu theo Ngô lại tập hợp ở Cửu Chân dưới quyền lãnh đạo của một quan chức địa phương là Lý Tố. Đào Hoàng đem quân đánh Lý Tố, và sau bao vây được y. Người cậu bên họ mẹ của Lý Tố là Lê Hoan lại làm việc trong quân của Đào Hoàng nên tìm cách thuyết phục ông hàng Đào. Lý Tố trả lời, “Cậu là tướng của Ngô, cháu là tướng của Tấn. Không có gì cậu cháu ta phải nói với nhau hơn là hãy đọ sức”. Sau một tiếng đồng hồ đánh nhau, đồn của Lý Tố bị hạ.

Lòng trung thành đến hơi thở cuối cùng của Lý Tố được một sử gia Việt Nam sau này hết lòng ca ngợi; nhưng sau lập trường cứng rắn của ông còn có thể nhiều lý do sâu xa hơn là lòng trung thành với nhà Tấn. Cuộc can thiệp của quân Tấn chỉ có thể tiến hành được với sự hậu thuẫn của những phần tử địa phương chống Ngô. Có thể cho rằng những phần tử ấy đang tìm cách tước bớt đi những quyền lợi vẫn bị quân Ngô giữ chặt. Cho nên đằng sau cuộc xung đột Tấn-Ngô có thể còn có một cuộc đấu tranh quyền lực giữa một nhóm mới nổi lên đang khao khát quyền hành với một nhóm khác bảo thủ hơn, muốn duy trì địa vị của mình.

Lập trường của Lý Tố có vẻ hơi kỳ dị nếu cho ông là trung thành với Tấn, bởi lúc đó các tướng Tấn đã đầu hàng cả rồi. Hơn nữa, Tấn chưa ở Giao Chỉ lâu đủ để gây được một sự trung thành sâu xa tại địa phương. Ngược lại, lời tuyên bố trung thành với Tấn của họ Lý chỉ có thể được coi như một cuộc đấu tranh quyền lợi của địa phương mà lực lượng chống Ngô thiết lập chính nghĩa của mình bằng cách tự xưng là chư hầu của Tấn.

Hầu như những cuộc chiến chinh trong những năm đó đã làm cho dân chúng xa rời cả hai phe đối thủ. Những người theo phe Ngô ở Việt Nam không có những tình cảm ràng buộc với xã hội địa phương. Phe chống Ngô thì tìm cách quay sang triều Hán cầu cứu, xin giúp đỡ, nhưng rồi cũng kết thúc bằng cách tự tách mình ra khỏi xã hội địa phương. Ý nghĩa của sự kiện này cũng được thấy rõ nét khi đối chiếu với những biến cố năm 248. Vào năm 248, những lực lượng địa phương chống Ngô nổi lên cầm cự một quyền lực đang bành trướng ở miền Nam. Lực lượng ấy được lãnh đạo bởi một vị nữ anh hùng với danh nghiệp được ghi nhớ sâu xa trong lòng dân chúng. Năm 263, những lực lượng địa phương chống Ngô nổi lên để hưởng ứng một quyền lực đang bành trướng ở phương Bắc và được lãnh đạo bởi những viên chức với tham vọng được gắn liền vào với vận mệnh đang lên của triều đình nhà Tấn. Nhưng khi nhà Tấn suy tàn thì các quan chức ấy bị cô lập bởi vì rõ ràng họ không được dân chúng địa phương ủng hộ rộng rãi. Do đó, phong trào lúc đầu đuợc coi như làn sóng nhân dân chống Ngô bị kết thúc thành chuyện tranh chấp quyền hành giữa hai phe quan chức đối nghịch.

Vụ Lý Tố cho ta thấy là những liên hệ máu mủ của họ hàng đã bị khuất phục bởi những trách nhiệm tượng trưng cho sự trung thành về mặt chính trị. Lý Tố vẫn khăng khăng phò Tấn ngay cả lúc cuộc chiến đã coi như ở giai đoạn hạ màn, và nhà Tấn đã bị thua trận. Ông cậu của họ Lý lại đứng về phe Ngô. Có lẽ điều này cũng bao hàm sự xung đột ở giữa hai thế hệ. Những người nhiều tuổi, vì đã sống nhiều, kinh nghiệm nhiều, nên điềm đạm bình tĩnh hơn, chỉ muốn có thái bình, dù rằng Ngô quay trở lại. Những người trẻ, có lý tưởng, nhưng mạo hiểm hơn, nên không chịu từ bỏ mục tiêu mà tuổi trẻ tận tụy phục vụ. Trong 10 năm trời, bạo loạn bao trùm sân khấu chính trị. Điều này dĩ nhiên tạo một ảnh hưởng bất ổn cho giới trẻ dễ bị xúc cảm. Trong những năm ấy, lớp người cầm quyền địa phương ngày càng bận tâm với những đòi hỏi đối nghịch của các triều đại ở phương Bắc nên đánh mất chỗ đứng của mình trong xã hội địa phương. Những người thân Ngô không bao giờ có chỗ đứng an toàn trong xã hội địa phương, còn những người theo Tấn mất luôn chỗ đứng vì đã rước binh sĩ ngoại bang vào nhà.

Năm 268, cuộc tấn công của Ngô bị thất bại vì không được sự ủng hộ của dân chúng. Ba năm sau, Ngô lại thành công nhờ có sự đào ngũ đại quy mô của các lực lượng địa phương về với mình. Sự bất mãn của dân đối với Ngô chắc đã tiêu tan hết sau khi Ngô rút đi lần đầu; và với sự dai dẳng của cuộc chiến chẳng có mục tiêu rõ rệt giữa những viên tướng chỉ lo đi tìm vinh quang cho mình, đa số dân chúng sẵn sàng chấp nhận bất cứ một lãnh tụ nào có thế lực mạnh nhất và có khả năng mang đến hòa bình cho họ. Đào Hoàng là một người như vậy.

ĐÀO HOÀNG

Đào Hoàng không phải chỉ là một chiến lược gia có tài; hơn thế, ông thực sự được lòng tất cả dân chúng Việt Nam. Sử chép rằng ông hay giúp đỡ những người gặp cảnh hoạn nạn nên rất được lòng dân. Khi ông bị triều đình Ngô đổi đi chỗ khác, giữ nhiệm vụ khác, hơn 1.000 thủ lãnh địa phương đã yêu cầu ông được trở lại và triều đình Ngô đã khôn ngoan đổi ông trở về.

Năm 280, khi cuối cùng nhà Tấn chinh phục được Ngô và vua Ngô bại trận gửi một tờ chiếu ra lệnh cho Đào Hoàng hàng Tấn, sử đã chép ông đã khóc trong nhiều ngày trước khi trình ấn tín lên cho triều đình Tấn. Nhà Tấn ở quá xa không làm gì được cho miền Nam nên lại giữ ông ở lại chức vụ cũ; rồi lại phong cho ông tước hiệu mới để thừa nhận công lao xứng đáng của ông. Ông đã ở Giao Châu nhiều năm, nên khi ông chết, sử chép dân đã để tang ông như cha mẹ.

Những gì còn lại cho lớp cầm quyền địa phương sau những biến cố của các năm 226, 248, và sau cuộc can thiệp của nhà Tấn, đều rõ ràng là một sự kết hợp có lợi cho Đào Hoàng. Cũng như Sĩ Nhiếp, Đào Hoàng đã cai trị vào một thời gian mà không một triều đại nào ở Trung Quốc đủ mạnh để dòm ngó miền Nam. Ông vun trồng một quyền lực căn bản địa phương trong khi vẫn giữ được quan hệ đứng đắn với triều đình. Sau những vụ nổi dậy và chinh chiến trong nửa thế kỷ đầu, ông đề ra một chính sách tái thiết để cho xã hội bản xứ được vững mạnh, đặt nó trên một nền tảng hành chánh chắc chắn mà không đe dọa đến tính chất địa phương.

Map 4 Giao Province

Bản đồ quận Giao Chỉ dưới thời Đào Hoàng

Đào Hoàng xây lại thành Long Biên ở cách xa chỗ cũ nhiều dặm về phía Tây, và trong 3 thế kỷ kế tiếp, thành này được giữ làm kinh đô của Giao Châu. Vấn đề cấp bách của ông là giữ được an ninh ở nơi biên thùy. Nhắm mục đích đó, ông thành lập 3 quận mới ở biên giới. Huyện Mê Linh với vùng núi phụ cận là quận Tân Hưng rồi đổi là Tân Xương sau khi nhà Ngô mất. Ranh giới phía Bắc đồng bằng sông Hồng với vùng đất cao và xa hơn, thành quận Vũ Bình. Nửa phía Nam của quận Cửu Chân trong đồng bằng sông Cả (ngày nay là sông Lam) được lập thành quận Cửu Đức. Đào Hoàng dẹp yên những tộc dân “làm cản trở văn minh” ở những vùng này và đặt thêm 30 huyện mới trong các quận mới thành lập và trong quận Cửu Chân. Tuy nhiên phần đất ở phía cực Nam vẫn liên miên bất ổn.

Đầu tiên, Đào Hoàng thất bại khi tiến quân vào Nhật Nam bằng vũ lực. Ông bèn dùng những phương pháp khác. Ông nói :” Nếu ta cắt đứt việc buôn bán muối và sắt với bờ biển phía Nam và gây cho sự buôn bán của họ nhiều thiệt hại thì sau 2 năm, chỉ một trận đánh là họ sẽ bị đè bẹp”. Chính sách này quả đã thành công. Nhưng nếu những đám “giặc cỏ” bị dẹp yên ông lại phải đối phó với vua nước Lâm Ấp, người được Trung Quốc gọi với tên Phạm Hùng.

Phạm Hùng lại liên kết với một người khác nữa là vua nước Phù Nam, và cả 2 cùng nhau theo đuổi một chính sách không ngừng xâm lấn qua biên giới. Năm 280, trong tờ biểu đầu tiên tâu về triều đình Tấn, Đào Hoàng tâu rằng trong số hơn 7000 quân sĩ của ông đóng ở biên giới lúc đầu, nay chỉ còn 2402 người còn sống. Số còn lại đã chết vì bệnh tật hay trận mạc. Nhà Tấn đáp ứng bằng cách sai Mạnh Cán, một trong tướng lãnh đã đầu hàng Đào Hoàng năm 271 làm Thái Thú Nhật Nam.

Không có tài liệu nào nói thêm về những quan hệ với Lâm Ấp trong thời kỳ này. Tuy nhiên, những chiến dịch của Đào Hoàng cho thấy là không có một đường biên giới nhất định giữa 2 vùng, thành ra trong thời gian ấy có chiến chinh kinh niên. Trong thời kỳ rối ren vì có sự can thiệp của nhà Tấn, một số những trung tâm quyền lực chính trị đã mọc lên ở Nhật Nam, có lẽ có liên kết với Lâm Ấp. Chiến luợc của Đào Hoàng để dẹp sự kháng cự của những khu vực, trung tâm ấy cho thấy tầm quan trọng thương mại của những xứ ở dọc bờ biển này. Bằng cách đơn giản là mở cuộc cấm vận thương mại, Đào Hoàng thành công trong việc bắt các xứ phải thần phục. Như vậy có nghĩa là những thủ lãnh những vùng đó đều phải sống dựa vào nguồn thịnh vượng kinh tế và vào sự phân phối của cải để giữ được lòng trung thành của kẻ theo mình. Nhưng Lâm Ấp rõ ràng là một quốc gia khác hẳn so với những thủ lãnh nhỏ bé ở vùng biên giới mà nhà Tấn bó buộc phải gửi tướng giỏi của mình xuống để ổn định tình hình với Lâm Ấp.

Những gia đình thượng lưu ở địa phương vào lúc này được cải tổ dưới sự lãnh đạo của Đào Hoàng để thành một lớp cầm quyền hữu hiệu hơn, với tầm hiểu biết sâu sắc hơn về sự quan trọng của những vùng biên giới ổn định, và có khả năng tinh tế hơn về chuyện bảo vệ biên giới. Sự kiện này cho ta thấy rằng những thủ lãnh địa phương, vì bị cô lập bởi những trung tâm chính trị ở mãi tận Hoa Bắc, phải học biết cách tự lực, ngõ hầu phát huy được lòng tự tin để đảm đương được vận mệnh của chính mình.

Sự lãnh đạo của Đào Hoàng rất cốt yếu trong lịch sử hành chánh của Việt Nam. Những quận cũ Giao Chỉ và Cửu Chân lần đầu tiên được phân chia thành những huyện để tách biệt những vùng nông nghiệp với những vùng ít an ninh hơn ở biên giới. Sau thời đại bóc lột của nhà Ngô và những vụ nổi loạn hay bạo động do sự can thiệp của nhà Tấn, Đào Hoàng triển khai một kỷ nguyên mới, thái bình và ổn định. Nhà Ngô đã mất nhưng nhà Tấn chưa đến. Những gia đình thuộc giới quý tộc Ngô còn sống sót nay đổi sang thần phục nhà Tấn và được hưởng một thế hệ tương đối độc lập ở miền Nam, cách xa hẳn triều đình Tấn ở trên phía Bắc. Việc củng cố chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đào Hoàng được tiếp tục bởi những người kế vị ông và tạo tinh thần kháng cự quân Tấn khi họ kéo đến miền Nam.


Việt Nam Khai Quốc: Nhà Tấn xuống miền Nam (chương 3, phần 3)


LTS: Loạt bài học thuật Việt Nam Khai Quốc dịch từ quyển The Birth of Vietnam của sử gia Keith Weller Taylor được tiếp nối với Chương Ba, phần 3. Dịch giả Lê Hồng Chương hiện đã cho phép Da Màu công bố tên của ông trên loạt bài VNKQ. Đồng thời, Chiêu Ly và Đinh Từ Bích Thúy sẽ thay phiên nhau tiếp tục công việc nhuận sắc.

Jin_Wu_Di. Tan  Vu De jpg

Chân dung Tấn Vũ Đế (Jin Wu Di)

Tấn Vũ Đế, người có công khai lập Triều đại nhà Tấn, đã tìm cách phục hồi các di sản Hán và thống nhất Trung Quốc. Nhưng ngay sau khi ông băng hà vào năm 290, Trung Quốc lại lâm vào cảnh nội chiến qua phân do tính hiếu chiến và ham quyền lực cố hữu của các hoàng thân quốc thích nhà Tấn. Vì nội chiến triền miên còn gọi là Loạn Bát Vương, Trung Quốc đã trở thành miếng mồi ngon cho những dân du mục từ chính biên thùy phía Bắc của họ. Vào khoảng thập niên thứ Nhì của thế kỷ thứ 4, những dân du mục từ phương bắc này đã lần lần chiếm trọn miền bắc Trung Quốc. Biến cố này đã gây ra hàng loạt các ảnh hưởng dây chuyền như việc dân quân nhà Tấn lũ lượt kéo nhau xuống miền Nam để tị nạn, kinh đô Trường An – nơi tập trung quyền lực của vương triều nhà Tấn trước đây – phải di dời xuống Nam Kinh là phần đất gần Việt Nam ngày nay hơn. Vì lẽ đó, giới cầm quyền địa phương của các vùng ở phía nam Trung Quốc đã buộc phải xét lại thái độ của mình sao cho phù hợp hơn với những đòi hỏi và tham vọng của Nam Kinh. Việc định hướng lại thái độ này đã kéo theo nhiều hệ lụy, rối ren, và bạo loạn nhiều năm sau đó.

Cũng cần nhắc lại, trong thời gian Tấn triều còn đang bận bịu với nội chiến và chưa bị dân du mục phương bắc vào chiếm trọn; ở miền Nam xa xôi, thế lực chính trị của nhà Ngô cũ được dần dần phục hồi vì ít bị triều đình nhà Tấn ở xa phiền hà nhũng nhiễu. Khi Đào Hoàng qua đời, nhà Tấn bổ nhiệm Ngô Ngạn, một quan chức của nhà Ngô cũ xuống thay. Ngô Ngạn đến Giao Châu đúng lúc dân chúng Cửu Chân đang nổi lên đánh đuổi viên Thái Thú sở tại. Sử Trung quốc và Việt Nam không nói nhiều về thân thế thủ lãnh của nhóm dân chúng nổi dậy này ngoài việc cho biết tên ông là Triệu Chi; và rằng sau đó Ngô Ngạn đã mau chóng bắt được ông, rồi đem xử chém.

Việc Triệu Chi nổi dậy ở Giao Châu không khác các cuộc nổi dậy hai thế kỷ trước đó. Đó là những cuộc nổi dậy bắt nguồn từ Cửu Chân và lan sang các vùng kế cận thuộc Giao Châu. Triệu Chi nhất định phải là một quan chức bởi vì ông cầm đầu những binh sĩ được huấn luyện đàng hoàng. Rất có thể Triệu Chi là tiếng vang cuối cùng của các cuộc nổi dậy chống nhà Ngô cũ trong đó có việc giết cha con Thái Thú Cửu Chân là Lý Tốn trước khi có cuộc can thiệp trực tiếp của nhà Tấn. Mặc dầu cái chết của Đào Hoàng được một số dân quanh quẩn ở đồng bằng sông Hồng thành thật để tang, các thủ lãnh địa phương từng bị thất bại cay đắng ở Cửu Chân lại coi đây là một dịp tốt để giành lại chính nghĩa. Vì triều đình nhà Tấn thì ở xa và suy yếu, do đó trở ngại duy nhất để các thủ lãnh địa phương giành lại quyền tự trị là việc đương đầu với thế lực của những đại gia đình nhà Ngô cũ vẫn còn nhiều ảnh hưởng ở miền Nam.

Không may cho Triệu Chi vì phải đương đầu với Ngô Ngạn, là một tay đảm lược, nên ông bị bắt và bị giết không lâu sau đó.Sau khi dẹp yên được Triệu Chi, Ngô Ngạn trực tiếp cai trị Giao Châu trong nhiều năm. Sử Trung Quốc chép rằng Ngô Ngạn đã thi hành hai biện pháp, vừa khoan dung, vừa uy dũng khiến các vùng đất ông đô hộ được yên ổn. Công thức đô hộ này cho thấy Ngô Ngạn tuy nghiêm khắc nhưng không tàn bạo.

Khi Ngô Ngạn xin người thay thế thi triều đình nhà Tấn sai Cổ Bí, con trai một tướng Ngô cũ xuống thay. Vì triều đình Tấn ở mãi miền Bắc lại đang có cơ nguy sụp đổ, nên Cổ Bí rất có thể là người được chính Ngô Ngạn tiến cử. Lúc ấy thế lực của các gia đình Ngô cũ khá ổn định nhưng với sự sụp đổ của miền Bắc và việc tràn xuống miền Nam của dân tị nạn thuộc giai cấp thượng lưu nhà Tấn đã khiến nhóm quý tộc Ngô cũ tại địa phương lâm vào tình thế khó xử vì yếm thế. Quan quân và dân chúng nhà Tấn mới di tản xuống phương Nam nhưng đã vội vã lấn chiếm đất đai và phô trương thanh thế. Tất nhiên là những giới cầm quyền nhà Ngô cũ cảm thấy họ bị lấn ép và mất dần quyền lợi về tay nhà Tấn. Dù chỉ ngắn ngủi, các thủ lãnh địa phương người Việt đã mau chóng khai thác các mâu thuẫn giữa Tấn và Ngô để và cố biến nó thành lợi thế cho mình trong các nhen nhúm giành độc lập.

Khi Cổ Bí chết, các lãnh tụ Giao Châu và các gia đình có thế lực địa phương đã đồng ý một cách đơn giản với nhau là đưa con ông là Cổ Sâm lên kế vị cha thay vì đợi chiếu chỉ bổ nhiệm chính thức từ nhà Tấn lúc đó đang hết sức rối loạn. Tuy nhiên giới cầm quyền Giao Châu dường như chưa được chuẩn bị để tách ra khỏi cái khuôn khổ đã được định sẵn từ bao đời trong những quan hệ hữu danh vô thực với triều đình phương Bắc.

Dòng họ Cổ lại đông con nhiều cháu cho nên khi Cổ Sâm chết, em là Cổ Thọ tạm thời lên thay vì giành được ưu thế sau những tranh chấp nội bộ giữa những người được gọi là “các quan chức ở Giao Châu." Nhằm củng cố quyền hành, sau khi nhậm chức Cổ Thọ đã giết luôn cả viên Trưởng Sử Hồ Triệu và những người về phe với họ Hồ.

Theo luật pháp vương triều Trung Quốc, Trưởng Sử làm phụ tá cho Thứ Sử. Trưởng sử có nhiệm vụ giám sát các công việc hàng ngày ở Giao Châu, chức vị này dường như đã được thay đổi để có thể đại diện cho những quyền lợi lớn hơn theo ý muốn của giới cầm quyền địa phương. Thực tế cho thấy sự tranh chấp giữa Hồ Triệu và Cổ Sâm chính là sự tranh chấp giữa các thế lực địa phương khi họ tự coi mình là đại diện cho một triều đình ở xa và đang suy yếu.

Sau khi Cổ Thọ giết Trưởng Sử họ Hồ, kẻ chống đối mạnh mẽ và có tiềm lực nhất đối với dòng họ Cổ còn lại lúc đó là Lương Thạc, một lãnh tụ địa phương có nhiều kinh nghiệm trận mạc. Thoạt đầu, Cổ Thọ lập mưu giết Lương Thạc nhưng Thạc thoát chết và huy động binh sĩ bản bộ chống trả và bắt sống được Cổ Thọ và ép y uống thuốc độc cho đến chết.

Nhiều năm sau đó, Lương Thạc tiếp tục cai trị Giao Châu. Sử Trung Quốc chép rằng ông lấy chức hiệu là Thái Thú Tân Xương. Tân Xương là huyện Mê Linh cũ, quê hương của các vua Hùng và hai Bà Trưng. Có nhiều binh sĩ trấn đóng tại Tân Xương vì nó nằm ở vị trí chiến lược cửa ngõ đồng bằng sông Hồng, nơi được coi là trung tâm chính trị cổ xưa nhất của Việt Nam,.

Có thể hiểu ngầm rằng tước hiệu Thái Thú Tân Xương được ghi trong các nguồn sử liệu Trung Quốc cho thấy ảnh hưởng quyền lực của Trung Quốc vẫn còn áp đặt lên Việt Nam vào thời kỳ này. Lương Thạc đã chứng tỏ là một trong những thủ lãnh kiên trì và thành công nhất trong số những thủ lãnh địa phương qua việc việc tập họp và lãnh đạo dân chúng ở địa phương chống lại Tấn triều trong thời gian Giao Châu bị Trung Quốc đô hộ. Tuy nhiên Lương Thạc vẫn thấy ông không có một phả hệ hay huyết thống và uy tín cần thiết. Để đạt được bình phong về phương diện chính thống đối với hoàng triều. Lương Thạc cho vời Thái Thú Thương Ngô là Đào Uy con của Đào Hoàng lên làm Thứ Sử. Mặc dù Đào Uy đứng ra chịu tiếng thần phục vương triều trong các quan hệ với vua Tấn khi phải tiếp đón các quan chức Tấn xuống miền Nam nhưng đứng về phương diện quyền hành ở Giao Châu, Đào Uy chỉ là một bình phong cho Lương Thạc mà thôi. Sử chép Đào Uy rất được lòng dân chúng vì rõ ràng ông thừa hưởng tiếng thơm của cha ông là Đào Hoàng. Nhưng chỉ ba năm sau, Đào Uy qua đời. Sau khi Đào Uy mất, cả em trai và con ông đều tranh nhau đòi giữ chức Thứ Sử, nhưng quyền hành thực sự vẫn nằm trong tay Lương Thạc. Thế lực nhà họ Đào ngày càng mờ dần trên sân khấu chính trị vì họ còn bị nhà Tấn triệu hồi lên miền Bắc do tình hình rối ren tại Quảng Châu.

Cũng như tại Giao Châu, tại Quảng Châu, làn sóng chống đối việc phô trương thanh thế và bành trướng xuống phương Nam của nhà Tấn được được dẫn đầu bởi Vương Chi là người thuộc gia đình Ngô cũ và có cha cùng anh trai từng làm Thứ Sử Quảng Châu. Mặc dầu gia đình họ Vương ở miền Nam đã tạo lập được tiếng tăm tốt trong số dân bản xứ qua bao nhiêu thế hệ cai trị, Vương Chi lập tức bị gạt sang một bên bởi những người nhân danh Tấn triều từ phương Bắc tràn xuống. Uất hận, Vương Chi thành lập một đạo quân lên đến 1.000 người sẵn sàng ứng chiến. Sử chép rằng các binh sĩ và nhân dân Quảng Châu đều nhất tề ủng hộ Vương Chi lên làm Thứ Sử và hoàn toàn "quay lưng lại" với người mà nhà Tấn bổ nhiệm.

Vương Chi tin ở tính cách chính thống của mình nhưng vẫn còn do dự trong việc triển khai các tham vọng của ông vì xét thấy ưu thế của các quan chức tị nạn từ phương Bắc xuống cùng với gia nhân và thân quyến của họ. Chính sự do dự của Vương Chi: biết là phải chống lại nhà Tấn, nhưng lại không dám công khai chống đối đã tạo nên nối bất bình và chia rẽ trong nội bộ gia đình họ Ngô cũ. Thái độ do dự của Vương Chi được biểu hiện rõ nét khi ông nắm được quyền kiểm soát Quảng Châu. Lo sợ trước phản ứng của nhà Tấn, Vương Chi đã tìm cách biểu lộ lòng trung thành của ông bằng cách xin được làm Thứ Sử Giao Châu. Yêu cầu của ông được chấp thuận ngay với điều kiện ông phải thân chinh đi đánh dẹp Lương Thạc ỏ Giao Châu.

Nghe tin Vương Chi được Tấn triều bổ nhiệm làm, Lương Thạc bèn cho con trai đến tiếp kiến Chi ở gần Uất Lâm, biên giới Quảng Châu và Giao Châu. Lấy cớ con trai Lương Thạc đến trễ, để thị uy, Chi đã nặng lời mắng nhiếc và đe dọa Lương Thạc. Khi nghe con trai về thuật lại thái độ ngạo mạn của Vương Chi, Lương Thạc đã nói như sau: "Cái thằng họ Vương này đã làm hỏng cơ đồ Quảng Châu, bây giờ còn viện cớ gì mà đến phá rối Giao Châu?" Thế là Lương Thạc ra lệnh đóng cửa biên giới không cho Vương Chi đi qua và cấm mọi người ở Giao Châu không được liên lạc với Vương Chi.

Không vào được Giao Châu mà trở về Quảng Châu thì không yên thân với nhà Tấn, Vương Chi đành lưu lạc như một kẻ làm loạn rồi cuối cùng phải vào vùng núi lánh thân và chết tủi nhục ở đó. Đào Khản, một bộ tướng của nhà Tấn, vì đã có công vãn hồi được trật tự Quảng Châu, nên mùa thu năm 318 y lại được chính thức bổ nhiệm việc cai quản Giao Châu.

Trong khi Lương Thạc đang phải bận đối phó với những hệ lụy của vụ Vương Chi thì ở Giao Châu lúc đó nổi lên một nhóm người có cảm tình với Vương Chi. Phần lớn nhóm người này là những người Hán mới di cư xuống miền Nam sau khi miền bắc Trung Quốc bị dân du mục chiếm trọn. Họ bao gồm những thương nhân mơ tưởng là sẽ làm giàu nhanh chóng và dễ dàng một khi Giao Châu được Tấn triều thu phục; họ cũng có thể gồm những người của nhà Tấn tiên phong di cư xuống Nam, những gia đình Bắc phương danh giá với cả đoàn tùy tùng võ trang đi theo. Họ thường được gọi là những người "tạm trú" và họ luôn coi Vương Chi là Thứ Sử được bổ nhiệm chính thức bơi Tấn triều. Trong nhóm “người tạm trú” này có Đỗ Tấn, một võ tướng, đã tập hợp được một số thủ hạ trong nhóm này đem quân tiến đánh Lương Thạc nhưng bị Lương Thạc dẹp tan một cách dễ dàng. Sau việc này Lương Thạc càng lo sợ hơn những người "tạm trú" có bụng dạ nọ kia nên ra lệnh giết tất cả những tùy tùng của họ!

Sau diễn biến này, Lương Thạc đã nhanh chóng tự xưng là Thái Thú Giao Chỉ và cảm thấy tự tin hơn trong chức vị này. Tuy nhiên, vì những người "tạm trú" luôn bất tuân các mệnh lệnh mà ông ban hành Lương Thạc hiểu rằng ông cần phải tìm cách hợp pháp hoá địa vị của mình để được chấp nhận như là một chư hầu trong quy chế Tấn triều. Do đó Lương Thạc cho vời Tu Trạm về làm bình phong về pháp lý cho mình vì Tu Trạm có cha là Tu Tắc, người đã từng được nhà Ngô trước kia bổ nhiệm làm tổng chỉ huy quân sự ở Giao Châu nhưng về sau đã bị thiệt mạng khi mưu toan chiếm lại Giao Châu trong tay nhà Tấn vào năm 268. Hơn thế nữa, trong số các anh em của Tu Trạm đi theo Đào Hoàng tiến vào Giao Châu năm 271, có một người sau được bổ làm Thái Thú Hợp Phố cho nên gia đình Tu Trạm rất nổi tiếng ở Giao Châu. Mặc dù đã dùng con trai của Tu Tắc là Tu Trạm làm bình phong cho mình để tiêu biểu cho các quyền lợi của Giao Châu theo thể chế Tấn triều nhưng tự thâm tâm Lương Thạc vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu độc lập của ông.

Tình hình Giao Châu được ổn định trong vài năm sau đó vì Đào Khản còn bận bịu với việc củng cố quyền hành của nhà Tấn ở Quảng Châu. Thế rồi đến năm 322, chủ nhân của Đào Khản, một viên tướng đang trông coi vùng lưu vực sông Dương Tử, lại phong một tướng tay chân của y là Vương Lượng làm Thứ Sử Giao Châu. Trước khi đi Vương Lượng được căn dặn rằng :" Tu Trạm và Lương Thạc là hai kẻ phản loạn, khi đến nơi phải trừ ngay." Vương Lượng đến Giao Châu không bị cản trở gì vì Lương Thạc chưa muốn so gươm với Đào Khản, kẻ đang cai trị Quảng Châu và tiếng tăm võ nghệ của y cũng đáng kể. Kế đến Lương Thạc cũng muốn tương kế tựu kế nghênh đón vị tân Thứ Sử một cách long trọng để dò xem sự việc tiến triển ra sao. Xét về thực lực thì Lương Thạc cũng rất mạnh nên Vương Lượng cũng chưa dám trực tiếp gây chuyện. Hơn nữa Lương Thạc cũng chưa dám tự xưng là Thứ Sử, nên giữa Lương Thạc và Vương Lượng hai bên chưa có chuyện gì gọi là căng thẳng ngoài mặt.

Mặt khác, Tu Trạm lại ở vào vị thế bấp bênh và nguy hiểm hơn vì không có thực lực. Những người tâm phúc trước đây của Tu Trạm lại thuộc loại đón gió trở cờ. Họ thấy rằng đi với Vương Lượng có lợi hơn vì Vương Lượng chính thức mang ấn tín Thứ Sử – bảo đảm được Tấn triều phương Bắc can thiệp nếu cần. Trong tình hình như thế Tu Trạm bèn quyết định rút lui về Cửu Chân cho được tương đối an toàn.

Từ Quảng Châu, Đào Khản điều nghiên rất kỹ tình hình ở Giao Châu bởi vì trách nhiệm của y là tìm mọi cách giúp Vương Lượng thi hành sứ mạng thu phục Giao Châu từ tay Lương Thạc. Trước tiên Đào Khản sai một sứ giả xuống Cửu Chân thuyết phục Tu Trạm quay về gặp Vương Lượng ở Long Biên. Khi Tu Trạm vừa đặt chân đến sảnh đường thì quân lính của Vương Lượng bắt lập tức. Lượng muốn đem giết Tu Trạm ngay nhưng Lương Thạc phản đối và nói:" Tu Trạm là con của một tướng quân cũ của Giao Châu này; nếu y có phạm pháp thì có thể đuổi chứ không thể giết". Vương Lượng trả lời:" Nghĩa tình của nhà ngươi với phụ thân hắn không liên quan gì đến công việc của ta." Thế rồi Vương Lượng đem Tu Trạm ra chém đầu để dằn mặt Lương Thạc. Từ câu chuyện này chúng ta có thẻ hình dung được những tranh chấp xung đột gay go như thế nào giữa giới trưởng giả nhà Ngô cũ và nhà Tấn mới.

Bất bình và nghi ngại trước việc Vương Lượng ra tay giết Tu Trạm, Lương Thạc bỏ về và chuẩn bị quân lương sẵn sàng ứng chiến. Đi trước một bước, Vương Lượng sai thích khách đến ám sát Thạc nhưng âm mưu của hắn bại lộ. Thế rồi Lương Thạc bèn đem quân vây kín Vương Lượng đang trấn thủ trong thành Long Biên. Dù Đào Khản tức tốc gởi viện binh từ Quảng Châu xuống nhưng Long Biên đã bị thất thú. Sử chép lại rằng khi mặt đối mặt với Vương Lượng, Lương Thạc đòi Vương Lượng trao lại cho ông cờ hiệu Thứ Sử nếu không sẽ chém đứt tay nhưng Vương Lượng nói:" Ta không sợ chết, há gì sợ mất một cánh tay" và khư khư giữ lấy không chịu nhả ra. Thạc bèn rút gươm chặt đứt cánh tay phải của Lượng và giật lấy lá cờ. Khoảng mười ngày sau, Lượng chết vừa đau đớn vừa tức giận.

Các thủ lãnh người địa phương ở Giao Châu thấy rằng họ không thể làm ngơ trước sự hiện diện ngày càng trâng tráo của nhà Tấn. Tấn triều lại ngang nhiên bổ nhiệm hết thứ sử này đến thứ sử khác nhưng một tân thứ sử vừa đến biên giới thì bị dân Giao Châu đuổi về, một thứ sử khác vừa được Tấn triều bổ nhiệm liền bị dân chúng nổi lên giết ngay. Tuy thế nhà Tẫn vẫn gia tăng áp lực với việc ủng hộ những người mới tị nạn từ phương bắc trong việc lớn tiếng đòi sát nhập hoàn toàn Giao Châu vào với Tấn. Mỗi lần xẩy ra đụng độ giữa dân địa phương và người tị nạn phương bắc là lại càng có nhiều binh sĩ Tấn kéo đến Giao Châu.

Sau cái chết của Vương Lượng, theo nhận định phần nào chủ quan của các sử gia Trung Quốc, vì tàn bạo nên Lương Thạc ngày càng gặp nhiều khó khăn và tuyệt vọng hơn nữa. Trên thực tế có thể Lương Thạc và những gia đình địa phương theo ông đều muốn chống lại sự thay đổi, nhưng họ không có cách gì quay ngược lại được cán cân vì làn sóng quân, tướng Tấn, và những kẻ phiêu lưu mạo hiểm ùn ùn kéo vào Giao Châu. Lợi dụng tình thế rối ren này, Đào Khản sai Cao Bảo, một bộ tướng của y, đến Giao Châu và chỉ trong một năm, Cao Bảo đã bắt được Lương Thạc, đem chém đầu và giao nộp thủ cấp Lương Thạc lên Nam Kinh.

Rõ ràng, Lương Thạc, xuất thân từ giai cấp nông dân bản xứ chân lấm tay bùn, chẳng phải văn quan cũng chẳng phải võ tướng, nhưng ông xứng đáng được coi như một nhân vật tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam vì đã tập hợp và đoàn kết dân địa phương Giao Châu vào một mối vào thời kỳ mà thế lực Tấn triều đang suy yếu và lung lay. Lương Thạc sẵn sàng thoả hiệp, nếu cần, bao lâu mà ông và các người đi theo ông chưa bị dồn vào chân tường. Tiếc thay Lương Thạc đã bị giết khi cao trào tranh đấu cho quyền lợi người bản xứ chống lại những tham vọng từ phương bắc đang ở mức độ cao nhất. Xuyên suốt bề dày lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy rõ rằng cuộc tranh đấu này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay.

Lại nói về Đào Khản, mặc dầu được chính thức phong làm Thứ Sử Giao Châu, nhưng vì còn đang bận đánh dẹp giặc ở mạn Bắc, nên y đành để quyền cai trị một cách không chính thức Giao Châu vào tay Cao Bảo. Năm 325, Đào Khản lại được thăng lên một chức vụ cao hơn trong Tấn triều và năm sau đó, Nguyên Phương, một quan đại thần triều Tấn, được chính thức bổ nhiệm làm Thứ Sử Giao Châu thay cho Đào Khản. Vừa được bổ nhiệm, Nguyên Phương ngoài mặt giả vờ thiết tiệc nhưng thực tâm là tìm cách ám sát Cao Bảo. Nhưng Cao Bảo, do được mật báo, nên ra tay tấn công trước. Nguyên Phương may mắn thoát chết và chạy trốn vào nội địa Giao Châu. Sử chép rằng không lâu sau Nguyên Phương đột nhiên qua đời sau một cơn khát nước ghê gớm.

Tình trạng quyền lực ở Giao Châu tiếp tục không rõ ràng như thế phần chính liên quan đến một nhà vua mới ở Tứ Xuyên tên là Cheng Han. Là người mới cải đạo sang Lão giáo, vua Cheng Han nhân cơ hội có những rối loạn do nhà Tấn gây ra đã nổi lên để chống lại. Năm 328, khi Cheng Han đem binh từ Tứ Xuyên kéo ra đánh Tấn, thì ở Giao Châu cũng có một người tên Trương Liên kéo quân tiến đánh Quảng Châu. Quân sĩ của Trương Liên tiến lên mãi tận Thủy Hưng nhưng sau bị một tướng của Tấn đánh bại. Việc Trương Liên không chịu ở yên tại chỗ để chống cự nhà Tấn, mà lại tiến quân đánh đến tận kinh đô Tấn cho thấy là hành động của ông được khích động và hậu thuẫn bởi những ý đồ chiến lược lớn lao có liên quan đến việc Cheng Han tiến đánh Tấn cũng năm ấy. Có một số ý kiến cho rằng Trương Liên ngoài việc muốn đánh đuổi nhà Tấn ra khỏi Giao Châu và Quảng Châu mà còn bị thúc đẩy bởi những cảm tình với Lão Giáo, điều thường thấy trong số những người đối lập với Tấn triều ở Hoa Trung và Hoa Bắc thời bấy giờ.

Làn sóng chống đối nhà Hán hiện rõ trong tất cả những biến cố quan trọng ở miền Nam trong suốt thờì kỳ đó. Tất cả những phong trào chống đối, dù chỉ là tàn dư của những lớp thượng lưu nhà Ngô dưới quyền Vương Chi, hoặc những viên chức cấp thấp ở Giao Châu dưới quyền Lương Thạc, hay là liên minh chống Tấn rộng rãi của Trương Liên với Cheng Han, tất cả đều bắt nguồn từ mối căm thù mạnh mẽ với thể chế Tấn triều. Ngoài việc nổi dậy của dân bản xứ của những vùng đất bị lệ thuộc nhà Tấn, còn có những phong trào chống đối đương triều nhà Tấn khác có liên quan ít nhiều đến tầng lớp những người Tấn ly khai cấp tiến khi họ quyết định chọn các vùng phương nam Quảng Châu, Giao Châu như là nơi quê hương mới của họ.

Bằng phương cách nào mà cuối cùng Trung Quốc ổn định được việc đô hộ của họ ở Giao Châu đã không được sử sách ghi lại một cách chi tiết, nhưng rõ ràng tình hình đã trở nên sáng sủa hơn vào năm 336, năm mà Thứ Sử Quảng Châu sai một đạo quân đi đánh dẹp những bộ lạc ở Quế Châu. Thái Thú Tân Xương lúc đó là Đào Hiệp, thừa lệnh nhà Tấn, có tham dự trận này bằng cách dẫn một đạo quân tiến vào Vân Nam và chiếm được một thành trì trên đường tiến đến Tứ Xuyên. Đây có lẽ là một phần trong nỗ lực khoá chặt Giao Châu của nhà Tấn nhằm ngăn cản dân chúng địa phương không bị khích động do việc nổi dậy của vua Cheng Han ở Tứ Xuyên mà mãi đến năm 347 nhà Tấn mới bị dẹp yên được.

Để củng cố quyền lực, nhà Tấn đã tìm cách thay đổi sâu đậm tại miền Trung và miền Nam Trung Quốc. Trước kia văn minh Trung Quốc chỉ hiện hữu ở những nơi có tầm quan trọng về chính trị và nơi có nhiều người có học thức sinh sống nhưng theo thời gian, những điều mới lạ dần dần lan tràn về miền quê qua trung gian của những người tị nạn phương Bắc. Tuy nhiên trong số những địa điểm ở miền nam, Giao Châu là nơi ít bị ảnh hưởng của chính sách đó bởi vì địa thế quá xa nên có ít dân chịu xuống miền Nam như thế. Và từ đó Giao châu, mặc dù xa xôi cách trở như đã nói ở trên, đã nghiễm nhiên trở thành một nơi ẩn náu lý tưởng cho những gia đình thượng lưu và quan chức nào muốn tránh những rắc rối với quan quân nhà Tấn. Phẩm chất của những người mới di cư đến Giao Châu tương đối cao. Một thí dụ rõ nhất là dòng họ Đỗ dần dần nổi tiếng ở Giao Châu vào thế kỷ thứ 4.

Cũng chẳng khác các đám quan chức Hán và Ngô trước kia, đa số đám quan chức Tấn khi mới được bổ nhiệm xuống Giao Châu cũng tìm mọi cách để vơ vét và làm giàu cho thật mau rồi hồi hương. Vơ vét tại Giao Châu và Quảng Châu chưa đủ, quan quân nhà Tấn còn kéo sang cả các nước lân bang ở sâu hơn phía nam. Đó là nguyên cớ của những cuộc chiến tranh với Lâm Ấp trong thế kỷ thứ 5 và thế kỷ thứ 6. Những cuộc chạm trán giằng dai này giữa quan quân nhà Tấn và Lâm Ấp đã gián tiếp đẩy người Việt Nam, về mặt tâm lý, vào một cái thế phải lệ thuộc và chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nhiều hơn nữa.


việt nam khai quốc: nhà tấn với lâm ấp (chương 3, phần 4)

Champa statue

Tượng Phật trong viện bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng. Địa thế của king đô Champa nằm cùng khu vực của nước Lâm Ấp vào thế kỷ thứ 3 sau Thiên Chúa

Năm 270 Phạm Hùng, vua Lâm Ấp, bị tử trận trong trận giao chiến với Đào Hoàng, Thứ Sử Giao Châu, Phạm Miễn, con trai Phạm Hùng lên kế nghiệp cha tiếp tục lèo lái Lâm Ấp trở nên một nước thịnh vượng và ổn định. Năm 284, Phạm Miễn gửi sứ bộ chính thức của Lâm Ấp sang yết kiến Tấn triều để nối lại bang giao bị gián đoạn từ lúc Lâm Ấp tiếp kiến Lữ Đại vào năm 226, sau khi Lữ Đại giết con trai Sĩ Nhiếp là Sĩ Huy và lên làm Thứ Sử Giao Châu cũng vào năm đó. Nhờ giao hảo với Trung Quốc Lâm Ấp ngày càng phát triển và thực hiện được nhiều tiến bộ quan trọng. Nhưng khi Phạm Miễn băng hà vào năm 336, thì ngôi vua Lâm Ấp bị lọt vào tay một người gốc Trung Quốc tên là Văn.

Theo sử sách ghi lại thì Văn ra đời ở vùng hạ lưu sông Dương Tử và bị đem bán làm nô lệ ngay từ khi còn nhỏ. Bao phen lưu lạc, Văn có một thời làm người hầu cho một hoàng tử Lâm Ấp. Đến tuổi thanh niên, sẵn máu giang hồ, Văn bỏ trốn và theo một thương nhân Lâm Ấp đi buôn bán xa. Thời vua Min ở Trung Quốc (313-316), Văn theo đoàn thương buôn lên tận kinh đô Lạc Dương của Trung Quốc lúc đó đang bị các bộ tộc bắc phương tràn xuống xâm lược và chiếm đóng.

Chứng kiến tận mắt những biến cố tại Lạc Dương giúp Văn hiểu rõ ràng rằng Tấn triều phương Bắc đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Đố là một dịp may hiếm có cho một ngoại nhân giàu óc tưởng tượng như Văn rắp tăm xưng hùng ở phương Nam. Sau khi từ Lạc Dương về, Văn nhanh chóng thực hiện các tham vọng của y bằng cách giúp xây một cung điện nguy nga cho Phạm Miễn theo kiểu Trung Quốc. Văn còn được Phạm Miễn tin dùng trong việc cai quản và xây dựng cả những công sự chiến đấu và giám sát việc chế tạo vũ khí để rồi sau đó được phong chức tổng chỉ huy quân đội Lâm Ấp. Càng về già vua Phạm Miễn càng tùy thuộc nhiều vào Văn nên khi Phạm Miễn chết, Văn gạt bỏ các hoàng tử kế vị và ngang nhiên lên ngôi vua.

Dẹp tan một số phản kháng ngoài biên giới Lâm Ấp, năm 340 Văn nhanh chóng sai sứ thần sang triều cống Tấn triều và yêu cầu dùng rặng Hoành Sơn làm biên giới như một cách gián tiếp sát nhập Nhật Nam vào Lâm Ấp. Dĩ nhiên nhà Tấn bác bỏ đề nghị này mặc cho Tấn triều đã chẳng còn khả năng đô hộ Nhật Nam. Được thể vào năm 344, Văn xua quân đánh phá Nhật Nam, Cửu Đức, và Cửu Chân để dò xem thái độ Tấn triều như thế nào.

Song song với tham vọng của Văn, tình hình xôi đậu ở biên giới Lâm Ấp và Nhật Nam, trung tâm giao thương quan trọng giữa Trung Quốc và các vùng phía nam và phía tây, còn trở nên căng thẳng hơn do việc cai trị sai trái của các thứ sử Tấn triều. Đầu tiên là việc Thứ Sử Khương Trang bổ nhiệm một người bà con tên là Thao Tập làm Thái Thú Nhật Nam. Thao Tập tham lam bắt các thương nhân nộp tiền mãi lộ lên đến 50% giá trị các món hàng. Mặc dù sau khi Thao Tập chết, Tạ Trạc lên thay và cho giảm tỉ lệ ấy xuống còn khoảng 30%, và rồi người kế vị Tạ Trạc là Hạ Hầu Lam bãi bỏ hẳn việc nộp tiền mãi lộ này nhưng vì Hầu Lam tham ô và nhũng nhiễu quá đỗi nên làn sóng phẫn nộ của dân chúng vẫn không suy giảm.

Lợi dùng tình thế nhiễu nhương và bất mãn này năm 347, Phạm Văn đưa quân Lâm Ấp bắc tiến với cờ xí chiêng trống mở đường loan báo rằng :” Cuộc tấn công là do sự phẫn nộ của các lân bang đối với cách hành xử sai trái của Tấn triều.” Văn tự xưng là người đứng ra bảo vệ các nhóm thương nhân từ khắp nơi đến buôn bán hoặc dừng chân ở Nhật Nam. Việc Văn đem quân tiến chiếm Nhật Nam đúng là do sự phẫn uất của quần chúng một phần nhưng thật ra là do tham vọng mở rộng đất đai mà Lâm Ấp đã ấp ủ từ lâu như sử sách đã chép rằng ” Lâm Ấp đất hẹp nên luôn để mắt đến Nhật Nam.” Văn tiến vào Nhật Nam, bắt Thái Thú Hạ Hầu Lam và đem hành hình Hầu Lam dưới cờ để mua lòng dân chúng. Sau khi chiếm được Nhật Nam, Văn lại đề nghị với Chu Phiên, Thứ Sử Giao Châu ấn định rặng Hoành Sơn làm biên giới nhưng Chu Phiên phản đối bằng cách đem quân, dưới quyền chỉ huy của Đô Đốc Lưu Hùng, tiến xuống Nam. Nhưng Lưu Hùng bị Văn đánh bại. Năm 348, Văn lại đưa quân đánh phá Cửu Đức và Cửu Chân, áp đảo quân Tấn đóng ở đấy, giết được khoảng 5.000 đến 6.000 người; lên đến 80-90% binh sĩ của hai quận này. Thấy thế năm 349, lực lượng hỗn hợp của Quảng Châu và Giao Châu, dưới quyền chỉ huy của Đô Đốc Đặng Tuấn, tìm mọi cách nỗ lực phản công. Hai bên giao tranh một trận lớn ở hải cảng lớn Lô Dung, nay là cửa sông Gianh, phía Bắc Nhật Nam. Đô Đốc Tuấn bị thua và phải rút về Cửu Chân nhưng không may cho Văn bị thương nặng và chết trong năm ấy.

Con của Văn là Phạm Phật lên nối ngôi và tiếp tục chính sách của cha. Năm 351, Phạm Phật lại đem quân tiến lên phía Bắc và bao vây Thái Thú quận Cửu Chân là Quán Thúy. Đô đốc Đặng Tuấn và Thứ Sử mới là Dương Bình vội kéo quân xuống giải vây cho Quán Thúy. Khi quân tiếp viện của Tấn triều đến gần, bất ngờ Thúy phá được vòng vây khiến quân của Phạm Phật phải bỏ chạy. Thấy thế quân của Tuấn và Bình đuổi theo và đánh bại Phạm Phật ở nam Nhật Nam. Khi quân Tấn kéo đến gần kinh đô Lâm Ấp, Phạm Phật đầu hàng, ngỏ lời xin lỗi và thề sẽ không gây hấn nữa và quân Tấn đồng ý lui binh về biên giới.

Tuy nhiên những cuộc hành quân khiêu khích vẫn thỉnh thoảng xảy ra vì Phạm Phật vẫn nuôi tham vọng mở mang bờ cõi về phía bắc. Năm 352, Thứ Sử Nguyên Phu đem quân trừng phạt Lâm Ấp và tiêu diệt được hơn 50 đồn lũy. Tuy nhiên phần vì tình hình biên giới đã bớt căng thẳng và phần chính là vì cuộc chiến tranh phòng thủ đã biến thành một cuộc chiến nhằm dành vinh quang và lợi lộc cho các quan quân Tấn nên các thủ lãnh địa phương không còn sốt sắng trợ giúp quân Tấn nữa.

Năm 358, dưới sự giám sát của Đằng Hàn, Thứ Sử Quảng Châu, và Ôn Phóng Chi, Thứ Sử Giao Châu, quân Tấn lên kế hoạch quy mô tiến đánh Lâm Ấp. Nhưng kế hoạch này bị Đỗ Bảo, Thái Thú Giao Chỉ và Nguyên Lang, một pháp quan của Giao Châu cực lực phản đối. Không muốn bất đồng lan rộng, Phóng Chi ra lệnh giết cả Đỗ Bảo và Nguyên Lang và năm 359, Phóng Chi kéo quân xuống Nam, bao vây được Phạm Phật trong kinh đô Lâm Ấp và bắt Phạm Phật phải tuyên thệ trung thành. Từ đó miền biên giới được yên ổn được một thời gian dài. Trong thập kỷ 370, Phạm Phật nhiều lần gửi sứ bộ ngoại giao yết kiến Tấn triều để giữ hòa khí và đến năm 380 Phạm Phật qua đời.

Nhìn lại cuộc chiến tranh với Lâm Ấp chúng ta có thể hình dung bối cảnh văn hoá và chính trị của các thủ lãnh địa phương ở Giao Châu vào lúc đó. Đầu tiên Giao Châu phản ứng bằng nhiều cuộc nổi dậy chống lại Tấn triều. Nhưng năm 348, khi Lâm Ấp tiến chiếm Nhật Nam và tàn phá lên mãi tận Cửu Chân, sử sách không ghi nhận các phản ứng hoặc tranh thủ thời cơ nổi dậy chống lại Tấn triều của người Việt mà ngược lại giới cầm quyền địa phương lại đi theo các quan chức Tấn để đẩy lui quân Lâm Ấp về bên kia biên giới. Chỉ sau khi tình hình chiến tranh với Lâm Ấp đã bớt đi và việc hạch sách nhũng nhiễu để thị oai của Tấn triều tái diễn thì các thủ lãnh địa phương mới lợi dụng cơ hội này để chống lại những đòi hỏi của Tấn triều với Giao Châu. Chúng ta có thể ước đoán rằng thiện chí hợp tác của dân chúng Giao Châu với miền Bắc là do tác động của việc người Tấn di dân và tiến quân xuống miền nam trên giới cầm quyền địa phương.

Tuy nhiên, việc hợp tác giữa các thủ lãnh địa phương ở Giao Châu với sự cai trị của Tấn triều chẳng được bao lâu vì ảnh hưởng của việc Tấn đem quân chống sự bành trướng từ Lâm Ấp xẹp xuống mau lẹ khi những đe doạ ấy giảm bớt đi.

GIA ĐÌNH HỌ ĐỖ

Vào thập niên 370, việc cai trị của nhà Tấn ở Giao Châu lỏng lẻo hẳn đi. Năm 377, quan Thứ Sử Kinh Châu thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ, nắm quyền quân sự năm châu: hai châu thuộc Tứ Xuyên, Quế Châu, Quảng Châu, và Giao Châu. Vài tháng sau, một châu khác nữa ở về phía Đông được thêm vào quyền chỉ huy bao la và có tính cách lễ nghi ấy. Trong khi đó thì triều đình Tấn đang phải chịu bất lực trước một quan đại thần nắm mọi quyền sinh sát và ngay cả quyền truất phế và lập vua theo ý mình. May là viên quan đại thần này chết sớm nên nhà Tấn mới còn lây lất thêm cho mãi đến biến cố Lưu Du. Lúc đó ở Tây Tạng có một người tên là Phù Kiên (357 -385) thống nhất được miền Bắc Trung Quốc. Năm 383, Phù Kiên kéo quân xuống tấn công nhà Tấn ở miền nam. Mặc dù nhà Tấn đã may mắn sống còn sau cuộc tấn công này nhưng vẫn tiếp tục bị thao túng bởi các sứ quân địa phương, đáng để ý là cuộc nổi loạn của các nông dân theo Lão Giáo khi họ chiếm được nhiều đất đai, kể cả Quảng Châu. Người có công lớn nhất trong việc dẹp yên được nội loạn ấy là Lưu Du, chính là người sau này cướp ngôi nhà Tấn năm 420, lập ra nhà Tống. Trong suốt thời kỳ rối ren ở phương bắc ấy, Giao Châu lại được hưởng thái bình tương đối và đời sống chính trị ở Giao Châu phát triển mạnh dưới quyền lãnh đạo của gia đình họ Đỗ.

Thứ Sử Giao Châu Ôn Phóng Chi, người đã đánh bại Lâm Ấp năm 359, được kế vị bởi một thứ sử khác tên là Chu Phù mà lai lịch không thấy ai nhắc đến. Sau đó, ghế Thứ Sử bị bỏ trống và Thái Thú Cửu Chân là Lý Tốn lên cầm quyền. Lý Tốn và con trai ông là hai người nổi tiếng về tính can đảm và quả quyết. Quyền thế và ảnh hưởng của hai cha con nhà Lý Tốn trùm lấp Giao Châu.

Năm 380, Tấn triều lại cử Đặng Độn Chi làm tân thứ sử Giao Châu nhưng Lý Tốn quyết định chống lại vì có lẽ ông cho rằng nhà Tấn đang phải bận tay trên đối phó ở phương. Có thể Lý Tốn có cái nhìn chiến lược, nhưng ông lại quên không đếm xỉa đến những địch thủ chính trị ở địa phương đang nóng lòng tranh chức trong đó có Thái Thú Giao Chỉ là Đỗ Viện. Họ chỉ đợi thời cơ để chống lại Lý Tốn lấy cớ rằng ông bất tuân lệnh ban của Tấn triều. Tháng 10 năm 380, Lý Tốn sai hai con trai canh giữ những đường bộ và đường biển quan yếu dẫn vào Giao Châu để chặn đường Độn Chi. Chỉ 9 tháng sau, Lý Tốn bị Đỗ Viên, Thái Thú Giao Chỉ, giết chết.

Nói về nhà họ Đỗ, gốc tự Tràng An. Vào giữa khoảng thời gian nhà Ngô bị sụp đổ năm 280 và Lạc Dương bị mất năm 311, ông nội của Đỗ Viện làm Thái Thú Ninh Phố, một quận ở ngay bên kia biên giới phía bắc Giao Châu và được thành lập bởi nhà Ngô bằng cách cắt một phần đất của quận Uất Lâm và Hợp Phố. Có lẽ là để tránh những rối ren của vụ Vương Chi nổi loạn, nên họ Đỗ dọn xuống Giao Chỉ và định cư ở Chu Diên. Thái Thú Giao Chỉ, Đỗ Bảo, người bị Ôn Phóng Chi giết chết trước khi có chiến dịch năm 359 đánh Lâm Ấp, có thể là phụ thân của Đỗ Viện. Bắt đầu sự nghiệp là một quan chức của chính quyền Giao Châu, Đỗ Viện được thăng lên làm Thái Thú Nhật Nam, Cửu Đức và sau đó là Thái Thú là Giao Chỉ. Khi Lý Tốn nổi dậy năm 380, Đỗ Viện tập hợp được một số tùy tùng tấn công giết được Lý Tốn và nghênh đón Thứ Sử Đặng Độn Chi. Để thưởng công Tấn triều đình phong cho Đỗ Viện chức Vũ Long Tướng Quân.

Quan hệ giữa Đỗ Viện và Độn Chi rất thân thiết và kéo dài tới 20 năm cho tới khi Độn Chi trở về Bắc. Độn Chi vừa đi khỏi, Lâm Ấp lại động binh, phá vỡ cuộc hoà bình 40 năm.

Sau cái chết của Phạm Phật năm 380 là thời kỳ nhiếp chính vì con Phạm Phật là Phạm Hồ Đạt, lên nối ngôi lúc còn nhỏ tuổi. Khi Độn Chi đi khỏi Giao Châu vào đầu năm 399, Hồ Đạt, lúc bấy giờ đã lớn, nhân cơ hội ấy lại hâm nóng những tham vọng của cha và ông nội. Y tiến quân lên Bắc, chiếm ngay được hai quận Nhật Nam và Cửu Đức vì cuộc tấn công hoàn toàn bất ngờ và bao vây được thủ phủ hai quận trước khi quân trú đóng kịp trở tay. Đỗ Viện và người con thứ ba của ông không thể không có phản ứng. Theo tiểu sử của ông chép:

“Cẩn thận và kiên trì trong việc đối đầu với quân Lâm Ấp, hai cha con nhà họ Đỗ đã dùng dùng mưu lược gây cho quân địch rất nhiều thiệt hại. Hết tổn thất này đến tổn thất khác, cuối cùng Hồ Đạt phải rút quân về Lâm Ấp.”

Đây là một thí dụ điển hình về chiến tranh du kích mà có lẽ sau này đã trở thành bản năng tự vệ của các người Việt Nam. Họ Đỗ được kể như là có “gốc gác” Việt Nam nhất trong số những nhóm cai trị ở Giao Châu. Sinh ra và lớn lên trong lòng dân Việt, nhưng Đỗ Viện nổi bật lên là một lãnh tụ trung thành và có tài trong con mắt triều đình nhà Tấn. Sau khi đánh bại được Phạm Hồ Đạt, ông được bổ nhiệm làm Thứ Sử Giao Châu.

Năm 405, Hồ Đạt lại lần nữa đánh phá các vùng biên giới Nhật Nam khiến Đỗ Viện phải phái đội chiến thuyền đến tấn công bờ biển Lâm Ấp để trả đũa vào năm 407. Sau trận này, vùng biên giới Nhật Nam với Lâm Ấp lại được yên ổn vài năm, và các lãnh tụ Giao Châu lại quay sang củng cố thế lực nhưng không quên theo dõi tình hình chính trị rối ren ở phương Bắc, nơi mà những cuộc nổi loạn đang làm rung chuyển giang sơn Trung Quốc.

Năm 410, Thứ Sử Quảng Châu là Lư Tuần làm phản. Ông gửi sứ giả đến tìm Đỗ Viện để bàn việc hợp tác giành độc lập cho Quảng Châu và Giao Châu từ tay Tấn triều. Năm ấy Viện ngoài 84 tuổi. đã tạo dựng được một sự nghiệp vững chắc và chứng tỏ là bầy tôi trung thành của Tấn triều nên ông không thể thông đồng với một ý định phiêu lưu như thế. Vì thế Đỗ Viện sai chém đầu sứ giả của Lư Tuần. Năm sau, ông qua đời và các bộ tướng của ông nhất lòng đưa người con thứ năm của ông là Đỗ Tuệ Độ lên kế vị.

Đỗ Tuệ Độ trước đó là người giữ chức vụ về sổ sách dân số ở Giao Châu. Về sau, ông được bổ làm Thái Thú Cửu Chân. Ngay trước khi phụ thân qua đời, Tuệ Độ đã thiết lập được các quan hệ chặt chẽ với các viên chức ở Giao Châu. Việc ông được bầu lên kế vị cha còn được củng cố hơn nữa với việc Tấn triều chính thức phong ông làm “Đặc Cách Mục Bá” với quyền hành bao trùm tất cả việc quân sự ở Giao Châu và kiêm luôn chức Quảng Châu Thượng Tướng. Chức vị sau chót này hàm ý thúc dục Tuệ Độ ra tay dẹp trừ Lư Tuần đang làm loạn. Nhưng Tuệ Độ chưa kịp xoay trở, vì ngay trước khi chiếu chỉ bổ nhiệm ông tới được Giao Châu, Lư Tuần bị Lưu Du đuổi đánh nên phải chạy xuống phía nam qua ngả Hợp Phố rồi thẳng đường kéo xuống Giao Chỉ. Tuệ Độ đem 6.000 quân chận đánh Lư Tuần ở Thạch Kỳ, một địa điểm nằm trong Giao Chỉ. Lư Tuần bị thua, và quân sư của ông bị bắt nhưng Lư Tuần chạy thoát. Biết được rằng họ Lý vốn thù ghét họ Đỗ, Lư Tuần sai sứ đến gặp các con trai Lý Tốn là Lý Nhiếp và Lý Thoát đề nghị hợp tác. Hai anh em nhà họ Lý bèn kéo khoảng 5-6 ngàn quân bộ lạc Li xuống núi hợp sức với 3.000 lính tinh nhuệ còn sót lại dưới quyền lãnh đạo của Lư Tuần để tiếp tục cuộc phiêu lưu chống lại Tuệ Độ chứ chưa chịu bó tay.

Để đối chọi với liên minh đáng sợ này, Tuệ Độ bèn vội vã phân phát gia tài của ông cho các quan chức trong châu để khuyến khích họ trung thành với mình. Ông lại cử em trai làm Thái Thú Cửu Chân, nơi trung tâm quyền lực của họ Lý đồng thời hiệu triệu dân chúng và chuẩn bị quân đội. Khi Lư Tuần kéo đến Long Biên vào một sáng mùa hè năm 411, Tuệ Độ đã sẵn sàng nghênh chiến. Lư Tuần và quân chủ lực dùng chiến thuyền tiến ngược dòng sông. Tuệ Độ đứng trên mũi thuyền lớn và xua quân lâm trận tong khi bộ binh của ông cung tên sẵn sàng ở hai bên bờ sông. Tất cả các thuyền của Lư Tuấn bị tên lửa của Tuệ Độ bắn bốc cháy khiến quân sĩ bỏ chạy tán loạn. Lư Tuần sau khi bị trúng tên và thấy thế trận của mình đã vỡ bèn nhảy xuống sông tự vẫn.

Trận này Tuệ Độ đại thắng. Thân phụ của Lư Tuần, hai người con, và hai bộ tướng cùng với hai anh em họ Lý và một số lãnh tụ ly khai đều bị bắt và bị xử chém. Để tưởng thưởng công lao, Tấn triều phong cho Tuệ Độ làm “Long Biên Hầu” và ông được hưởng bổng lộc 1.000 hộ. Hai năm sau vào năm 413, Tuệ Độ lại thắng Lâm Ấp một trận quan trọng nữa khi Phạm Hồ Đạt đem quân xâm lăng Giao Châu. Sau nhiều trận đánh giằng dai ở Cửu Chân, hai người con của Hồ Đạt, một bộ tướng, hàng trăm sĩ quan khác, đều bị quân của Tuệ Độ bắt hay giết. Còn Hồ Đạt, cũng mất tích từ đó.

Tuy Hồ Đạt mất tích gây gặp nhiều rối ren trong việc truyền ngôi ở Lâm Ấp trong nhiều năm trời, nhưng việc tấn công cướp phá Nhật Nam vẫn còn tiếp diễn nên năm 415 Tuệ Độ lại phái một bộ tướng đi đánh dẹp. Năm 420 Tuệ Độ thân chinh đem 10.000 quân chinh phạt Lâm Ấp và thắng lợi rất lớn. Hơn một nửa quân của Lâm Ấp bị tiêu diệt và tất cả các đồ đạc tài sản bị Lâm Ấp cướp bóc trước đây đều được thu hồi. Khi Lâm Ấp xin hàng Tuệ Độ đã rộng lượng ra lệnh cho quân sĩ ngưng tấn công ngay và thả tất cả mọi tù binh Lâm Ấp trước khi lui về Nhật Nam. Cũng năm ấy, Đỗ Tuệ Độ sai con út là Hoằng Văn dẫn một đạo quân 3.000 người lên giúp đỡ ngai vàng nhà Tấn đang bị lung lay nhưng Hoằng Văn chỉ vừa kịp đến Quảng Châu thì được tình hình đã ngã ngũ là nhà Tấn đã vào tay nhà Tống, nên quay trở về. Về sau, một trong những chức vụ quan trọng mà nhà Tống phong cho Hoằng Văn là ” Lưỡng Biên Tướng Quân,” có nghĩa là họ Đỗ phải tuần tra hai miền biên giới bắc nam để phòng giặc hoặc những nhóm tìm cách ly khai khác. Gương phản loạn của Lư Tuần khiến họ Đỗ để ý nhiều hơn nữa đến những bất ổn khác nhau và tìm cách ngăn chặn ngay trước khi quá muộn.

Xét về những thành tích quân sự chống phản loạn ở phía Bắc và Lâm Ấp ở phiá Nam chứng tỏ Đỗ Tuệ Độ là một lãnh tụ có tài. Ông còn là một nhân vật đáng chú ý qua một trích đoạn tiểu sử của ông dưới đây:

“Tuệ Độ mặc quần áo vải thô như một thường dân. Ông chỉ ăn rau, sống thanh đạm và giản dị. Ông còn chơi đàn kìm rất hay và luôn cư xử đứng đắn lịch thiệp. Ông nghiêm cấm những hủ tục phóng túng bừa bãi, và chú tâm vào việc xây dựng trường học. Trong những năm đói kém, khi dân bị đói khổ, ông trích lương bổng của mình ra giúp đỡ họ. Ông cai trị rất khôn khéo và thân mật giống như điều khiển một gia đình. Nhã nhặn nhưng nghiêm nghị khiến những người phóng túng hư hỏng và những quân trộm cướp không dám hó hé và cổng thành không hề phải đóng về đêm. Vật gì ai đánh rơi ngoài đường không có người nhặt.”

Điều này thoảng nghe giống như những lời tuyên truyền cho một nhà cầm quyền lý tưởng. Nhưng thật thế, Đỗ Tuệ Độ biết dung hoà Khổng Giáo và Phật Giáo vì có lẽ trong cái mộc mạc khắc khổ của miền biên cương xa xôi này, chân lý dễ được người ta nghe theo hơn là ở các trung tâm quyền lực chốn “triều đình”. Dù sao, Đỗ Tuệ Độ phải có một tư chất đặc biệt nào đó để dân chúng sau này tôn sùng ông như của một thánh nhân huy hoàng như thế. Các đức tính và cách hành xử của Đỗ Tuệ Độ được truyền tụng cho ta thấy rõ các tinh chất của văn minh Trung Quốc đã hội nhập vào văn hoá Việt Nam sau này. Mặc dù được coi là một bầy tôi trung thành của triều đình phương Bắc, ông vẫn là người sinh ra và lớn lên ở Giao Châu. Trong khi lòng trung thành của ông đối với triều đình phần nhiều chỉ là vấn đề nghi lễ, hình thức, qua ông chúng ta vẫn có thể thấy một hình ảnh thu nhỏ của những quan hệ ngoại giao phiền phức giữa Giao Châu và Trung Quốc. Điều đáng nói là sau này họ Đỗ đã không coi Giao Châu là quê hương vĩnh viễn của mình. Con của Tuệ Độ, Hoằng Văn là người kế vị ông, tìm cách tiến cao hơn trong Tống triều khi vội vã rời bỏ đời sống gò bó quê nhà ở Giao Châu lên kinh đô để phải một giá quá đắt là chính mạng sống của mình và không còn ai kế thừa dòng họ Đỗ trong việc cai trị Giao Châu từ đó về sau. Chi tiết việc này là vào năm 427, Hoằng Văn được sắc chỉ Tống triều gọi về kinh để giữ chức Đình Úy và cử Vương Huy Chi làm tân thứ sử Giao Châu thay thế ông. Thế là ước vọng lớn nhất của Hoằng Văn được thoả mãn và ông lập tức lên đường mặc dầu bị lâm bệnh đột ngột. Khi được đề nghị là hãy nán lại, đợi khi bình phục hãy đi thì ông nói: “Nhà ta đã ba đời hưởng lộc vua; ta vẫn luôn luôn muốn được về triều để tâu trình mọi việc về trách nhiệm của ta. Giờ đây ta được đích thân triệu về, tại sao lại trì hoãn ?”

Hoằng Văn mong mỏi được Tấn triều ghi nhận công lao xứng đáng của gia đình ông sau bao năm trấn thủ ở phương trời quê mùa này đến nỗi bất kể bạo bệnh, cùng thân mẫu tháp tùng chăm sóc, ông vẫn lên đường. Đến Quảng Châu thì ông không cưỡng lại bệnh tật nên qua đời. Thế là sau gần nửa thế kỷ, quyền thế của họ Đỗ ở Giao Châu không còn nữa.

Trong suốt thời gian cầm quyền ở Giao Châu, họ Đỗ đã tạo được sự yên ổn cho các quan chức địa phương vì nhà Tấn bị nhiễu nhương và rối loạn không có thời giờ nom dòm đến miền nam. Việc ông lựa chọn không ngả theo việc dành độc lập do Lý Tốn khởi xướng có hai lý do. Trước là vì thế lực quân sự của nhà Tấn sau cuộc chiến tranh với Lâm Ấp vẫn còn. Sau là, mặc dù chỉ là hình thức, đám quan quân sau chiến tranh vẫn còn thanh thế để tiếp tục duy trì ảnh hưởng Tấn triều. Lại xét việc nổi dậy của Lư Tuần, Lý Du cũng chẳng làm gì được trong tình trạng đó và họ Lư cũng chỉ biết trông cậy vào một nhóm đồng minh của họ ở trên núi hầu hậu thuẫn cho phong trào độc lập. Họ Đỗ rõ ràng đã đạt được một sự đồng tâm nhất trí với giới cầm quyền ở địa phương. Trái lại gia đình họ Lý vẫn không xóa được những dị biệt với các thủ lãnh địa phương trong khi tiếp tục tìm cách ly khai khỏi ảnh hưởng phương bắc. Các chế độ nối tiếp nhau của Trung Quốc ngày càng hiểu rõ rằng mầm mống ly khai ấy không thể diệt trừ hết được. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, các ước vọng ly khai và độc lập ấy cuối cùng rồi cũng đơm bông kết trái thành một nước Việt Nam độc lập.


việt nam khai quốc: lý phật tử & sư tổ tỳ ni đa lưu chi (Vinitaruci) (chương 4, phần 4)

clip_image001

Chùa Dâu còn gọi là chùa Pháp Vân tỉnh Bắc Ninh được xây khoảng thế kỷ thứ 3, tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu Việt Nam

Nhìn lại những truyền thống bản xứ có từ thời thượng cổ mà Triệu Quang Phục đã tìm cách khôi phục và bổ túc thêm thì chiều hướng văn hoá ở Giao Châu dưới thời kỳ Lý Phật Tử được xem như là thời Phật Giáo đầu tiên được Việt Nam hóa. Một thế kỷ trước đó, hoàng đế Cao của nhà Tề (479-482), người rất sùng đạo Phật, đã loan báo ý định gửi những phái bộ truyền đạo Phật từ Trung Quốc xuống Giao Châu nhưng Tăng Thiện, một nhà sư gốc Trung Á, đã khuyên vua Tề rằng:

“Đất Giao Châu đã đang tiếp xúc với Ấn Độ. Giáo lý của Phật chưa được truyền đến kinh đô Tề của ta mà hai chục công trình Phật Giáo đã được xây dựng ở Luy Lâm, Giao Châu với hơn 500 người quy y và thuộc làu làu 15 pho kinh Phật rồi… Như vậy gửi những phái bộ truyền đạo đến đó là không cần thiết. Thay vào đó chúng ta nên gửi các quan chức đến để thanh sát những chùa chiền, tu viện tại đó…”

Đây là thông tin duy nhất còn lưu lại nói về tình trạng Phật Giáo Việt Nam giữa thời Sĩ Nhiếp cho đến thế kỷ 6. Rõ ràng là Phật Giáo đã đạt được một vị trí vững vàng trong dân chúng Việt Nam thời đó.

Thế kỷ 6 là thời kỳ đặc biệt sáng sủa cho sự phát triển của Phật Giáo ở Việt Nam. Việc các khuynh hướng Phật Giáo ở Ấn Độ và Trung Quốc được hội nhập và phát triển một cách dễ dàng và sốt sắng ở Việt Nam là bằng chứng của sự trưởng thành và nghị lực của Phật Giáo Việt Nam. Chúng tôi đã nói đến kiểu tượng Phật Long Môn với nét điêu khắc được coi như là bằng chứng về việc Phật Giáo Trung Quốc du nhập và phát triển tại Việt Nam vào thời Lý Bí. Cũng có nhiều bằng chứng khác cho thấy mối liên quan trực tiếp hơn về việc tiếp xúc giữa Phật Giáo Trung Quốc và Việt Nam vào thế kỷ thứ 6.

Dưới triều đại Trần Bá Tiên (557-589), chưởng môn đời thứ 3 của giáo phái Thiên Thai là Trí Nghi (538-597) đi thuyết pháp, viết kinh và tìm cách hệ thống hóa giáo lý nhà Phật. Mang tính chiết trung và không nhất thống trong phương pháp nhưng những chủ thuyết của giáo phái Thiên Thai vẫn lan tràn rất nhanh trong dân giã Việt Nam. Tuy nhiên giáo thuyết này lại chẳng tạo ảnh hưởng được giai cấp cầm quyền Việt Nam nếu đem so sánh với môn phái ngồi trầm tư mặc tưởng mà tiếng Phạn gọi là Dhyana, tiếng Trung Quốc gọi là Ch’an, tiếng Nhật gọi là Zen và tiếng Việt gọi là Thiền.

Thiền đã du nhập vào Trung Quốc từ một nhà sư Ấn Độ tên là Bồ Đề Đạt Ma. Nhà sư này đã du hành đến Trung Quốc và ở lại Thiếu Lâm Tự trong nửa phần đầu thế kỷ thứ 5. Phần lớn những gì nói về đức Bồ Đề Đạt Ma đều là huyền thoại cả. Tương truyền rằng sau này một đệ tử của đức Đạt Ma là Tuệ Khả lại truyền giáo lý lại cho nhà sư Tăng Xán. Trong thời kỳ Phật Giáo bị ngược đãi dưới triều hoàng đế Vũ (561-577) của Bắc Chu, cư sĩ Tăng Xán phải ẩn náu trên một ngọn núi ở Hồ Nam.

Năm 574, một người đạo Bà La Môn từ miền Nam Ấn Độ tên là Tỳ Ni Đa Lưu Chi tức Vinitaruci du hành đến miền Bắc Trung Quốc. Đem hết tuổi trẻ và tâm huyết vào việc nghiên cứu Phật Giáo ở Tây Ấn Độ nhưng chưa thành chánh quả, Tỳ Ni Đa Lưu Chi quyết đi tầm sư học đạo thêm nữa. Trên đường đi ông đã tới ngọn núi mà Tăng Xán ẩn náu và đã bái Tăng Xán làm sư phụ. Sau đó Tăng Xán khuyên Tỳ Ni nên tiếp tục du hành về phương Nam vì tình hình bất ổn ở phương Bắc, và nhất là sự ngược đãi Phật Giáo đang hoành hành ở đó. Xuôi nam Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến Quảng Châu và được một người tôn sư trọng đạo là Trần Quân Cảo, Đô Đốc Quảng Châu từ 576 đến 578, che chở. Trong thời gian lưu lại Quảng Châu Tỳ Ni đã dịch hai cuốn kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Quốc. Sau khi Trần Quân Cảo qua đời thì Quảng Châu lại trở nên hỗn loạn. Chính vì thế mà năm 580 Tỳ Ni Đa Lưu Chi lại một lần nữa xuôi Nam đến Giao Châu và tìm được nơi ẩn náu tại chùa Pháp Vân ở Luy Lâu, một trong bốn ngôi chùa đã được xây từ thời Sĩ Nhiếp. Suốt 14 năm trụ trì tại chùa Pháp Vân cho đến khi ông viên tịch tại đó vào năm 594, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch thêm cuốn kinh thứ 3 và thu hút được nhiều đệ tử thọ giáo. Trong số các đệ tử mà ông quý mến nhất có nhà sư Pháp Hiển là người được ông truyền lại hết sở học mà ông lãnh hội được trước đó ở Tây Ấn Độ cũng như từ nhà sư Tăng Xán.

Sư Pháp Hiển, gốc ở Chu Diên và mang họ Đỗ. Việc Pháp Hiển có phải là hậu duệ của Đỗ Tuệ Độ, người đã cai trị Việt Nam hồi thế kỷ 4 và 5, hay không thì không rõ. Cũng cần biết rằng thiền pháp đã được đưa vào Việt Nam trước khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến Giao Châu, vì trước đó Pháp Hiển đã tu tập và đạt chánh quả với Quán Duyên, một thiền sư khác cũng ở chùa Pháp Vân. Tuy nhiên Pháp Hiển lãnh hội được cái “tinh hoa và cao siêu” của thiền pháp phần chính là từ đức Tỳ Ni. Sau khi đức Tỳ Ni Đa Lưu Chi viên tịch, Pháp Hiển cho xây ngôi chùa Chung Thiên trên núi Tu, khoảng 20 dặm về phía Tây Bắc thành Luy Lâu thuộc Bắc Ninh hiện nay. Pháp Hiển Thượng Sĩ viên tịch năm 626, sau khi đã truyền thụ thiền pháp cho hơn 300 đệ từ tất cả những gì Pháp Hiển đã học được từ thiền sư Quán Duyên và nhất là từ Sư Tổ Thiền Tông Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

Việc du nhập Thiền Tông Phái một giáo phái mới, việc chấp nhận một vị sư phụ là người nước ngoài, việc xây dựng một ngôi chùa mới, và việc tụ tập bao nhiêu sư sãi sẽ không thể thực hiện được nếu không có một môi trường ủng hộ tôn giáo. Thêm vào đó còn cần một cộng đồng có đủ tư cách để giữ chân được một vị sư phụ đến từ nước ngoài, và đủ trưởng thành để đáp ứng và tiếp thu được sự hướng dẫn và dạy bảo của sư phụ người Ấn Độ ấy. Và trên hết cần phải có một lãnh tụ sùng đạo và có thực quyền để có thể bảo đảm điều kiện thái bình ở trong nước. Lý Phật Tử chính là một lãnh tụ như thế. Tên của ông là Phật Tử, tức con Phật, đã phần nào nói lên điều này. Thật ra chưa chắc ông đã dùng đến tên ấy cho đến mãn đời vì có giả thuyết cho rằng Lý Hữu Vinh, viên “Thứ Sử Giao Châu”, mà năm 583 đã tiến voi triều cống nhà Trần chính là Lý Phật Tử. Lý Hữu Vinh có thể là một tên khác mà Lý Phật Tử đã dùng thời gian triều cống voi nhà Trần, lý do phải dùng tên khác vì ông không muốn tiết lộ tên thật cho Trung Quốc biết vì sự bất trắc của thời đại mà cũng có thể là vì kế sách ngoại giao. Chắc vì thế mà trong cảnh hỗn loạn đánh dấu cuộc chuyển tiếp quyền hành từ nhà Trần sang nhà Tùy năm 580-590, Lý Phật Tử được sử sách Trung Quốc gọi là Lý Xuân. Lý Bí đã đặt tên nước là Vạn Xuân nên trong thời gian rối ren ấy, tên họ của Lý Phật Tử có lẽ đã được ghép với tên nước Vạn Xuân để thành Lý Xuân chăng?

zen image

Thiền Tông Phái

Với ba chục năm dài trị vì, sử liệu Việt Nam đã tôn vinh Lý Phật Tử như một người có công rất lớn trong việc làm sáng tỏ được bối cảnh chính trị thời gian đó bằng việc tạo cơ hội cho Thiền Tông Phái du nhập và phát huy tại Việt Nam khi đức Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người khai xướng thiền phái này, du hành xuống miền Nam để tìm một môi trường thái bình yên ổn có thiện cảm với Phật Giáo. Cũng như trong các thời kỳ trước đó, mỗi khi có binh biến hoặc thay đổi triều đại ở Trung Quốc, Việt Nam lại được hưởng một thời kỳ thái bình và thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của các lãnh tụ địa phương tài đức. Chính môi trường ủng hộ tôn giáo như đã nói ở trên đã lôi cuốn đức Tỳ Ni Đa Lưu Chi, khiến ông có thể yên tâm sáng lập được một tông phái mới ở Việt Nam mang tên ông. Phái Tỳ Ni hay còn gọi là Thiền Tông Phái là phái thứ nhất trong ba tông phái Thiền Phật Giáo chính trong lịch sử Việt Nam. Ba tông phái Phật Giáo Việt Nam này [Thiền Tông, Tịnh Tông, và Mật Tông] đã đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ độc lập sơ khai và kéo dài mãi cho tới thế kỷ 13.


việt nam khai quốc, chương 3, phần 5: nhà Tống với Lâm Âp

Khi thay thế nhà Tấn cai trị Giao Châu, việc đầu tiên nhà Tống làm là tìm cách dẹp yên các cuộc quấy phá từ lân bang Lâm Ấp. Dưới trướng Phạm Dương Mại, một vị vua trẻ và luôn rắp tâm bắc tiến, năm 424, quân Lâm Ấp tiến chiếm phần còn lại của Nhật Nam và đột kích Cửu Đức. Đỗ Hoàng Văn đang chuẩn bị chinh phạt Lâm Ấp để trả đũa thì được sắc chỉ nhà Tống lên Nam Kinh nhậm chức mới. Vương Huy lên thay Đỗ Hoàng Văn làm Thứ Sử Giao Châu nhưng việc chinh phạt không được thực hiện được vì Vương Huy, vốn là đại thần tại triều đình, đang quá bận bịu trong việc củng cố quyền hành của nhà Tống ở các địa phương khác.

Lợi dụng cơ hội đó, Dương Mại cho củng cố đồn lũy pháo đài ở Khu Túc, gần cửa sông Gianh, nơi từng được Phạm Hồ Đạt phòng thủ cẩn thận trong chiến dịch vào năm 399 trước đó. Là một trung tâm thương mại quốc tế và trấ biên đồn phía Bắc của Nhật Nam cũ, nên Khu Túc giữ vị trí then chốt trong cuộc phòng thủ vùng biên giới Lâm Ấp.

Năm 430, để dò xét thái độ của nhà Tống, Dương Mại vờ sai sứ giả sang triều cống và xin lỗi về việc đã có hành động không hữu nghị với Giao Châu. Tin rằng nhà Tống sẽ không có phản ứng mạnh nên năm 431, Dương Mại lại đem trên 100 chiến thuyền vào đánh phá bờ biển Cửu Đức. Trái với dự đoán của Dương Mại, Nguyên Di Chi, người kế vị Vương Huy, lập tức sai một đạo quân và một đội chiến thuyền đến Khu Túc để phản công nhưng vì thời tiết xấu và thủy chiến vào đêm tối không có lợi nên đội chiến thuyền không tiến được và chiến dịch lại bị bãi bỏ.

Thừa thắng xông lên Dương Mại yêu cầu vua Phù Nam giúp thêm binh sĩ để tiến chiếm Giao Chỉ, nhưng bị từ chối. Năm 433, Dương Mại lại sai sứ sang yêu cầu nhà Tống chính thức nhường đất Giao Chỉ nhưng tất nhiên Tống triều từ chối. Thế là liên tiếp vào những năm 435, 438, 439 và 441, Dương Mại một mặt gởi đồ cống nạp Tống triều, một mặt gia tăng đột kích, xâm nhập đất Giao.

Phản ứng của nhà Tống thương đến chậm, nhưng lại được chuẩn bị kỹ và thi hành triệt để. Mặc dù các triều vua ở Nam Kinh thường quá yếu không gây được ảnh hưởng đối với tình hình Giao Chỉ nhưng khi tình hình trở nên nghiêm trọng thì họ cũng có thể huy động đủ binh lực để đem quân chinh phạt miền Nam xa xôi. Lần này, việc huy động binh lực dễ dàng hơn nhờ sự quan tâm về quyền lợi sống còn của những gia đình làm nghề thương mại và thuộc lớp quý tộc trong xã hội Tống từng di dân xuống miền Nam trước đó. Thế là sau một thời gian lơ là vì chiến cuộc bất phân thắng bại ở phiá Bắc Tống triều lại quay sự chú ý về phương Nam.

Năm 433, Thứ Sử Giao Châu lúc đó là Đàn Hòa Chi được lệnh tuyển mộ binh sĩ và sĩ quan để sửa soạn chinh phạt Lâm Ấp. Ba năm sau, khi đã chuẩn bị cẩn thận, Hòa Chi đưa xuống miền Nam một đạo quân hùng hậu do hai tướng chỉ huy: một là Tông Sắc, một tướng giỏi từng tình nguyện tham gia cuộc viễn chinh và được phong chức Thống Soái với tước hiệu ” Kích Chiến Tướng Quân,” hai là Tiêu Cảnh Hiến, một tướng kỵ binh nổi tiếng được giao ấn tiên phong vì từng ứng xử rất tài tình đối với những biến cố ở biên cương.

Được tin quân Hòa Chi đang đến, Dương Mại run sợ và sai sứ giả đến điều đình để xin trả lại tất cả những tù binh và lãnh thổ đã chiếm cùng với một số tiền bồi thường bằng vàng và bạc rất lớn. Hòa Chi tiến vào Nhật Nam và cử sứ giả sang Lâm Ấp mang thư Tống triều chấp thuận việc xin hàng của Dương Mại. Nhưng Dương Mại đã lấy lại được bình tĩnh và trở mặt bằng cách bắt giam phái bộ Tống và sai một bộ tướng đến phòng thủ Khu Túc. Nhưng quân Tống nhanh chóng bao vây Khu Túc và, mặc dù có quân cứu viện từ Lâm Ấp kéo lên, Khu Túc bị quân Tống đè bẹp. Tương truyền rằng quân Tống giết hết tất cả người lớn trong thành khiến khắp nơi máu chảy đầu rơi, xác người chất cao thành núi, còn bao nhiêu của cải vàng bạc đều bị quân Tống chiếm hết làm chiến lợi phẩm.

Từ Khu Túc, quân Tống kéo thẳng xuống kinh đô Lâm Ấp. Trong tình thế tuyệt vọng, Dương Mại bắt hết dân trong nước xung vào quân đội, thành một đạo quân lớn được dẫn đầu bằng một đội voi chiến mình bọc sắt. Quân Tống, theo sử chép, hầu như đều thất đảm khi thấy sẽ phải đương đầu với một đội quân đông như thế nhưng Tống Sắc nói: “Ta nghe nói sư tử là giống vật mà tất cả các loài vật phải sợ.” Thế rồi ông ra lệnh cấp tốc chế các con sư tử bằng tre thật to ngoài phất giấy. Quân Tống dàn hàng ngang tiến lên với những con sư tử bằng giấy được vác đi trước khiến đội binh voi của Lâm Ấp hoảng sợ quay đầu chạy tán loạn dầy xéo lên nhau mà chết.

Quân của Dương Mại bị tan tác hoàn toàn và ông phải chạy trốn lên núi. Hòa Chi đại thắng, kéo quân vào kinh đô Lâm Ấp và lấy được không biết bao nhiêu chiến lợi phẩm, kể cả 50 tấn vàng ở các chùa chiền và dinh thự. Quân Tống còn đồn trú tại Lâm Ấp thêm gần một năm. Mãi đến năm 447 khi quân Tống rút hẳn thì Dương Mại mới dám mon men trở về. Nhìn tận mắt cảnh tan hoang, dân chúng gần như bị giết sạch nên sau đó Dương Mại quá buồn rầu mà chết.

Cuộc chinh phạt Lâm Ấp của Đàn Hoà Chi đã chấm dứt một thế kỷ chiến tranh dai dẳng. Từ đó về sau, miền biên thùy được hưởng thái bình. Kinh đô cũ của Lâm Ấp, ở gần kinh thành Huế bây giờ bị phế bỏ và những người kế vị Dương Mại lập kinh đô mới ở Trà Kiệu quá về phía Nam, gần Đà Nẵng ngày nay.

Nguyên thủy là một tiền đồn phía cực Nam của đế quốc Hán, Nhật Nam trong ba thế kỷ đã luôn bị Lâm Ấp dòm ngó vì các vua Lâm Ấp đã hiểu biết được thực lực lúc lên lúc xuống của bắc triều. Trong suốt thời gian này Nhật Nam đã là một bãi chiến trường về cả văn hoá và chính trị. Khi mà quân lực của Trung Quốc càng mạnh bao nhiêu, chiến cuộc càng gay cấn bấy nhiêu. Mặc dầu Nhật Nam vẫn còn trong tay Trung Quốc qua biến cố bi thảm vào năm 446, sự tàn bạo của chiến cuộc đã cho thấy rõ rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc đem quân đi chinh phục một vương quốc lân bang chứ không phải giải phóng một quận mà họ đang đô hộ. Sau một thời gian làm bá chủ miền biên giới thì nhà Hán lại trở nên tàn tạ không còn sức để chinh phạt phương nam và nhiên hậu Nhật Nam cũng dần dần vào tay vương quốc Lâm Ấp. Rõ ràng Nhật Nam đã tách rời ra khỏi quĩ đạo bắc triều không bằng chiến tranh mà bằng vị trí địa dư nơi mà rặng Hoành Sơn đã trở thành lằn ranh văn hoá và chính trị đối với bắc triều. Trong khi đó vương quốc Lâm Ấp lại càng phát triển các ảnh hưởng xuống các vùng xa về phía nam và đồng thời củng cố mặt trận văn hoá và chính trị. Lịch sử sau này cho thấy rằng phải mãi đến thế kỷ 15, người Việt Nam mới chính thức lấy lại được Nhật Nam.

TỐNG TRIỀU CÁO CHUNG

Trong khi biên giới phía nam của Giao Châu thu gọn vào một đường ranh giới theo địa lý thiên nhiên hơn, một tiến trình tương tự cũng xảy ra ở miền Bắc. Sau khi quân Tống chiến thắng quân Lâm Ấp trở về, Tiêu Cảnh Hiến được phong Thứ Sử Giao Châu để thưởng công cho ông đã “vỗ yên được các dân man di vùng hoang dại.” Quyền hành quân sự của Tiêu Cảnh Hiến còn bao trùm các huyện Uất Lâm và Ninh Phố ở Quảng Châu là hai huyện biên thùy nằm trong vùng núi phân chia lưu vực sông Tích và sông Hồng và cách bờ biển bởi huyện Hợp Phố. Còn ở mặt Tây là các miền đất rừng núi hoang vu của Vân Nam và Quế Châu. Việc bổ nhiệm Tiêu Cảnh Hiến khởi đầu một chính sách khai mở những vùng đất trước kia bị bỏ hoang dẫn đến đưa đến việc thành lập Việt Châu gồm có Hợp Phố và vùng đất giữa Quảng Châu và Giao Châu vào năm 471. Thế là vùng biên thùy phía bắc Giao Châu nay bị thu nhỏ lại vì Hợp Phố được tách rời ra để thành trung tâm của Việt Châu mới được thành lập.

Dưới thời Tống cũng có nhiều sự thay đổi về mặt hành chánh trong nội bộ giới cai trị Giao Châu. Quận Giao Chỉ được chia ra để lập quận Tống Bình ở Nam sông Hồng, Hà Nội ngày nay. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên có ý nghĩa hành chánh ở Giao Châu kể từ những năm 270 khiến dẫn đến việc mở rộng hệ thống dẫn thủy nhập điền dọc sông Hồng nhằm phát triển các vùng trồng lúa và dân cư đông đúc. Là trung tâm địa lý của đồng bằng sông Hồng, tầm quan trọng của vùng này còn tăng hơn nữa khi phần phía nam được dần dần khai phá để trồng trọt.

Nhắc lại cuộc chinh phạt Lâm Ấp vào năm 446, mặc dù Tông Sắc, vị thống soái của Tống, từ chối không nhận phần chia các chiến lợi phẩm, nhưng những binh lính Tống, không được hào hiệp như ông, thì lại khác. Các vật phẩm họ mang về đã trở thành một sức bật kinh tế cho miền Nam vào thế kỷ thứ 5 dẫn đến những tăng trưởng rất nhanh về dân số và hành chánh mặc dầu sự tăng trưởng này chỉ giới hạn vào Quảng Châu và Việt Châu.

Bảng 3 dưới đây cho thấy những chi tiết về hành chánh và dân số dưới ba triều đại ở thế kỷ thứ 5. Trong khi con số các huyện ở Quảng Châu tăng gần gấp ba và những con số ở Việt Châu cũng tăng lên nhiều, ở Giao Châu lại giảm một ít.

Bảng 3. HỒ SƠ HÀNH CHÁNH ĐỜI TẤN, TỐNG VÀ TỀ

TẤN (265-419) TỐNG (420-478) TỀ (479-501)
Số Huyện:
Quảng Châu
Việt Châu
Giao Châu

68

53

136
7
53

188
55
52
Số Hộ Dân: (nhà Tề không có)
Quảng Châu
Việt Châu
Giao Châu

43,120

25,600

49,726
938
10,453
Số Hộ Dân ở Giao Châu theo Quận:
(nhà Tề không có, nhà Tống không đủ)
Hợp Phố
Giao Chỉ
Tân Xương
Vũ Bình
Cửu Chân
Cửu Đức
Nhật Nam


2,000
12,000
3,000
5,000
3,000

600



4,233

1,490
2,328
809
402

Tài liệu: Tấn Thư: trang 15; 8b; 9b; Tống Thư: 38. 23b-44b; Nam Tề Thư: 14-20a 28b.

Thống kê dân số đời Tấn và Tống chỉ gồm có các hộ dân và không đầy đủ (một sử gia đương đại ước tính rằng dân số thực sự của Giao Châu ít ra cũng phải nhiều gấp 10 lần như thế). Những con số thống kê đời Tấn rõ ràng chỉ là những con số ước đoán nên không thể cho biết chính xác về dân số lúc đó. Tuy nhiên vì đây là những con số chính thức từ giới cầm quyền chúng ta có thể kết luận rằng từ nửa thế kỷ 5 về sau, nền cai trị của Trung Quốc đang dần biến khỏi Giao Châu.

Quyền lực của nhà Tấn ở Giao Châu bị sa sút sau khi kết thúc chiến tranh với Lâm Ấp vào thế kỷ 4; và quyền lợi của nhà Tống ở thế kỷ 5 cũng thế khi các triều đình chìm đắm trong say sưa, trác táng và bạo loạn. Năm 479, họ Tiêu hạ bệ nhà Tống và lập nên nhà Tề. Năm 502, một vị hoàng thân khác lại phế bỏ nhà Tề và lập nên nhà Lương. Cùng lúc đó Trung Quốc phải thường xuyên đánh nhau với xứ Toba ở phương bắc, và do đó họ chẳng còn thời giờ ngó ngàng đến miền Nam xa xôi nữa.

Dưới triều vua Tiêu Ngô (454-64), Hoàn Hoành đuợc bổ làm Thứ Sử Giao Châu sau khi hối lộ một món tiền khổng lồ. Sau đó Hoàn Hoành lại đem bán lại các chức vị cấp dưới để lấy cả vốn lẫn lời mặc dù phải nộp một số phần trăm cho triều đình. Rõ ràng những quan chức được mua bán ấy phần lớn đến Giao Châu chỉ để vơ vét cho thật nhiều so với số tiền họ đã bỏ ra để đầu tư. Tuy nhiên, cai trị Giao Châu thời ấy có hai quan chức Tống không thuộc loại tham ô này. Một là Thứ Sử Nguyễn Nghiên, một nhà thư pháp có nét chữ rất đẹp. Một vị đại thần khác là Truơng Mục Chi là người khi biết trong triều có “đại hoạ sắp đến” nên yêu cầu được bổ nhiệm đi xa làm Thái Thú Giao Chỉ để yên thân.

Vì tham nhũng và thái độ “làm giàu mau lẹ” luôn ám ảnh các quan chức từ phương bắc nên giới cầm quyền địa phương, hỗ trợ bởi các gia đình có thế lực, đều tìm mọi cách để nắm lại quyền kiểm soát mọi công việc ở trong châu. Năm 468, nhân lúc Thứ Sử Lưu Mục chết vì bệnh một người địa phương tên là Lý Trượng Nhân nổi lên giết hết các quan chức từ phương bắc xuống và tự xưng làm Thứ Sử Giao Châu. Trong khi đó vì thực lực của triều đình không có nên Thứ Sử Quảng Châu cũng bị loạn quân giết. Vài tháng sau, triều đình Trung Quốc lại cử Lưu Bột xuống thay Lưu Mục làm Thứ Sử Giao Châu nhưng Trượng Nhân đóng cửa biên giới để ngăn không cho Lưu Bột đến. Lưu Bột chết sau đó không lâu và Tống triều đành chính thức công nhận Lý Trượng Nhân làm Thứ Sử Giao Châu.

Khoảng những năm 468 và 471, Lý Trượng Nhân chết và cháu là Lý Thục Hiên lên thay. Nhưng Thục Hiên không đủ bản lãnh thi hành nhiệm vụ được, nên lại xin triều đình bổ một Thứ Sử khác. Tống triều bèn bổ nhiệm Thái Thú Nam Hải là Trần Hoàn làm Thứ Sử Giao Châu và Thục Hiên làm Thái Thú Tân Xương và Vũ Bình. Có lẽ vì đã được chính thức bổ nhiệm nên thế lực của Thục Hiên đã khá hơn khiến ông có thể mộ binh bố trí miền biên giới và bất tuân lệnh Tống triều không cho Trần Hoàn vào. Hoàn lại phải đợi lại ở Uất Lâm rồi lâm bệnh và chết ở đó.

Năm 471, Việt Châu được thành lập từ phần đất cắt của Quảng Châu và Giao Châu. Lý do chính của việc này là gián tiếp xác nhận rằng Giao Châu vẫn còn những phần đất thuộc quyền kiểm soát của triều đình, quan trọng nhất là Hợp Phố mà sau đó trở thành thủ phủ của Việt Châu, miền biên thùy mới của giang sơn Trung Quốc.

Vẫn có những toan tính từ bắc triều, mặc dù vô ích, nhằm xác nhận lại quyền kiểm soát Giao Châu như vào năm 473, Thứ Sử Việt Châu là Trần Bá Thiệu được bổ nhiệm sang làm Thứ Sử Giao Châu vì nghĩ rằng ông có khả năng thi hành luật pháp ở đấy nhưng không xong. Năm 477, Trần Lượng Đức, một tướng quân khác, lại được bổ vào chức Thứ Sử Giao Châu nhưng cũng không thành và tin này mãi sáu tháng sau mới được công bố khi ông đã được đổi đi làm Thứ Sử Quảng Châu.

Năm 479, khi nhà Tống sụp đổ và nhà Tề nắm quyền, Lý Thục Hiên vẫn còn kiểm soát được Giao Châu. Năm ấy, vị tân hoàng đế nhà Tề phải ra tuyên cáo về vấn đề Giao Châu như sau:”Giao Châu đứng tách ra khỏi Trung Quốc, không đóng thuế và không thèm giữ liên lạc.

Tuy nhiên nhận thấy Lý Thục Hiên vẫn giữ được thái bình và những biểu tâu của các quan chức dân sự và quân sự trong vùng đều khen ngợi khả năng của ông nên tuyên cáo kết thúc bằng việc phong cho Thục Hiên chính thức làm Thứ Sử Giao Châu.”

Những cố gắng nhằm lấy lại sự thần phục của Giao Châu bằng những lời tuyên cáo đường mật với Thục Hiên cũng chỉ là hoài công vô ích như đã được thấy rõ trong lời trích của một quan chức Tề thời đó là Dương Hùng Châm: “Giao Châu đã đi theo đường lối riêng của nó. Nằm trong vùng ven chân trời và tiếp xúc với bọn man di miền Nam xa lắc, nó sản xuất được nhiều đồ quý hiếm, những đồ lạ và không có gì so sánh được đều được thu thập từ vùng núi và biển. Dân chúng ở đó tin là họ được bảo vệ nhờ vị trí xa xôi hẻo lánh và giao thông khó khăn, và họ luôn sẵn sàng nổi lên làm loạn.”

Một quan chức khác nữa của Tề là Lưu Thiện Minh cũng lại viết rằng: ” Nên gạt Giao Châu ra khỏi bản danh sách những đất thuộc thẩm quyền hoàng triều vì Giao Châu ở xa và không dễ lui tới được.” Ông giải thích rằng trong những năm cuối cùng của nhà Tống, Giao Châu đã bị cai trị một cách khắt khe và do đó càng trở nên bất mãn hay nổi loạn. Lưu Thiện Minh đổ lỗi cho các triểu đại trước đã gây ra tình trạng ấy. Ông thừa nhận sự cai trị yếu kém ở biên giới là nguyên nhân gây ra những rối loạn, bất ổn và tuyên bố rằng triều đình Tề sẽ thi hành một chính sách mới “nhân từ và đạo đức.” Đó là một lối nói uyển ngữ hàm ý “ra tuyên cáo, rồi ngồi chờ xem”, một chính sách theo kiểu tuyên bố miệng vì không có thực lực mà ra. Nói một cách thực dụng, Thiện Minh khẳng định là Giao Châu chỉ tốt cho việc vơ vét làm giàu.

Chính sách “nhân từ và đạo đức” của nhà Tề cũng chẳng hiệu quả gì đối với Giao Châu. Cuối năm 484, một chiếu chỉ nói rằng Giao Châu không chịu nộp thuế, làm lơ trước những mệnh lệnh, lại chặn lấy những đồ triều cống của những nước ngoài. Và quyết định được công bố là phải đánh cái châu bướng bỉnh ấy. Quyết định dứt khoát này chỉ được đưa ra vào một trong những năm mà triều đình Tề phù du tương đối ổn định.

Năm 485, Lưu Khải được Tề bổ nhiệm làm Thứ Sử Giao Châu và được hộ tống bởi một đội quân hùng hậu. Được tin quân Tề sắp kéo đến, Lý Thục Hiên vội vã tìm cách tiếp xúc với triều đình bằng cách sai sứ giả đem thật nhiều đồ cống tiến và hứa sẽ giải tán quân sĩ và nộp thuế thường xuyên nhưng vua Tề giả điếc. Khi Lưu Khải đến gần biên giới, Thục Hiên, để tỏ lòng trung thành, đích thân tìm về kinh đô trong một cố gắng cuối cùng, nhưng vô hiệu.

Gia đình họ Lý duy trì được thế lực ở Giao Châu trong suốt thời kỳ chuyển tiếp từ Tống sang Tề. Họ cũng làm tương tự như họ Lý trước vào năm 380 bằng cách đóng cửa biên giới Giao Châu, nhưng lần này thì khác vì triều đình không còn thiết lập được sự cai trị chính thức ở Giao Châu nữa. Ngược với nhà Lý, Gia đình họ Đỗ một thế kỷ trước đó thì khác, họ cũng có tham vọng nhưng vẫn duy trì ý niệm trung thành với bắc triều.

Khi Lý Trượng Nhân mất, Lý Thục Hiên vẫn đi tìm một sự bổ nhiệm chính thức để yên tâm, không sợ bị đánh phạt. Sự kiện ông chỉ được bổ nhiệm quản lý hai quận thôi không quan trọng, mà việc được thừa nhận chính thức mới là quan trọng để ông có thể đoàn kết được cả Giao Châu lại hầu chống với ba ông Thứ Sử do hoàng triều chính thức bổ nhiệm về sau. Chỉ sau khi cuộc khủng khoảng trong triều đình Trung Quốc chấm dứt hẳn và quân đội được gởi xuống Thục Hiên mới nhận ra rằng ông đang đi vào ngõ cụt. Xét về thái độ của gia đình Lý ở thế kỷ 4 và 5, chúng ta thấy rõ rằng họ là những gia đình địa phương nắm quyền cai trị đầu tiên có ý thức độc lập tự chủ vì thế họ không ngần ngại chống lại hoàng triều và sẵn sàng nổi dậy. Ý thức độc lập này đã được nối tiếp cho tới phần lớn thế kỷ 6.

Sử chép rằng khi Lưu Khải chuẩn bị xuống Giao Châu, ông cho đi tìm Hoàn Thâm, con của Hoàn Hưng, là cựu Thứ Sử Giao Châu và bảo Hoàn Thâm theo ông. Hoàn Thâm nổi tiếng là một danh sĩ nhưng qua đời ngay khi vừa tới Giao Châu. Tuy nhiên sự tham gia của ông vào đại sự của Lưu Khải nói lên rằng danh sĩ cũng như binh sĩ đều đóng vai trò quan trọng trong chính sách của bắc triều đối với Giao Châu. Điều này rất đúng khi xét đến người kế vị Lưu Khải là Phòng Pháp Thừa. Là một người ốm yếu, Phòng Pháp Thừa chỉ thích đọc sách chứ không ưa chính trị. Viên Trưởng Sử của ông là Phúc Đặng Chi đã dễ dàng qua mặt Pháp Thừa để bổ nhiệm vây cánh của ông ta vào các chức vị quân sự và dân sự quan trọng. Đến khi được một viên thư lại cấp dưới báo cáo rõ ràng sự việc thì Pháp Thừa nổi giận truyền bắt Đặng Chi hạ ngục. Nhưng mười ngày sau, Đặng Chi được trả tự do bằng cách hối lộ một món tiền lớn cho người em rể của Pháp Thừa. Thoát ngục Đặng Chi bèn tụ tập quân sĩ nổi loạn và quản chế Pháp Thừa. Trong thời gian Pháp Thừa bị quản chế Đặng Chi bảo hắn:” Ông bệnh, không nên hoạt động.” Khi thấy Pháp Thừa than phiền không có việc gì làm, và đòi đọc sách, Đặng Chi không cho và nói :” Ông nên nghỉ ngơi tịnh dưỡng để tránh khỏi bị đau thêm.” Thế rồi Đặng Chi tuyên bố là Phòng Pháp Thừa bị bệnh tâm thần nên không làm việc được. Năm 490, triều đình phong Đặng Chi làm Thứ Sử và gọi Pháp Thừa về triều, nhưng Pháp Thừa chết ở dọc đường.

Sử sách không nói rõ Đặng Chi là một thủ lãnh sinh quán địa phương hay là một người miền Bắc di dân xuống. Nhưng dựa trên những chứng cứ khác, có lẽ ông là người địa phương vì ông giữ chức Trưởng Sử trước. Giống như Cố Thọ, ngày xưa ở thế kỷ thứ 4, muốn nắm quyền Giao Châu, hành động của ông đầu tiên là giết chết viên Trưởng Sử Hồ Triệu. Trong hành chánh Trung Quốc, ở cấp địa phương, Trưởng Sử chỉ dưới Thứ Sử về quyền hành, và trên thực tế điều hành tất cả mọi công việc hàng ngày. Ở Giao Châu, nơi mà quyền hành của triều đình đặt vào một xã hội phi Trung Quốc, Trưởng Sử rõ ràng là cấp lãnh đạo có tăm tiếng đại diện cho các quyền lợi địa phương để thi hành chính sách triều đình. Đặng Chi có thể điều động những người thuộc phe mình vào các chức vị cao cấp ngay trước mũi một ông Thứ Sử lơ là như Pháp Thừa. Và khi ông Thứ Sử có phản ứng thì Trưởng Sử lại có cách mua chuộc, hối lộ, để ra khỏi khám đường và mộ quân. Nếu ông là một người Bắc được bổ nhiệm đến, khó mà ông có thể làm được những việc ấy.

Năm 494, Trung Quốc lại rơi vào cảnh nội chiến và ba vị vua liên tiếp đổi ngôi chỉ trong một thời gian một năm. Cùng với ba vị vua là việc ba lần bổ nhiệm Thứ Sử Giao Châu được ghi lại năm ấy, chỉ là trên giấy tờ để tưởng thưởng cho công lao của những người đã tranh đấu cho ngai vàng, nhưng chả có vị nào đến nhiệm sở cả. Có một lần dưới triều vua Ming (494-98), Lý Khai, vốn thuộc một gia đình địa phương, được lên thay thế Đặng Chi làm Thứ Sử. Sự suy yếu của triều đình ngày càng tăng đã khuyến khích các gia đình địa phương có thế lực đứng lên nắm lấy vai trò chính trị ngày một tích cực hơn. Câu hỏi khó khăn nhất cho lớp cầm quyền Việt vào thời đó là có nên tiếp tục thừa nhận quyền hành của bắc triều hay thôi. Những người nào dám làm ngơ không chấp nhận bắc triều sẽ vấp phải vấn đề chính thống, tức là lấy quyền gì mà dám thách thức bắc phương, và lấy tư cách gì mà kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng địa phương. Không trả lời được những câu hỏi đó, những lãnh tụ địa phương có đầu óc ly khai sẽ phải đối mặt với những địch thủ sẵn sàng dùng vương quyền phương Bắc như một tấm bình phong cho tham vọng riêng của họ.

Cho nên khi Lý Khai không chịu thừa nhận vương triều nhà Lương mới lên năm 502, Trưởng Sử Lý Tắc, vào năm 505, đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội này bằng cách huy động quân bản bộ của gia đình giết Lý Khai nhân danh nhà Lương; và Lương triều lập tức thừa nhận ngay cho ông làm Thứ Sử Giao Châu.

Tuy nhiên, sự xung đột phe phái vẫn tiếp diễn. Và 11 năm sau, năm 516, Lý Tắc lại chém đầu một lãnh tụ phe Lý Khai cũ nổi lên làm phản và thành tích ấy lại được Lương triều công nhận. Lý Tắc giữ được Giao Châu bao lâu không biết, nhưng rõ ràng ông tao cơ hội cho bắc triều có mặt tại Giao Châu trực tiếp hơn. Vì thế đến năm 523, nhà Lương đã thi hành các cải cách về tổ chức một cách toàn diện trong đó có Giao Châu. Việc này đưa chúng ta đến những biến cố ở phần sau đây.

Việt Nam Khai Quốc: Tổng Kết Chương 3–Bắc Triều và Lãnh Đạo Địa Phương (chương 3, phần 6)

Suốt các thời kỳ được nhắc đến trong chương 3 này, Trung Quốc đã đô hộ Việt Nam vừa không thường xuyên vừa không chính thức. Sự đô hộ ấy đến và đi như nước triều lên xuống vì dân chúng Giao Châu ở nơi biên cương xa xôi chỉ chực chờ nổi dậy tùy theo thế mạnh yếu của bắc triều. Ngay cả khi ở cực điểm của quyền lực, bắc triều cũng chẳng đạt được gì khác hơn là các thoả hiệp hay dung hoà có lợi cho cả đôi bên: bắc triều và thế lực địa phương ở Giao Châu. Cuộc kiểm tra dân số bất thành cùng với việc thất bại trong việc thu thuế ở Giao Châu của bắc triều sau khi nhà Hán sụp đổ đã là những bằng chứng cụ thể cho nhận định trên.

Nhắc lại từ lúc Tần Thủy Hoàng để ý đến miền Nam cho đến sau này, ngoài mục đích chiến lược liên quan đến an ninh biên giới, sự thèm khát chiếm đoạt những đồ xa xỉ quý hiếm đầy rẫy ở Giao Châu đã là động lực chính khiến Trung Quốc luôn dòm ngó Việt Nam. Như sử gia Tiết Tống và nhiều người khác đã viết, ở Giao Châu khó thu thuế, nhưng thuế không phải là lý do để quan tâm nhiều, mà chính là những đồ hàng quý giá và những kho báu sẵn sàng để vơ vét. Do đó chẳng ngạc nhiên khi ngày nay chúng ta biết rất ít về vấn đề thuế má mà bắc triều đã áp đặt lên Giao Châu ngoại trừ một chiếu chỉ duy nhất, ban hành năm 102, miễn ba loại thuế cho huyện Tường Lâm trong hai năm liên tiếp sau cuộc nổi dậy bất thành ở đó. Chúng ta có thể giả định rằng ba sắc thuế mà huyện Tường Lâm được miễn nộp ấy đã được thi hành ở khắp Giao Chỉ bộ vì huyện Tường Lâm, nơi mà ít lâu sau đó nước Lâm Ấp ra đời, là tiền đồn xa nhất của nhà Hán về phương Nam vào lúc đó.

Loại thuế đầu tiên là “thuế hộ khẩu” thay thế cho thuế lao động được áp đặt ở những vùng biên giới nơi mà việc xây dựng các công trình phục vụ mục tiêu phòng thủ chiến lược của bắc triều. Những gia đình giầu có thay vì phải đi lao động thì có thể đóng tiền. Một loại thuế khác là “thuế cắt cỏ” nhằm phục vụ việc khai hoang những vùng đất mới để trồng trọt. Thuế thứ ba là “thuế nhà vườn.” Ngoài ba loại thuế trên không có thêm tài liệu nào nói về các loại thuế cắt cổ khác mà nhà Hán đã áp đặt lên Giao Châu khiến dẫn đến việc nổi loạn vào năm 184.

Nhà Hán suy yếu luôn đi đôi với việc không thể thực thi chính sách thuế má ở Giao Châu. Sĩ Nhiếp đã từng gửi hàng đống phẩm vật sang triều cống nhà Hán và nhà Ngô để thay cho việc phải nộp thuế cho bắc triều. Đối với Ngô triều thì, thay vì thu thuế, họ đã trắng trợn tịch thu các đồ quí hiếm, đòi dâng nộp 30 con công, và bắt trên một ngàn các thợ lành nghề đem về Nam Kinh làm lao động cưỡng bách. Hình thức bóc lột trắng trợn này là một trong những thái độ ngạo mạn của nhà Ngô đã tạo cơ hội cho nhà Tấn lên tiếm quyền sau này.

Khác với nhà Ngô, nhà Tấn can thiệp vào nội tình Giao Châu với chính sách thuế má có vẻ hợp lý hơn. Vào năm 271 nhà Tấn ra lệnh miễn “thuế y phục” ở Giao Châu trong vòng một năm nhưng thực ra việc này chỉ là bề ngoài vì lúc đó Tấn triều còn đang bận bịu ở phương bắc nên chưa bao giờ thực thi được việc thu thuế. Mục đích chính của sắc chỉ miễn thuế này chỉ là để Tấn triều chứng tỏ quyền uy cũng như làm yên lòng dân Giao Châu vì cách hành xử ngang ngược của nhà Ngô trước đó.

“Thuế y phục” rất đặc biệt ở chỗ là nó được áp đặt nhiều hay ít tùy theo đối tượng bị đánh thuế và ý muốn chủ quan của người thu thuế. Thuế này cũng còn tùy theo hành trình xa gần đến kinh đô Tấn và các trung tâm hành chánh địa phương nữa. Về phần các nhà nông sống ở vùng đất trũng ở Giao Châu thì bị bắt đóng thuế theo tỉ lệ “phân định biên giới” được ấn định bằng 1/3 tỉ lệ ở chính quốc. Lụa và bông vải thì phải đóng theo số lượng được ấn định cho mỗi hộ; hộ nào chỉ có đàn bà và trẻ em trai nhỏ thì chỉ phải đóng một nửa. Ngoài thuế này ra, lại còn có hai tỉ giá “thuế man di” dành cho những người ở các khu vực hẻo lánh xa xôi tính theo khoảng cách xa gần từ thủ phủ của Châu tính đi.

Không biết sau khi nhà Ngô đổ thì nhà Tấn có tiếp tục thu “thuế y phục” này không nhưng chính vì những thứ thuế thương mại cắt cổ được ghi trong sử liệu đã là nguyên nhân dẫn đến các cuộc bắc tiến của Lâm Ấp ở giữa thế kỷ 4. Những loại thuế má cắt cổ kể trên bắt nguồn từ lề thói tham ô hối lộ có hệ thống của các quan chức bắc triều nhằm mục đích kiểm soát những ngôi chợ quốc tế béo bở dọc bờ biển Việt Nam vì đó là nguồn quan trọng để họ vơ vét và làm giàu nhanh chóng.

Rất có thể đã có một chính sách thuế đất đặc biệt đối với Giao Châu nhưng không thấy ghi trong sử liệu. Theo nhà sử học Katakura Minoru, mặc dù đất đai lúc đó được phân chia và đánh thuế ở phương bắc có hệ thống, thuế đất đã không được áp dụng ở Giao Châu vì 3 lý do: một là các triều vua có trước nhà Đường, không đủ mạnh để thi hành các chính sách về đất đai ở Giao Châu theo kiểu của họ; hai là hệ thống đất đai của Trung Quốc được căn cứ trên quyền tư hữu và không thể áp dụng rập khuôn ở Giao Châu, nơi mà quyền sở hữu công còn mạnh; ba là, cách thức phân chia đất ở Giao Châu cũng khác phương bắc vì việc chia đất, theo truyền thống ở Việt Nam, vẫn căn cứ theo hình thức làng xã. Ông Katakura có thể đã quá nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề sở hữu cộng đồng mà quên đi một điểm quan trọng khác là những bất động sản của các gia đình có thế lực ở địa phương Giao Châu cũng vượt ra ngoài khả năng thu thuế của bắc triều.

Trên lý thuyết, thuế được áp dụng theo ba loại tùy thuộc vào khoảng cách của vùng đất chịu nộp thuế đối với các trung tâm hành chánh. Theo ông Katakura, người Trung Quốc đánh thuế đất ở Giao Châu không theo một nguyên tắc hay luật lệ nhất định nào cả, mà chỉ là theo một sự tính toán khôn khéo để làm sao thu thuế được nhiều trong những trường hợp đặc biệt – nghĩa là tùy thuộc vào tình hình và thái độ phản ứng ở địa phương.

Chính sách của bắc triều và thực tế quyền bính ở Giao Châu luôn là một thách đố cho các triều đại Trung Quốc, nhất là khi những biến cố ở Giao Châu vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các quan chức bắc triều. Nói cách khác, khoảng trống giữa lý thuyết và thực tế được lấp đi bằng số lượng “của cải” nhiều ít “tùy cơ ứng biến” lấy được ở các địa phương bướng bỉnh không thể Hán hóa được ấy. Luôn bực bội vì các quan hệ không thuận thảo với Giao Châu, các quan chức Tấn triều thấy cần phải đẻ ra ra một thứ luật mới để chứng tỏ quyền uy của họ cái gọi là luật “ân xá đặc biệt.”

Cụm từ “ân xá đặc biệt” này lần đầu tiên được dùng bởi các tướng và các quan chức Tấn khi họ đến Giao Châu vào năm 269. Trên lý thuyết, luật này có nghĩa là sự nới rộng luật pháp của bắc triều đến Giao Châu: mọi hành vi “ngang bướng” nếu lần đầu vi phạm thì được tha thứ; lần sau, phải sửa trị theo luật pháp bắc triều. Huỵch toẹt hơn, đó là việc Tấn triều chính thức công nhận giới cầm quyền địa phương để hòng đánh đổi cho việc chính thức hóa việc cai trị của họ ở Giao Châu.

Cuối thế kỷ 5 và đầu thế kỷ 6, các triều vua suy yếu Trung Quốc cứ đơn phương lôi ra áp dụng các “ân xá đặc biệt” này để công nhận các quyền lãnh đạo của các thế lực địa phương ở Giao Châu hòng giữ được quyền hành ngoài mặt mà bắc triều đã “tự phong” cho họ như: vua Tề ban hành ân xá đặc biệt năm 479 để thừa nhận quyền kiểm soát Giao Châu của Lý Thục Hiên; vua Lương ban hành ân xá đặc biệt năm 505 để thừa nhận việc Lý Tắc chèn ép Lý Khai và năm 516 lại ân xá đặc biệt nữa để thừa nhận Lý Tắc đánh bại được sự thách đố của phe Lý Khai.

Những “ân xá đặc biệt” trên rõ ràng cho thấy là ngay cả trong lãnh vực pháp lý bắc triều cũng phải tìm cách tự điều chỉnh cho thích ứng với tình trạng đặc biệt của Giao Châu nơi mà chẳng tồn tại một nền hành chánh thường trực của Trung Quốc, cả về mặt lý huyết cũng như thực tế. Giao Châu ở dưới quyền hoàng triều Trung Quốc đã chẳng có một quy tắc pháp chế gì thì chớ, mà lại còn khiến họ phải có sự sửa đổi tùy theo từng thời kỳ nữa. Điều này được chứng minh từ năm 494 khi bắc triều đã phải sửa đổi quy chế pháp lý của chức Thứ Sử Giao Châu sang một chức vụ mang tính danh dự trong các chiếu chỉ bổ nhiệm của họ.

Sự bất lực trong quyền hành của bắc triều tại Giao Châu vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của sự lớn mạnh của các thế lực địa phương Giao Châu trên con đường tiến tới tự trị và độc lập. Là hậu duệ của các Lạc hầu xưa, những gia đình địa chủ có thế lực ở Giao Châu đã kiểm soát được lợi tức từ những trang trại trù phú ở Bắc Việt Nam. Việc bắc triều không thu được thuế từ những trang trại kể trên một phần là do các gia đình địa phương đã khéo léo ứng xử trong việc bảo vệ nguồn thu nhập của họ.

Lớp địa chủ địa phương ở Giao Châu đã phải tìm mọi cách để đáp ứng tùy theo thời cuộc thăng trầm của các triều đại Trung Quốc. Các thủ lĩnh địa phương này không những tìm cách đứng ngoài tầm ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc mà còn, vì vị trí địa lý đặc biệt, củng cố các nét đặc thù về xã hội và văn hoá Việt Nam cộng với việc ngày càng mọc rễ sâu từ các cuộc hôn nhân dị chủng qua nhiều thế hệ giữa Hán và Việt.

Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc và những nước khác ở quanh Trung Quốc, Việt Nam tiếp thu văn minh Trung Quốc mà không đánh mất các đặc tính của mình. Mặc dù dưới con mắt của Trung Quốc, những nước kể trên là thuộc bọn “man di mọi rợ” nhưng những người Trung Quốc di cư chỉ cần sống ở Việt Nam một thế hệ hay hơn, dù bên ngoài mặt còn cố giữ vẻ mặt trung thành với những lý tưởng Trung Quốc, nhưng bên trong họ đã bị ảnh hưởng rất nhiều những giá trị văn hóa và lề lối Việt.

Xã hội Việt Nam có nhiều tương phản với xã hội Trung Quốc. Chỉ xét về tục “em trai lấy chị dâu” tồn tại mãi đến thế kỷ 3 và những bằng chứng khác cho thấy người phụ nữ được coi trọng trong xã hội Việt Nam. Bộ luật của triều Lê (thế kỷ 15 đến 18) có nói đến những quyền của người phụ nữ trong hôn nhân, và cả quyền thừa kế, điều mà luật Trung Quốc không bao giờ cho phép. Vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam lúc nào cũng quan trọng, và quyền tự do tương đối mà người phụ nữ được hưởng đã cải thiện rất nhiều những áp lực theo truyền thống phụ hệ của Trung Quốc. Những người Trung quốc di cư chắc chắn bị ảnh hưởng của văn hoá Việt cũng nhiều bằng những điều họ có thể ảnh hưởng ngược lại, nhất là sau nhiều thế hệ họ lưu trú và có hôn nhân qua lại với người Việt.

Điều đặc biệt là phần nhiều những người Trung Quốc di cư và sau đó ở hẳn lại Việt Nam trong suốt thời gian này là những người thuộc giới thượng lưu. Họ không đến Giao Châu như là những người di cư tầm thường tìm đến một nơi ở mới. Họ đến, mang theo sách vở, nền giáo dục, được triều đình bổ nhiệm, và đôi khi họ lại tự cho là có bổn phận đem văn minh đến cho một vùng biên cương dốt nát. Họ khác với đám quan chức bắc triều đến Việt Nam với ý nghĩ duy nhất là làm giàu mau lẹ rồi trở về Bắc. Gia đình họ Sĩ, họ Đào và họ Đỗ đều là những người trung thành với bắc triều, nhưng đồng thời cũng là những người mọc rễ rất sâu trong xã hội Việt Nam.

Rất gần gũi với người Việt là những người như Lương Thạc, Lý Tiên, Lý Thượng Nhân, Lý Thục Hiên, Phúc Đặng Chi và Lý Khai. Khi nào có thể được là họ sẵn sàng làm ngơ trước thế lực hoàng triều cũ. Qua những cuộc hôn nhân hỗn hợp và sự lưu trú lâu dài, lớp cầm quyền địa phương một mặt hoà mình vào xã hội Việt Nam, một mặt lại dính dáng với thế giới vua chúa bắc phương qua học vấn và những tham vọng của họ.

Khi nhà Hán ở phương bắc sụp đổ, nhiều đại gia đình ở Giao Châu đã nổi lên nắm giữ các vai trò chính trị để khỏi bị xô đẩy vào vòng hỗn loạn bắc triều. Điển hình là gia đình Sĩ Nhiếp người đã đem lại thái bình cho miền Nam bao lâu mà những tranh chấp không giải quyết được ở miền Bắc còn cho phép ông duy trì được hệ thống quyền lực căn bản ở địa phương. Nhưng khi nhà Ngô mạnh lên và thách thức gia đình họ Sĩ, mâu thuẫn lại bùng nổ giữa quyền hành của triều đình với sự an bình tự trị của địa phương. Sự bất ổn do các chính sách bóc lột của Ngô triều và hậu quả do các sự can thiệp của nhà Tấn đều bắt nguồn từ những sự rối ren thời hậu Hán mà rốt cuộc tác động xuống Giao Châu dưới hình thức những yêu sách trái ngược của bắc triều.

Thế kỷ 4 và 5 cho thấy sự đơm hoa kết trái của một chế độ chính trị thích ứng và mang nét đặc thù của xã hội Việt Nam hơn. Ảnh hưởng của các rối loạn sau sự sụp đổ của Bắc Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều xuống Giao Châu vì đường xá xa xôi cũng như vì sức mạnh bẩm sinh và tiềm tàng của xã hội Việt. Sự nổi dậy lần đầu tiên của Lương Thạc chứng tỏ sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng của xã hội Việt trước những đổi thay trên đất nước Trung Quốc.

Tuy nhiên kỷ nguyên mới, Lục Triều, đã đem lại nhiều thay đổi ở Giao Châu, nhất là dưới áp lực của các trận chiến tranh với Lâm Ấp. Những gia đình di cư từ phương bắc đã mọc rễ ở Giao Châu, trong số đó nổi tiếng có gia đình họ Đỗ, qua năm thế hệ, đã cai trị Giao Châu suốt 50 năm tới khi nhà Tấn suy tàn. Họ Đỗ đáng chú ý vì lòng trung thành với triều đình Bắc, vì tài cai trị và sự liêm khiết đối với dân chúng. Thời họ Đỗ cũng là thời gian lớp cầm quyền địa phương Giao Châu được tạo lập, củng cố và ngày càng chứng tỏ khả năng tự túc tự cường của mình.

Việc nhà Tống đánh bại quân Lâm Ấp vào năm 446, mặc dù ngắn ngủi, đã tái lập được vai trò cai trị của nhà Tống ở nhiều nơi, ngoại trừ Giao Châu vì sức mạnh của lớp cầm quyền địa phương ở Giao Châu bấy giờ đã ngang bằng với sức ép của nền hành chánh bắc triều. Sau đó, Giao Châu tiến tới tự trị vì các lãnh đạo địa phương có thế lực đã nối tiếp nhau duy trì và củng cố cho quan niệm địa phương lãnh đạo.

Chính vì lý do ấy, biên thùy phiá bắc của Giao Châu đã được hiệu chỉnh thành ranh giới hiện đại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Lằn ranh địa lý này cũng là lằn ranh phân cách hệ thống chính trị của riêng Việt Nam với hệ thống của bắc triều. Từ đó người Việt Nam không còn là một bộ phận của cái ranh giới thẩm quyền vô hình dưới thới Hán và Ngô nữa, cái thẩm quyền mà chỉ căn cứ vào quan niệm của bắc triều hơn là vào nền văn hoá bản xứ. Khi tách Hợp Phố ra và thành lập Việt Châu vào cuối thế kỷ 5, Trung Quốc đã nhận thức rằng lãnh thổ Việt Nam ở xa quá và phi Trung Quốc quá nên không thể cai trị được, và người Việt đã được chính thức công nhận về mặt hành chánh trong địa giới của chính họ.

Mặt khác, các cuộc chiến tranh với Lâm Ấp về sau này lại ấn định biên giới phía Nam là dãy núi Hoành Sơn. Đòi hỏi cương quyết nhất của bắc triều là bắt Lâm Ấp phải luôn giữ khoảng cách và sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự đụng chạm nào đến lằn ranh văn hoá. Yêu cầu này đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành các nét đặc thù của Việt Nam. Người Việt Nam một mặt phải tập sống trong tình trạng “bị ép thuộc về đế quốc phương Bắc, nhưng lại thuộc văn hoá phương Nam,” một mặt tìm cách dò chừng mức độ kiếm soát của bắc triều đối với Giao Châu. Những mâu thuẫn và tương phản về văn hoá và chính trị do tâm thế và vịa trí địa lý của người Việt đối với các thế lực phương bắc đã hun đúc cho dân tộc Việt Nam một bản năng trường tồn trong việc vận dụng sức mạnh của họ.

Counter