Đọc tiểu luận Bắc di cư Công giáo Việt Nam của Linh mục Peter Hansen
Lịch sử cận đại Việt Nam nhìn dưới lăng kính hay góc độ nào cũng hiện rõ 2 cuộc di cư vĩ đại đầy nước mắt và cả máu đổ: cuộc di cư từ Bắc vào Nam 1954 có thời hạn kéo dài khoảng 1 năm và cuộc di tản, vượt biên vượt biển ồ ạt tự phát kể từ 30/4/1975 kéo dài đến 20 năm. Cũng có thể cho rằng sau hơn 35 năm chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, cuộc di cư thứ hai này vẫn còn kéo dài cho đến nay dưới nhiều hình thức khác như lấy chồng ngoại quốc, đi lao nô hoặc du học không trở về, du nhập lậu bất hợp pháp thành người Việt “chui” thường được biết với cái tên “người rơm”… Nói một cách đơn giản, cả 2 cuộc di cư là sự bỏ phiếu bằng chân chạy trốn chế độ độc tài toàn trị của cộng sản Việt Nam. Thực tế, đây là 2 biến cố lịch sử trời long đất lở mà các nhà nghiên cứu sử học đã đang và sẽ còn phải sưu tầm đào xới thêm nhiều nữa. Nhân bản dịch của Hiếu Tân “Bắc di cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc Việt Nam và vai trò của họ tại Cộng hòa miền Nam 1954-1959”[1] (tiểu luận của tác giả ngoại quốc Peter Hansen bàn về một khía cạnh của cuộc di cư 1954[2]), người viết, từng là một trong đoàn người ra đi đông đến cả triệu người ấy, nhưng lúc đó đang ở trong độ tuổi lên ba, còn quá nhỏ để hiểu biết tường tận hơn về biến cố, nay có dịp nhìn lại qua sự tham khảo và những nhận định tương đối khách quan của một nhà nghiên cứu ngoại quốc về những biến cố lịch sử trọng đại. Từ bài tiểu luận này, người viết tìm thấy một số dữ kiện khá mới của tác giả liên quan đến vai trò của người Bắc di cư Công giáo tác động đến xã hội miền Nam Việt Nam sau cuộc di cư vĩ đại đó. Xin được chia sẻ những dữ kiện này và người viết cũng xin có thêm một số nhận định riêng về vai trò của người Bắc di cư Công giáo Việt Nam còn ảnh hưởng tới đất nước cho đến tận ngày hôm nay cả trong và ngoài nước.
Sơ lược về tác giả Peter Hansen
Peter Hansen, có tên Việt Nam là Hàn Sơn Thạch (Thạch= Đá=Peter, Hàn Sơn = Hansen), nguyên là một luật sư, đã có thời gian làm việc thiện nguyện tại một số trại tỵ nạn Hồng Kông và Philippinnes trong những năm đầu 90s nơi ông làm quen với cộng đồng Việt Nam và từ đó dẫn đến việc đam mê nghiên cứu tìm hiểu các vấn đề Việt Nam và châu Á. Trở về Úc, ông từ bỏ nghề luật sư để vào tu viện và thụ phong chức linh mục Công giáo năm 1996. Người viết đã có dịp gặp gỡ Linh mục Peter Hansen khoảng mười năm trước đây khi ông được chỉ định làm Linh mục phó xứ nơi mình đang sinh sống. Cởi mở, đơn giản, bình dị, nói tiếng Việt khá lưu loát, từng thuyết giảng bằng tiếng Việt cho người Việt trong thánh lễ với lối nói dí dỏm, khôi hài, đó là những gì người viết còn nhớ trong quãng thời gian quen biết ông khoảng một năm ngắn ngủi. Sau đó Linh mục được chỉ định làm giám đốc trung tâm Mary of the Cross, một trung tâm cố vấn và giúp đỡ cho những người ghiền rượu và ma tuý của giáo phận Melbourne. Chính trong thời gian này, với kinh nghiệm nghề luật trước đó, Linh mục đã cùng với một tổ hợp luật sư Úc phối hợp tra cứu pháp luật và tìm kiếm chứng cớ để giải bày các trình tự tố tụng liên quan đến công việc nhắm cứu mạng (bất thành) cho tù nhân Nguyễn Tường Vân bị bắt và bị treo cổ về tội mang lậu bạch phiến tại Singapore năm 2005. Tuy thất bại trong việc cứu sinh mạng của Nguyễn Tường Vân, Linh mục Peter Hansen cùng với những tổ chức chống án tử hình đã gây được tiếng vang khi làm cho tang lễ của Nguyễn Tường Vân, một tử tội tầm thường bỗng trở nên quan trọng, trở thành một đề tài tranh cãi cả trong truyền thanh báo chí đến công luận nước Úc.[3]
Peter Hansen tốt nghiệp MA tại Đại học Monash, Tiến sĩ thần học về lịch sử Giáo hội tại Đại học Melbourne. Hiện là linh mục chánh xứ một họ đạo tại Melbourne, và là giảng viên tại trường Đại học Công giáo Melbourne, khoa Lịch sử Giáo hội Á châu.
Sơ lược một số điểm chính yếu trong tiểu luận
Ngay chủ đề đã nói lên ý chính của tiểu luận là khảo sát về nguồn gốc của người Bắc di cư Công giáo tỵ nạn cộng sản và vai trò của họ tại miền Nam Việt Nam. Trong tiểu luận này, Linh mục Peter Hansen phản bác 2 luận điệu thường được hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong giai đoạn này khai thác sử dụng, nhưng ông cho là cách hiểu sai về Bắc di cư. Một là quan điểm cho rằng người Bắc di cư hầu hết là do những cố gắng tuyên truyền, lôi kéo của CIA hay các cơ quan chính phủ khác của Hoa Kỳ. Hai là quan điểm cho sự tái định cư của họ ở trong và chung quanh Sài Gòn là một chủ mưu có tính chiến lược của chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm bảo vệ chế độ. Tác giả đã tham khảo nhiều tài liệu liên quan bao gồm các học giả Việt Nam trong và ngoài nước, các tài liệu của Hoa Kỳ, Âu, Á, cũng như của giáo hội Công giáo toàn cầu với phần phụ chú cho người đọc có thể tìm và nghiên cứu thêm về nguồn gốc của những dẫn chứng. Đồng thời, ông cũng cất công đi đến Việt Nam để ghi lại một số những nhân chứng sống nói về kinh nghiệm của họ trong giai đoạn di cư này.
Phản bác luận điệu 1
Để bác bỏ luận điệu 1, cho rằng người Bắc di cư bị lôi kéo dụ dỗ của những người như đại tá Edward Landsdale của CIA hay ông Ngô Đình Diệm qua các phương tiện như rải truyền đơn hoặc tuyên truyền khác mà người cộng sản Việt Nam thường xuyên tạc như các hành động rỉ tai: Chúa, Mẹ đã vào Nam…, Linh mục Peter Hansen cho rằng luận cứ này chỉ tập trung vào mỗi khía cạnh chính trị vào lịch sử sau 1954 của người di cư mà bỏ qua những khía cạnh quan yếu khác: tôn giáo, tập quán và văn hoá của người miền Bắc, sự xung đột lương giáo, mối hiềm khích giữa khối Công giáo miền Bắc và chính quyền cộng sản lúc bấy giờ. Ông đưa ra những lập luận sau:
- Đối với người Việt, quê cha đất tổ là một ràng buộc rất linh thiêng, tối quan trọng. Họ không thể vì cuồng tín mà bị lừa bởi những mánh khoé mưu mô đơn giản như thế. Chính Lansdale cũng không tin lý thuyết chiến tranh tâm lý của ông ta là nguyên nhân chủ yếu cho cuộc di cư khi ông phát biểu rằng người ta không đơn giản từ bỏ đất đai nhà cửa, mồ mả tổ tiên để ra đi chỉ vì một mảnh truyền đơn, vài khẩu hiệu.
- Chính quyền Ngô Đình Diệm vừa mới thành lập, còn quá non trẻ, không đủ sức xúi giục, cưỡng ép một lượng khổng lồ người di dân cả triệu người mà ngay cả đặt vào tay một siêu cường như Hoa Kỳ cũng gặp rất nhiều khó khăn, nói chi đến chuyện dụ dỗ và cưỡng ép người miền Bắc phải di cư vào Nam. Đây chẳng qua là một câu nói của nhà cầm quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (cộng sản Bắc Việt) đã trở thành một công thức định sẵn cho sự tuyên truyền.
Vậy tại sao có quá nhiều người Bắc di cư vào Nam mà đa số là người Công giáo? (Số liệu chính thức của Việt Nam Cộng hòa biên soạn tháng Mười 1955: 676.348 người Công giáo (76.3%), 209.132 là Phật giáo (23.5%), 1041 Tin Lành (0.2%) trên tổng số Bắc di cư). Linh mục Peter Hansen đưa ra những lý do:
- Sự thù hằn giữa giáo hội Công giáo và chính quyền của Hồ Chí Minh. Sự thù hằn này bắt nguồn từ ý tưởng đánh đồng của nhà cầm quyền Hà Nội cho rằng Công giáo Việt Nam là tay sai của thực dân Pháp và đã có nhiều vụ kết tội, ám sát, thủ tiêu gần như trở lại thời kỳ cấm đạo, đến nỗi người Công giáo phải lập ra những biệt khu tự bảo vệ chống Việt Minh mà nổi bật nhất là biệt khu Phát Diệm.
- Sự hiềm khích lương giáo ngay tại các làng xã thôn xóm miền Bắc còn rất sâu đậm, hơn hẳn miền Nam, phát xuất từ việc Công giáo bị coi là tà đạo và bị cấm đoán từ những triều đại phong kiến cũ, cho dù việc cấm đạo trong thời thực dân đã không còn nữa. Sự hiềm khích thường dẫn đến va chạm xung đột, có khi dẫn đến đổ máu, đến nỗi người Công giáo Bắc khắp miền Bắc thường phải sống biệt lập, co cụm thành từng nhóm để tự bảo vệ nhau. Lối sống biệt lập này của Bắc di cư Công giáo đã được mang theo vào miền Nam và ngày nay vẫn còn tồn tại ở trong nước và khá đông ở hải ngoại. Khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thái độ thù hằn, kết án họ như những tay sai của Pháp, đồng thời kích động xúi dục người lương (không công giáo) sỉ nhục, tàn phá người Công giáo Bắc khiến họ lo sợ cho tài sản, tính mạng của họ.
- Một số ra đi vì nạn đói kém. Họ coi việc di cư vào Nam, nơi đất rộng người thưa, và lời đồn đại về sự trù phú màu mỡ như một phương trời mới cho sinh kế.
- Một số từng làm việc hành chánh, quân sự cho người Pháp lo sợ cho an nguy của gia đình họ, không thể ở lại với chính quyền Việt Minh…
- Một số đông (Thanh, Nghệ, Tĩnh) quá khiếp sợ các màn kể tội, đấu tố trong các phong trào phản phong diệt thực, cải cách ruộng đất. Đặc biệt là những người dân đang sống trong những vùng do Việt Minh kiểm soát.
- Một số ra đi để được tự do hành đạo, vì họ tin vào người lãnh đạo miền Nam, ông Ngô Đình Diệm là một người đồng đạo.
- Yếu tố quan trọng nhất dẫn đến số đông người Bắc di cư Công giáo vẫn là sự ảnh hưởng của hàng giáo phẩm Việt Nam. Ảnh hưởng chứ không phải do sự lôi kéo dụ dỗ của các cha cố. Lý do dễ hiểu là vì người Bắc di cư Công giáo gần như tin tưởng tuyệt đối vào hàng giáo sĩ, những người họ coi là đại diện Thiên Chúa. Vì thế, mọi tư tưởng hành động của các vị đối với họ luôn luôn đúng, họ không cần suy nghĩ. Thống kê (trong tiểu luận của Peter Hansen) cho thấy, ngoại trừ Hà Nội là một trong 2 điểm tập trung cho sự di cư, giáo phận nào vị giám mục chọn ra đi thì số linh mục và giáo dân cũng ra đi đông đảo; vị giám mục chọn ở lại thì số ra đi cũng ít ỏi hơn. Niềm tin tưởng tuyệt đối vào chủ chăn này thường được hiểu như đức vâng lời, một tính chất cho đến nay vẫn còn là một đặc thù của người Bắc di cư Công giáo Việt Nam.
Phản bác luận điệu 2: Vai trò của Bắc di cư Công giáo tại miền Nam trong những năm đầu
Các học giả Tây Phương khi nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này của miền Nam thường đi đến kết luận là khối Bắc di cư Công giáo là thành phần chính yếu hậu thuẫn cho chính quyền Ngô Đình Diệm trong việc xây dựng và củng cố chế độ, đồng thời cũng là lực lượng chống Cộng Sản kiên quyết mạnh mẽ nhất. Chính vì thế, chính quyền Ngô Đình Diệm đã lợi dụng họ như một lực lượng bảo vệ thể chế bằng chiến lược tái định cư họ tại ven đô Sài Gòn và các tỉnh lân cận thành một vòng đai quanh Sài Gòn để vừa ngăn chặn sự xâm nhập của cộng sản, vừa ngăn ngừa những nội thù phản loạn trong lòng chế độ. Về điểm này, qua sự nghiên cứu, Linh mục Peter Hansen lại đưa ra những nhận định khác theo từng thời điểm trong ba giai đoạn tái định cư người Bắc di cư.
Giai đoạn 1: trạm tiếp cư trong thời điểm hai miền di chuyển tự do trong ba trăm ngày chiếu theo Hiệp định Paris 1954. Với số lượng khổng lồ cả gần triệu người, Peter Hansen cho rằng đừng nói chi đến chính phủ Ngô Đình Diệm mới ra đời, không một chính phủ nào trên thế giới có thể đối phó với các vấn đề hậu cần liên quan đến người mới tới. Đây là một tình trạng giải quyết cấp thời theo tình hình. Vì thế, trạm tiếp cư là những cơ sở công cộng có sẵn như trường học, nhà thờ, trại lính Pháp đã rút đi, hay những bãi đất trống quanh Sài Gòn, một giải pháp tạm bợ không có tính chiến lược.
Giai đoạn 2: định cư ngẫu nhiên. Bắt đầu từ sau thời điểm kết thúc ba trăm ngày đi lại tự do. Do những bất tiện của các trạm tiếp cư, đồng thời một số cơ sở (nhà thờ, trường học…) phải trả lại cho chủ cũ hoặc cho đúng việc sử dụng. Do người di cư cần tìm kiếm công việc sinh sống, họ chuyển đến những tỉnh liền kế quanh các trung tâm đô thị như Biên Hoà, Gia Định, Long Khánh. Tiến trình này không hoàn toàn do chính phủ điều động, mà thường phối hợp với một uỷ ban tái định cư do một giám mục cầm đầu. Vì vậy, giai đoạn định cư này thường mang hình thức giáo dân theo chủ chăn. Gia Kiệm là điển hình của một vùng mà giám mục Lê Hữu Từ đã chọn định cư cho giáo phận Phát Diệm của mình.
Giai đoạn 3: tái định cư lâu dài, bắt đầu vào cuối năm 1955. Đây mới là những cố gắng mạnh mẽ của chính quyền Ngô Đình Diệm vận động người Bắc di cư theo những kế hoạch định cư nhằm thực hiện những mục tiêu chính trị, an ninh và kinh tế lâu dài. Nhưng trong giai đoạn này, chính phủ không nhằm vào những vùng đô thị đông dân cư để làm vành đai bảo vệ chế độ như kết luận của đa số nhà nghiên cứu sử. Thực tế, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đưa họ đến những vùng dân cư thưa thớt hơn như đồng bằng sông Cửu Long (20 kênh đào Cái Sắn thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang) và kế hoạch định cư dinh điền (cao nguyên Trung Phần: các tỉnh thành Đà Lạt, Pleiku, Buôn Mê Thuột). Kế hoạch này không chỉ nhằm phát triển về kinh tế mà còn là con đê ngăn chặn sự nổi dậy của cộng sản. Kế hoạch tương đối thành tựu vì đa số người Bắc di cư Công giáo là nông dân cần đất đai để sinh sống, vùng đất vào thời điểm tương đối yên bình, đồng thời lại thích hợp với lối sống biệt lập về tín ngưỡng từ miền Bắc của họ. Điều nguy hại mà chính quyền Ngô Đình Diệm không tiên đoán trước được khi có kế hoạch phù hợp với lối sống biệt lập của Bắc di cư Công giáo là nó kìm hãm sự hoà nhập của họ vào nếp sống người dân địa phương miền Nam (kể cả người Công giáo). Hệ quả là từ sự cảm thông trong những ngày đầu di cư đổi thành niềm oán hận của dân địa phương đối với cả chính quyền Ngô Đình Diệm lẫn người Bắc di cư Công giáo mà họ (dân miền Nam) cho là được quá ưu đãi. Có thể nói điều này đã góp phần vào những biến động chính trị những năm sau đó, dẫn đến sự sụp đổ của nền đệ Nhất Cộng hoà tại miền Nam Việt Nam và cái chết của anh em ông Ngô Đình Diệm.
Kết luận: vài điều lý thú rút ra từ tiểu luận
Như trên đã nói, người viết là một thành phần của con số đông đảo Bắc di cư Công giáo vào thời điểm đó, với cảm nhận bất ngờ được nhìn thấy lại mình dưới nhãn quan của một người ngoại quốc nghiên cứu về một phần lịch sử Việt Nam một cách vừa tổng thể lại vừa sâu sắc tỉ mỉ hơn những gì chính bản thân mình đã trải nghiệm. Với khả năng hạn hẹp, người viết không đủ sức thấu hiểu hết những khảo sát của tiểu luận thật chính xác. Tuy nhiên, người viết tìm thấy trong ấy một số nhận định khá kỳ thú:
- Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm thường xuyên có mối bất hoà với hàng giáo phẩm của các giáo khu Bùi Chu và Phát Diệm về vấn đề hai giáo khu này từng hợp tác chặt chẽ với Pháp và Bảo Đại trước 1954. Nhưng cả hai vị giám mục của 2 giáo khu cùng ra đi vào Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm, đem theo đa số các linh mục và giáo dân dưới quyền. Điều này cho thấy cả hai phía lãnh đạo đất nước và lãnh đạo tôn giáo đã có chung mối quan tâm lớn lao về ảnh hưởng nguy hại của một xã hội theo chủ nghĩa cộng sản, một hiểm hoạ cho đất nước và dân tộc như thế nào mà con người cần hợp tác chống lại hơn là chống đối nhau về những dị biệt khác.
- Nhận xét riêng, dù có ý đồ lợi dụng số người di cư lớn lao ngay từ thời điểm này hay không cho những tham vọng chính trị vào những năm sau, anh em ông Diệm đã tỏ lộ sự khôn ngoan trong chính trị với việc gạt bỏ tị hiềm, sẵn sàng hợp tác với những ai có cùng quyết tâm xây dựng một thể chế tự do dân chủ cho một nửa nước. Sau này trong những năm cuối của chế độ, khi có những đồn đại về một liên lạc bí mật giữa hai chính quyền Nam Bắc để giải quyết những xung đột chính trị, quân sự giữa hai miền Nam Bắc không cần đến bàn tay của người Mỹ, đi tìm một giải pháp cho đất nước giữa người Việt dù đang thù địch chống đối nhau cũng là điều có thể hiểu được.
- Lối sống biệt lập tôn giáo của Bắc di cư Công giáo, theo sự tham khảo của Linh mục Peter Hansen, bắt nguồn từ một giáo hội với những trang sử đẫm máu các vị tử đạo , dẫn đến sự thù nghịch lương giáo ngay trong cùng một xóm làng trải qua nhiều thế hệ thành một nỗi lo sợ ám ảnh, lại bị đồng hoá là Việt gian (tay sai của Pháp). Đây là lối sống hầu như không hiện hữu tại miền Nam. Người viết cho rằng, ngoài yếu tố tín ngưỡng trên, hình thức sinh hoạt làng xã riêng biệt trong lũy tre làng của miền Bắc (miền Nam cũng không có hình thức này) cũng góp phần tạo nên lối sinh hoạt biệt lập của người Bắc di cư Công giáo. Mặc dù sau cuộc di cư, mối nghi kỵ lương giáo tại miền Nam hầu như không xảy ra, lối sống biệt lập của họ mang từ miền Bắc vào vẫn giữ nguyên, và cho đến ngày nay ra tới hải ngoại, dù không sống co cụm lại với nhau, một số nơi vẫn có những sinh hoạt tôn giáo nguyên trạng thuở trước, đàn chiên đi theo và ngoan ngoãn vâng lời chủ chăn. Một tồn tại mang tính bảo thủ.
- Có sự khác biệt về lề lối sinh hoạt của hai giáo hội Nam và Bắc: giáo hội miền Bắc kiên quyết và chậm thích ứng trong hội nhập nhưng tôn giáo lại có tính cách nhập thế đi sâu vào hoàn cảnh xã hội và không ngại lên tiếng về những vấn đề chính trị. Giáo hội miền Nam mềm mỏng, hoà đồng nhưng giới hạn lằn ranh giữa đạo và đời quá rạch ròi đến mức xa rời thực tế. Phải chăng từ sự khác biệt này mà trong những năm tháng gần đây, chúng ta nhìn thấy những va chạm xung đột giữa Công giáo Việt Nam và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (Toà Khâm sứ, Thái Hà, Tam Toà, Đồng Chiêm…) thường xuyên xảy ra trong các giáo khu miền Bắc hơn là trong các giáo khu thuộc miền Nam? Và một điều đáng ghi nhận nữa là mặc dù vẫn giữ nguyên lối sống biệt lập tôn giáo từ miền Bắc đưa vào, hàng giáo phẩm và nhiều giáo dân Bắc di cư tại miền Nam lại đã thấm nhuần lề lối sinh hoạt mềm mỏng và giới hạn đạo đời để đứng ngoài các lĩnh vực mà họ lên án là mang màu sắc chính trị, hoặc đau đớn hơn, tránh né cả các vấn nạn xã hội (giáo dục, phá thai, tham nhũng, cường quyền) với lời biện giải đó là những phạm vi ở ngoài tín lý không có trong quy luật của Giáo hội Công giáo?
15/7/2010
© 2010 Phương Duy
[1] “Bắc di cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc Việt Nam và vai trò của họ tại Cộng hòa miền Nam 1954-1959”, Hiếu Tân dịch. Tạp chí talawas, số Mùa Xuân 2010, chuyên đề: Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam.
[2] “Bắc di cư: Catholic Refugees from the North of Vietnam, and Their Role in the Southern Republic, 1954–1959”, Peter Hansen, Journals of Vietnamese Studies, Oct 2009, Vol. 4, Issue 3 (pps: 173 -211).
[3] “Australia, đất nước của sự bao dung”, Phương Duy ( DCVonline – Người Việt Hải Ngoại – 11/12/2005).