Đính chính một sử liệu sai lầm về Hai Bà Trưng
Phạm Hy Sơn
Mấy năm gần đây một số tác giả viết về Hai Bà Trưng đã căn cứ vào các sách vở của người Tàu như Hậu Hán Thư hay Thủy Kinh Chú được viết 500, 600 năm sau khi Hai Bà chết cho rằng Hai Bà bị Mã Viện chặt đầu và thủ cấp đưa về Lạc Dương, kinh đô nhà Hán thời đó. Để cho rằng mình viết đúng những người viết sử này còn dẫn chứng trong Việt Sử Tiêu Án của cụ Ngô Thời Sĩ: “Trong đền thờ Hai Bà Trưng, phàm những đồ thờ tự đều sơn đen, tuyệt không có sơn đỏ, dân địa phương ấy không dám mặc áo đỏ, những khi đến yết cáo, có ai mặc áo đỏ đều cởi bỏ đi, không ai dám xúc phạm đến cấm lệ. Tục truyền rằng Trưng Vương chết về việc binh đao, nên kiêng sắc đỏ vì giống như máu”. Sử Tàu và sử Việt viết như vậy hẳn là đúng lắm rồi nên có tác già còn cho rằng bộ sử thi Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã thi vị hoá cái chết của Hai Bà Trưng với: “Hình ảnh gieo mình xuống sông Hát có vẻ vừa hào hùng vừa lãng mạn dễ trở thành đề tài cho thi ca nhạc kịch, và dễ lan truyền trong trí tưởng tượng của quần chúng hơn là hình ảnh thân gái hy sinh nơi chiến trường, bị chặt đầu một cách rùng rợn rồi gửi về Trung Hoa”. Tác giả câu văn trên có lẽ quên rằng vào thời Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca ra đời người ta chưa hiểu nghĩa chữ lãng mạn như chúng ta hiểu ngày nay. Hai chữ này chỉ được dùng và phổ biến vào những năm 1930, 1940 khi những người theo tây học chịu ảnh hưởng của phong trào thơ văn lãng mạn Pháp. Ngày xưa người ta giới hạn tình cảm theo khuôn phép của gia đình, nề nếp, phong tục của xã hội, tam cương ngụ thường của Khổng Mạnh chứ không sống tự do hay buông thả như chúng ta bây giờ nên không có chuyện những nhà Nho viết sử lãng mạn.
Từ hàng ngàn năm trước, Chu Tử đã nói : “Đọc sách không nên để sử quan dối được mình” (Việt Sử Tiêu Án trang 10). Đó là sử quan Trung Hoa viết về lịch sử Trung Hoa, còn sử quan Trung Hoa viết về xứ thuộc địa mà họ coi là man di như Việt Nam thì sao?
Sách Giao Chỉ chí chép: “Trong núi Quận Cửu Chân có người con gái là Triệu Ẩu (*), cao 1 trượng 2, vú dài ba thước, kết đảng cướp bóc quận huyện, thường mặc áo lụa vàng mỏng, đi dép sừng, cưỡi voi ra trận chiến đấu, bị thứ sử là Lục Dận đánh thua, sau chết làm thần, việc này xuất xứ ở sách Thiên Trung Ký”. (Việt Sử Tiêu Án, Ngô Thời Sĩ, bản dịch của Hội VN Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, xuất bản năm 1960, trang 50).
Một trượng là 10 thước (Tàu), 1 thước bằng 0m40 tức bà Triệu thị Trinh cao 4m80 (12th x 0m40=4m80), vú dài 3 thước, tức dài 1m20 (3 th x 0m40 = 1m20). Thiết nghĩ nếu ông Bành Tổ có thật thì cũng không cao đến như thế, nói gì đến vú dài 1m20!
Sử sách Trung Hoa luôn luôn miệt thị, thóa mạ người nữ anh hùng Việt Nam mà dưới mắt họ là một thứ mọi rợ, dị hình, dị tướng. Thân hình đã quái đản lại còn ăn mặc lòe loạt hở hang, kỳ dị (mặc lụa mỏng, đi giày sừng).
Trở lại với lời ghi trong Việt Sử Tiêu Án. Thật đáng tiếc, cụ Ngô thời Sĩ quê ở Phủ Thanh Oai, Hà Đông, cách Hát Môn không bao xa – chừng 15 hay 20 cây số – và chắc chắn cụ có ra Thăng Long (tức Hà Nội bây giờ) học hành, thi cử hoặc làm việc là nơi chỉ cách đền thờ Hai Bà ở Đồng Nhân một con đê (Hà Nội hay Thăng Long ở trong, làng Đồng Nhân bên ngoài đê) để xem đồ tế tự trong đền ra sao.
Việt Sử Tiêu Án có thể nói là sách phê bình lịch sử đầu tiên tại nước ta đã có những nhận xét khá khoa học so với thời ấy. Tuy vậy cuốn sử này cũng có một vài thiếu sót không tránh khỏi mà một trong những điều ấy chúng tôi thấy cần làm sáng tỏ trong bài này **.
Sau khi đọc mấy bài viết về Hai Bà kể trên chúng tôi đã đọc lại Việt Sử Tiêu Án thấy các tác giả chép đúng sách vở khi dẫn chứng. Chúng tôi mất hai, ba tuần lễ tìm kiếm những người sinh trưởng ở xã Hát Môn để tìm sự thật và được biết cụ Ngô thời Sĩ đã hoàn toàn sai lầm khi viết trong Việt Sử Tiêu Án rằng vì Hai Bà Trưng bị chết chém nên đồ thờ trong đền toàn một màu đen. Những bằng chứng chúng tôi thu thập được gồm có (qua sự kể lại và xác nhận):
- Từ ngàn xưa, phía sau đền Hai Bà ở xã Hát Môn có một hồ trồng sen (gọi là hồ sen) lấy hoa dâng vào đền thờ. Hồ này bị san lấp sau năm 1954. Hiện nay ở trong xã còn có xóm Hồng Hoa, theo các cụ truyền lại thì xóm (giáp) này được giao trách nhiệm trồng hoa hồng để bày trên bàn thờ. Hai loại hoa này – hoa hồng, hoa sen – đều có màu hồng hay màu đỏ.
Một vị hiện trong ban Thủ Từ (giữ đền) đã kiểm chứng và xác nhận rằng những đồ thờ tự không phải chỉ có toàn màu đen mà có nhiều màu, trong đó màu đỏ là chủ yếu:
- Chiêng, thanh la bằng thau màu vàng.
- Cờ Đại màu đỏ, trắng, vàng, xanh diềm màu đen.
- Cờ Tiểu màu đỏ, nâu, vàng…
- Cờ đuôi nheo ngũ sắc, trong đó có màu đỏ.
- Áo cho các phù giá màu đỏ, vàng và xanh.***
- Kiệu: sơn đen, màn (áo) kiệu màu đỏ và vàng nhiễu.
- Tang trống (vỏ gỗ) màu đỏ nâu có vẽ hoa văn.
Ba tấm hình này của ông Nguyễn hoàng Thám chụp ngày 18-06-2010 tại dền Hai Bà ở xã Hát Môn.
- Bằng chứng riêng của tôi là 2 tấm hình do nhà nhiếp ảnh Kim Mai cho xử dụng đã được đăng tải trên các Web site từ năm 2009.
Chúng ta thấy trên bàn thờ Hai Bà và bàn thờ các Nữ Tướng của Hai Bà gồm hoành phi thếp vàng rực rỡ, lọng, nến(đèn cầy), hai bình hoa màu đỏ, vàng, xanh… chứ không phải chỉ toàn màu đen.
Để kết luận, chúng tôi xác nhận những bằng chứng kể trên là sự thật và thấy cần phải đính chính sự sai lầm ghi trong Việt Sử Tiêu Án của cụ Ngô thời Sĩ.
Qúy vị quan tâm tới sử học muốn biết thêm chi tiết, xin liên lạc với cụ Trần đăng Trung qua ĐT.: 848-38111-480 hoặc cụ Nguyễn hoàng Thảo, ĐT: 848-3931-4351 hoặc về đền Hai Bà tại xã Hát Môn, chỉ cách Hà Nội khoảng 20 cây số trên đường Hà Nội – Sơn Tây, xin gặp Ban Thủ Từ để được chứng kiến tận mắt những đồ thờ tự. Đền hiện mở của hàng ngày cho khách hành hương.
Ghi chú:
* “Trong quận Cửu Chân có người con gái là mụ Triệu”, tiếng Tàu “ấu” có nghĩa là mụ, tiếng sách mé.
** Việt Sử Tiêu Án cũng nói quân Hai Bà thua chạy vào núi Hy Sơn rồi không biết đi đâu . Nhưng chúng tôi đã tìm hỏi nhiều người sinh trưởng ở vùng Thạch Thất, Bát Bạt, Phú Thọ không ai nghe nói đến núi ấy. Các sách địa lý và lịch sử hiện nay cũng không có sách nào nói đến núi ấy. Điều này cũng huyễn hoặc như việc những đồ thờ tự trong đền Hai Bà toàn màu đen. Tuy nhiên vì chưa kiểm chứng được chính xác nên chúng tôi chưa có ý kiến vế vấn đế này.
*** Áo phù giá dành cho những thanh niên khiêng kiệu và đoàn nữ binh vác gươm, giáo theo hầu trong ngày đại lễ rước Hai Bà.
© Phạm Hy Sơn
Người xưa có câu ” tận tín thư, bất như vô thư”; nếu quá tin vào sách thì thà đừng có sách. Đa số người Việt chúng ta không chú ý đến lời khuyên vàng ngọc đó, mà thường có khuynh hướng tin một cách không nghi ngờ vào những gì được viết thành sách. Thói quen đó khiến chúng ta thường đọc mà không vận dụng óc lý luận của mình để có sự xét đoán và phê bình độc lập.
Điển hình là chuyện Nguyễn Trãi-Thị Lộ. Đa số người Việt cho đến nay vẫn đinh ninh rằng giữa vua Lê Thái Tôn và bà Thị Lộ đã có quan hệ nam-nữ với nhau. Không hề nghe ai nêu lên sự kiện là bà Thị Lộ lại lớn hơn vua Thái Tôn đến 35 tuổi cả. Người ta cũng không lưu tâm đến chi tiết là trước kia bà Thị Lộ vốn là bạn của mẹ vua Thái Tôn. Cũng không mấy ai chú ý rằng vào thời đó, tuổi thọ của người Việt rất thấp, trung bình chỉ chừng 50-55 tuổi. Vua Thái Tôn đột tử ở vườn Lệ Chi lúc mới trong ngoài 20 tuổi, còn bà Thị Lộ lúc đó đã gần 55 tuổi; nghĩa là một bà già trầu ! Sao lại có chuyện một ông vua trẻ, không thiếu cung phi mỹ nữ, lại phải đi dan díu với một bà già trầu ? Vậy mà nghi án lịch sử này mải cho đến nay chẳng ai bỏ công tra vấn và làm sáng tỏ. Trái lại đa số, gồm cả hàng trăm các ông có bằng tiến sĩ sử học, chỉ cứ trước kể sao,sau nghe vậy, không thắc mắc, không tra vấn !
Kế đến là người Việt chúng ta, đa số thường kém ý thức quốc gia-dân tộc. Vì kém ý thức dân tộc nên tuy là người Việt nhưng lại sẳn sàng tin ngay những điều người Tàu viết về tiền nhân của dân tộc mình ! Thật kỳ lạ rằng số đông người Việt chúng ta lại không hiểu một điều đơn giản là người Tàu sẽ không có bất kỳ lý do gì để nói, hoặc viết ,về những điều hay đẹp của người Việt Nam cả; nhất là về những người Việt đã từng đứng lên chống lại sự xâm lược và ách cai trị tàn bạo của người Tàu.
Gần đây, không chỉ các sử liệu của Hai Bà Trưng bị người Tàu cố tình xuyên tạc cho phù hợp với óc tự tôn Đại Hán của họ, mà đáng chú ý hơn nữa là chính quyền Trung Quốc và một số học giả người Tàu cũng đã tìm cách đưa ra những tài liệu, chân gỉa chưa rõ ràng, để biện giải rằng chiến thắng Điện Biên Phủ không phải là công lao của người Việt Nam, mà là kết quả sự cố vấn của người Trung Quốc !
Không có gì đáng ngạc nhiên lắm về việc làm đó của chính quyền Trung Quốc và các học giả Tàu. Nhưng điều gây kinh ngạc là một số người Việt, và là những ngưòi có bằng Tiến Sĩ hẳn hoi, lại vội vàng thừa nhận ngay, không một tra vấn cặn kẻ, những khẳng định thiếu căn cứ sử học nói trên của TQ, và dùng điều đó vào các công kích chính trị dành cho đồng bào của mình!
Trình bày vắn tắt vài cảm nghĩ như trên để bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những cố gắng khởi đầu, rất hàn lâm, của ông Phạm Hy Sơn trong việc truy tầm và làm sáng tỏ những sự thật về thân thế của Hai Bà .
Trương Đ. Trung