LTS: Những bài vở trên đây không nhất thiết là quan điểm của diễn đàn. Mục đích để đóng góp tài liệu tham khảo, tài liệu lịch sử làm phong phú thêm trí tuệ, làm sáng tỏ sự thật, vạch trần tội ác tập đoàn việt gian Cộng Sản. tội ác tên Giặc Hồ Chí Minh và bè lũ tay sai việt gian bán nước đã cố tình bưng bít, dấu kín, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, giết hàng chục triệu người dân vô tội, bỏ tù hàng triệu quân cán chính VNCH, bán đất dâng biển, làm nô lê cho Tàu, Nga..v.v..
" Hiểu một thời đại nghĩa là phải lấy con tâm và con mắt lịch sử, nghiệm qua các thời đại để mà đứng trên nền tảng với điều kiện đó để mà hiểu thời đại đó.""[HH-trang45]
" Để phục hưng và phục hoạt, phải lấy một con mắt nghiêm ngặt Việt, đứng siêu nhiên trên lập trường Việt, thi thiết bằng những chính sách và kế hoạch siêu nhiên và nghiêm ngặt, có một thái độ nghiêm ngặt và siêu nhiên lịch sử Việt."[HH-trang45]



HOME-Tro Ve Trang Chinh




Thursday, April 29, 2010

Phạm Việt Châu-Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh 6-10

Phạm Việt Châu-Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh 6-10

CHƯƠNG 6: INDONESIA: KINH NGHIỆM LIÊN HIỆP QUỐC CỘNG

Nasakom

Indonesia, quốc gia đông dân cư vào hàng thứ năm trên thế giới và lớn nhất Đông Nam Á, đã là nơi mà cuộc đấu tranh để thống nhất diễn ra liên tục không lúc nào ngừng. Sau thế chiến II, Hòa Lan đã núp bóng quân Anh trở lại vùng này và mưu toan chia nát các hải đảo để dễ bề tái lập quyền thống trị. Indonesia đã đấu tranh để giữ vẹn toàn lãnh thổ, một lãnh thổ nằm dài trên 1/8 đường xích đạo với 3.000 hải đảo lớn nhỏ. Cuối cùng nhân dân Indonesia đã thắng. Nhưng ngay từ trong cái thắng để thống nhất ấy lại nẩy mầm chia rẽ, chia rẽ giữa Java (đảo trung tâm) và ngoại đảo, giữa chính trị và quân sự, giữa giá trị cũ và giá trị mới, giữa khuynh hướng tự do và khuynh hướng độc tài; sau hết và trầm trọng hơn hết: giữa cộng sản và không cộng sản.

Sukarno đã đặt chỗ đứng của mình ngay trên những vết rạn nứt ấy – nghĩa là ông ta tự biến thành mối dây liên hiệp các lực lượng chống đối. Ba lực lượng nòng cốt là Quốc Gia, Tôn Giáo và Cộng Sản đã được Sukarno coi là thành trì của chế độ và được mệnh danh là NASAKOM[1] .

Lòng sùng đạo (Hồi) và tinh thần quốc gia của nhân dân Indonesia đã được khích động mạnh mẽ trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân. Niềm tin ở Thượng đế và Tổ quốc là hai tín niệm đầu tiên trong ngũ niệm Pantja Sila mà Sukarno đã dùng làm nền tảng ý thức chính trị. Còn về Cộng sản, trong suốt thời gian cầm quyền, Sukarno cũng đã cố gắng duy trì. Hai lần Cộng sản nổi dậy, hai lần bị quân đội dẹp tan và cũng hai lần Sukarno lại cho phép tái lập để hoạt động công khai.

Khi thực dân cũ không còn là mối đe dọa nữa Sukarno bèn tính chuyện bành trướng thế lực. Từ khi hội nghị Á-Phi được tổ chức ở Bandung (1955) con người Sukarno bắt đầu nổi bật trong số nhỏ các lãnh tụ mới mẻ của nước nhược tiểu. Hình ảnh những biển người vĩ đại hành động đồng loạt theo lệnh của lãnh tụ tại Hoa lục (thăm viếng năm 1956) đã làm cho Sukarno bị mê hoặc. Ông noi theo con đường của Trung cộng và chủ trương lập trục Djakarta-Bắc Kinh mưu đồ lãnh đạo Á-Phi trong khối quốc tế mà ông gọi là lực lượng Đang Lên (NEFO) để chống lại bọn Tân Thực dân Đế quốc (NECOLIM).

Tân Thực dân Đế quốc dưới mắt Sukarno chính là những cường quốc tư bản, do đó ông dùng cộng sản làm lợi khí đấu tranh. Trong khi dưới mắt phe không cộng sản., Trung cộng được coi là loại đế quốc hàng đầu. Họ cho rằng Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, đang là mục tiêu trong mưu đồ bành trướng của Trung cộng, vậy Djakarta phải coi chừng Trung cộng và chặn tay của tân đế quốc này (tức đảng cộng sản địa phương) trước tiên.

Sự chia rẽ trầm trọng nhất của Indonesia khởi nguyên từ đó. Vết nứt từ quan niệm trên đã lần sang nền tảng NASAKOM để rồi lôi cuốn theo sự sụp đổ của chế độ và cái chết tập thể của gần nửa triệu con người trong một cuộc thanh trừng khủng khiếp. Thất bại của Sukarno cũng là thất bại điển hình của mưu toan liên hiệp NASA với KOM tại các quốc gia chưa có kinh nghiệm thực thi chế độ dân chủ đại nghị và chưa thoát khỏi bàn tay lũng đoạn của các đế quốc bên ngoài.

Chế Độ Sukarno

Từ 1950 đến 1965, chế độ Sukarno tại Cộng hòa Indonesia được chia đều làm hai thời kỳ: Thời kỳ dân chủ đại nghị và thời kỳ dân chủ hướng dẫn (démocratie dirigée).

Thời kỳ áp dụng chế độ dân chủ đại nghị (hiến pháp ngày 15 tháng 8 năm 1950) thực ra chỉ là giai đoạn tập sự bước vào sinh hoạt dân chủ kiểu Tây phương. Mấy năm đầu tiên, đảng Hồi giáo Masjumi (Hồi giáo Cấp tiến) và đảng Quốc gia đã chia nhau cầm quyền và luôn luôn nắm đa số phiếu ở Quốc hội. Ít năm sau, đảng Cộng sản lớn mạnh lên cùng một số đảng nhỏ khác chia sẻ ghế làm cho quốc hội trở nên quá ôm đồm, nhiều khuynh hướng. Tình trạng chính trường mất thăng bằng. Các thủ tướng kế nhiệm nhau không còn tìm nổi sự ủng hộ đủ lớn để vượt qua những khó khăn. Phân hóa địa phương đã trở thành một mối đe dọa nền thống nhất, nhất là vụ khởi loạn ở Sumatra năm 1956.

Trước tình thế ấy, đảng Hồi giáo Masjumi và đảng Xã hội đòi phải tạo thông cảm giữa Java và Ngoại đảo bằng cách mời cựu thủ tướng Hatta (người gốc Sumatra) đứng ra lập nội các. Nhưng Sukarno không chấp nhận giải pháp vá víu ấy. Ông yêu cầu phải trở về với hiến pháp 1945 với chế độ mà ông mệnh danh là Dân Chủ Hướng Dẫn.

Đảng Hồi giáo Masjumi đã vận động các đảng không cộng sản khác bác bỏ đề nghị của tổng thống vì cho rằng trở lại hiến pháp 1945 là thoái bộ, sinh hoạt dân chủ tự do sẽ mất, quyền hành sẽ nằm gọn trong tay tổng thống. Cuộc vận động chống đối thành công: quốc hội bỏ phiếu không tán thành việc tái áp dụng hiến pháp 1945. Tổng thống Sukarno phản ứng lại quyết liệt bằng cách giải tán quốc hội. Hai đảng Masjumi và Xã hội bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Báo chí đối lập bị đóng cửa. Nhiều lãnh tụ quốc gia bị bắt giữ, trong đó có ba cựu thủ tướng là Sjahrir (đảng Xã hội), Muhammad Natsir và Burhanuddin Harahap và cựu chủ tịch Cơ quan Hành pháp Kháng chiến Sjafruddin Prawiranegara người đã thế Sukarno trong khi ông này bị Hòa bắt giam năm 1948.

Để thay quốc hội, Sukarno đã đặt ra một Hội đồng Đại biểu Nhân dân, cụ thể là đại biểu đảng phái và nghề nghiệp, gồm 280 hội viên chỉ định. Đồng thời, một hội nghị tư vấn nhân dân cũng được triệu tập định kỳ năm năm một lần với chừng 600 đại biểu gồm tất cả hội viên Hội đồng Đại biểu Nhân dân cộng thêm đại biểu các địa phương.

Trong các thời kỳ áp dụng chế độ dân chủ hướng dẫn, đường lối đối ngoại của Sukarno càng ngày càng thiên sang khối Cộng, xa rời chủ trương đứng giữa cũ. Ngay trong nội bộ, Sukarno đã cố tình nâng đỡ cộng sản, làm cho phe không cộng sản bất mãn. Sự bất mãn bị dồn nén đã đẩy đảng cực hữu Darul Islam (Quốc tế Hồi giáo) tới hành động điên rồ: ám sát tổng thống. Vụ ám sát thất bại, các nhà lãnh đạo Darul Islam bị bắt. Hậu quả của hành động này là Sukarno càng thiên cộng hơn và càng cố mưu tính triệt hạ các đảng hữu phái. Cho đến khi đảng cộng sản đủ mạnh để lấn lướt các đảng khác thì Sukarno coi là đã tạm ổn về mặt chính trị. Trở ngại quan trọng nhất trong công cuộc đẩy mạnh cách mạng tiến tới dưới mắt Sukarno chính là và chỉ còn là quân đội.

Quân đội Indonesia là một tổ chức có truyền thống. Các tướng lãnh đều đã cầm quân từ thời kháng chiến chống Hòa Lan, vì vậy đối với quần chúng họ là những anh hùng cứu quốc. Trong sinh hoạt quốc gia, quân đội luôn luôn đứng ngoài chính trị. Nhưng xét lập trường các sĩ quan cao cấp qua những lời phát biểu và đôi khi cả hành động cụ thể, người ta có thể nhận thấy họ có tinh thần quốc gia cực đoan, có ảnh hưởng truyền thống Hồi giáo, chống cộng, chống sự hiện diện của Hoa kiều và do đó chống luôn cả chủ trương bắc cầu Djakarta-Bắc Kinh của tổng thống.

Sau cùng Sukarno đành hoãn thi hành kế hoạch này lại, dù Bắc kinh đã lên tiếng ủng hộ và sẵn sang viện trợ vũ khí nhẹ. Trong những năm qua, các tướng lãnh đã có nhiều bất đồng ý kiến với tổng thống, nhưng Sukarno thường phải tự điều giải hơn là dám có hành động quyết liệt. Với sự cố vấn của lãnh tụ Cộng đảng, Sukarno đã dự liệu bứng nốt cái trở ngại khó chịu nhất này đi khi hoàn tất giai đoạn một của cuộc cách mạng [2] . Và ngày 25 tháng 9 năm 1965, Sukarno đã long trọng tuyên bố “Chúng ta bắt đầu bước sang giai đoạn hai của cuộc cách mạng Indonesia, giai đoạn tiến tới xã hội chủ nghĩa”.

Năm ngày sau (30 tháng 9) thì xảy ra cuộc chính biến, khởi đầu bằng hành động bắt giết các tướng lãnh. Cuộc chính biến đã đưa tới sự sụp đổ của chế độ Sukarno và sự tan rã của đảng Cộng sản.

Đảng Cộng Sản

Nhưng trước khi xét lại chính biến và hậu quả của nó, tưởng cũng nên nhìn qua quá trình hoạt động của đảng Cộng sản. Chính đảng này đã đóng vai trò then chốt tạo nên chính biến và đã phải hứng chịu thảm họa khốc liệt do một thế lực mù quáng khác gây nên – thế lực tôn giáo !

Đảng Cộng sản Indonesia được thành lập từ 1920, ba năm sau cuộc Cách mạng tháng 10 ở Nga. Lãnh tụ đầu tiên của đảng là Tan Malaka, nguyên là phần tử thuộc đảng Dân chủ Xã hội cũ (do Sneevliet, người Hòa Lan, lập nên).

Sau vụ nổi dậy thất bại 1926, Tan Malaka đã trốn sang Bangkok và tự ý rút ra khỏi hệ thống Cộng sản quốc tế; trong khi ấy một lãnh tụ quá khích là Musso đã lánh sang Nga.

Năm 1935, Musso được lệnh Stalin trở về Indonesia tái lập Cộng đảng. Trong nhiều năm, Musso đã không làm nên trò trống gì. Mãi tới sau ngày Indonesia công bố độc lập (1945), chính phủ Sukarno kêu gọi các công dân hoạt động qui tụ lại thành chính đảng để tham gia sinh hoạt chính trị, thì Cộng đảng mới thực sự được tập hợp và tổ chức lại. Khi đảng đã đủ mạnh, ngày 18 tháng 9 năm 1948, Musso lại ra lệnh võ trang nổi dậy ở Madiun, Đông Java, dù khi ấy Cộng Hòa Indonesia còn đang tranh chấp với Hòa Lan. Cuộc nổi dậy đã bị quân đội phá vỡ làm cho đảng viên Cộng sản phải lẩn trốn vào vùng rừng núi Trung Java. Musso và nhiều lãnh tụ khác đã bị bắt và bị giết.

Trong khi cộng đảng đang tan rã thi Tan Malaka về nước. Ông ta qui tụ các du kích quân lại, thành lập đảng Murba Mác xít, một thứ Cộng sản quốc gia, và mở chiến dịch đấu tranh chống chính quyền Indonesia, chống quân xâm lược Hòa và chống cả những phần tử cộng sản thân nga, Murba hoạt động vỏn vẹn được vài tháng thì Tan Malaka bị quân đội bắt và xử tử [3] .

Năm 1950, giữa lúc cộng sản đang tan tác thì một nhân vật trẻ tuổi rất lỗi lạc là Dipa Nusantara Aidit đã từ ngoại quốc trở về tập hợp và chỉnh đốn lại đảng. Aidit là một cán bộ cao cấp đã trốn thoát sau vụ Madiun. Với tài lãnh đạo và tháo vát đặc biệt của Aidit, chỉ trong một thời gian ngắn cộng đảng đã lại trở ra hoạt động công khai. Năm 1952 số đảng viên qui tụ chừng 8.000. Nhưng sau đó, nhờ sự ủng hộ tài chánh dồi dào của Hoa kiều và cả của Bắc Kinh, và với sự hỗ trợ tinh thần của chính tổng thống Sukarno, đảng CS đã phát triển tới một mức độ kỳ diệu: hai triệu đảng viên vào năm 1955. Cũng năm này, trong cuộc bầu cử ở Java, cộng sản đã chiếm 20,6% phiếu; sang năm 1957, số phiếu CS hốt được vọt lên 27,4%.

Mười năm sau, cộng đảng đã phát triển tới số đảng viên ba triệu, cộng thêm 16 triệu đoàn viên trong các tổ chức phụ thuộc. Những tổ chức phụ thuộc có số đoàn viên như sau : Đoàn Nông Dân (BTI) 8,5 triệu, Tổ Chức Nghiệp đoàn Thợ thuyền (SOBSI) 3,5 triệu, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản (Pemuda Rakjat) hai triệu và Đoàn Phụ Nữ Cộng Sản (Gerwani) 2 triệu.

Lý do mà Sukarno đã nâng đỡ Cộng đảng là vì ông ta muốn CS có ưu thế hơn trong liên hiệp NASAKOM để duy trì thân hữu với Trung cộng về mặt đối ngoại hầu thành lập trục Bắc Kinh-Djakarta mà khuynh đảo thế giới “thứ ba” [4] .

Về phía CS, Aidit đã trắng trợn ve vuốt Sukarno bằng cách nhiều lần lên tiếng ca tụng Ngũ niệm Pantja Sila, dù ngay tín nhiệm đầu tiên về Thượng đế đã hoàn toàn phản lại ý thức Mác xít. Aidit cũng triệt để ủng hộ Sukarno trong cuộc chiến tranh chống Mã Lai Á sau khi liên bang này được thành lập[5] . Và sau cùng, Aidit đã không quên săn sóc đến sức khỏe của tổng thống bằng cách yêu cầu Bắc Kinh gửi riêng một y sĩ chuyên môn tới để lo bệnh đau thận cho Tổng thống.

Sang năm 1965, Sukarno bi đau luôn, và ai cũng nhìn thấy rõ là khi ông ta nằm xuống thì thế ba chân NASAKOM cũng sụp đổ theo. Thực tế cho tới 1965, đảng CS đã quá mạnh để có thể nói là chỉ còn thế hai chân: Cộng sản và không CS. Chủ chốt bên phe không cộng sản là tổ chức Hồi giáo [6] và quân đội (trừ Không Quân thiên cộng). Tình trạng thù nghịch giữa hai phe đã căng thẳng đến độ không còn có thể chấp nhận chung sống chuyện kẻ còn người mất chỉ là vấn đề thời gian.

Do đó, vai trò vị y sĩ của Sukarno đã trở nên vô cùng quan trọng. Và không biết ông ta đã báo cáo như thế nào về sức khỏe của tổng thống mà đảng Cộng sản vội vã đi tới quyết định đảo chánh để giữ tay trên.

Chính Biến Và Hậu Quả

Đêm 30 tháng 9 năm 1965, năm ngày trước ngày kỷ niệm 20 năm thành lập quân đội, chính biến đã mở màn bằng hành động đột kích vào tư thất các tướng lãnh cao cấp nhất của quân đội. Kết quả ba tướng, trong đó có Tổng tham mưu trưởng Ahmad Yani, bị giết tại nhà, ba tướng khác bị bắt đem về căn cứ không quân Halim hành quyết, riêng tướng Nasution, tổng trưởng Quốc phòng, đã thoát chết trong gang tấc, tuy bản thân bị thương và con gái năm tuổi bị bắn chết.

Người chỉ huy trực tiếp chính biến là trung tá Untung, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cận vệ Phủ Tổng thống. Untung giải thích hành động của mình là cốt nhằm đập tan cuộc đảo chánh đang được hội đồng tướng lãnh dự trù. Tiếp tay với Untung ngay từ phút đầu là một số đơn vị có CS xâm nhập, Tư lệnh Không quân Dhani và căn cứ không quân Halim, các đoàn viên Thanh niên và Phụ nữ Cộng sản trong vùng (được huấn luyện sử dụng vũ khí tại Halim).

Ngày ra quân đầu tiên kể như hoàn toàn thành công. Tờ Harian Rakjat, nhật báo chính thức của đảng CS đã in lên trang nhất bức vẽ một nắm tay to lớn trên đề chữ GESTAPU đang đấm vào mặt một viên tướng Indonesia. GESTAPU là chữ viết tắt “Gerakam September Tiga Puluh” có nghĩa là “ Cuộc Vận Động 30 Tháng 9”. Tờ báo cũng hô hào dân chúng hãy hưởng ứng cuộc vận động và sẵn sàng đối phó với mọi biến chuyển của thời cuộc.

Biến cố đã xảy ra hoàn toàn bất lợi cho phe cộng. Vì ngay ngày hôm sau, tướng Suharto, tư lệnh Lực Lượng Trừ Bị Chiến Lược (KOSTRAD) đã tung quân tiến chiếm các vị trí trọng yếu, kể cả căn cứ không quân Halim. Sự chống trả ở thủ đô của phe tạo chính biến rất yếu ớt. Tại các quân khu khác quân đội cũng dần dần làm chủ tình thế. Nasution đã cùng Suharto lập kế hoạch bình định trên toàn quốc. Sự phẫn nộ trong quân đội cũng như trong quần chúng đã lên cao đến cực độ từ khi người ta phổ biến các tấm hình các tướng lãnh bị giết và loan truyền những câu chuyện có thể đã được phóng đại về những cái chết thê thảm của họ. Trong tang lễ các tướng lãnh bị hạ sát (mà Sukarno và hầu hết nhân viên Hội đồng Tổng trưởng của ông không dự), Tư lệnh Hải quân đã thốt lên một tiếng duy nhất sikat, có nghĩa là quét sạch, trước đám sinh viên Hồi giáo. “Sikat” đã trở nên một khẩu hiệu khủng khiếp. Thanh niên Hồi giáo đã biết họ phải làm gì với sự tiếp tay của quân đội họ cũng biết là phải quét sạch những gì. Thế là cuộc thanh trừng trên toàn quốc bắt đầu bùng nổ.

Tại thủ đô, trụ sở đảng CS và nhà riêng lãnh tụ Aidit bị triệt hạ. Thanh niên CS và Hồi giáo đánh giết nhau ngay trên đường phố. Trong khi tại các địa phương khác, đâu đâu cũng thấy máu đổ người chết, nhất là ở Java và hòn đảo nhỏ Bali. Quân đội đóng vai phối trí hành quân, nhưng chính thành phần chủ động là thanh niên Hồi giáo. Họ tổ chức thành từng đoàn, võ trang bằng súng ống của quân đội hoặc bằng dao nhọn, sục sạo vào các làng xóm kiểm soát từng gia đình với sự chỉ điểm của phần tử chống cộng địa phương. Họ đã bắt đi hàng xâu đảng viên CS và thủ tiêu ở một ven sông hốc núi nào đó. Nhiều nơi các chi bộ CS có võ trang đã chống cự mãnh liệt. Nhưng nơi nào CS càng cựa quậy thì lại càng bị tàn sát dã man. Ở Trung Java, có làng được kiểm kê là 100% Cộng sản, tất cả dân làng đã bị bắt và bị giết hết chỉ trừ trẻ con. Aidit, lãnh tụ Cộng đảng đã trốn thoát khỏi thủ đô, nhưng vài tuần sau cũng bị bắt tại Trung Java và bị hành quyết.

Cuối cùng 1965, tổng thống Sukarno đã công bố con số người bị giết là 87.000, nhưng một nhân viên trong phái đoàn điều tra của chính phủ cho rằng tổng thống đã chỉ nói ra 1/10 con số thực [7] . Chính phủ đã che dấu sự thực để cho tấm thảm kịch Indonesia được dịu bớt trước mắt thế giới. Ai cũng biết là số người chết còn cao hơn nhiều. Con số có thể chấp nhận được ít ra cũng xấp xỉ nửa triệu [8] .

Song song với chiến dịch “triệt hạ Cộng sản” địa phương (mà người Indonesia gọi là Ganjang Kommunis), sinh viên ở Djakarta cũng đốt phá luôn tòa đại sứ Trung cộng trong khu Hoa kiều Glodok. Hoa kiều khắp nơi bị khủng bố đến nỗi Trung cộng phải đem tàu đến chở dần về Hoa lục. Hàng ngày luôn luôn có hàng ngàn gia đình Trung hoa ăn chực nằm nhờ ở bến tàu để đợi có chỗ ra đi.

Sang năm 1966, tuy những ngày khủng khiếp đã qua, nhưng Indonesia vẫn còn tiếp tục sống trên sự xáo động mạnh về chính trị. Sukarno đã cố gắng lấy lại uy quyền một cách tuyệt vọng. Thanh niên, sinh viên liên tục xuống đường đòi lật đổ tổng thống. Hoạt động hăng hái nhất là Mặt trận Sinh viên Hành động (KAMI) và Mặt Trận Học sinh Hành động (KAPPI). Sau cùng, tới ngày 12 tháng 3 năm 1967, hội đồng Tư vấn Nhân dân do tướng Nasution giữ ghế chủ tịch đã bỏ phiếu truất phế Sukarno và bầu tướng Suharto lên thay.

Sukarno rời bỏ chức vị tổng thống năm 1967, nhưng thực sự chế độ Sukarno đã chấm dứt từ năm 1965. Lâu đài NASAKOM do Sukarno xây dựng đã tan rã từ đó, nếu có còn lại gì thì chỉ là một bài học đáng giá chẳng những cho các quốc gia Đông Nam Á mà còn cho tất cả các nước nhược tiểu trên thế giới.

[còn tiếp]


Ghi Chú:

[1] Chữ tắt của ba chữ Nasionalism, Agama, và Komunism.

[2] Năm 1964, Aidit đã nói “khi hoàn tất giai đoạn một của cuộc cách mạng mà chúng ta đang tiến hành, chúng ta sẽ cùng phối hợp với các thành phần tiến bộ khác trong xã hội để đem tổ quốc tới cách mạng xã hội mà không cần võ trang đấu tranh”.

[3] Sau này, khi ngả về phía cộng sản, Sukarno đã cố cứu vãn những đổ vỡ Quốc Cộng trong quá khứ bằng cách đề cao Tan Malaka là anh hùng dân tộc. Năm 1962 bản tiểu sử Tan Malaka đã được chính thức công bố trong đó có đề cập đến cái chết của ông mà nhà cầm quyền đã che đậy bằng cách cho là bị bắn lầm.

[4] Ngày 17 tháng 8 năm 65 trong lễ kỷ niệm Độc lập, Sukarno còn đề cập đến một cái trục lòng thòng hơn từ Djakarta qua Phnom Penh tới Hà Nội, Bắc Kinh, và Bình Nhưỡng (Bắc Hàn).

[5] Trong dịp này Sukarno đã rút Indonesia ra khỏi tổ chức Liên hiệp quốc.

[6] Đảng Hồi giáo Cấp tiến Masjumi đã bị giải tán năm 1960, sau này chỉ còn đảng Hồi giáo Bảo Thủ Nahdatul Ulama với 6 triệu đảng viên hoạt động và 20 triệu đoàn viên hỗ trợ.

[7] John Hughes, Indonesia Upheaval, David McKay, 1967.

[8] Báo chí ngoại quốc qua sự điều tra riêng đã đưa ra những con số khác biệt nhau : Tờ Life ước tính 400.000, tờ Washington Post nửa triệu, tờ New York Times cho là trên nửa triệu, còn tờ Economist ở Luân đôn gói tròn một triệu (trong đó Java 800.000, Bali 100.000, còn 100.000 tại Sumatra và các đảo khác).

CHƯƠNG 7: MÃ LAI: TRƯỜNG HỢP MỘT PHÒNG TUYẾN VỠ

Nhìn chung toàn vùng Đông Nam Á, phòng tuyến Miến-Thái-Việt giăng ngang đã chận phần lớn các đợt di cư ào ạt của người Tàu trong thế kỷ vừa qua. Nhưng trên mặt biển Nam Hải mênh mông đã không có một chướng ngại vật nào giữ chân những đoàn quân xâm lược không võ trang ấy. Kết quả là ngày nay môt nước Tàu thứ ba sau Hoa lục và Đài Loan là Singapore đã chính thức ra đời ngày 9 tháng 8 năm 1965 sau khi tách rời khỏi liên bang Mã Lai.

Một hải đảo Singapore giàu có chưa được coi là đủ! Nắm trọn chủ quyền kinh tế tại liên bang Mã Lai cũng chưa được coi là đủ! Người Tàu vẫn còn đang nỗ lực vận động đoạt nốt quyền chính trị tại liên bang này một cách “hợp pháp”, nghĩa là bằng lá phiếu công dân.

Phương tiện ư? Chính là sự gia tăng dân số gốc Hoa của liên bang. Hiện nay cái đa số của người Mã chỉ còn rất mong manh (47% Mã, 42% Tàu), chẳng bao lâu nữa người địa phương sẽ trở thành thiểu số và mất hẳn chủ quyền như trường hợp Singapore (76% Tàu, 15% Mã). Và lúc ấy, thủ tướng Mã sẽ là một nhân vật họ Lý, họ Tưởng hay họ Mao nào đó. Viễn ảnh ấy đã đưa tới những xáo trộn không nhỏ mà khởi đầu là cuộc chém giết ngoài đường phố giữa Mã thổ dân và Mã gốc Hoa hồi tháng 5 năm 1969.

Tất cả chỉ vì đã không có sự liên kết hữu hiệu giữa các quốc gia Đông Nam Á để lập chung một tuyến đường phòng ngự bền chặt trước cái họa to lớn miền Bắc, Mã Lai đã là một khe hở trong thời trước và là một phòng tuyến vỡ trong thời này!

Chung Quanh Việc Thành Lập Liên Bang Mã Lai Á

Trước khi đề cập đến hiện tượng phân hóa tại Mã Lai, chúng ta hãy duyệt xét lại quá trình thành lập liên bang tại đất này kể từ sau ngày thâu hồi chủ quyền.

Tiếp nối chương 4, phần “Khu vực Mã Lai”, liên bang Mã Lai đã được trao trả độc lập từ tháng 8 năm 1957 sau khi Anh đã thu xếp để chắc chắn các phần tử thân Anh (phe phong kiến Mã) nắm vững chính quyền tại đất này.

Mặc dầu liên bang Mã Lai đã độc lập, nhưng thương cảng Singapore vẫn tiếp tục thuộc Anh. Dù sao lúc đó, Anh cũng chỉ còn kiểm soát về mặt đối ngoại và quốc phòng còn việc nội bộ để cho chính phủ tiểu bang thân Anh tập tành tự quản. Trong việc chuyển quyền giữa Anh và người địa phương, đảng Nhân dân Hành động (People’s Action Party) đã nắm được trọn quyền hành pháp cũng như lập pháp, nhất là sau bầu cử 1959. Cơ chế Singapore cũng tương tự như Mã Lai. Đứng đầu tiểu bang là vị đại diện Hoàng gia Anh mang danh hiệu Yang di-pertuan Negara, còn thực quyền chính trị ở trong tay thủ tướng. Về vấn đề an ninh, tiểu bang có Hội đồng An ninh Quốc nội gồm 3 ủy viên của tiểu bang, 3 ủy viên Anh và một ủy viên của liên bang Mã Lai (cấp bộ trưởng).

Tại bán đảo Mã Lai, sau khi tình trạng an ninh đã vãn hồi (tình trạng khẩn cấp chấm dứt từ tháng 7 năm 1960), giới lãnh đạo Mã Lai bèn tiến thêm một bước nữa trong việc tổ hợp toàn vùng, đó là ý định thành lập liên bang Mã Lai Á. Vào tháng 5 năm 1961, Tengku Abdul Rahman đã chính thức đề nghị dự kế thành lập tân liên bang sau nhiều năm do dự vì sợ Singapore vào liên bang thì người Tàu sẽ trở nên đa số. Tại Singapore, thủ tướng Lý Quang Diệu là đại diện của khuynh hướng Trung Hoa hóa hoàn toàn Singapore trước rồi mới tính đến Mã Lai sau, nên vẫn thường tỏ ý không tán thành việc kết hợp với Mã Lai. Nhưng khi ấy, sau cuộc bầu cử, đảng Nhân Dân Hành Đ ộng của ông ta đang bị yếu thể rõ rệt trước đảng Xã hội, nên ông ta vội vã hoan nghênh ý kiến của thủ tướng Mã.

Tháng 8 năm 1961, một ủy ban tư vấn Liên Đới Mã Lai Á được thành lập với đại diện của liên bang Mã Lai, Singapore và ba tiểu bang bắc Bornéo (Brunei, Sarawak và Sabah thuộc Anh). Người Anh tán đồng kế hoạch Mã Lai Á; quốc hội Singapore cũng chấp thuận. Tại Sarawak và Sabah các chính đảng được thành lập để tham gia vào sinh hoạt chính trị; những đảng chủ trương gia nhập Mã Lai Á đã thắng phiếu trong cuộc bầu cử 1962. Riêng tại Brunei, Đảng Ra’kyat thành lập từ năm 1956 gồm toàn người Mã Lai, do Enche’ Ahman Boestaman và Burhannudin cầm đầu, đã toàn thắng trong cuộc bầu cử 1962 (16/16). Đảng này chủ trương sáp nhập Sarawak và Sabah vào Brunei cổ. Đảng có khuynh hướng chống người Tàu, được Indonesia và Philippines ủng hộ tinh thần. Tuy thắng lợi trong cuộc bầu cử, nhưng một số lãnh tụ không đủ kiên trì trong cuộc đấu tranh chính trị, đã vội vã gây chính biến bằng võ lực (ngày 8 tháng 12 năm 1962) và đã bị quân đội Anh dẹp tan trong một thời gian ngắn.

Brunei là xứ giàu có nhất trong ba tiểu quốc Bắc Bornéo nhờ mỏ dầu và đồn điền cao su. Tư bản Anh, tư bản Tàu và phong kiến địa phương đã cấu kết giữ xứ này tiếp tục thuộc quyền đô hộ của Anh, không chịu gia nhập liên bang Mã Lai Á.

Sau những sự dàn xếp giữa các thành phần, văn kiện thành lập liên bang Mã Lai Á đã được ký kết tại Luân đôn vào tháng 7 năm 1963 và Mã Lai Á đã chính thức ra đời vào ngày 16 tháng 9 năm 1963 [1] .

Sự gia nhập của hai tiểu bang Sabah và Sarawak vào liên bang Mã Lai Á đã gặp sự chống đối của cả hai quốc gia Phi luật tân và Indonesia. Indonesia đã châm lửa chiến tranh trên vùng đất này suốt từ 1963-1965. Sau khi chế độ Sukarno bị sụp đổ, nhà cầm quyền mới của Indonesia từ bỏ hẳn mọi ý định và hành động gây rối trong lãnh thổ Mã Lai Á và hai nước đã ký kết nối lại liên lạc bình thường ngày 11 tháng 8 năm 1966.

Về tổ chức chính quyền, cơ chế tân liên bang cũng dựa theo cơ chế liên bang Mã Lai cũ, nghĩa là đứng đầu quốc gia vẫn là vị Yang di-Pertuan Agong do các tiểu vương thay nhau đảm nhiệm qua cuộc bầu cử. Còn thủ tướng và nhân viên nội các vẫn được chọn trong số những đại diện dân cử thuộc đảng đa số.

Trong những năm đầu của liên bang Mã Lai Á, ngoài tranh chấp vũ trang với Indonesia, mối bận tâm lớn nhất của các nhà lãnh đạo Mã vẫn là vấn đề chủng tộc trong nội bộ. Trước năm 1961, Tengku Abdul Rahman đã lo ngại cán cân chính trị sẽ lệch về phía người Trung Hoa một khi để Singapore gia nhập liên bang. Nhưng sau đã đổi ý vì trên bề mặt kinh tế, sự kết hợp với Singapore rõ ràng có lợi lớn cho bán đảo Mã Lai. Còn về phía Lý Quang Diệu, năm 1961 là năm suy đồi của đảng Nhân dân Hành động, ông ta níu kéo lấy tổ chức liên bang để gây lại uy thế. Cho nên ngay buổi chiều trước ngày lễ ra đời của liên bang (ngày 16 tháng 9 năm 1963), Diệu đã tuyên bố với vẻ thách thức đảng đối lập là Singapore sẽ bầu cử ngay sáu ngày sau đó (ngày 21-9) để tuy dân chúng chọn lại người lãnh đạo tiểu bang. Kết quả cuộc bầu cử: Đảng của Diệu đã chiếm được 37 trong số 51 ghế.

Dần dần lấy lại được uy thế, Diệu bèn trở về với ý hướng cũ là củng cố Singapore trước, nên sau những cuộc thương nghị với Tengku Abdul Rahman, ngày 9 tháng 8 năm 1965, Diệu đã công bố sự tách rời của Singapore ra khỏi liên bang và cùng Rahman giải thích sự tách rời ấy là điều cần thiết để duy trì đa số Mã gốc cho Liên bang.

Để duy trì đa số Mã gốc cho liên bang ư? Nếu đó là điều thành thực thì hành động rút chân của Singapore ra khỏi Liên bang phải được coi như một bước lùi chiến thuật với người Tàu. Không cần vội vã, cái đích tối hậu rồi cũng sẽ tới khi mà chính phần còn lại của Liên bang cũng bị người Tàu tràn ngập một cách hợp pháp cũng như bất hợp pháp.

Di Dân Và Tranh Chấp

Nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua, người Tàu đã xuất hiện ở Mã cũng như các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng những đợt Hoa kiều tính chuyện thường trú ở đất Mã thì mới trong vòng vài chục năm nay.

Vào giữa thế kỷ 19, các toán tiền đạo gồm giới thương mại, khai mỏ đã vượt biển xuống vùng biển Malacca trước. Khi đã thấy hứa địa, họ liền cho người về mộ phu tạo thành phong trào di phu Nam dương (Nan Yang) rộng lớn. Trong thời Anh thuộc, người Anh không những đã không có biện pháp hạn chế người Tàu nhập cư mà ngược lại còn khuyến khích thêm để có nhiều nhân công khai thác đồn điền, hầm mỏ. Mãi đến năm 1930, vì khủng hoảng kinh tế, Anh mới cấm bớt ngoại kiều nhập nội. Tuy nhiên, lệnh cấm đoán đã có một khe hở: lệnh chỉ áp dụng cho Nam giới mà thôi. Người Tàu đã khai thác khe hở này bằng cách đưa phụ nữ Trung Hoa sang.

Nguyên trước 1930, số phụ nữ Hoa kiều ở Mã Lai chỉ bằng phân nửa số nam giới, vì vậy nhiều thanh niên Hoa phải lấy vợ Mã. Tuy áp dụng theo luật cổ truyền là những đứa con lai sẽ được Hoa hóa đến tận chân tơ kẽ tóc, nhưng liên hệ đàng ngoại cũng không phải là không còn chút ít trong những thế hệ trẻ. Hơn nữa, số phụ nữ Mã cũng không có quá thừa để mà cung ứng nổi chỗ trống quan trọng (hàng triệu) ấy. Vì vậy, nhân có sự hạn chế thanh niên, người Tàu bèn nhập cảnh phụ nữ. Tổ chức các gia đình Tàu nhờ đó mà trở nên thăng bằng hơn.

Năm 1940, thành phần dân số các tiểu bang Mã và thuộc địa eo biển được kiểm kê gồm 44% Trung Hoa, 42% Mã, 13% Ấn… Người Tàu nghiễm nhiên đã trở nên sắc dân đa số của toàn vùng và rõ ràng là một mối đe dọa nghiêm trọng cho đời sống người bản xứ.

Tuy vậy, phải đợi tới năm 1942, khi Nhật chiếm Mã, thì tinh thần dân tộc nơi người Mã mới có dịp bùng lên. Người Mã đã đón tiếp quân Nhật một cách cởi mở. Họ trông đợi người Nhật giúp họ đuổi người Tàu ra khỏi xứ. Còn người Tàu thì dĩ nhiên đứng hẳn về phía đồng minh chống lại Nhật. Họ dùng đảng Cộng sản[2] làm nồng cốt, nhận khí giới của Anh và tổ chức du kích chiến trong bán đảo.

Khi nhật đầu hàng, quân Anh ở Ấn độ đã tới Mã trễ hai tuần. Lợi dụng thời gian vô chủ, người Tàu đã tức tốc lập các tòa án nhân dân khắp nơi xử những kẻ hợp tác với Nhật. Phản ứng lại, người Mã cũng tổ chức những toán võ trang khủng bố người Tàu và hô hào dân chúng vùng dậy với khẩu hiệu đất Mã của người Mã. Chiến tranh chủng tộc đã bén ngòi, nhưng chưa kịp bành trướng thì quân Anh đã trở lại và đã dùng biện pháp mạnh để tái lập trật tự.

Khi đã đặt vững chân trở lại Mã Lai, người Anh liền thành lập Liên hiệp Mã Lai. Người Mã đã phản đối mãnh liệt điều khoản mở rộng cửa cho Hoa kiều nhào vô thành công dân thực thụ (ngoại kiều chỉ cần cư ngụ tại Mã 5 năm đến 15 năm là đủ điều kiện trở thành công dân Liên Hiệp Mã Lai). Một tuần lễ thọ tang đã được tổ chức và tiếp theo sau là phong trào bất hợp tác cũng được khơi dậy khắp nơi.

Về phía người Tàu, dù đã nắm được ưu thế về kinh tế, họ vẫn còn nuôi tham vọng nắm được ưu thế chính trị sau này. Tuy cùng ý chí tiến tới đoạt chính quyền nhưng phương cách thực hiện thì lại bị chia ra làm hai phe. Phe hữu khuynh hướng về Singapore với mưu đồ Trung hoa hóa thương cảng này một cách hòa bình trước đã rồi sẽ áp dụng chiến thuật vết dầu loang sau. Phe tả khuynh do các lãnh tụ Cộng sản kháng chiến cầm đầu, vẫn chủ trương đấu tranh cướp chính quyền bằng võ lực theo truyền thống cộng sản. Hai phe tả, hữu có vẻ chống đối nhau trên mặt chiến thuật, nhưng trong hố sâu thẳm của sách lược khuynh đảo Đông Nam Á họ đã thay nhau tiến thoái nhịp nhàng để tránh bị tiêu diệt.

Lần Lượt Ra Quân

Cánh Cộng sản đã ra quân trước vì có sẵn tố chức trong tay. Ngay sau Thế chiến 2, trên nguyên tắc Cộng đảng đã bị giải tán (ngày 1 tháng 12 năm 1945), vũ khí, đạn dược phải nộp cho nhà cầm quyền và mỗi du kích quân trở về đời sống dân sự sẽ được hưởng một số tiền tương đương 350 Mỹ kim. Cộng đảng đã đưa ra những phần tử du kích không quan trọng để lãnh tiền (chừng 6.000 người) và nộp những vũ khí cũ, xấu (chừng 5.000 vũ khí đủ loại), còn thành phần cốt cán vẫn được giữ lại, vũ khí tốt được chôn dấu.

Họ giữ thế nằm vùng để chờ thể chế mới cho Mã Lai do người Anh đưa ra. Nếu Mã Lai trở nên một nước Dân chủ Cộng hòa, giai cấp phong kiến Mã chung quanh vương tộc tại các tiểu bang tan rã, thì người Trung hoa sẽ nhào ra nắm chính quyền bằng lá phiếu, vì họ đa số. Còn nếu tình trạng không thay đổi họ sẽ dùng võ lực chống lại cả người Anh lẫn phong kiến Mã để đoạt quyền chính trị.

Hai năm 46-47 là thời kỳ bồi dưỡng bộ đội bí mật và tranh đấu công khai dưới hình thức tổ chức nghiệp đoàn Hoa kiểu để chờ đợi. Ngày 1 tháng 2 năm 1948, người Anh công bố việc thành lập Liên Bang Mã Lai. Các tiểu vương của chín tiểu bang vẫn trị vì các tiểu bang của mình (trừ hai tiểu bang thuộc địa cũ là Penang và Malacca không có tiểu vương). Singapore vẫn là đất thuộc địa riêng ngoài liên bang. Tình thế đã ngã ngũ. Đại hội Cộng đảng ngay sau đó đã quyết định khởi sự võ trang chiến đấu. Những hành động khủng bố, đốt phá xảy ra khắp nơi đã làm cho chính quyền Anh phải công bố tình trạng khẩn cấp khắp liên bang ngày 8 tháng 6 năm 1948.

Tổ chức cộng sản gồm hai bộ phận: quân sự và chính trị. Bộ đội cộng sản tự xưng là Giải Phóng Quân chiến đấu lẩn lút trong rừng rậm và luôn bị quân Anh và 28 ngàn binh Mã săn đuổi [3] . Còn bộ phận chính trị được gọi là phong trào “Dân chúng Vận động” (Min Chung Yuen Thong), mũi giáo nơi tuyến đầu của Đảng, có nhiệm vụ vận động quần chúng đấu tranh hỗ trợ cho Giải Phóng Quân và tiến tới thành lập chính quyền địa phương.

Trong thế chiến tranh cách mạng kiểu cộng sản, hai chân chính trị và quân sự cùng phải trụ vững trên địa bàn hoạt động thì mới tạo được thắng lợi. Trường hợp Mã Lai rõ ràng là cuộc khởi loạn có tính chất đấu tranh chủng tộc [4] , mà dân miền núi cũng như miền quê ở đồng bằng hầu hết đều là người Mã (đa số người Trung Hoa tụ tập ở thành thị) nên chân chính trị đã chới với vì thái độ bất hợp tác. Không đặt được cơ sở trong dân chúng thì hoạt động quân sự (du kích) không thể bành trướng. Giải Phóng Quân cứ quanh quẩn trong rừng rậm và bị tiêu mòn dần.

Khi chính người Tàu đã nhìn thấy sự thất bại tất nhiên của lá bài cộng sản trong cái thế “cá sông vùng vẫy trong nước mặn”, thì họ lập tức nghĩ ngay tới lá bài khác để thay thế. Năm 1952, nhân có bầu cử các hội đồng thành phố, họ liền biến “Hiệp Hội Mã Lai Gốc Hoa”, nguyên là một tổ chức được lập ra từ 1949 để hoạt động xã hội, thành một chính đảng và liên kết với “ Tổ Chức Mã Lai Thống Nhất (UMNO) của Tengku Abdul Rahman trong việc ứng cử.

Sở dĩ có sự liên minh ấy là vì những phần tử Trung hoa thiên hữu vẫn nhằm vào việc kiểm soát Singapore trước, còn tại liên bang Mã Lai thì chỉ cần nắm chắc ưu thế về kinh tế, quyền chính trị tạm nhường cho người Mã nhưng cũng cần kèm sát cạnh kẻ cầm quyền – đi với đối tượng tranh chấp để chế ngự đối tượng ! Hiệp hội Mã Lai gốc Hoa đã vung tiền ra cho “Đảng Liên Minh” vận động tranh cử nên đã đạt được thắng lợi lớn trước “Đảng Độc Lập Mã Lai”[5] trong các cuộc bầu cử địa phương 1952-1953. Tới cuộc bầu cử Quốc hội 1955, Liên minh (khi ấy có thêm đảng Mã Lai gốc Ấn gia nhập) đã toàn thắng với 51/52 ghế. Từ đó, Liên minh trở nên đảng cầm quyền và đã giữ vững vị thế suốt 14 năm trải qua thời kỳ liên bang Mã Lai tới thời kỳ Mã Lai Á ngày nay.

Tình trạng bề ngoài của Mã Lai Á vẫn là: người Tàu nắm kinh tế, người Mã nắm chính trị. Thực ra ưu thế về kinh tế của người Tàu là điều không cần luận bàn, nhưng ưu thế về chính trị của người Mã chỉ là một thứ ưu thế hết sức tương đối. Vì đường lối quốc gia cũng chính là đường lối của Liên minh, một đường lối trước khi đặt ra đã phải được sự chấp thuận của thành phần Hiệp hội Mã Lai gốc Hoa trong nội bộ Đảng. Ấy là chưa kể đến sự lũng đoạn bên trong, như một vài quan sát viên Tây phương đã quả quyết: một số lãnh tụ gốc Mã của Đảng đã bị các đồng chí gốc Hoa mua đứt!

Trong thời kỳ gần đây, nhóm gốc Hoa thiên tả lại bắt đầu tính chuyện thay chân nhóm thiên hữu trên chính trường. Đảng Hành Động Dân Chủ là một cơ quan qui tụ những bộ mặt mới của người Tàu. Cuộc bầu cử 1969 cho thấy kết quả xuống dốc của đảng Liên minh. Liên minh chỉ còn một đa số hết sức mong manh: 78/144 ghế. Các dân biểu gốc Hoa trong Liên minh đã tự ý rút lui khỏi chính phủ để mặc cho Tổ Chức Quốc Gia Mã Lai Thống Nhất lúng túng trong cuộc khủng hoảng nội các. Đảng Hành động Dân chủ đòi hỏi chỗ đứng trong chính phủ. Những phần tử quá khích trong Tổ Chức Quốc Gia Mã Lai Thống Nhất thì lại đòi thủ tướng Abdul Rahman hãy từ chức để Đảng có thể thành lập một chính phủ toàn người Mã và loại bỏ người Trung Hoa ra khỏi các địa vị trọng yếu trong chính quyền.

Tranh chấp chủng tộc vẫn ngấm ngầm, nay được dịp phát hiện. Hàng vạn người Trung Hoa và Mã Lai đã ùa ra đường phố Kuala Lumpur, Penang, Selanger chém giết nhau. Trung tâm thủ đô cháy ngút trời. Các cửa tiệm, xe cộ, cơ sở chính phủ bị đập phá, thiêu hủy. Chính phủ đã phải dùng cảnh sát và quân đội can thiệp mạnh mẽ. Chỉ trong vài ngày vào trung tuần tháng 5-1969, thủ đô Kuala Lumpur đã có hàng ngàn người thương vong. Tình trạng khẩn trương đã được ban bố; các thành phố lớn bị giới nghiêm 24/24; báo chí bị tạm đình bản; quốc hội ngưng hoạt động. Việc tái lập trật tự được trao phó cho một Hội đồng đặc nhiệm.

Sau nhiều tháng chấn chỉnh, tình trạng xáo trộn đã được giải quyết tạm thời. Nhưng, thảm cảnh mới chỉ chớm bắt đầu, chắc chắn trong tương lai sẽ còn nhiều đổ vỡ, nếu không tìm được giải pháp ổn thỏa.

[còn tiếp]


Ghi Chú:

[1] Xin đọc Willard A.Hama, The Formation of Malaysia, New Factor in World Politics American Universities Field Staff, New York 1964.

[2] Đảng Cộng sản Mã là một chính đảng kỳ cựu nhất ở Mã Lai. Nguyên sau thời kỳ cách mạng tư sản ở Hoa lục, Quốc dân đảng có tổ chức được một phân bộ ở Mã Lai. Nhưng tới năm 1927, song hành với hoạt động mạnh của Cộng sản Trung hoa, một số phần tử trong hội đồng cách mạng của Quốc dân đảng phân bộ Mã Lai đã đứng ra thành lập đảng Cộng sản Mã Lai. Lúc đầu Cộng sản Mã chỉ được coi như một chi bộ địa phương của Cộng đảng Trung hoa, mãi tới năm 1930 Nga sô mới chú ý đến và tới 1933 Đông Phương Bộ Đệ Tam Quốc Tế mới công nhận và trợ giúp.

[3] Người Anh đã thất bại trong việc sử dụng cảnh binh Hoa kiều vào việc tiêu trừ Cộng sản. Trong số 10 ngàn cảnh binh Hoa kiều thì hơn 6 ngàn bỏ trốn sang Singapore, hàng ngàn khác trốn về Hoa lục, một số vào rừng theo du kích quân.

[4] Cộng đảng gồm 95% là Trung Hoa, vài phần trăm Ấn, còn người Mã thì quá ít không đáng kể.

[5] Nguyên Dato Onn Bin Ja’afar là lãnh tụ của tổ chức Quốc gia Mã Lai Thống nhất từ ngày thành lập (tháng 3 năm 1946). Ông có ý định lập một tổ chức không phân biệt chủng tộc, nhưng những diễn biến tự nhiên đã đưa đảng ông tới chỗ thuần túy Mã Lai. Ông đã bỏ đảng cũ đứng ra lập đảng mới, tức đảng Độc Lập Mã Lai với mưu tính thu hút cả người Tàu và người Ấn. Ông đac bị thất bại liên tiếp trong các cuộc bầu cử và về sau đảng ông bị tiêu tan, vì người Tàu và người Mã không chịu ngồi chung với nhau dưới hình thức hòa đồng ông vạch ra. Về sau họ đã chấp nhận kiểu liên minh của Abdul Rahman, nghĩa là liên minh trong những quyền lợi chung nhưng chủng tộc nào vẫn giữ nguyên đoàn thể của chủng tộc ấy trong liên minh.


CHƯƠNG 8: PHI-LÍP-PIN: XÃ HỘI SA LẦY

Một quần đảo gồm trên 7,000 hòn đảo lớn nhỏ trải ra trên một vùng rộng 1,000 km và dài 1,800 km, với diện tích và dân số suýt soát bằng diện tích và dân số Việt Nam, nằm đối diện với Việt Nam ở bên kia bờ Nam Hải, đó là Cộng Hòa Phi-Líp-Pin (Republika Ng Pilipinas.)

Một người bạn rất gần kề chỉ cách một vùng biển nhỏ mà trước kia nghe chừng xa lắc xa lơ. Vì từ xưa tới thời kỳ gần đây, suốt trong lịch sử hai nước, Việt và Phi không có một liên hệ nào đáng ghi nhớ. Không hẳn chỉ riêng với Việt-Nam, mà với các nước khác ở Đông Nam Á cũng vậy: xứ Phi Gia Tô, xứ Phi Mỹ hóa, xứ Phi tư bản dường như ở mãi tận đâu đâu! Người Kampuchia đã cho rằng Phi-Líp-Pin có vẻ giống Mỹ hơn là giống một nước Á Châu. Người Indonesia và Mã Lai Á tuy cùng một bộ tộc Malay hải đảo với Phi, nhưng càng cảm thấy xa hơn vì tôn giáo và văn hóa khác việt. Người Mỹ thì đã từng hãnh diện về Phi: một mẫu mực của nền dân chủ tư bản ở Á Châu!

Tuy nhiên, mọi nhận định về Phi một cách hời hợt hay có thành kiến đều là bất công và thiên lệch. Vì tình trạng thực của Phi-Líp-Pin không thể tìm thấy ở những chính trị gia chuyên nghiệp thạo nghề thao túng chế độ Cộng hòa vay mượn, ở thành phần ca xích mạnh tay bóc lột hay ở những cán bộ Mác xít đang mơ tưởng thiên đường Cộng sản. Chúng ta phải tìm bộ mặt Phi ở khối quần chúng đông đảo trong đó có những nông dân tá điền chân lấm tay bùn, ngày này qua tháng khác cặm cụi lầm than cho kẻ khác hưởng công lao, mồ hôi, nước mắt của mình, những thợ thuyền trong các ngành công nghiệp đang điêu đứng vì đói rách do bọn sét ty (chetty) và chủ nhân tư bản gây nên.

Thảm cảnh ấy là hậu quả của chuỗi tháng năm dài sống trong nô lệ và cũng là vũng lầy xã hội mà kẻ thống trị đã để lại. Còn trên mặt tầng, cái vỏ dân chủ kiểu Mỹ chỉ là sự đánh tráo con bài của những tay cờ bạc bịp cái mức sống "khá cao" không phải là mức sống của quảng đại quần chúng mà chỉ là lợi tức của tư bản tính chung vào nhân khẩu quốc gia.

Thời Tây Ban Nha Thống Trị

Trước khi người Tây Ban Nha đặt chân lên quần đảo này, dân Phi còn đang sống trong tình trạng bộ lạc và sinh nhai bằng nghề săn bắn, đánh cá và làm ruộng. Đơn vị xã hội lớn nhất quy tụ thành làng, được gọi là Barangay, gần như bản Thượng của ta. Datu, người cầm đầu Barangay, được coi như một vị chúa tể trong khu vực. Tất cả ruộng nương trong làng là của Datu. Datu đặt ra luật lệ, thi hành luật lệ một các độc đoán và đồng thời cũng là quan tòa xử án theo ý riêng của mình.

Một chút ảnh hưởng từ phương Bắc xuống qua những thương gia Trung Hoa (đặt chân lên quần đảo này từ thế kỷ 11) và từ phương Nam lên của thời kỳ đế quốc Srivijaya và Majapahit không còn lưu lại vết tích quan trọng nào trong nếp sinh hoạt của dân địa phương.[1]

Về tôn giáo, dân các Barangay có nhiều phương thức thờ cúng khác nhau tất cả đều là phiếm thần (panthéisme), và linh hồn giáo (animisme). Mãi tới đầu thế kỷ 15, Hồi Giáo mới bắt đầu thâm nhập được vào những vùng đảo ở phía Nam Sulu và Mindanao. Sang thế kỷ 16, Hồi Giáo đã lan dần được lên miền Bắc và bén rễ ở cả Manila. Giữa thời kỳ đó thì người Tây Ban Nha tới. Về biến chuyển lịch sử này, có người đã cho rằng nếu Tây Ban Nha tới chậm hơn chừng một thế kỷ hoặc tới chỉ có mục đích thuần túy kiếm thị trường thì ngày nay dân Phi đã là dân Hồi Giáo. Nhưng với một ông vua như Philip Đệ Nhị (mà sử gia Tây Phương đã gọi là "the most Catholic of Kings!") thì dĩ nhiên lịch sử lại rẽ sang một khúc quẹo khác. Khúc quẹo ấy là con đường Gia Tô hóa hầu hết dân Phi với phương cách thầy dòng tiến cùng binh lính (Friars marched with soldiers)[2]. Ngay từ bước đầu, nhờ uy quyền chính trị và quân sự, việc truyền giáo không gặp trở ngại nào đáng kể. Trừ một vài đề kháng của nhóm Hồi Giáo ở Sulu va Mindanao, còn những hình thức tôn giáo linh tinh ở các barangay khác đều lần lượt quy hàng và bị xóa dần vết tích.

Trong thế kỷ đầu tiên của cuộc đô hộ, chính phủ Tây Ban Nha đặt một viên Toàn quyền cai trị toàn quần đảo và một lớp nguời trung gian giữa trung ương và dân chúng địa phương được gọi là Encomendero. Các encomendero là người Tây Ban Nha, thường là tay chân thân thuộc của viên toàn quyền. Encomendera đứng ta tổ chức việc bình định, chiêu an, lo việc giảng dạy kinh thánh và thu lợi tức, thuế má một vùng với tính cách gần như thầu việc. Mỗi enconmendero hoạt động trong một khu vực trung bình dđộ 6,000 gia đình. Hầu hết các enconmendero đều hành sự một cách rất tàn bạo, vì lợi tức, thuế má thu về càng nhiều y càng được nhiều. Y chỉ phải trả chính phủ hoàng gia 20% số thu hoạch.

Cuối thế kỷ 17, chế encomendero được bãi bỏ. Chính quyền thống trị bổ nhiệm các viên chức tại các tỉnh, dân sự ở nơi đã bình định, quân sự ở nơi còn lộn xộn. Tại các đơn vị xã hội nhỏ hơn cũng có các viên chức nhỏ của chính quyền lo việc cai trị, nhưng trên thực tế, tiếng nói của vị linh mục trong khu vực vẫn luôn luôn là tiếng nói quyết định cuối cùng trong mọi hoạt động về hành chánh, vì quyền lực của Giáo Hội rất lớn và hơn nữa ông ta là người Tây Ban Nha duy nhất trong khu vực. Nói về Giáo quyền của Phi, một du khách viếng Phi vào năm 1781 đã ghi lại là "quyền lực này còn tuyệt đối hơn cả vương quyền."

Sang thế kỷ 19, nhiều diễn biến xảy ra đã làm xã hội Phi dần dần thụt lùi lại tình trạng barangay thời Datu trước kia, dĩ nhiên với bô mặt khác. Trước hết là những luật lệ mới cho phép một số phú hào dòng dõi các Datu xưa được phục hồi quyền thừa hưởng lãnh địa. Nhân cơ hội ấy, những người này đã khai man thêm diện tích đất cũ và vận dụng luật pháp sang đoạt dần điền thổ cơ hữu của đám nông dân ít học. Do đó họ đã trở thành những ca xích giàu có và thế lực. Cũng trong thời kỳ này, tiền tệ được luân lưu nhiều hơn trong nước. Manila khởi sự giao thương với ngoại quốc (1830) và sau đó nền ngoại thương đã dần dần phát triển nhờ sự hoàn thành kinh đào Suez mở lối dễ dàng sang châu Âu (1869). Những diễn biến này đã đưa đến sự suy sụp nền kinh tế tự trị và biệt lập cổ truyền ở nông thôn, do đó lôi cuốn theo các nông gia tự cầy ruộng của mình vào vòng mang công mắc nợ. Công nợ thường dần dần đưa đến sự cầm bán ruộng đất. Ruộng đất được chuyển qua tay bọn sét ty để tập trung vào các thành phần phú hào đã nói ở trên hay về các Nhà Chung ở mỗi địa phương. Tóm lại trong xã hội Phi thời đó, nông dân đã bị dồn dần vào tình trạng vô sản và đã đương nhiên trở thành tá điền cho các chủ điền và các Giáo khu.

Trong cuộc cách mạng cuối thế kỷ 19, đặc biệt là thời kỳ Aguinaldo cầm đầu, đám quần chúng ủng hộ các nhà lãnh đạo cách mạng hầu hết đều là tá điền. Tháng Giêng năm 1899 khi Aguinaldo thành lập chính phủ cách mạnh thì hành động đầu tiên của ông là ra lệnh quốc hữu hóa những đất đai của Nhà Chung và trục xuất các thày tu Tây Ban Nha ra khỏi xứ[3]. Cuộc cách mạnh đã thất bại vì sự đàn áp của quân đội Hoa Kỳ với sự tiếp tay của của giai cấp phú hào, nên dĩ nhiên Aguinaldo không thực hiện được ý định ấy. Nhưng, như phần trên đã nói, chúng ta thấy cuộc cách mạnh đã nhằm vào hai mục tiêu rõ rệt: Giành lại chủ quyền quốc gia và cải tạo xã hội. Hai mục tiêu mà cho đến nay nhân dân Phi cũng như nhân dân toàn thể Đông Nam Á vẫn còn phải đeo đuổi nhưng chưa biết bao giờ mới đạt!

Thời Mỹ Thuộc và Hậu Mỹ

Sự tập trung ruộng đất vào tay một số người từ thời Tây Ban Nha vẫn được tiếp tục duy trì dưới thời Mỹ thuộc. Luật về điền thổ mới nhất của Mỹ hạn chế diện tích tối đa cho các đoàn thể hay hiệp hội là 2.530 mẫu Anh (acre) và mỗi cá nhân là 355 mẫu Anh. Tuy nhiên, giai cấp phú hào vốn luôn luôn là bạn của kẻ cầm quyền nên việc thi hành luật pháp rất là lỏng lẻo không gặt hái được kết quả đáng kể, nghĩa là ruộng đất vẫn được tập trung vào tay các chủ đồn điền lớn dưới hình thức này hay hình thức khác. Chỉ có ruộng đất của Nhà Chung là được chiếu cố phần nào. Trong năm 1904, nhà cầm quyền đã mua lại qua tay những kẻ ngồi không thừa hưởng hoa lợi. Lớp chủ điền mới này tuy không tập trung được một số diện tích lớn lao như những chủ điền cũ nhưng khả dĩ cũng tăng thêm nhân số cho giai cấp ấy và gây thêm sự bất công cho xã hội Phi vốn đã đầy bất công. Chính những sự kiện trên đã là đầu mối cho ba cuộc nổi loạn của nông dân ở đảo Luzon từ 1920 đến 1930.

Nhìn chung, dưới thời đô hộ của Mỹ, một số lớn đất đai trước kia thuộc Nhà Chung thì nay được chuyển sang tay một lớp chủ điền mới, những phần tử có liên hệ với chính quyền thống trị. Sự việc không có gì khác hơn là hành động nhằm hạ bớt uy lực cũng như tài lực Giáo quyền của người Mỹ, còn lớp tá điền thì vẫn cha truyền con nối là tá điền. Từ năm 1916 tới 1919 nhiều bộ luật mới được đưa ra nhằm tạo cơ hội cho những phú hào bỏ vốn khuyếch trương công nghiệp. Song song với việc các gia đinh chủ điền san sẻ con em sang các ngành hoạt động công kỹ nghệ, thì các gia đình tá điền cũng san sẻ con em sang ngành thợ thuyền phục vụ trong các cơ xưởng, các mỏ than, mỏ sắt, nhà máy xi măng…Bọn sét ty, phần lớn là Trung Hoa, không bỏ lỡ cơ hội này. Như những con ruồi thấy mùi mật ngọt, chúng lại bâu quanh những trung tâm công nghiệp để kiếm mồi bằng cách cho vay nặng lãi, bóc lột đám thợ thuyền vốn đã xác xơ.

Mặc dầu trong nửa thế kỷ qua, một số quan trọng nông dân đã bỏ ruộng nương chuyển sang làm thợ trong các ngành công nghiệp, nhưng cũng như tất cả các quốc gia Đông Nam Á khác, thành phần chiếm đa số trong xã hội Phi ngày nay vẫn còn là nông dân.

Để có một khái niệm về đời sống Phi, tưởng không có gì cụ thể hơn là những con số về lợi tức do cựu Đại tá Valeriano đã ghi lại "Mỗi năm trung bình một tá điền kiếm được 250 pesos [4], rất ít người kiếm nổi 300 pesos; trong khi mỗi tháng, một gia đình năm người phải cần ít nhất 120 pesos mới đủ sống và đủ hỗ trợ cho con cái học hành" [5]. Như vậy có nghĩa là tá-điền chỉ kiếm được 17,36% nhu cầu trung bình của một đời sống tầm thường.

Sự nghèo túng ấy đã làm cho lớp cùng dân Phi ngày càng kiệt quệ và thế hệ này qua thế hệ khác, nghèo túng mang theo sự dốt nát làm cho không sao mà ngóc đầu dậy nổi.

Theo tài liệu thống kê năm 1964, trong tổng số nông dân toàn quốc, 0,036% là chủ điền có ruộng cho mướn, còn 40% là tá-điền. Nghĩa là mỗi chủ điền, cá nhân hay tổ chức, cầm chịch đời sống trung bình 1.100 tá-điền. Riêng sáu tỉnh ở trung tâm Luzon, trên 70% nông dân không có ruộng. Điều nguy hiểm nhất là số nông dân có ruộng cơ bản, thường dưới năm mẫu Anh, hiện đang giảm dần và trở thành tá điền vì mang công mắc nợ, mỗi năm ít ra cũng dăm ngàn người. Hiện nay có chừng 83% nông dân có ruộng cơ bản đang sống trong vòng công nợ với số lãi 100% trong mỗi vụ mùa [6].

Đại điền chủ cũng là cường hào ác bá ở nông thôn, đã được nhào nặn và nối tiếp từ truyền thống phong kiến Tây Ban Nha, cộng thêm với bọn đại tư bản thành thị, đàn em của tư bản Mỹ, đã tạo thành giai cấp thống trị thực sự trên xã hội Phi. Với một thiểu số nhỏ nhoi, giai cấp này hiện đang nắm giữ 90% tài nguyên và lợi tức quốc gia. Một sự thật chua xót ghi đậm vết sa lầy của một xã hội tự buông trôi trong dòng nước cuốn của chủ nghĩa tư bản phóng túng!

Nói đến lợi tức đầu người, tưởng cũng cần nên biết hiện nay phần lớn dân Phi có lợi tức trung bình 100 Mỹ-kim, ấy là không kể luôn luôn có trên 10% dân thất nghiệp. Trong khi giai-cấp ăn trên ngồi chốc có hàng trăm ngàn người lợi tức trên 5.000 Mỹ kim. Cái hố sâu phân cách giữa giàu nghèo ngày được khoét rộng thêm làm cho chính tổng thống Phi Marcos cũng phải thốt ra rằng Phi hiện đang (1967) sống trên đỉnh một "núi lửa xã hội" sẵn sàng nổ bùng bất cứ ngày nào.

Tình trạng nghèo đói, bất công chung khắp nước đã đưa Phi tới tệ nạn buôn lậu và tham nhũng ngang hàng với các nước Đông Dương trong chiến tranh. Chính bộ trưởng tài chánh Phi đã phải xác nhận là nhân viên bộ mình có tới phân nửa tham nhũng thối nát đến nỗi không thể nào sửa đổi được. Bên cảnh sát lại còn tệ hại hơn nữa: 70% thối nát và bất lực, theo lời viên tổng giám đốc đã tiết lộ. Đối với dân Phi, đó không phải là chuyện lạ. Vì trong một xã hội tiêu thụ như xã hội Phi, nhu cầu vật chất đã được thả lỏng, mức hưởng thụ tiện nghi rất cao, thế mà lương một cảnh sát viên trung bình vỏn vẹn có 15 Mỹ kim một tháng thì thử hỏi làm sao hắn không vung tay ăn cắp nếu có điều kiện ăn cắp! [7]

Về mặt chính trị, trong khi còn thống trị quần đảo Phi, Mỹ đã cố uốn nắn cho Phi trở nên mẫu mực của nền dân chủ Mỹ ở Á Đông. Năm 1935, một hiến pháp cũng đã được thảo và ban hành nhằm xây dựng hình thức Cộng Hòa kiểu Mỹ cho chính thể Phi.

Hiến pháp qui định quyền bầu cử cho tất cả công dân nam nữ biết chữ từ 21 tuổi trở lên. Điều kiện biết chữ đương nhiên hạn chế quyền công dân của đại đa số quần chúng nghèo nàn thất học. Do đó, ngay trong cuộc bầu cử đầu tiên, có người đã nhận xét nền dân chủ mà Mỹ gán cho Phi chẳng qua là cái bung xung do giai cấp phú hào thao túng, còn giai cấp khốn cùng không có tiếng nói cũng không được bầu [8].

Vào thời ấy, giai cấp phú hào ngự trị trên chính trường Phi và thể hiện sự thuần nhất tương đối của họ dưới danh nghĩa một chính đảng — đảng Quốc Gia (Nacionalista Party). Nhưng sau thế chiến, để cho giống Mỹ hơn, đảng này đã tự phân hóa thành hai là Quốc Gia và Tự Do (Liberal Party) và cùng tồn tại đến ngày nay [9]. Tuy được chia làm hai đảng, nhưng thực sự Phi chỉ có một chính sách, một đường lối của những kẻ giàu có mượn chính quyền để làm giàu hơn và đẩy quần chúng đã nghèo khổ đến chỗ càng thêm xơ xác. Thực chất, như Lennox A. Mills đã nhận định, hai đảng chỉ là hai phe cùng thuộc giai cấp thống trị luôn luôn tranh nhau để đoạt quyền hành về tay mình! [10]

Vì quyền hành đi đôi với quyền lợi, nên hai phe trong giai cấp thống trị đã dùng đủ mọi thủ đoạn bỉ ổi tranh chấp nhau để đoạt quyền. Cụ thể nhất là những vụ chém giết mỗi khi có bầu cử. Cuộc bầu cử Tổng thống 1969 có 70 người chết và hàng trăm bị thương; sau bầu cử còn kéo thêm trên 100 người chết nữa trong các cuộc xung độ giữa hai đảng.

Đối với người dân Phi, bầu cử cũng đồng nghĩa với gian lận và súng đạn. Vì hễ có bầu cử là có gian lận, có súng nổ, có người chết. Thật là nền dân chủ của các tay cao bồi thời thực dân ở miền Viễn Tây Bắc Mỹ ngày xưa!

Bế Tắc

Vì sự ung thối của giai cấp lãnh đạo, ảnh hưởng cộng sản đã vượt khỏi rừng núi, nông thôn mà tràn về thành thị, thể hiện qua hoạt động của các tổ chức sinh viên, thanh niên Mác Xít, như Liên Đoàn Thanh Niên Yêu Nước (Kabataang Makabayan). Ngay trong giai cấp lãnh đạo, mầm mống phản ứng lại sự hỗn loạn cũng đã nảy sinh, nhưng lại nảy sinh qua chiều hướng cực kỳ phản động, đó là tổ chức Phong Trào Vận Động cho Phi-Líp-Pin thành tiểu bang của Mỹ do cựu nghị sĩ Rufino D. Antonio đề xướng. [11]

Tình trạng bế tắc của xã hội Phi, của cơ chế chính trị Phi đang đưa dần xứ này đến nguy cơ tan rã. Trừ một chuyển mình cần thiết làm đổi thay toàn bộ xã hội, Phi-Líp-Pin thật khó lòng mà đứng vững nổi với thời gian.


Ghi Chú:

[1] Coi chú thích 2 chương 4.

[2] Governents and Politics of Southeast Asia, New York Cornell University Press, 1964, trang 681

[3] Nên đọc: Teodoro Agoncillo, The Revolt of the Masses, Philppines University, 1956.

[4] Cứ 3,92 pesos bằng 1 Mỹ-kim.

[5] Counter Guerilla Operations – the Philippines Experience.

[6] Sách đã dẫn trên chú thích 2, trang 711-712.

[7] U.S. News and World Report, số ngày 18-11-1967.

[8] J.R. Hayden, the Philippines, A Study In National Development, New York, MacMillan, 1967, trang 370-371.

[9] Từ 1946 đến 1960 đã có một số đảng nhỏ xuất hiện nhưng sau đã bị tan rã hoặc đồng hóa vào hai đảng lớn, như Liên Minh Dân Chủ (Democratic Alliance) năm 1946, đảng Dân-chủ (Democratic Party) năm 1953, đảng Tiến-bộ (Progressive Party) năm 1957, v..v… Ngoài ra còn có các tổ chức Cộng Sản như Quân Đội Nhân Dân Chống Nhật (Hukbong Mapagpalaya Ng Bayan) từ 1950 và hiện nay là Tân Dân Quân (New People Army) có khuynh hướng thân Mao.

[10] Lennox A. Mills, Southeast Asia-Illusion and Reality in Politics and Economics, University of Minnesota Press, Minneapolis, 1965, trang 19.

[11] Phong trào này đã kêu gọi dân chúng Phi gia nhập trong một bản tuyên ngôn đăng trên tờ Manila Times số ngày 19-9-1971. Ngoài ra những vấn đề chính trị, xã hội, những người chủ tương phong trào đã vạch rõ lợi ích kinh tế biểu lộ tham vọng của giới tư bản Phi trong mưu cầu "thầu việc" với Mỹ ở Á Châu. Tuyên ngôn viết "Phi sẽ là trạm cung cấp sản phẩm Mỹ cho tất cả các quốc gia Á châu, như thế tiểu bang Phi sẽ trở nên giàu mạnh nhất Á châu. Các căn cứ quân sự Mỹ sẽ được mở rộng và gia tăng trên quần đảo chúng ta (Phi) vì sự phòng thủ và an ninh bên ngoài Phi-Líp-Pin. Vì thế cả tỷ Mỹ-kim sẽ được đổ vào tiểu bang này, cùng như Alaska, Hạ Uy Di và các đảo Puerto Rico và Guam."


myanmar

Trong vòng một phần tư thế kỷ độc lập vừa qua của Miến, nếu cần phải phân định giai đoạn thì tưởng không có gì tiện hơn là chia ra làm hai thời kỳ theo diễn biến tự nhiên của lịch sử: thời kỳ U Nu 1948-1962 và thời kỳ Ne Win, 1962 về sau. Mặc dầu trong giai đoạn U Nu, Ne Win có tạm thế hai năm, 1958-1960, nhưng đường lối chung vẫn là đường lối U Nu, không có thay đổi gì quan trọng.

U Nu, một phật tử rất sùng đạo và có tinh thần quốc gia cao độ, đã duy trì một chính sách tương đối cởi mở theo chế độ dân chủ đại nghị. Đối với cộng sản và loạn quân thiểu số, ông đã tìm các hàn gắn trong các cuộc đàm phán và thách đố họ hãy tranh đấu hợp pháp bằng lá phiếu trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, đường lối của ông đã hơn một lần thất bại. Năm 1961 là năm cuộc khủng hoảng nội bộ đã đe dọa trầm trọng liên hiệp Miến. Chính phủ tỏ ra bất lực trong việc điều hành phát triển kinh tế như đã dự liệu. Các nhóm thiểu số nhao nhao đòi tự trị. Các nhà lãnh đạo chia rẽ đến nỗi không còn có được một đường lối chung. Ngay cả đến đảng Thống Nhất của chính quyền (gồm những phần tử đứng về phe U Nu trong Liên Minh Nhân Dân Tự Do Chống Phát xít, Liên Minh đã bị U Nu giải tán từ năm trước) cũng bị phân hoá vô phương hàn gắn.

Tình trạng này đã dẫn tới cuộc đảo chánh của tướng Ne Win ngày 2 tháng 3 năm 1962. Cuộc đảo chánh đã chấm dứt chế độ đại nghị Miến và mở đầu cho một chính sách độc tài mà Ne Win gọi là tạm thời trong thời kỳ chuyển tiếp trên đường “tiến tới xã hội chủ nghĩa kiểu Miến.” Quốc hội bị giải tán, các đảng phái chính trị cũ bị cấm hoạt động. Tất cả các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều được tập trung vào tay một cơ quan tối cao: Hội Đồng Cách Mạng. Hỗ trợ cho Hội Đồng Cách Mạng về cơ chế và đường lối có một đảng duy nhất, đảng Kế Hoạch Xã Hội.

Hai thời kỳ, hai bộ mặt, với phương cách khác nhau, nhưng vẫn cùng theo đuổi những mục đích chung trong sự nghiệp kiến tạo đất nước. Những mục đích ấy có thể quy vào 3 chủ điểm, đồng thời cũng là ba trận tuyến mà nhân dân Miến đã phải đấu tranh nhằm:

- Giữ cho Liên HIệp Miến được toàn vẹn trước các mưu đồ phân ly nội bộ.

- Giữ cho quốc gia Miến đứng vững trong thế độc lập chính trị, tránh ra ngoài vòng ảnh hưởng đế quốc tư bản và cộng sản, đồng thời cũng thoát khỏi sự kiềm toả của Trung Hoa.

- Dành lại chủ quyền thực sự về kinh tế cho nhân dân Miến và đưa quốc gia tiến tới xã hội chủ nghĩa kiểu Miến.

Chống Phân Ly

Về lãnh thổ, các dân tộc thiểu số ở Miến choán một nửa diện tích đất đai (rải ra ở Nam và Đông Nam), nhưng về dân số chỉ chiếm 20%. Người Karen đông đảo nhất gồm khoảng ba triệu, còn những nhóm khác ít hơn như Shan (Thái) 1,5 triệu, Chin và Kachin một triệu.
Để giữ vẹn toàn lãnh thổ, chính phủ U Nu đã phải đối phó một cách khó nhọc với các phong trào đòi tự trị của các nhóm thiểu số. Mối đe dọa nặng nề nhất cho nền tảng Liên Hiệp là cuộc nổi dậy của người Karen. Lúc đầu được khuyến khích bởi chính sách của người Anh [1], dân tộc Karen đã nuôi sẵn mầm mống phân ly. Đến năm 1949, được Cộng Sản Miến hứa hẹn liên kết, người Karen liền võ trang đấu tranh đòi tự trị dưới danh hiệu Tổ Chức Quốc Phòng Karen.

Trong những năm 1949, 1950, tình trạng an ninh ở Miến đã nguy kịch đến độ chính thủ đô Rangoon cũng bị uy hiếp. Các thị trấn lớn do chính phủ kiểm soát bị bao vây giữa sự hỗn loạn ở thôn quê như những cù lao cô lập giữa biển sóng. Bên bờ hố thẳm của đổ vỡ, U Nu đã nhẫn nại hàn gắn bằng cách vừa kiên quyết bình định từng khu vực nhỏ vừa tiến hành điều đình để mở một lối thoát danh dự cho lực lượng phân ly. Nhờ thế, đến ngày 1 tháng 7 năm 1954, cuộc nội chiến mới tạm giải quyết được một phần do sự hòa giải giữa chính phủ trung ương với những phần tử ôn hòa trong nhóm lãnh đạo Karen. Tuy nhiên, quân Karen chỉ thực sự tan rã trong chế độ Ne Win, nguyên nhân chính là vì sự chia rẽ nội bộ làm cho một số nhà lãnh đạo đã bỏ hàng ngũ trở về với chính phủ trung ương hồi cuối năm 1963.

Với Trung Hoa

Về điểm giữ cho Miến khỏi rơi vào vòng ảnh hưởng tranh chấp giữa hai khối, hay nói một cách là áp dụng chính sách không liên kết tích cực, cho đến nay Miến đã đi khá vững trên con đường đối ngoại đã vạch sẵn. Dầu sao, trên thực tế, nội bộ Miến cũng vẫn còn gặp nhiều xáo trộn trước các mưu toan bành trướng của Cộng Sản Miến.

Rút kinh nghiệm từ thế chiến II, các nhà lãnh đạo Miến nhận thấy sự tham gia vào các phe phái quốc tế để làm vật hy sinh cho đế quốc là một điều phi lý. Hơn nữa, với vị trí đặc biệt của các quốc gia vùng Đông Nam Á, tiếp nhận ảnh hưởng phe này chắc chắn sẽ bị phe kia phá hoại. Nhất là Miến lại ở sát nách Trung-Hoa và đã từng được dùng làm cửa sau của Trung Hoa thông ra Ấn Độ Dương trong thế chiến II [2].

Trung-Hoa, dù dưới thời đại nào, cũng vẫn là mối bận tâm quan trọng của Miến. Trong hai mươi năm độc lập, Miến đã hai lần đụng độ với quốc gia láng giềng khổng lồ miền Bắc, một lần với Quốc Quân, một lần với Cộng Quân.

Đầu năm 1950, bị Cộng quân đánh dồn xuống phía Nam, đạo quân Quốc Dân Đảng dưới quyền tướng Lý Mỹ bèn mở đường rút lui xuống Bắc Miến. Lúc đầu chỉ có 1.700 quân tiền đạo chiếm đóng tỉnh Kentung; sau tăng dần và tới 1952 thì lên đến 13.000 người trong đó có 8.000 quân chính quy. Tổng hành dinh của Lý Mỹ được đặt ở Mong Hsat, còn khu vực kiểm soát của Quốc quân thì mỗi ngày một lan rộng thêm, từ vùng Salaween xâm nhập sâu vào các tiểu bang Shan, Kayah và Kachin. Quốc quân cũng còn liên lạc cả với loạn quân Karen ở miền Nam để mưu tính liên kết.

Binh lính Quốc quân đã tới các làng mạc của người Shan thâu vét lương thực, phẩm vật và trả bằng trái phiếu có ghi chữ “Mỹ sẽ bồi hoàn”. Ấy là không để đến những hành động đốt phá cướp bóc xảy ra hàng ngày của Quốc quân khi gặp sự đối kháng của dân chúng địa phương [3].

Quân đội quốc gia Miến khi ấy dù đang vô cùng bận rộn trong việc tiễu trừ loạn quân Karen và Cộng sản, cũng đã mở nhiều cuộc hành quân chống lại quân Lý Mỹ. Nhưng dường như vì không tập hợp được các đơn vị lớn (chiến dịch bình địch đã phân tán mỏng quân đội Miến) nên Miến không đạt được kết quả nào đáng kể. Hơn nữa cái thế hai chân hai bên biên giới Miến cũng tạo điều kiện thuận lợi trong sự tránh né cho Quốc quân. Đã nhiều lần để tránh xung đột lớn với quân Miến, Lý Mỹ đã tản lực lượng sang Thái, nhưng ngay sau đó đợi tình thế khả quan, lại trở lại Miến và cướp bóc mạnh hơn.

Cuối cùng Miến đã đưa vấn đề Quốc quân xâm lược Miến ra trước Khóa 7 đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1953. Rồi sau hàng năm điều đình, Quốc quân mới chịu rút khoảng 6.000 về Đài Loan, phần còn lại vẫn chiếm giữ bất hợp pháp một phần lãnh thổ Miến cho đến đầu năm 1961 mới bỏ hẳn đất này di tản sang Lào và Thái. Tuy nhiên cho tới nay miền Bắc Miến vẫn còn một số không nhỏ lính Tàu sống lẩn lút bằng nghề cướp bóc.
Ngay khi vụ Quốc Dân Đảng chưa được giải quyết, Miến đã lại có chuyện với Cộng sản Trung Hoa, điều mà chính quyền Miến vẫn luôn luôn e ngại. Miến đã làm mạnh trong vụ Lý Mỹ một phần cũng vì sợ Bắc Kinh mượn cớ đem quân sang can thiệp. Nhưng rút cục, dù không lấy cớ Quốc quân, Bắc Kinh cũng tạo ra cớ khác để đem quân xâm phạm đất Miến, một cái cớ khá kỳ cục: dùng quân đội để ấn định lại ranh giới Hoa Miến theo ý riêng của nhà nước Trung Hoa!

Vụ xâm phạm lãnh thổ trắng trợn năm 1956 này đáng lẽ đã có thể trở thành cuộc khủng hoảng quốc tế và có thể sẽ nguy hại cho chính sách trung lập của Miến, nhưng cũng may nhờ cuộc cách mạng Hungary và chiến tranh Suez quá ầm ĩ làm chìm khuất đi, nên tránh được việc nước ngoài lợi dụng khai thác. Miến đã cố làm cho tình hình lắng dịu bằng cách lờ đi cả đề nghị “đòi Liên Hiệp Quốc trừng phạt Trung Cộng” của Thái, và để thu xếp ổn thỏa, U Nu đã phải bay sang Bắc Kinh điều đình xin kẻ xâm lược lui binh.

Sau này, Ne Win đã ký một hiệp ước Hoa Miến về biên giới nên bề ngoài sự việc coi như đã dược giải quyết. Trên thực tế, càng ngày Cộng quân Trung Hoa càng quá lộng, chúng ra vào di chuyển trên đất tiểu bang Shan như di chuyển trên lãnh thổ Trung Hoa. Chúng mở cửa biên giới cho hàng hoá Trung Cộng ùa vào thị trường Tây Bắc Miến một cách bất hợp pháp để phá hoại kế hoạch xã hội hoá của nhà nước Miến ở vùng này.

Trong năm 1966-1967, nhằm can thiệp vào nội tình Miến Điện một cách trực tiếp hơn, Bắc Kinh đã chỉ thị tranh trừng tất cả các phần tử xét lại trong hàng ngũ Cộng sản Miến, và sau đó vũ trang tinh thần cho lực lượng này bằng các ra mặt ủng hộ để đảng có thể hoạt động hữu hiệu hơn trong cuộc chiến tranh nổi dậy chống Ne Win, người mà đài phát thanh Bắc Kinh thường gọi là “Tưởng Giới Thạch Miến Điện.”

Tình trạng bang giao Hoa Miến vốn đã sứt mẻ lại càng rạn nứt trầm trọng hơn trong hoạt động khởi đầu cách mạng văn hoá của học sinh Hoa kiều tại Rangoon. Hồi mùa hè 1967, 200 học sinh Hoa kiều đã diễn hành với phù hiệu hình ảnh Mao Trạch Đông, bất chấp lênh cấm của chính phủ Miến. Dân thủ đô Miến phản ứng lại bằng các cuộc bạo động chống Hoa kiều. Hậu quả là âm mưu trải rộng cách mạnh văn hoá sang đất Miến đã bị dập tan, nhưng đồng thời Rangoon cũng bị Bắc Kinh lập tức hủy bỏ chương trình viện trợ đang và sắp thực hiện.

Mãi tới 1971, khi Mao Trạch Đông chính thức đưa ra đường lối ngoại giao hòa hoãn với tư bản được mệnh danh là chính sách đối ngoại cách mạng, quan hệ Hoa Miến mới bình thường trở lại.

Trận Tuyến Kinh Tế

Song song với việc chống đỡ các trận tuyến trên, chính phủ Miến cũng không quên tấn công mạnh trên mặt trận kinh tế để thâu đoạt chủ quyền trong tay ngoại nhân. Tại Miến trước đây, nền kinh tế quốc gia nằm trọn trong sự lũng đoạn của các giới thương kỹ Anh, Ấn, Hoa. Trong thời chiến tranh, mọi hoạt đông công công nghiẹp đều sút giảm một cách thê thảm. Nhưng sau khi quân Nhật đầu hàng, guồng máy kinh tế lại bắt đầu vận chuyển trở lại ngay.

Trước cao trào đấu tranh của nhân dân Miến, giới tư bản Anh thấy không còn ngồi yên ăn lâu được nữa, họ bèn tìm đủ mọi cách khai thác gấp rút trong cảnh chợ chiều 1946-1948. Tài nguyên khoáng sản được thu vét xuất cảng một cách tối đa. Anh kim của Miến dự trữ trong các ngân hàng Anh bị giữ lại và chỉ cho chi hạn chế bốn triệu trong năm năm. Quyền phát hành giấy bạc được chuyển cho một Ủy ban ở Luân Đôn thuộc sự điều khiển của một ngân hàng Anh. Và sau hết Miến phải cam kết bồi thường xứng đáng cho những người Anh bị trưng dụng tài sản.

Về nông nghiệp, tình trạng lại dần dần trở lại thời tiền chiến như đã đề cập ở đoạn trên, nghĩa là các địa chủ Hoa Ấn rục rịch tiếp tục sống bằng mồ hôi nước mắt của nông dân Miến qua sự cho mướn ruộng, cho vay tiền!

Sau ngày độc lập, U Nu đã chủ trương tức khắc thi hành việc loại trừ thống trị kinh tế của ngoại nhân. Để xây dựng một nền công kỹ nghệ dân tộc, chính phủ đã đặt ra kế hoạch với các biện pháp thi hành sau:

- Quốc hữu hóa (có bồi thường theo cam kết) các xí nghiệp quan trọng của tư bản ngoại quốc.
- Cải tổ các công ty Anh còn lại thành công ty hợp doanh Anh Miến.
- Giúp đỡ tư sản dân tộc cơ hội phát triển trong địa hạt công kỹ nghệ.
- Xây dựng những công nghiệp quốc doanh mới.

Về mặt nông nghiệp, hành động đầu tiên của U Nu năm 1948 là tung ra sắc lệnh quốc hữu hóa ruộng đất, hạn chế đại địa chủ, chia đất cho dân cày. Thực tiễn hơn, năm 1953 chính phủ đã quyết định trưng mua 9,9 triệu mẫu Anh đất (số ruộng đất trồng trọt toàn quốc là 21 triệu mẫu Anh) của địa chủ có trên 50 mẫu Anh để phân chia cho những người nguyên là tá điền, mỗi nông bộ 10 mẫu Anh. Công tác này theo dự liệu sẽ hoàn tất trong 10 năm kể từ 1954, nhưng dưới thời U Nu, việc thực hiện gặp rất nhiều trở ngại nên phải đợi sau 1962, chính phủ cách mạng mới xúc tiến mạnh mẽ.

Trong địa hạt tài chánh, U Nu cũng đã lấy lại được chủ quyền phát hành tiền tệ từ Cục Quản Lý Ngoại Tệ ở Luân Đôn về ngân hàng Miến Điện.

Dù sao, tới năm 1954 tại Miến vẫn còn tới 17 ngân hàng ngoại quốc trong số 22 ngân hàng tư doanh. Và vì không có kế hoạch dài hạn lại gặp tình trạng loạn lạc rối ren, nỗ lực giành lại chủ quyền kinh tế của Miến có vẻ bắt đầu loãng dần. Chính sách U Nu tương đối cởi mở nên Nhật, Tây Đức, Thụy Điển, Anh, Mỹ, Nga, Trung Cộng đua nhau nhào vào khai thác thị trường xứ này. Nhưng sau 1962, Ne Win chủ trương cô lập triệt để cả trong địa hạt kinh tế với việc quốc hữu hóa tất cả các ngân hàng tư doanh còn lại và tung ra những biện pháp làm nản lòng giới thương mại, những tay buôn ngoại quốc lại phải lảng ra dần. Ấn kiều và Hoa kiều đã rút về nước hay đi xứ khác làm ăn một số đông trong những năm đầu Miến độc lập, nay lại là dịp kéo nhau đi nữa, đến nỗi người Ấn và Hồi hiện chỉ còn không tới nửa triệu, người Tàu cũng không hơn.

Sau cuộc đảo chính 1962, Hội đồng Cách mạng do Ne Win cầm đầu đã công bố một bản tuyên ngôn minh định kế hoạch được mệnh danh là kế hoạch xã hội hóa nhằm tạo ra “một xã hội không còn cảnh người bóc lột người”. Bản tuyên ngôn “phủ nhận đấu tranh giai cấp”, vì cho rằng con người vốn không bình đẳng về tinh thần cũng như vật chất nên phải có sự chênh lệch, tuy nhiên, không thể chấp nhận những chênh lệch về lợi tức không hợp lý. Nhà nước xã hội vẫn chấp nhận quyền tư hữu, nhưng tư sản chỉ được tạo nên bởi chính sức cần lao của cá nhân chứ không bằng các hành vi mờ ám, gian manh”.

Cũng trong bản tuyên ngôn, Hội Đồng Cách Mạng đã cho rằng đem áp dụng chế độ dân chủ đại nghị ở các xã hội chậm tiến là không thực tế. Chính quyền cần phải tự dành một giai đoạn chuyển tiếp để hướng dẫn quần chúng. Tuy nhiên, Ne Win đã không minh định giai đoạn ấy là bao lâu.

Dựa vào ý niệm trên, nhà nước đã trực tiếp điều khiển tất cà các ngành sản xuất và phân phối yếu phẩm. Cho tới nay, đời sống dân chúng đã trở nên rất khó khăn vì dù nỗ lực đến mấy các xí nghiệp quốc doanh vẫn chưa thỏa mãn đủ nhu cầu tiêu thụ của quần chúng.
Các ký giả Tây phương vẫn thường chế nhạo cảnh tượng này bằng các kể những câu chuyện như “mua một cái bàn chải đánh răng cũng phải có giấy phép và phải chờ đợi lâu lắc”, hoặc “các quân nhân thiếu kinh nghiệm về hoạt vụ kinh tế đã tỏ ra vụng về trong việc lưu trữ và phân phối đến nỗi ở kho trung ương, thực phẩm hư thối phải đổ xuống sông Rangoon, trong khi tại các cửa hàng mậu dịch thì vơi xọp!” Dù chế nhạo như vậy họ vẫn phải công nhận “chắc chắn là Ne Win đã đạt được một trong những mục tiêu của ông ta là đoạt lại chủ quyền kinh tế vốn ở trong tay ngoại nhân như Anh, Ấn, Tàu từ bao nhiêu năm nay” [4].

Khúc Rẽ Phải Tới

Dấn thân vào “con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa kiểu Miến Điện” có thể nhân dân Miến đã phải sống trong tình trạng thiếu thốn về vật chất và tạm thiếu cả tự do, nhưng nếu muốn đạt được chủ quyền chính trị người ta phải trả bằng máu thì việc đạt được chủ quyền kinh tế đâu có phải trả bằng sự cam khổ nhất thời tưởng cũng chưa hẳn là quá đắt. Tuy nhiên, sự cam khổ không thể kéo dài mãi, nhất là sự kéo dài ấy lại chỉ do cung cách điều hành vụng về của giới lãnh đạo. Vì vậy mà gần đây mới có những vụ phản đối chính sách của chính phủ một cách khá ồn ào, quan trọng nhất là vụ quân loạn quân miền Đông (phe quốc gia do U Nu lãnh đạo) đấu tranh vũ trang nhằm lật đổ chính phủ. Phải chăng đó là những lời cảnh cáo sâu sắc nhất cho những người đương quyền! Từ sự việc này, những người quan sát tình hình Miến đều cảm thấy sớm muộn gì Miến cũng sẽ phải thay đổi đường lối sau khi đạt đưọc những mục tiêu đầu tiên.

Về đối ngoại, Miến không thể tự sống bưng bít mãi, cũng không thể mở cửa đón một đại cường nào vì như vậy là trái với đường lối không liên kết của Miến. Liên hệ quốc tế nếu có chắc chắn cũng sẽ không ngoài mối liên hệ địa phương với các quốc gia Đông Nam Á Như báo Nhân Dân Lao Động, cơ quan ngôn luận chính thức của Miến, số tháng 4 năm 1968 đã viết “Thực tế chính trị quốc tế đòi hỏi phải có sự tổ hợp rộng lớn hơn giữa các quốc gia Đông Nam Á với nhau” [5].

Tuy nhiên cho đến nay, ngay cả cái việc bắt liên lạc với chính các quốc gia Đông-Nam-Á, Miến cũng chưa làm được. Vì như ai nấy đều thấy, hầu hết các quốc gia Đông-Nam-Á còn lại đều có liên hệ mật thiết với các phe đế quốc đang cầm chịch cho cuộc tranh chấp đẫm máu ở vùng này. Nên, nếu đã tránh không mở cửa cho đế quốc nhào vào xâu xé thì chắc chắn Miến cũng không dại dột móc nối với các đàn em đế quốc [6].

[còn tiếp]


Ghi Chú:

[1] Nhóm thực dân Anh chủ trương chia cắt Miến Điện do D. Smith, nguyên thống đốc Anh ở Miến Điện cầm đầu. Nhóm này đã quy tụ trong một hội lấy tên là Hội Bạn Dân Miền Núi và đã chính thức đưa ra trước nghị viện Anh hồi đầu tháng 11 năm 1947, đề nghị chia cắt bằng cách thành lập nhiều nước tự trị chung quanh Miến Điện chính quốc. Nhóm này chủ trương sẽ lũng đoạn toàn vùng thuộc địa cũ qua các nước tự trị của các dân tộc thiểu số mà nhóm tin tưởng là sẽ nắm đầu được.

[2] Từ 1932 đến 1942, vì bờ biển Trung Hoa bị Nhật phong tỏa nên Anh Mỹ phải tiếp tế cho Trung Hoa qua đất Miến. Trong dịp này quân lính Quốc Dân Đảng và công dân Miến đã làm con đường từ Lashio (Tây Bắc Miến) đến Côn Minh tỉnh Vân Nam ngoằn ngoèo theo triền núi dài 1.100 km trong khi theo đường chim bay chỉ có 330 km. Trục lộ được đặt tên là Đường Miến Điện (Burma Road) và do tướng Cọp bay Claire Chennault bảo vệ.

[3] William O. Douglas, North From Malaya, Doubleday, New York, 1953.

[4] Hai tài liệu cơ bản về chủ nghĩa xã hội kiểu Miến do Bộ Thông Tin Miến Điện ấn hành. The Burmese Way to Socialism: The Policy Declaration of the Revolutionary Council (1962) và The Burma Socialist Progam Party Philosophy (1963).

[5] Bài “Why Ne Win Went Visiting” của Louis Kraar, Life, ấn bản Á châu, số 10, bộ 44, ngày 27-5-1968.

[6] Quan điểm về Đông Nam Á của Ne Win đã được biểu lộ qua lời phát biểu sau trong cuộc viếng thăm Mã Lai Á và Singapore năm 1968 “Dù hiện nay bóng đen của cuộc tranh chấp giữa các lực lượng từ ngoài vùng tới đã che phủ lên toàn thể sân khấu chính trị, người Miến chúng tôi vẫn tin rằng cuối cùng chỉ có lực lượng của chính vùng này mới thắng và mới đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn một hình thái cho ĐNA mai sau mà chúng ta sẽ sống. Về phần chúng tôi, chúng tôi nhìn trước thấy một hình thái ĐNA trong đó mỗi quốc gia sẽ tự do sinh hoạt theo lối sống riêng của mình. Chúng tôi tin rằng một cộng đồng các quốc gia như vậy cũng có thể giúp mỗi nước sống hòa bình và thân hữu với lân bang. Nhưng tình trạng đó sẽ không tự đến: tất cả các quốc gia trong vùng phải hành động để đạt tới” (chú thích 5.)


Cambodia

Truyện cổ Kam-pu-chia phỏng theo sự tích Ấn Độ kể rằng: xưa, thế gian tràn ngập quỷ ma. Trời muốn tẩy sạch mặt đất, bèn sáng tạo ra nàng Apsara Tilottama kiều diễm và cho nàng xuống trần. Apsara Tilottama đã dùng sắc đẹp của mình dụ cho các Ma vương đánh lộn và chúng Ma vương giết nhau mãi cho đến không còn mống nào, nhờ đó mà thế gian này tồn tại.

Và, với người Khmer dưới thời Sihanouk, họ cũng cho rằng chính sách tuyệt diệu hơn cả là ở giữa, mặc cho các cường lực bên ngoài tranh giành, chống đối nhau. Họ tự phụ ngầm với cái khôn ngoan của Apsara Tilottama mà học tự cho là đã nắm chắc được; nhưng bề ngoài, biện bạch một cách khiêm tốn hơn, Sihanouk nói với mọi người “Khi hai con voi đang xung đột thì con kiến chỉ biết đứng ngoài mà ngó chứ còn làm gì hơn được!”

Trên thực tế, Sihanouk đã không chỉ đứng ngó với tư thế một con kiến. Người ta đã thấy con kiến Kam-pu-chia nhiều lần ngả về phía voi này để làm áp lực với voi kia và ngược lại. Hành động theo phản ứng ấy đã đưa đẩy bảy triệu dân Kam-pu-chia vào cái thế chông chênh nguy hiểm, cái thế của kẻ leo dây, tâm không vững, chủ đích không rõ mà dây thì dài vô tận! Và cuối cùng kẻ leo dây đã ngã. Nếu có còn lại cái gì thì chẳng qua cũng chỉ là một bài học đáng để chúng ta suy ngẫm.

15 Năm Một Bộ Mặt

Sau hiệp định đình chiến Genève về Đông Dương, khi các lực lượng vũ trang cộng sản không còn là mối nguy cơ cho Kam-pu-chia nữa, Sihanouk bắt đầu mưu tính diệt trừ các phe quốc gia đối lập, đặc biệt là nhóm Sơn Ngọc Thành và đảng Dân Chủ. Trong dịp này, Sơn Ngọc Thành đã xin hội kiến với Sihanouk để trở về hợp tác và hứa trung thành với Hoàng gia, nhưng với tính cố chấp sẵn có, Sihanouk đã đáp lại bằng cách tố cáo Thành là kẻ thù của quốc vương, của chính phủ, của nhân dân, và dồn Thành vào cái thế phải tiếp tục chống lại Sihanouk tới cùng.

Về đảng Dân Chủ, Sihanouk nhận thấy ảnh hưởng vẫn còn rất mạnh, nên một mặt ông ta cứ lần lữa trì hoãn tổ chức bầu cử, mặt khác ông ta cho cựu thủ tướng Yem Sambaur đứng ra quy tụ các đảng phái thân chính phủ lại thành Liên minh Sahapak (Liên Minh Thống Nhất) để dễ bề đương đầu. Liên minh Sahapak là tổ chức tập hợp các cựu đảng Tự Do, Dân Chủ Tiến Bộ, Khmer Phục Hưng, Chiến Thắng Đông Bắc và Canh Tân Quốc Gia; nhưng các đảng nhỏ này vốn quá yếu không có bao nhiêu quần chúng đảng viên, nên Liên minh tập hợp cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn là tan rã.

Rõ ràng những cận thần của Sihanouk không có người nào vượt trổi lên, đủ uy tín để quy tụ quần chúng. Cuối cùng Sihanouk đành nhào hẳn vào cuộc ganh đua ảnh hưởng bằng cách thoái vị, nhường ngôi cho cha là Norodom Suramarit (đầu tháng 3 năm 1955) để có thể bước ra hoạt động chính trị như một chính khách mà không hại gì đến uy tín hoàng gia.
Cuối tháng 3 năm 1955, Sihanouk công bố việc thành lập Tập Đoàn Xã Hội Nhân Dân (Sangkum Reastr Niyum). Tập đoàn này vẫn được gọi tắt là đảng Sangkum; dù theo Sihanouk, đó không phải là một đảng mà là một tập hợp toàn thể nhân dân Khmer vượt lên trên đảng phái. Trong các cuộc vận động để thu hút đảng viên, Sihanouk luôn luôn diễn tả Sangkum là trung thành với hoàng gia, chống Sangkum là chống hoàng gia. Dân Kam-pu-chia, trong một trình độ còn ấu trĩ về sinh hoạt dân chủ, đã không đặt thành vấn đề lựa chọn trước hoàng gia. Hoàng gia đối với họ là trên hết và trước mắt họ Sihanouk vẫn là quốc vương dù ông ta đã thoái vị. Vì vậy chỉ trong một thời gian nhắn, Sangkum đã thu hút được một số đảng viên đông đảo và gây được một ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng.

Trong cuộc bầu cử ngày 11 tháng 9 năm 1955, Sangkum đã thu được 83% phiếu, Dân Chủ được 12%, còn đảng Pracheachon (Liên Đoàn Nhân Dân, được coi là do CS tổ chức) đạt được 4%. Đảng Dân Chủ ngày càng mòn mỏi dần và tới tháng 8 năm 1957 thì suy sụp hẳn trước sự công kích của Sihanouk làm tan rã nhóm lãnh đạo. Tới cuộc bầu cử ngày 23 tháng 3 năm 1958 thì chỉ còn Pracheachon đối lập với Sangkum, nhưng kết quả bầu cử đã chặt mất chân đứng trên chính trường của Pracheachon, vì Sangkum đã thâu hết 99,9% phiếu bầu.

Sự thắng thế của Sangkum đã làm cho sinh hoạt chính trị trở nên lắng dịu hẳn ở thủ đô, vì lúc ấy quốc hội gồm toàn các dân biểu Sangkum. Nhưng bên trong không phải là không có rạn nứt trầm trọng. Thật sự Sangkum không phải là không có chủ trương rõ rệt, không nhằm đấu tranh cho một dường hướng chính trị mà một chính đảng phải có, nên quần chúng đảng viên đã được tập hợp một cách rộng rãi đến nỗi ngay trong tổ chức cũng khó mà tìm ra nỗi một mẫu số chung về bất kỳ địa hạt nào. Những tiêu chuẩn mơ hồ về “nền dân chủ bình đẳng và chủ nghĩa chân xã hội” của Đảng chỉ là những danh từ được hiểu một cách khái quát mà nhà cầm quyền muốn diễn tả thế nào cũng được.

Đầu năm 1959, một biến cố xẩy ra đã hé cho người ta thấy rõ tính chất phức tạp bên trong của cái bề mặt chính trị phẳng lặng lúc ấy. Đó là một âm mưu khuynh đảo chính phủ Sihanouk của bộ ba Sơn Ngọc Thành, Dap Chhuon và Sam Sary. Với Sơn Ngọc Thành (khi ấy còn ở ngoài bưng) và Dap Chhuon (một trong những cựu lãnh tụ Khmer Issarak, khi ấy đang là tỉnh trưởng Siem Reap) thì không ai lấy gì làm lạ, nhưng với Sam Sary thì thật là khó hiểu. Sam Sary là một cận thần của Sihanouk, đã từng giữ những chức vụ ngoại trưởng, phó thủ tướng, đại sứ ở Luân Đôn, khi ấy đang là tổng thư ký đảng Sangkum. Sau vụ này chỉ có Dap Chhuon bị hạ sát, Sơn Ngọc Thành thì vẫn không ló mặt, còn Sam Sary thì trốn sang Nam Việt Nam.

Tháng 4 năm 1960, vua Norodom Suramarit tạ thế, Sihanouk đã từ chối tái nhận vương miện, cũng không đặt con cả lên ngai vàng và đồng thời cũng ngăn cản sự đề bạt một người chú ông lên kế vị. Sau, hoàng tộc đã đặt ba vị nhiếp chánh do hoàng hậu Kossamak, mẹ Sihanouk, đứng đầu.

Mối băn khoăn của Sihanouk là làm thế nào vừa lãnh đạo chính phủ vừa không mất chân đứng trong thể chế đệ ngũ cộng hoà Pháp. Thế là ông tự đặt ra một chức vị quốc trưởng mới cho mình và chức vụ này đã dược hợp thức hóa trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5 tháng 6 năm 1960. Với chức vị quốc trưởng trong một nước quân chủ lập hiến, thực sự Sihanouk đã tái nhận vai trò quốc vương, nhưng ông ta lại tránh danh hiệu này để dễ bề nhúng tay vào hành pháp.

Tuy nhiên, như thế vẫn chưa được Sihanouk coi là đủ, vì dưới tổng thống Pháp, dù là tổng thống đầy quyền uy của đệ ngũ cộng hoà, vẫn còn có thủ tướng trực tiếp điều khiển nội các. Cho nên, ngay khi chính phủ Pho Proeung từ chức sau vụ một nhân viên người Pháp biển thủ hai triệu Mỹ kim của ngân hàng Quốc gia (ngày 14 tháng 1 năm 1961), Sihanouk bèn sáng chế ra một thứ quốc trưởng mới có quyền hành kiểm soát cả lập pháp lẫn hành pháp và trực tiếp điều khiển hội đồng nội các. Ngày 23 tháng 1, quốc hội đã bỏ phiếu hợp thức hóa dự định của Sihanouk và ngày 28 tháng 1, Sihanouk thành lập xong tân chính phủ. Kể tứ đó, quốc hội đã trao toàn quyền cho quốc trưởng, và không còn mảy may khả năng đặt vấn đề tín nhiệm hay bất tín nhiệm chính phủ nữa.

Sihanouk đã tự vạch ra một vai trò kỳ lạ trong sinh hoạt chính trị và làm tan rã hoàn toàn những viên gạch đắp móng cho nền dân chủ phôi thai của Kam-pu-chia trước đây. Nhưng với nhân dân, dù Sihanouk có làm gì đi nữa cũng chẳng ai ta thán được, vì ai cũng nhớ Sihanouk đã là vua! Nếu có những kẻ phê bình, chống đối quốc trưởng, thì đó chỉ là những phần tử mà Sihanouk gọi là “bọn trí thức non không làm nhưng chỉ thích trỉ chích người lớn.” Cái “bọn trí thức non” ấy ngày càng đông đảo và càng ồn ào, nhưng thực tế không nguy hiểm cho chế độ. Mối nguy chìm lẩn bên trong, kín nhẹm hơn, sâu xa hơn, lại chính là những tướng lãnh tay chân của Sihanouk, những người thường được Sihanouk dùng làm lá bài hù bọn tả phái trẻ.

Hai bộ mặt lớn nhất trong đám tướng tá cầm đầu quân đội là Lon Nol và Sirik Matak. Sirik Matak là hoàng thân, lại thuộc dòng họ chính thống, nên sau này Sihanouk đã coi là đối thủ đáng ngại. Từ 1967, Matak đã bị đẩy đi làm đại sứ để tránh “nội họa”. Còn Lon Nol, dù sao cũng là một quân nhân thuần túy, lại thường tỏ ra rất phục tòng nên Sihanouk ít để ý hơn.

Trên chính trường thời Sihanouk, ngoài bọn phong kiến, trí thức trẻ, một số ít tướng tá, tưởng cũng còn phải kể thêm một thế lực khác đã tạo được chân đứng từ cuộc bầu cử 1966: đó là giới đại điền chủ. Điền chủ ở Kam-pu-chia đã ngoi lên được, cụ thể là đã lọt vào quốc hội, là nhờ tổ chức bầu cử tương đối cởi mở hơn sau cuộc thăm viếng của De Gaulle vào mùa hè cùng năm. Chính từ cuộc thăm viếng này, thế thăng bằng biểu kiến của Sihanouk đã sụp đổ. Sihanouk và chế độ của ông đã tự biến Kam-pu-chia thành tiền đồn Đông Nam Á của chủ nghĩa De Gaulle với những màn khích động về đối ngoại làm ngơ ngác các nước láng giềng.

Trong Cuộc Tranh Dành Quốc Tế

Về đối ngoại, trước đây mặc dầu có cái vẻ cứng rắn, nhưng Sihanouk lại luôn luôn ở trong tình trạng dễ chao động, cái hoàn cảnh của người leo dây phải nghiêng người về bên này để giữ cho khỏi rơi về bên kia. Sihanouk thường nhắc nhở quần chúng chính sách trung lập mà ông chủ trương. Ông lấy lịch sử ra để dẫn chứng: người xưa đã sai lầm khi chút chút lại chạy ra ngoài cầu viện ngoại bang để giải quyết những chuyện lộn xộn nội bộ, nên ngoại bang mới có dịp xâu xé đất nước này. Câu chuyện con kiến trước cảnh hai voi đánh lộn cũng là hình ảnh Sihanouk thường hay đề cập đến khi muốn nói về cái thế đứng ngoài của Kam-pu-chia trước cuộc tương tranh của hai phe tư bản và cộng sản quốc tế.

Chính sách trung lập đối với Kam-pu-chia là một nhu cầu để khỏa lấp những yếu tố được coi là có phương hại đến an ninh quốc gia. Bốn yếu tố hàng đầu được Sihanouk liệt kê gồm:

1. Sự yếu kém của lực lượng quốc phòng Kam-pu-chia.

2. Mối hiểm nguy do hai quốc gia láng giềng Thái Việt gây nên.

3. Nhược điểm về địa lý của Kam-pu-chia.

4. Khả năng bành trướng xuống Đông Nam Á của Trung Cộng.

Về sự yếu kém của lực lượng quốc phòng, Sihanouk đã không nhằm cải thiện vì ông quan niệm nhân lực hiện cần thiết cho việc phát triển kinh tế và xã hội hơn là mọi mục tiêu nào khác. Thực ra Sihanouk đã nhìn thấy rõ vai trò đặc biệt của quân đội ở các nước mới thâu hồi độc lập, nếu để cho lực lượng này đủ mạnh và tập trung quyền chỉ huy thì sẽ dễ trở thành mối nguy cho chính quyền. Cho nên, ở Kam-pu-chia, quân đội chính quy chưa từng vượt quá con số 35.000 người (còn kém cả lực lượng cảnh sát) dưới thời Sihanouk. Hơn nữa, lực lượng nhỏ bé này còn bị cấm tham gia các tổ chức chính trị và luôn luôn được phân tán ra các tỉnh xa thủ đô. Để lấp vào hố trống quốc phòng, nhằm chống đỡ các cuộc xâm lược nếu có, theo luật trung lập đã được quốc hội phê chuẩn ngày 11 tháng 9 năm 1957, chính phủ Kam-pu-chia “có quyền” kêu gọi Liên Hiệp Quốc và quân lực bạn (?) tới hỗ trợ.

Và điều mà Sihanouk gọi là mối hiểm nguy do hai quốc gia láng giềng tạo nên, thật sự chỉ là mối hiểm nguy cho riêng chế độ Sihanouk, nhưng đã được phóng đại như sự đe doạ thường trực quốc gia Kam-pu-chia và tạo thành huyền thoại tiêm nhiễm vào đầu óc dân chúng để dễ bề lợi dụng khi cần. Ngày nay không một chính phủ Thái hay Việt nào lại có thể tiếp tục nuôi dưỡng cái mộng nuốt trọn Kam-pu-chia của các triều đình xa xưa. Huyền thoại Thái Việt xâm lược được lợi dụng nhiều nhất trong cuộc tuyên truyền chống các nhóm ly khai. Các lực lượng Khmer Issarak, Khmer Serei được Sihanouk gán cho nhãn hiệu tay sai Thái hoặc Việt để gây lòng thù ghét trong quần chúng nhất là lực lượng sau trong cuộc đảo chính hụt 1959 đã để lộ nhiều bằng chứng cho thấy có sự nhúng tay của Sàigòn. Chính vì những lộn xộn ở biên giới và vì những hoạt động của các lực lượng võ trang chống chính phủ, Sihanouk đã đi đến quyết định đoạn giao với Thái năm 1961 và sau đó với Việt Nam Cộng Hòa năm 1963.

Ngược lại đối với Cộng sản Việt, Sihanouk lại luôn luôn tỏ thái độ hòa hoãn, nhượng bộ. Năm 1965, Sihanouk đã thỏa hiệp với Bắc Việt và Cộng sản Miền Nam về việc cho phép CS chuyển quân ngang lãnh thổ Kam-pu-chia và nhận đồ tiếp tế qua cảng Sihanoukville. Mỹ đã tố cáo rằng quân dụng, vũ khí của Nga và Trung Cộng đã được chở tới Sihanoukville nói là để viện trợ cho Kam-pu-chia, nhưng chỉ có một phần nhỏ được chở về căn cứ tiếp vận Kompong Speu của quân đội hoàng gia, còn phần lớn được chuyển tới các địa điểm tiếp nhận ở biên giới của CS Việt, mỗi tháng không dưới 500 tấn.[1] Năm 1969, tiến xa hơn nữa, Phnom Penh đã chính thức lập quan hệ ngoại giao với “chính phủ” của CS Nam Việt. Đổi lại hảo ý này, Bắc Việt và CS Nam Việt đã công nhận đường biên giới do Sihanouk vạch ra.

Trong vòng dăm năm trước chiến biến 1970, lực lượng CS đã trú đóng trên lãnh thổ Kam-pu-chia ít nhất là ba sư đoàn (chừng 30.000 quân) dọc biên giới từ vùng Mỏ Vịt tới Tam Biên. Lúc đầu Sihanouk còn phủ nhận sự việc này nhưng sau ông ta xác nhận nhưng cho là chẳng làm gì hơn được vì những vùng biên giới mà CS Việt trú đóng toàn là rừng rậm không thể kiểm soát nổi. Đối với Sihanouk, đó cũng là nhược điểm về địa lý có phương hại trực tiếp đến nền an ninh Kam-pu-chia!

Tuy nhiên nhìn sâu vào vấn đề, người ta thấy thực sự Sihanouk đã có mặc cảm bất lực trước sự bành trướng của Trung Cộng. Sihanouk cũng như các cận thần của ông tin rằng Trung Cộng sẽ bành trướng thế lực xuống Đông Nam Á và Mỹ sẽ không thể kiềm chế nổi. Cái thế sa lầy của Mỹ ở Việt Nam càng làm cho Sihanouk tin ở lập luận của mình. Cho nên đối với Sihanouk, ngăn cản cuộc nam tiến ấy là một điều bất khả, nhưng có thể dùng sự khôn khéo để né tránh cho riêng mình được chừng nào hay chừng nấy. Về phương thức tiến hành việc bành trướng của Trung Cộng, Sihanouk đã có những nhận xét khá tinh tế qua bài viết trên tạp chí Preuves vào đầu năm 1970, vài tuần trước khi bị lật đổ, như sau: “Trung Cộng không gửi quân, nhưng trong bóng tối, họ dựng lên những cuộc tranh chấp phá hoại, khiến cho người Khmer chống người Khmer, người Lào chống người Lào, người Việt Nam chống lại người Việt Nam, và cứ thế…”

Đối với Mỹ, từ 1955 tới 1963, Kam-pu-chia đã nhận 270 triệu Mỹ kim viện trợ kinh tế và 94 triệu Mỹ kim viện trợ quân sự. Nhưng, đột nhiên cuối năm 1963 Sihanouk khước từ viện trợ và cáo giác Mỹ đã trợ giúp các phong trào ly khai Kam-pu-chia chống chính phủ của ông. Mối bang giao Mỹ-Kam-pu-chia rạn nứt, cho tới 1965 thì vỡ hẳn. Năm 1969, Sihanouk đã tuyên bố trắng ra là ông ta chỉ coi Hoa Thịnh Đốn như lá bài để tố phe Cộng khi cần. Nếu cộng sản làm tới trong việc giúp du kích Kam-pu-chia hoạt động thì ông ta sẽ nghiêng về phía Mỹ ngay, dù chiến tranh Việt Nam chưa chấm dứt. Nhưng ngược lại, nếu Mỹ tiếp tục làm tới trong sự giúp các lực lượng ly khai, ông ta cũng không ngần ngại gì mà không mở cửa cho Nga và Trung Cộng can thiệp.

Sihanouk không chỉ tuyên bố suông, chính sách trung lập của ông quả đã xây dựng trên cái thế dựa dẫm ấy, cái thế dựa dẫm đã duy trì sự tồn tại của chế độ ông ta nhưng sau cùng cũng đã quật ngã chế độ ấy.

Ốc Đảo Sụp Đổ

Những diễn biến đưa đến sự sụp đổ chế độ Sihanouk đã xảy ra thật mau chóng, vỏn vẹn chỉ trong vòng 10 ngày giữa lúc Sihanouk đang du ngoạn bên Pháp.

Lon Nol vốn được coi là một nhân vật cực hữu trong chính quyền Sihanouk, đã được Sihanouk chỉ định làm thủ tướng thay Penn Nouth từ ngày 1 tháng 8 năm 1969. Làm việc vừa được một tháng thì Lon Nol bỏ sang Pháp chữa bệnh, giao chức vụ quyền thủ tướng lại cho tướng phụ tá của ông là Sirik Matak. Tháng 1 năm 1970, Sihanouk cũng đi Pháp, cũng nói là để chữa bệnh. Chủ tịch quốc hội Cheng Heng xử lý thường vụ chức vị quốc trưởng. Đầu tháng 3 năm 1970, Lon Nol từ Pháp trở về Phnom Penh. Chính biến bắt đầu xảy ra.

Ngày 8 tháng 3 năm 1970, dân Svay Riêng biểu tình bạo động chống sự hiện diện của quân đội cộng sản Việt tại tỉnh này. Ngày 11 tháng 3 năm 1970, biểu tình lan lên Phnom Penh. Các toà đại diện Bắc Việt và Cộng Sản Nam Việt bị phá. Ngày 12 tháng 3 năm 1970, Lon Nol công bố kỳ hạn ba ngày cho quân đội CS Việt phải rút khỏi Kam-pu-chia và đồng thời hủy bỏ hiệp ước tái ký ngày 12 tháng 9 năm 1969 cho phép cộng sản sử dụng cảng Sihanoukville. Ngày 15 tháng 3, chính phủ Lon Nol đặt Kam-pu-chia trong tình trạng một quốc gia đang lâm nguy và mọi quyền hành hiến định đều hủy bỏ. Ngày 18 tháng 3, quốc hội Kam-pu-chia biểu quyết truất phế Sihanouk khỏi chức vụ quốc trưởng và Cheng Heng được chỉ định tạm thay thế.

Về phía Sihanouk, khi nghe tin có biến động ở Phnom Penh, ông đã vội vã bay sang Mạc Tư Khoa rồi sau đó sang Bắc Kinh ngày 13 tháng 3 năm 1970. Mười ngày sau, Sihanouk tung ra bản tuyên cáo 5 điểm [2] bày tỏ một lập trường dứt khoát đương đầu với tân chế độ ở Phnom Penh, nhận quân đội CS là quân đội của mình, lập Mặt Trận Thống Nhất Dân Tộc Kam-pu-chia và sau đó lập chính phủ lưu vong dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh.

Ốc đảo trong chiến trường Đông Dương sụp đổ từ đấy. Phe Phnom Penh đứng hẳn về phía Mỹ, chấp nhận việc quân đội Mỹ từ Nam Việt Nam tiến vào lãnh thổ Kam-pu-chia hành quân phá cơ sở hậu cần của cộng sản từ ngày 30 tháng 4 năm 1970. Trong khi Sihanouk phản ứng lại bằng các đứng hẳn sang khối Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam mặc dầu trong thâm tâm ông ta không bao giờ tin tưởng vào Cộng Sản.

[còn tiếp]


Ghi Chú:

[1] U.S. News and World Report số 2 bộ LXVI ngày 20-1-1969.

[2] Tuyên cáo 5 điểm của Sihanouk ngày 23 tháng 3 năm 1970:

- Với danh nghĩa quốc trưởng hợp pháp, nay giải tán các cơ cấu lãnh đạo hiện tại gồm nội các, quốc hội và hội đồng hoàng gia Kam-pu-chia.

- Tiến hành việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

- Tổ chức một hội nghị gồm các giới chức Kam-pu-chia trước khi tình hình trở lại bình thường.

- Thành lập quân đội giải phóng dân tộc để giải phóng tổ quốc.

- Thành lập Mặt Trận Thống Nhất Dân Tộc Kam-pu-chia do sự hợp nhất của các thành phần trên.


Counter