Đánh cược với thiên nhiên - Kỳ 1:
Chi chít thủy điện ở miền Trung
- Chỉ với hai tỉnh miền Trung là Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế cùng hai tỉnh ở Tây nguyên là Kontum và Đắc Nông mà có gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ đã, đang và sẽ triển khai. Dân khoa học ví von việc triển khai tràn lan các dự án thủy điện ở miền Trung và Tây nguyên là đánh cược với thiên nhiên, mà phần thua chắc chắn thuộc về con người.
Bão số 9 vừa qua, lũ ầm ầm dội về. Những thân gỗ từ thượng nguồn trôi về kín hạ lưu sông Vu Gia (Quảng Nam). Thêm vào đó là chuyện đập thủy điện A Vương xả lũ đã thôi thúc chúng tôi lên đường đi tìm câu chuyện về các dự án thủy điện ở miền Trung đang mọc lên như nấm sau mưa...
Chi chít các nhà máy thủy điện đã và đang xây dựng trên các sông của Quảng Nam (Nguồn: Sở Công thương Quảng Nam) - Đồ họa: V.Cường |
Tan hoang rừng già
"Mới triển khai bốn dự án thủy điện mà rừng đã mất hơn 4.000ha, chưa kể 6.000ha rừng phải bị chặt bỏ để kéo đường dây điện. Nếu Quảng Nam triển khai hết số thủy điện đã phê duyệt thì mọi chuyện sẽ không tưởng tượng được" Ông DƯƠNG CHÍ CÔNG
|
Ngày 18 -10, chúng tôi vào công trường thủy điện A Lưới (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) bằng tuyến đường công vụ còn nguyên dấu đất bùn đỏ. Con đường mới mở nhỏ và rất dốc men theo sườn núi cao với những cánh rừng già bạt ngàn, bên dưới là vực sâu hun hút. Để có được con đường này, đơn vị thi công đã tìm mọi cách đốn bỏ hàng chục hecta rừng già mà dấu tích để lại là những gốc cây to tươm nhựa đỏ bầm như máu.
Khoảng 2km trước khi đến công trường nhà máy là một cảnh tượng hùng vĩ hiện ra gồm ba tầng bậc taluy đỏ thẫm, loang lổ, xé toạc những thảm xanh nối tiếp của rừng. Trên suốt chiều dài 10km của tuyến đường công vụ có rất nhiều thân gỗ lớn đã bị đốn hạ còn trơ gốc ven đường. Cạnh đó, nhiều phách gỗ đã được xẻ chờ cơ hội chuyển đi.
Càng đi sâu vào trong, những phách gỗ đỏ tươi nằm ngổn ngang càng nhiều... Ông Lê Viết Ngọc Vinh, hạt trưởng Hạt kiểm lâm A Lưới, cho biết chưa thống kê được chính xác bao nhiêu hecta rừng bị triệt hạ để phục vụ công trình này, nhưng nó là một mối nguy lớn cho tương lai.
Trên trục đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Mà Cooih (huyện Đông Giang, Quảng Nam), dù lòng hồ đã được dọn dẹp, khai thác, tận thu gỗ trước khi tích nước đúng kế hoạch, thế nhưng vào những ngày này trên con đường công vụ dẫn vào đập chính của thủy điện A Vương, cảnh những khoảnh rừng xanh thẳm đang bị chìm dần trong lòng hồ khiến nhiều người xót xa.
Sau trận bão số 9 vừa qua, hàng ngàn thân gỗ lớn từ khắp các thượng nguồn theo nước trôi về nằm lềnh bềnh trên mặt hồ. Ngay tại khu vực cửa nhận nước nhà máy, nhân viên vận hành phải vất vả dùng những thùng phuy rỗng kết lại với nhau tạo nên dây phao nhằm ngăn thân gỗ, củi tràn vào cửa nhận nước phá hỏng nhà máy.
Trận lũ vừa rồi gỗ trôi về lòng hồ nhiều đến mức ông Nguyễn Văn Lê - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy điện A Vương - phải thốt lên: “Nếu cảnh này còn tái diễn thì chừng mười năm sau hồ A Vương sẽ không còn nước để phát điện”.
Theo ông Lê, mới sau một cơn lũ mà lòng hồ thủy điện đã bị bồi lắng một lượng bùn dày ước đến 10m. Như vậy không lâu nữa lòng hồ A Vương sẽ bị bồi lắng lấp đầy, do vậy không còn chỗ chứa nước để phát điện. Theo ông Lê, nguyên nhân chính do rừng đầu nguồn mất quá nhiều nên không giữ được nước dẫn đến xói lở đất rừng.
Rừng già bị san ủi không thương tiếc để mở đường vào công trình thủy điện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Trần Dung Quất |
Một giọt nước qua bốn cửa tuôcbin
Với chiều dài trải dọc từ Kontum đến Quảng Nam trước khi hợp vào sông Vu Gia đổ ra biển, sông Đăk Mi với nhiều tên gọi như sông Cái, sông Nước Mỹ hay sông Bung được đánh giá là hệ sông có tiềm năng thủy điện lớn nhất Quảng Nam.
Trên con sông Đăk Mi dài chưa đến 100km dự kiến ban đầu chỉ có hai nhà máy thủy điện là Đăk Mi 1 (225MW) và Đăk Mi 4 (210MW). Tuy nhiên một thời gian sau, dự án Đăk Mi 1 đã bị “xẻ” ra thành ba dự án theo bậc thang gồm Đăk Mi 1 (58MW, nằm trên địa phận tỉnh Kontum), Đăk Mi 2 (90MW) và Đăk Mi 3 (45MW).
Riêng thủy điện Đăk Mi 4 vẫn giữ nguyên quy hoạch. Cả ba dự án này đều nằm trên địa phận huyện Phước Sơn (Quảng Nam). “Với quy hoạch theo kiểu dày đặc như vậy thì một giọt nước từ nguồn chảy về đến biển phải qua bốn cửa tuôcbin” - ông Dương Chí Công, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Nam, ví von. Theo báo cáo, đến thời điểm này toàn tỉnh Quảng Nam đã có tổng cộng 62 dự án thủy điện được phê duyệt, trong đó riêng trên sông Vu Gia - Thu Bồn là 10 dự án. 47 dự án thủy điện vừa và nhỏ khác cũng đã được địa phương này cho phép lập nghiên cứu, đầu tư.
Trong khi đó tại Thừa Thiên - Huế, một loạt nhà máy thủy điện nằm trên các nhánh của sông Hương đang được thi công ồ ạt nhằm kịp tiến độ phát điện vào cuối năm 2011 như thủy điện Bình Điền (44MW), A Lưới (170MW), Hương Điền (81MW), Thượng Nhật (6,5MW). Theo ông Nguyễn Duy Thành - phó giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên - Huế, tỉnh đã thông qua quy hoạch phát triển hệ thống thủy điện vừa và nhỏ của địa phương từ nay đến năm 2015 bao gồm 12 nhà máy, trong đó riêng trên sông Bồ có bảy dự án.
Chỉ trên một hệ thống sông Bung (Quảng Nam) đã có đến 10 công trình thủy điện (dấu chấm) - Đồ họa: Hữu Tiến - Vĩ Cường |
Đầu tư thủy điện: ngon ăn, ít rủi ro
Hơn hai năm trở lại đây, phong trào đầu tư vào các dự án thủy điện đang trở nên rất “hot” khi hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài ngành ồ ạt nhảy vào mà không cần chờ địa phương tiếp thị.
Theo một cán bộ tài chính trong ngành điện, việc đầu tư thủy điện hiện đang rất “ngon ăn” bởi hiệu quả kinh tế cao, thu hồi vốn nhanh. Thủy điện công suất càng lớn, địa hình tốt thì suất đầu tư thấp. Cũng theo vị này, với suất đầu tư bình quân 25 tỉ đồng/MW thì một dự án chỉ từ 8-10 năm là thu hồi vốn.
Một chuyên gia ngân hàng cho biết phần lớn dự án thủy điện luôn được các ngân hàng ưu ái tài trợ vốn. Hợp đồng giải ngân nhanh và thuận lợi hơn các dự án khác. Lý do là đầu tư thủy điện có lợi nhuận trên vốn cao và ít rủi ro, lãi suất thu được ổn định.
Bà Trần Thị Oanh, tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Côn, cho hay mới gần hai tháng phát điện nhưng thủy điện Sông Côn 2 đã đưa lên lưới hơn 60 triệu kWh. Với điện lượng hơn 210 triệu kWh/năm thì sau chín năm thủy điện Sông Côn 2 sẽ thu hồi 1.050 tỉ đồng đã đầu tư trước đó. Trong khi đó một cán bộ của thủy điện A Lưới cho rằng nếu kịp phát điện trong quý 1-2011 thì chỉ sau chín năm nhà máy sẽ thu hồi đủ 3.234 tỉ đồng đã đầu tư.
Điều đáng nói, theo cán bộ thủy điện A Lưới, trong khi các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Trị An... đều phải giảm công suất vào mùa khô kiệt (từ tháng 9 đến tháng 12) do hết nước, thì ngược lại thời điểm này miền Trung đang vào mùa mưa, các nhà máy điện đều chạy hết công suất nên rất kinh tế, lợi nhuận mang lại rất cao.
Sức hấp dẫn từ các dự án thủy điện cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp ngoài ngành điện quan tâm. Mới đây, Công ty Phú Thạnh Mỹ đã khởi công thủy điện Sông Bung 4A với tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng.
Tương tự, Công ty xây dựng tổng hợp Trường Thịnh (một đơn vị tư nhân ở Quảng Bình) tham gia 308 tỉ đồng đầu tư thủy điện La Trọng (thượng nguồn sông Gianh). Tại Bắc Trà My (Quảng Nam), Công ty cơ khí áp lực Mạnh Nam đầu tư thủy điện Tà Vi. Trong khi đó tại huyện Phước Sơn, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN làm chủ hai dự án thủy điện Đăk Mi 4 và Đăk Mi 4C.
Qua huyện miền núi Nam Giang, Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện VN làm chủ đầu tư các dự án thủy điện Đăc Pring, Sông Bung 4...Tổng công ty Cơ điện nông nghiệp và thủy lợi đầu tư thủy điện Đăk Mi 2, Công ty cổ phần Đạt Phương đầu tư thủy điện Sông Bung 6, Công ty cổ phần Hoàng Anh Quảng Nam thì thủy điện Sông Cùng hay Công ty cổ phần Xây dựng 699 là dự án Trà Linh 3...
Kỳ 2:
Tây nguyên: nhà nhà làm thủy điện
TT - Tây nguyên có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành với tổng công suất hơn 5.000MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất nguồn điện của cả nước. Quy hoạch của ba tỉnh Gia Lai, Đắc Nông và Kontum có đến 257 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ!
Anh Nguyễn Phan - trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ khu vực Tây nguyên - đã lắc đầu ngao ngán: “Không một nhà chuyên môn, cơ quan chức năng nào giúp được chúng tôi trong việc lập sơ đồ vị trí các nhà máy thủy điện ở Tây nguyên. Đơn giản vì nhiều quá! Nhiều đến độ các nhà chuyên môn bảo rằng chấm đâu trên bản đồ cũng trúng”!
Đằng sau Nhà máy thủy điện Dak Ru có công suất chỉ 7,5MW là một ngọn đồi bị phạt sạch! Công trình này đã ngốn cả trăm hecta rừng - Ảnh: Lê Bình |
Tây nguyên có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành với tổng công suất hơn 5.000MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất nguồn điện của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây không phải nằm ở chỗ các nhà máy lớn này, điều đáng ngại là tình trạng nhà nhà làm thủy điện. Dựa vào quy hoạch của ba tỉnh Gia Lai, Đắc Nông và Kontum, chúng tôi thật sự choáng với con số 257 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ!
Hàng trăm hecta rừng đổi lấy nhà máy 7,5MW!
"Đến thời điểm này tỉnh mới chỉ cấp giấy phép xây dựng cho 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ trong số 70 dự án đã quy hoạch. Nhiều con suối ở địa phương này có rất nhiều tiềm năng để xây dựng các công trình thủy điện nhỏ" Ông Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Đắc Nông |
Nhà máy thủy điện Dak Ru có công suất chỉ 7,5MW với ba tổ máy do Công ty TNHH N&S làm chủ đầu tư, được khởi công tháng 6-2006 và tháng 4-2008 chính thức đi vào hoạt động. Chúng ta hãy so sánh công suất này với công suất bình quân của 11 nhà máy thủy điện lớn tại Tây nguyên (khoảng 5.000MW) mới thấy nó quá nhỏ bé. Để xây dựng nhà máy này, ông Hoàng Anh Tuấn - giám đốc Công ty N&S - cho biết tổng nguồn vốn đầu tư để xây dựng nhà máy trên 250 tỉ đồng, trong đó phần lớn được vay từ Ngân hàng Đầu tư và phát triển chi nhánh Đắc Nông.
Điều đáng quan tâm là một nhà máy nhỏ như thế nhưng Công ty N&S đã phải phá hàng trăm hecta rừng dọc suối Dak Ru, đào xới, làm đảo lộn cảnh quan cả một vùng rừng núi thâm u để xây dựng đập ngăn hồ chứa và hệ thống kênh dẫn dòng dài hơn 5km. Nên nhớ, Dak Ru là một dòng suối nhỏ, lưu lượng nước thấp. Và khi nhà máy thủy điện này ra đời, nhiều người dân trong vùng đã dắt díu nhau đến các khu vực xa hơn tại các xã Quảng Tín, Đắc Ngo (huyện Tuy Đức) để mua đất canh tác do thiếu nước.
Có đặt chân đến những nhà máy thủy điện có công suất nhỏ hoặc vừa như Dak Ru, bạn mới thấy xót xa đến dường nào với việc con người đã tàn phá thiên nhiên vì những món lợi nhỏ nhoi!
Thủy điện Ayun Hạ chỉ có công suất 3MW, được xây dựng trên địa bàn huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai - Ảnh: Thảo My |
Những con số biết nói
Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, hiện tỉnh có bảy công trình thủy điện lớn do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đầu tư với công suất 1.871MW, trong đó trên dòng Sê San có bốn công trình (ba đang vận hành, một đang thi công), trên sông Ba có ba công trình đang thi công. Trong khi đó tổng số thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn Gia Lai là 113 với tổng công suất 549,781MW (chỉ bằng 1/10 tổng công suất 11 nhà máy thủy điện của EVN), trong đó có 21 nhà máy thủy điện đã vận hành.
Tại Đắc Nông, trên lưu vực sông Đồng Nai (đoạn qua Đắc Nông) đang xây dựng ba nhà máy thủy điện lớn là Đồng Nai 3, 4 (tổng công suất 520MW, EVN làm chủ đầu tư), Đắc R’Tih (144MW - Tổng công ty Xây dựng I làm chủ đầu tư). Các dự án này đều sẽ hoàn thành và phát điện lên lưới quốc gia trước năm 2012. Còn trên dòng Krông Nô - Sêrêpôk có các nhà máy thủy điện vừa và lớn đã và đang được xây dựng: Buôn Tua Srah (86MW, EVN làm chủ đầu tư), Buôn Kuốp (280MW, EVN làm chủ đầu tư), Đray H’Linh II (16MW, Công ty cổ phần Điện lực 3 làm chủ đầu tư), Sêrêpôk III (220MW, EVN làm chủ đầu tư), Sêrêpôk IV (70MW, Công ty TNHH Đại Hải làm chủ đầu tư)...
Đối với hệ thống thủy điện vừa và nhỏ thuộc tỉnh Đắc Nông quản lý, ông Trần Phương - phó chủ tịch UBND tỉnh - cho biết đã quy hoạch 70 dự án với tổng công suất 241,07MW và đến thời điểm này có 26 dự án đã vận hành.
Tỉnh Kontum được xem là có nguồn thủy năng phong phú để phát triển thủy điện, chưa tính các công trình thủy điện quốc gia được đầu tư xây dựng trên hệ thống sông Sê San, Pô Kô, Đăk SNghé... Tỉnh này đã quy hoạch phát triển 74 công trình thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất khoảng 300MW.
Đến nay đã có hai công trình thủy điện vừa và nhỏ khánh thành và đi vào hoạt động. Đó là thủy điện Đăk Rơ Sa nằm trên địa bàn hai xã Đăk Trăm và Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, có công suất 7,5MW. Kế đến là Nhà máy thủy điện Đăk Pô Ne 2 do Công ty TNHH Gia Nghi đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Đăk Pờ Ne, huyện Kon Rẫy, tổng công suất 3,6MW!
Chi chít thủy điện...” - hỏi bên lề Quốc hội
Hôm qua 22-10, bên hành lang Quốc hội, ngay sau khi đọc bài “Chi chít thủy điện ở miền Trung” trên Tuổi Trẻ ra cùng ngày, ông Phạm Khôi Nguyên - bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, và ông Nguyễn Văn Sỹ (phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) - đã có ý kiến như sau:
Sẽ kiểm tra việc ảnh hưởng môi trường của các hồ thủy điện
VGCS Phạm Khôi Nguyên |
Việc các chủ đầu tư có lập dự án để đốn gỗ không thì hiện nay chúng tôi chưa có thông tin. Tuy nhiên, chúng ta đã có quy định: nếu đơn vị nào lấy vào diện tích rừng bao nhiêu để làm thủy điện sẽ phải tái tạo rừng ở khu vực khác với diện tích tương tự. Song phải công nhận hậu thẩm định, khâu kiểm tra việc thực hiện đánh giá tác động môi trường chúng ta làm chưa tốt. Bộ Tài nguyên - môi trường dự kiến có cuộc kiểm tra toàn diện việc thực thi yêu cầu trong bản đánh giá tác động môi trường với các nhà máy thủy điện thời gian tới.
Rà soát, giảm bớt các dự án thủy điện
Ông Nguyễn Văn Sỹ |
Trong vấn đề làm thủy điện vừa và nhỏ hiện nay cần phải có sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Hầu hết các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam, theo như quy hoạch, do các doanh nghiệp đầu tư là chủ yếu, Nhà nước không có tham gia vốn vào. Từ thực tiễn lũ vừa rồi ở Quảng Nam cũng phải tính lại việc Nhà nước tham gia đầu tư công trình, để thủy điện làm nhiệm vụ phát điện nhưng phải góp phần cắt lũ.
Hướng tới chúng tôi rà soát để có chủ trương hợp lý, chắc phải giảm bớt, chứ không phải làm quá nhiều thủy điện.
Đánh cược với thiên nhiên - Kỳ 3:
Hiểm họa khôn lường từ thủy điện
- Những cánh rừng bị phá hủy khiến lũ ngày càng hung hãn, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Môi trường sinh thái thay đổi làm biến mất nhiều loài động - thực vật... Thủy điện phát triển tràn lan đã góp phần đáng kể vào những thiệt hại đó...
Những khu tái định cư xây như nhà phố khiến người Cơ Tu không quen sống, sau khi họ phải rời làng nhường chỗ cho thủy điện A Vương - Ảnh: Tấn Vũ |
Dân mất dần đất sản xuất
Nằm phía bên kia thị trấn A Sờ (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), làng Pachepalanh là một trong ba khu tái định cư của thủy điện A Vương. Làng có 276 hộ với gần 1.000 dân được di dời về đây từ năm 2006. Khu làng mới là những dãy nhà san sát, mái lợp tôn nằm chơi vơi trên một đỉnh đồi. Ngay đầu làng là những hố đất xói lở sâu hoắm chạy thẳng xuống suối. Căn nhà tái định cư của gia đình ông A Rất Sáu chỉ còn lại những mảng tường nham nhở, mái tôn bị bóc trần, móng bị trụt và nghiêng hẳn về một bên. Gia đình ông A Ral Blúa cũng trong cảnh tương tự, không chịu nổi cuộc sống trong căn nhà nứt nẻ, ông dắt díu vợ và bốn con làm một chòi nhỏ trước cổng làng sinh sống.
"Trước khi có thủy điện (năm 2007) toàn xã chỉ có 80 hộ nghèo, nhưng đến cuối năm 2008 con số đó đã vọt lên 167 hộ" Ông NGUYỄN VĂN ĐỜI
|
Tương tự, chủ tịch UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) Briu Liếc cho biết chính quyền huyện đang tìm cách quy hoạch hơn 30ha đất tại làng Baduh để dời khẩn cấp 69 hộ dân tại hai khu tái định cư Alua và Kla (thuộc dự án tái định cư thủy điện A Vương) về nơi ở mới bởi nơi đây đất đang sạt lở. Việc tiếp tục tìm đất tái định cư cho người dân, theo ông Liếc, không những tiêu tốn hàng chục tỉ đồng của Nhà nước, mà một lần nữa đảo lộn cuộc sống người dân. “Tài nguyên thủy điện là tài nguyên chung quốc gia. Nhưng làm thủy điện mà người dân trong vùng dự án không được hưởng lợi, ngược lại còn gây nhiều khó khăn thì xây làm gì” - ông Liếc chua xót nói.
Tất cả đều thay đổi
Nguy cơ tạo nên một thảm họa về môi trường do việc chặn dòng làm thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) nói riêng và tại các tỉnh miền Trung nói chung đã được các chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM - một cơ quan nghiên cứu độc lập do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ nhằm đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch lưu vực thủy điện Vu Gia - Thu Bồn) cảnh báo từ trước. Tuy vậy mãi đến khi sự kiện “A Vương xả lũ” xảy ra làm hàng ngàn người dân hạ lưu khốn đốn thì nhiều người mới giật mình, thấm thía.
Ngay sau bão lũ tan, điều mà rất nhiều người không thể nào ngờ là cả thôn Đại Mỹ (Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam) lại bị cát sỏi bồi lấp, có nơi lên hơn 2m. Có những gia đình bị chôn luôn toàn bộ nhà cửa, tài sản trong lũ bùn. Muốn vào nhà chỉ còn cách trèo qua cửa sổ vì cửa chính không thể mở được. Anh Phan Văn Thạnh, một hộ dân ở thôn Đại Mỹ, nói trong nước mắt: “Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa có lần nào kinh hoàng như lần này. Nước lũ mang theo gỗ và bùn cát từ thượng nguồn về đánh sập ngôi nhà vừa xây xong. Làng này coi như bị xóa sổ”. Thôn Đại Mỹ với gần 240 hộ dân nằm dọc ven sông Côn nơi phía thượng nguồn, một loạt nhà máy thủy điện từ An Điềm 1, An Điềm 2, Sông Côn 2... đang nằm trong tình trạng báo động đỏ. “Nếu không di dời thì chỉ một trận lũ nữa, cả làng sẽ trôi ra biển” - ông Hồ Quang Bốn, trưởng thôn Đại Mỹ, bảo.
Theo ICEM, hiện lượng phù sa ở các con sông bồi lắng ở Quảng Nam đã đến mức báo động. Sông Vu Gia tại trạm quan trắc Thành Mỹ (Nam Giang) bình quân mỗi năm có 460.000 tấn đất, cát bồi lắng. Với lượng bồi lắng như vậy, cơ quan này cảnh báo thành phố cổ Hội An sẽ là nơi hứng chịu nhiều cơn lũ lớn do chính tác động này. Bên cạnh đó, khi thủy điện sông Bung 4 đi vào tích nước (490 triệu m3) thì chắc chắn sông Bung kiệt nước, dẫn đến hạ lưu khô hạn. “Nếu điều tồi tệ này xảy ra thì không những thiếu nước cho sản xuất mà các vùng hạ lưu còn đối mặt với nguy cơ nhiễm mặn do nước biển xâm thực” - ông Huỳnh Vạn Thắng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, cho biết. Cũng theo ông Thắng, hiện việc tranh chấp nguồn nước giữa TP Đà Nẵng với công trình thủy điện Đăk Mi 4 vẫn chưa có hồi kết. Nếu thủy điện Đăk Mi 4 đổ hết nước về sông Thu Bồn mà không trả về Vu Gia như kiến nghị của Đà Nẵng thì hơn 1,7 triệu dân vùng hạ lưu Vu Gia sẽ thiếu nước trong chín tháng, đó là chưa kể hơn 20.000ha đất sản xuất đang phải đối mặt với nguy cơ sa mạc hóa.
ICEM cũng cảnh báo biển Đông sẽ mất đi một nguồn dinh dưỡng lớn do việc xây quá nhiều con đập chắn trên thượng nguồn. Việc xây quá nhiều đập thủy điện sẽ dẫn tới việc ngăn cản động vật thủy sinh di cư một cách bình thường và nhiều quần thể sẽ bị hủy hoại trong nay mai. Đó là chưa kể đến nguy cơ vùng hạ lưu sẽ thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô do nước bị giữ lại để phục vụ việc phát điện.
Dĩ nhiên, nguyên nhân thì nhiều như đốt nương làm rẫy, khai thác gỗ, làm đường... nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là sự phát triển tràn lan của thủy điện.
Rẫy cà phê bị ngập bởi dự án thủy điện Plei Krông đang thực hiện |
Giá phải trả cho một nhà máy 15MW
Tháng 2-2008, UBND tỉnh Kontum có quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch công trình thủy điện Đăk Pô Kô (xã Tân Cảnh và Pô Kô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kontum) trên diện tích lưu vực 1.790km2.
Nhà máy này có công suất chỉ 15MW, tổng kinh phí đầu tư 306,2 tỉ đồng do Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai làm chủ dự án. Diện tích chiếm đất vĩnh viễn thuộc dự án này là 113,21ha.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Đăk Pô Kô do Công ty cổ phần thiết kế xây dựng thủy điện, thủy lợi Hà Nội phối hợp với chủ đầu tư thực hiện, trong quá trình thi công sẽ phát sinh bụi từ việc khai thác đá làm vật liệu xây dựng và quá trình san lấp mặt bằng với khối lượng khoảng 20.000m3!
Khi đắp đập chứa nước sẽ làm ngập diện tích rừng tự nhiên, hoa màu, cây công nghiệp trong khu vực lòng hồ với diện tích 117,2ha. Trong quá trình tích nước, một số lượng lớn của thảm thực vật bị nhấn chìm, sự phân hủy sẽ bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, dòng nước sau khi đi qua tuôcbin phát điện sẽ có áp lực lớn gây xói lở ở phía hạ lưu là rất lớn.
“Bỏ quên” 36ha rừng giữa hồ thủy điện
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi vừa có tờ trình báo cáo về việc 36,15ha rừng tự nhiên (tương đương 1.054m3 gỗ) bị “bỏ quên” giữa lòng hồ thủy điện Hà Nang thuộc địa phận huyện Trà Bồng.
Về việc này, ông Nguyễn Tăng Bính, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Ngãi, thừa nhận: “Có thể do đơn vị tư vấn sai sót trong khâu khảo sát diện tích gỗ tận thu ban đầu”. Còn ông Huỳnh Kim Lập - giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Thiên Tân, chủ đầu tư dự án thủy điện Hà Nang - khẳng định: “Số diện tích rừng bị “bỏ quên” nói trên đã được ngành lâm nghiệp đóng búa trên thân gỗ nhưng không hiểu vì sao lại không được khai thác tận dụng. Do vậy, khi ngăn dòng đập chính của thủy điện, mực nước dâng cao nên số diện tích rừng này hiện đã chìm sâu trong nước”.
Được biết, công trình thủy điện Hà Nang có sông suất 11MW, tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng. Muốn tận thu số gỗ nói trên phải đợi đến khi nào thủy điện Hà Nang xả tràn thì mới khai thác được.
Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung - Kỳ cuối: Thủy điện “ba không”
Không có dung tích chống lũ, không có cửa xả đáy và không thông qua địa phương ngay bước đầu khảo sát.
Đó là những điều dễ thấy tại hầu hết các dự án thủy điện ở Quảng Nam.
Một đoạn sông cạn khô trơ cả đáy ngay trên sông A Vương đoạn chảy qua huyện Đông Giang (Quảng Nam) do đập thủy điện Zà Hung chặn không cho nước về hạ lưu - Ảnh: Đ.Nam |
Chuyện đã rồi
Nằm trên suối Tạp Rông và Laê (thuộc xã Laê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, một phụ lưu của sông Bung), thủy điện Pà Oi được đánh giá là một dự án có hiệu quả về kinh tế. Dự án do Công ty cổ phần năng lượng Nhân Luật (đóng tại TP Đà Nẵng) đăng ký đầu tư.
Với diện tích lưu vực trên 110km2, thủy điện Pà Oi được nghiên cứu xây dựng theo hình thức bậc thang: Pà Oi thượng có công suất 4,5MW và Pà Oi hạ là 9MW. Tuy nhiên sau khi hồ sơ dự án được tỉnh Quảng Nam thẩm định, phê duyệt, chuyển về cho địa phương chuẩn bị triển khai thì lãnh đạo huyện Nam Giang mới “tá hỏa” bởi lẽ dự án này đụng đến đất sản xuất của dân nhiều quá.
Bức xúc... liên tỉnh “Chủ đầu tư dự án Đăk Mi 4 đã không tham khảo ý kiến của Đà Nẵng trước khi phê duyệt dự án” - ông Trần Văn Minh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khẳng định như vậy trong văn bản kiến nghị gửi trực tiếp Thủ tướng Chính phủ. Không riêng Đà Nẵng, các địa phương nằm bên dưới thân đập Đăk Mi 4 của Quảng Nam như Nam Giang, Đại Lộc, Hội An... cũng vô cùng bức xúc. |
Ngay cả những dự án thủy điện lớn do Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt cũng có tình trạng “gạo nấu thành cơm” rồi địa phương mới biết như vậy. Thủy điện Đăk Mi 4 nằm trên sông Đăk Mi đoạn chảy qua huyện Phước Sơn (Quảng Nam) là một điển hình.
Với công suất thiết kế lên đến 210MW, Đăk Mi 4 là thủy điện bậc thang được quy hoạch nằm trên hệ sông Vu Gia - Thu Bồn do Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên đến khi dự án này triển khai thi công (năm 2008), chính quyền Đà Nẵng, địa phương hưởng thụ nguồn nước từ sông Đăk Mi, mới vỡ lẽ câu chuyện thiếu nước của mình, bởi nhà quy hoạch dự án đã quyết định “nắn” dòng chảy từ sông Đăk Mi sang hẳn sông Thu Bồn nhằm phát điện hiệu quả hơn.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng, dự án thủy điện Đăk Mi 4 không những không góp phần cải thiện dòng chảy mùa kiệt mà còn làm suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước trên sông Vu Gia.
Không hồ chứa, không cửa xả đáy
Đầu năm 2007, dự án thủy điện Sông Bung 4A được điều chỉnh bổ sung vào quy hoạch với công suất thiết kế khoảng 28MW. Sau đó, dự án trên được điều chỉnh nâng công suất lắp đặt lên thành 45MW. Tháng 8-2009, dự án chính thức khởi công.
Theo ông Cáp Kim Cương - phó giám đốc tư vấn dự án Sông Bung 4A, dự án này được vận hành theo cơ chế điều tiết ngày, lấy lòng sông làm hồ chứa, do vậy công trình hầu như không có dung tích chống lũ. Mô hình này đang được triển khai tại hầu hết các dự án thủy điện bậc thang nằm trên sông Bung ngoại trừ dự án Sông Bung 4. Ông Nguyễn Văn Tuấn - cán bộ kỹ thuật tổ chức thi công Công ty Đạt Phương (chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Bung 6) - cho biết với công suất thiết kế 30MW, thủy điện Sông Bung 6 sẽ làm đập để ngăn sông phát điện và lòng sông sẽ trở thành hồ chứa tương tự dự án Sông Bung 5 (52MW) đang được triển khai cách đó chừng 5km về phía thượng lưu.
Theo ông Võ Thí - trưởng phòng quản lý điện năng Sở Công thương Quảng Nam, hầu hết các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Quảng Nam ngay trong quy hoạch ban đầu đều không có dung tích chống lũ bởi các dự án đều lấy lòng sông làm hồ chứa. Ngay như thủy điện lớn là A Vương, dung tích chống lũ của công trình này cũng chỉ khoảng 14 triệu m3, quá nhỏ so với quy mô của dự án. Việc nhiều thủy điện trên cùng một con sông nhưng không có dung tích chống lũ như sông Bung đã khiến nhiều người quan ngại về một nguy cơ “lũ chồng lũ” khi có mưa lớn ở thượng nguồn và những thân đập được xây dựng không an toàn.
Một vấn đề khác trong quy hoạch, thiết kế của hầu hết các dự án thủy điện ở Quảng Nam khiến các địa phương phía hạ lưu đau đầu, đó là cửa xả đáy. “Cả hai thủy điện lớn đã và đang xây dựng là A Vương và Đăk Mi 4 đều thiết kế không có cửa xả đáy. Điều này đồng nghĩa với việc vào mùa khô hạn, vì lý do nào đó các nhà máy này tạm ngưng phát điện thì chắc chắn sẽ không một giọt nước nào có thể lọt qua đập để về hạ lưu được. Khi ấy hạ lưu chắc chắn sẽ thiếu nước” - ông Huỳnh Vạn Thắng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng, nói.
Chính vì lẽ đó mà chính quyền Đà Nẵng đã kịch liệt phản đối, buộc chủ đầu tư dự án Đăk Mi 4 phải thiết kế bổ sung ngay một cống xả nước qua thân đập để trả nước sông Đăk Mi về lại dòng Vu Gia.
Dự án lớn thì không có cửa xả đáy để chủ động điều tiết nước vào mùa khô, còn các dự án vừa và nhỏ lại không có dung tích chống lũ vào mùa mưa bão. Xem ra câu chuyện quy hoạch thủy điện ở Quảng Nam vẫn còn quá nhiều điều đáng để bàn.
Hồ thủy điện không cắt lũ
- Trước những thông tin các hồ thủy điện góp phần gây lũ lớn vừa qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thành lập đoàn kiểm tra toàn bộ tình hình. Chính những quyết định xả lũ không đúng thời điểm đã khiến người dân ở các vùng hạ lưu phải gánh chịu nhiều hậu quả từ lũ.
Công nhân sửa chữa ở cửa xả hồ thủy điện Bình Điền ngày 6-10 - Ảnh: THÁI LỘC |
Bắt đầu từ hôm nay (9-10), đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT sẽ kiểm tra các hồ thủy điện tại Thừa Thiên - Huế sau khi có thông tin nghi vấn các hồ thủy điện ở miền Trung góp phần gây lũ lớn.
Trước đó, Công ty cổ phần thủy điện Bình Điền (Thừa Thiên - Huế) thừa nhận phải mở cả năm cửa đập để xả lũ xuống sông Hương.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy chính những quyết định xả lũ không đúng thời điểm của các hồ thủy điện đã khiến người dân ở các vùng hạ lưu phải gánh chịu hậu quả khôn lường từ lũ.
Sơ đồ vị trí Nhà máy thủy điện Bình Điền - Đồ họa: Như Khanh |
Thủy điện A Vương không có nhiệm vụ cắt lũ?
Nằm trên địa bàn xã Mà Cooi, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, Nhà máy thủy điện A Vương (công suất 210MW) là một trong những nghi vấn về nguyên nhân làm lũ trầm trọng thêm ở vùng hạ lưu trong đợt bão lũ vừa qua.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lê - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy điện A Vương (AVC) - cho biết: “Công tác vận hành hồ chứa thủy điện A Vương phải đảm bảo các ưu tiên thứ tự như sau: đảm bảo tuyệt đối cho công trình đầu mối của Nhà máy thủy điện A Vương, cung cấp điện lên lưới quốc gia phục vụ kinh tế - xã hội. Điều này chứng tỏ ngay trong quy trình vận hành xả lũ mà Bộ Công thương ban hành trước đó không hề giao nhiệm vụ cắt lũ đối với hạ lưu”.
Nhà máy thủy điện A Vương đang tiến hành xả lũ - Ảnh: T.Hoài |
Theo báo cáo của AVC gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ngày 29-9 do lưu lượng nước về hồ quá lớn (từ 2.500-3.000m3/giây) và có khả năng vượt cao trình 380m, AVC đã có công văn gửi tỉnh Quảng Nam xin xả lũ khẩn cấp (thời gian xả lũ từ 13g-17g ngày 29-9 với lượng nước xả 14 triệu m3). Nhưng thực tế tổng lượng nước AVC xả về hạ lưu tính từ 15g ngày 29-9 đến 7g ngày 1-10 là 149,3 triệu m3 nước. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến mực nước ở hạ lưu tăng vọt, nhấn chìm hàng chục ngàn ngôi nhà các vùng Đại Lộc, Hội An.
Ông Đinh Văn Thu, phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho biết ông chưa nhận được báo cáo của AVC gửi tỉnh về việc vận hành và xả tràn thủy điện A Vương. Mặc dù vậy, ông Thu khẳng định: “Nói thủy điện A Vương không có nhiệm vụ cắt lũ là không đúng. Cho dù quy trình xả lũ AVC thực hiện đúng như Bộ Công thương ban hành, nhưng thời gian và thời điểm xả lũ không hợp lý vì nó liên quan đến hạ lưu. Nếu nước sông hạ lưu đang ở báo động 1 hoặc dưới báo động 2 thì không sao, nhưng thời điểm AVC xin xả lũ là khi mực nước ở các sông vùng hạ lưu Quảng Nam đều đang ngấp nghé dưới báo động 3. Vì vậy, khi nước từ thượng nguồn A Vương ồ ạt đổ về đã khiến hạ lưu bị nhấn chìm”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh cho rằng cần có một quy trình xả lũ và sự quản lý điều hành chặt chẽ, khoa học đối với các hồ chứa nước nhà máy thủy điện nơi đầu nguồn, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Riêng việc xả lũ vừa qua của thủy điện A Vương, ông Ánh đề nghị cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Thủy điện Bình Điền: tê liệt chức năng giảm lũ
Sau khi bão số 9 đi qua, cuối buổi chiều 29-9 nước sông Hương (Thừa Thiên - Huế) dâng cao và đến tối nước lũ đỏ ngầu, ngập hết các đường phố trung tâm TP Huế, vùng Thành nội và các vùng hạ du sông Hương như các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Hương Trà. Đến 20g ngày 29-9, nước sông Hương đã lên đỉnh lũ 4,57m (trên báo động 3 là 1,57m) tại vị trí của trạm thủy văn Kim Long. Nước lên rất nhanh khiến nhiều người bất ngờ trở tay không kịp.
Lý giải việc nước dâng đột ngột, ông Phan Thanh Hùng, chi cục trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão và bảo vệ đê điều Thừa Thiên - Huế, cho rằng nước dâng do nhiều nguyên nhân như gió lớn, thủy triều, mưa to trước, trong và sau lũ... Một nguyên nhân khác mà ông Hùng cho biết là việc hồ Bình Điền ở đầu nguồn sông Hương đã xả tràn tối đa với năm cửa xả lũ.
Theo biểu đồ theo dõi lượng mưa và mực nước do Chi cục Phòng chống lụt bão và bảo vệ đê điều cung cấp, hồ Bình Điền bắt đầu tràn lúc 1g ngày 29-9. Đến 12g cùng ngày, mức tràn là 4,58m và cao điểm nhất là lúc 1g ngày 30-9 với cột nước dày 7,55m trong cả năm cửa đổ ào ạt xuống đồng bằng. Điều này đồng nghĩa với việc đập thủy điện này không chặn được một giọt nước lũ nào cho vùng hạ du sông Hương như giao ước ban đầu lúc đặt thủy điện ở đây.
Việc thủy điện A Vương xả lũ khẩn cấp đúng thời điểm nước trên các sông dâng cao đã khiến rất nhiều hộ dân ở Đại Lộc không kịp di chuyển tài sản lên cao để tránh lũ. Ảnh chụp tại Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam - Ảnh: Đ.Nam |
Ông Đinh Hữu Tấn, tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Bình Điền, thừa nhận sự việc trên và cho biết hồ xả tràn tối đa để bảo vệ đập, bảo vệ an toàn cho vùng hạ du. Ông Tấn cho biết nguyên nhân chính là do trước đó hai trong số năm cửa đập bị sự cố không nhấc lên được nên phải mở toang cả năm cửa và hoàn toàn không điều tiết được nước lũ khi nước tràn qua đập.
Một điều ngạc nhiên là Nhà máy thủy điện Bình Điền cũng bị ngập. Ông Võ Phi Công, trưởng phòng kỹ thuật của công ty, cho biết khoảng 13g ngày 29-9, điện cúp nên hệ thống bơm tiêu nước không hoạt động. Nước ở chân đập lên rất nhanh đạt đến mức 24,5m, trong khi cao trình nhà máy này chỉ là 21m. Điều đó khiến nước lũ tràn ngập cả nhà máy, nhấn chìm nhiều hệ thống máy móc, làm hai tổ máy phát điện phải ngưng hoạt động và hư hỏng nặng. Nước lũ xói vào gây đổ cột xuất tuyến (xuất điện từ nhà máy ra ngoài), gây sạt lở nhiều taluy, tường chắn quanh khu vực nhà máy.
Hiện nhà máy bị tê liệt hoàn toàn, đang phải sửa chữa, dự kiến mất hai tháng mới có thể đưa được một tổ máy hoạt động trở lại.
Điều nguy hại hơn, với việc đình trệ sản xuất trong hai tháng tới, đồng nghĩa với việc không rút dần nước 72m3/giây từ lòng hồ thì nước sẽ luôn ở mức qua tràn. Như thế chỉ cần xảy ra mưa lớn ở đầu nguồn, TP Huế và vùng hạ du sông Hương có khả năng phải gánh chịu những trận lụt tiếp theo.
Thứ Bảy, 10/10/2009,
Không thể xả lũ khi đang có lũ
GS. TS Đào Xuân Học |
Ông Học nhấn mạnh:
- Hồ chứa thủy lợi hay thủy điện đều phải bảo đảm đem lại lợi ích cho cộng đồng. Hồ chứa luôn phải đạt các lợi ích tổng hợp như thủy lợi, thủy điện, nuôi trồng thủy sản, phòng chống giảm nhẹ thiên tai...
* Thưa ông, chúng ta quy định thế nào về quy trình tích lũ, cắt lũ đối với hệ thống các hồ chứa này?
- Tất cả loại hồ chứa đều phải có quy trình tích lũ, xả lũ. Đối với hồ thủy lợi, điều kiện đầu tiên khi bắt đầu đưa vào vận hành là phải có quy trình tích, xả lũ. Tùy theo thiết kế của mỗi hồ mà có quy trình, quy định riêng. Chẳng hạn đến tháng mấy phải tích lũ, tích đến mức nào và ngược lại đến thời điểm nào thì xả lũ và xả như thế nào. Nhưng tuyệt đối không thể xả lũ xuống hạ lưu khi đang có lũ.
Còn với hồ thủy điện, khi đưa vào vận hành cũng phải có quy trình tích - xả lũ tùy theo quy mô thiết kế, dung tích phòng lũ của mỗi hồ. Tuy nhiên có thực tế là khi xây dựng, các đơn vị thường sợ tốn tiền, sợ đầu tư lớn nên không xây thêm hồ phòng lũ.
Nhà máy thủy điện A Vương tiến hành xả lũ - Ảnh: T.Hoài |
* Vậy đã có quy định nào yêu cầu bắt buộc các hồ thủy điện phải có hồ phòng lũ chưa?
- Nếu là hồ thủy lợi thì rất đơn giản, cứ vận hành theo quy trình, chỉ cần tính toán làm sao để đủ nước cho sản xuất nông nghiệp nên đầu mùa lũ phải tính toán để xả nước cho hợp lý. Ở đây cũng thẳng thắn mà nói là ở góc độ nào đó, hồ thủy lợi là vốn nhà nước đầu tư, còn các hồ thủy điện là vốn của các tập đoàn, công ty nên đầu tư xây thêm hồ dự phòng là một chuyện rất tốn kém so với việc kinh doanh của họ.
Với hồ thủy điện, ai cũng muốn tích nước thật đầy để cột nước cao, áp lực lớn, đảm bảo sản xuất điện. Vì thế các hồ thủy điện chỉ muốn tích đầy nước, không muốn đầu tư xây dựng thêm hồ phòng lũ. Nếu là hồ phòng lũ thì trước mùa lũ không bao giờ được tích đầy nước.
Về vấn đề này, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan liên quan. Mới đây, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận, đồng ý giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề xuất những cơ chế đặc biệt để các hồ chứa đều phải có hồ phòng lũ. Có thể mức đầu tư của Nhà nước sẽ trả theo dung tích phòng lũ mà các thủy điện sẽ xây dựng.
* Thưa ông, vai trò, trách nhiệm của Bộ NN&PTNT như thế nào trong điều hành hồ thủy điện xả lũ?
- Từ năm 2002 Cục Tài nguyên nước đã chuyển từ Bộ NN&PTNT sang Bộ Tài nguyên - môi trường, nên bây giờ việc hồ thủy điện xả lũ không phải báo cáo qua Bộ NN&PTNT. Nhưng ở đây cũng có thể thấy năng lực của cán bộ thủy lợi ở cấp địa phương còn hạn chế nên đã không tham mưu chính xác giúp các hồ thủy điện và UBND tỉnh để có quyết định có lợi nhất.
Qua vụ việc hồ thủy điện A Vương xả lũ vừa rồi, với tư cách là phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, tôi đã quyết định cử một đoàn công tác của Cục Đê điều và Cục Thủy lợi đi kiểm tra toàn bộ hệ thống các hồ thủy điện khu vực miền Trung để đánh giá khả năng phòng chống lũ, đặc biệt rà soát xem hồ nào có chức năng, khả năng phòng lũ, hồ nào khôngTranh luận “nảy lửa” việc A Vương xả lũ
Ngày 16-10, đoàn công tác phòng chống lụt bão trung ương đã đi thị sát, kiểm tra việc xả lũ Nhà máy thủy điện A Vương. Theo ông Nguyễn Thanh Quang - giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, việc hạ lưu sông Vu Gia bị ngập nặng trong đợt lũ vừa qua là có sự tác động của việc xả lũ của Nhà máy thủy điện A Vương
Nhà máy thủy điện A Vương xả lũ - Ảnh: T.Hoài |
Cùng quan điểm với ông Quang, một đại diện của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cho biết: số liệu quan trắc mực nước của Trung tâm Khí tượng thủy văn ở một số trạm quan trắc trên sông Vu Gia cho thấy việc xả lũ của thủy điện A Vương từ ngày 29 đến 30-9 là nguyên nhân góp phần gây ngập lụt trên diện rộng và thiệt hại lớn cho hạ lưu. Trong số 3.500 tỉ đồng thiệt hại vì bão số 9 của toàn tỉnh Quảng Nam, riêng huyện Đại Lộc (vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc xả lũ) con số thiệt hại đã chiếm hơn 600 tỉ đồng.
Vị đại diện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam kết luận: qua đợt xả lũ, hầu hết các công trình thủy điện đã và đang xây dựng, trong đó có A Vương, chỉ chú trọng đến hiệu quả phát điện, an toàn công trình mà chưa quan tâm đến vấn đề ngập lụt ở hạ lưu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lê - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy điện A Vương (đơn vị quản lý Nhà máy thủy điện A Vương) - cho rằng: nói thủy điện A Vương xả lũ gây ngập nặng cho hạ lưu sông Vu Gia vừa qua là không chính xác. Bởi theo ông Lê, qua số liệu mà Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) lập năm 2002 cũng như qua thực tế cho thấy: bình quân tổng nguồn nước lưu vực trong năm của thủy điện A Vương là 1,23 tỉ m3 (chiếm khoảng 14,4% tỉ lệ lưu vực trên sông Vu Gia). Còn nếu tính tỉ lệ nước xả tràn từ hồ A Vương so với nước về sông Vu Gia trong ngày 29-9 là 7,15% và con số này là 9,65% vào ngày kế tiếp (30-9).
Nói tóm lại, 150 triệu m3 nước mà A Vương đã xả trong đợt lũ vừa rồi chỉ chiếm 1/20 lượng nước trên hệ sông Vu Gia.
Tại cuộc họp, một thông tin cũng được ông Lê đưa ra đã khiến rất nhiều người có mặt bất ngờ, đó là: “Hồ A Vương đã góp phần giảm lũ cho hạ lưu bằng việc trữ thêm 146,1 triệu m3 nước. Chiếu theo quy trình mà Bộ Công thương ban hành cho thấy tỉ lệ cắt lũ mà A Vương tham gia trong đợt lũ vừa qua là 832%”. Thông tin này lập tức bị ông Nguyễn Thanh Quang phản bác vì cho rằng không đúng với thực tế.
Theo ông Nguyễn Thế Lượng - trưởng phòng quản lý phòng chống lụt bão (thuộc văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương), phương án chống lũ cho hạ lưu của nhà máy là chưa có và cũng chưa có phương án báo động cho dân vùng hạ lưu khi xả lũ khẩn cấp.
Tương tự, ông Trần Quang Hoài, cục phó Cục Quản lý đê điều, cho rằng việc thông báo xả lũ quá gấp chỉ trong vòng mấy giờ đã khiến địa phương rơi vào thế bị động, còn việc A Vương có xả lũ gây ngập nặng cho hạ lưu sẽ được đoàn công tác thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng trước khi có báo cáo kết luận cuối cùng gửi Chính phủ.
Thủy điện ở Tây Nguyên tác động tiêu cực tới môi trường
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường VGCS Phạm Khôi Nguyên vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) về việc xây dựng thủy điện ồ ạt ở Tây nguyên và miền Trung.
Trong văn bản này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định việc triển khai nhiều dự án thủy điện ở khu vực này đã có những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái. Bộ Tài nguyên - môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực trạng này, đồng thời yêu cầu UBND các tỉnh Tây nguyên thực hiện ngay một số vấn đề cấp bách về bảo vệ môi trường, kể cả việc xem xét lại quy hoạch xây dựng các nhà máy thủy điện.
Cũng trong văn bản trả lời ông Xuân, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên dẫn kết quả kiểm tra đột xuất chín dự án thủy điện ở Tây nguyên hồi tháng 7 cho thấy phần lớn các dự án đều không thực hiện nghiêm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Các dự án thủy điện đã và đang làm suy giảm diện tích rừng, hình thành những đoạn sông chết do chế độ điều tiết nước chưa hợp lý, chưa tính đầy đủ và chưa có giải pháp xử lý đối với những biến đổi về sinh thái ở thượng lưu và hạ lưu của các dự án, không có kế hoạch điều tiết nước liên hồ chứa và có thể có tác động tiêu cực đến an ninh nước.
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, quan điểm của Bộ Tài nguyên - môi trường về việc triển khai xây dựng các dự án thủy điện là phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và bảo đảm nguyên tắc lợi ích kinh tế gắn với các lợi ích về môi trường và xã hội. Do đó, bộ sẽ tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các nghị định về quản lý lưu vực sông; hướng dẫn xác định dòng chảy tối thiểu cần duy trì trên các sông; rà soát, thống kê các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên phạm vi toàn quốc; xác định danh mục hồ chứa cần phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa (trước mắt, xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa lớn Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà).
Bộ sẽ thu thập, tổng hợp thông tin để đánh giá toàn diện những tác động môi trường của các dự án thủy điện; chỉ đạo việc nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và bản cam kết bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các chủ dự án vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Giới làm khoa học ít được mời phản biện
Phó tổng thư ký Hội Cơ học thủy khí VN, đồng thời là tổ trưởng bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi (khoa xây dựng thủy lợi - thủy điện, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) GS-TS Nguyễn Thế Hùng cho rằng nhiều công trình thủy điện ở miền Trung hiện chưa được thiết kế một cách hợp lý là bởi dự án không được nhận sự phản biện một cách đầy đủ từ giới làm khoa học.
Theo GS-TS Nguyễn Thế Hùng, thật ra từ lúc quy hoạch đến lúc hoàn thành một công trình thủy điện, ít khi địa phương hay nhà đầu tư mời các chuyên gia trong lĩnh vực đến để hỏi. “Lâu nay tôi chưa thấy người ta tổ chức một cuộc hội thảo nào để giới làm khoa học như chúng tôi đóng góp ý kiến phản biện. Trên thực tế, nhà đầu tư sau khi được địa phương nào đó đồng ý chủ trương cho xây dựng thủy điện thì họ dựa vào báo cáo của một đơn vị tư vấn mà họ thuê lập nên và bảo là hợp lý", ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng: "Tôi nghĩ cái hợp lý mà họ nói ra chỉ hợp lý với họ thôi. Còn có hợp lý với môi trường, với lợi ích của cộng đồng bên dưới hạ du hay không thì chưa đâu. Bởi thế theo tôi, tất cả vấn đề phải được đưa ra phản biện. Mà muốn phản biện chính xác, khách quan đòi hỏi phải có thời gian, đặc biệt là những công trình lớn đòi hỏi phải có tiếng nói của giới khoa học, phải cung cấp cho họ đầy đủ những tài liệu liên quan đến dự án cũng như thời gian để họ phản biện thấu đáo nhất”.
Nói về các thủy điện ở miền Trung, ông Hùng cho rằng quy trình vận hành không đúng. Do không đúng nên mới xảy ra tình trạng lũ lớn ở hạ lưu thời gian qua. Dự báo khí tượng thủy văn ở cả hai trận lũ vừa qua cho thấy lượng mưa không lớn đến mức xảy ra lũ kinh hoàng. Điều đó cho thấy có sự bất thường tại các công trình thủy điện ở miền Trung. Vấn đề này đòi hỏi phải ngồi lại với nhau để tìm xem những bất cập gì trong vấn đề quy hoạch lẫn trong quy trình vận hành xả lũ. Qua các đợt kiểm tra vừa rồi, lãnh đạo các nhà máy đều cho rằng họ xả đúng, nhưng muốn kiểm tra đúng hay không cần phải có kiểm soát viên độc lập hoặc phải gắn camera để giám sát việc xả lũ.
Không phải hồ thủy điện nào cũng có khả năng chống lũ
Ông Tạ Văn Hường |
* Thưa ông, quy trình vận hành và phê duyệt các thủy điện hiện có vấn đề không khi Bộ NN&PTNT nói phối hợp với Bộ Công thương chưa tốt?
- Việc phối hợp giữa hai bộ có phần tốt, có phần chưa tốt nhưng phải khẳng định bất cứ quy hoạch thủy điện nào cũng có sự tham gia của các bộ ngành. Chỉ có điều khi Bộ Công thương làm quy hoạch có nghiêng về tiêu chí phát điện là chính. Bộ NN&PTNT khi thì nghiêng về yêu cầu tưới tiêu. Nhưng với các thủy điện nhỏ, nếu nghiêng về tưới tiêu là không khả thi vì các chủ đầu tư khó có thể thu hồi vốn. Không thể để mất tiềm năng năng lượng có sẵn mà không khai thác được nên trong quy hoạch bắt buộc phải cho phép xây dựng một số thủy điện có mục tiêu phát điện là chính. Chúng ta cũng có nhiều công trình ở những địa điểm bắt buộc phải lấy mục tiêu chống lũ là chính và đã quy hoạch, cấp phép xây dựng những thủy điện này.
* Thưa ông, các chuyên gia dự báo thời tiết có nói mức mưa vừa qua không phải vượt xa các trận mưa lũ lịch sử nhưng thiệt hại do mưa lũ lần này cao hơn. Nếu không phải do thủy điện thì do đâu?
- Ai nói đúng, ai nói sai phải có con số. Vừa rồi Bộ Công thương đã cử đoàn đi kiểm tra, kết quả cho thấy các thủy điện xả lũ theo đúng quy trình. Quy trình này đúng là do chủ đầu tư làm nhưng phải qua các bộ, ngành thẩm định phê duyệt. Từ trước đến nay phải hiểu cơn bão số 9 cả trăm năm mới có chứ không phải có thường xuyên để người dân có thể dễ dàng nhận biết, phân biệt. Với tần suất như thế, cần phải có số liệu thống kê của nhiều năm trước đây và có sự đánh giá của các chuyên gia mới có thể đúng được. Bây giờ có thể chỉ biết một chục năm trước nhưng xa hơn thì không có chuyên môn nên không thể biết. Tất cả kiểm tra của cơ quan nhà nước đến giờ phút này các thủy điện không sai, nhưng nếu đặt ra liệu quy trình đó đã tốt chưa thì cần thời gian ngồi lại xem xét, đánh giá.
* Như vậy theo ông, quy trình xả lũ có cần phải xem lại?
- Quy trình vận hành hồ thủy điện và khả năng chống lũ của nó chỉ có thể ở một mức độ nào đó thôi. Một hồ thật khó có thể chống được mọi cơn lũ nên ta chỉ có thể đề ra một mức độ nhất định. Vậy bây giờ mức chúng ta đặt ra là bao nhiêu? Liệu chúng ta có đặt ra các thủy điện vừa và nhỏ phải chống được tất cả các cơn lũ lịch sử? Nếu có xem xét lại thì có thể xem xét lại cái này, xem nên ấn định thế nào. Vừa qua chúng tôi có họp bàn và đã kiến nghị lên Thủ tướng về việc làm chưa đầy đủ là quy trình vận hành liên hồ chứa. Nghĩa là tại một con sông có nhiều thủy điện thì quy trình vận hành chung phải như thế nào khi lũ về hoặc khi hạn đến. Hiện đã thống nhất việc này nên giao cho Bộ Tài nguyên - môi trường đứng ra để làm thật hoàn chỉnh.
Chủ Nhật, 15/11/2009
Thủy điện phát triển nhanh đến chóng mặt
- Đó là nhận định của TS Đào Trọng Tứ, ủy viên thường trực Mạng lưới cộng tác vì nước của VN, với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo giới thiệu dự thảo văn bản của Hiệp hội Thủy điện quốc tế về “đánh giá tính bền vững của thủy điện” tổ chức tại Đại Lải (Vĩnh Phúc) ngày 14-11.
Ông Tứ nói: Trước hết, cần phải khẳng định rằng làm thủy điện bền vững hơn các dạng năng lượng khác. Thủy điện có thể được coi là một nguồn năng lượng tái tạo, thải ra rất ít khí nhà kính so với các phương thức sản xuất điện khác. Tuy nhiên, khi phát triển thủy điện phải tính đến yếu tố cân bằng gồm: kinh tế, xã hội và môi trường.
Ở VN hiện nay thì chú ý đến kinh tế nhiều hơn mà chưa chú ý đến yếu tố xã hội và môi trường. Việc chúng ta làm ngày hôm nay là phát triển nhiều thủy điện nhưng chưa tính đến yếu tố “để dành” cho thế hệ sau. Nhiều thủy điện chưa tính đến yếu tố tác động môi trường và xã hội nên thế hệ sau phải gánh chịu. Nói một cách nôm na, chúng ta hôm nay có “của ăn” nhưng liệu có “của để dành” cho con cháu hay không?
Phát triển thủy điện phải tính đến hài hòa các yếu tố trên, trong đó đặc biệt lưu tâm đến vấn đề con người. Như chúng ta đã biết, phát triển thủy điện phải tính đến vấn đề di dân, tái định cư, trước khi ta tiến hành làm thủy điện bao giờ cũng hô hào là di dân đến vùng đất mới phải bảo đảm cuộc sống của họ phải hơn hoặc bằng nơi cũ nhưng trên thực tế, người dân bao đời sinh sống bên dòng sông mẹ có tập quán canh tác như thế nào thì về nơi ở mới ta chưa tính đến mà chủ yếu làm theo phong trào.
Thủy điện ở VN hiện đang phát triển nhanh đến mức chóng mặt nên khó có thể nói đến tính bền vững. Hiện nay theo tôi được biết, các vị trí tiềm năng thủy điện ở các con sông VN đã được xây dựng cả rồi, đó là điều đáng suy nghĩ.
Quy hoạch thủy điện: Phải dựa trên lợi ích chung
- Đó là ý kiến của PGS.TS Phan Kỳ Nam, nguyên chủ nhiệm khoa thủy điện ĐH Thủy lợi, khi đề cập việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt là vấn đề phát triển thủy điện ở miền Trung và Tây nguyên gần đây. Ông Nam nói:
PGS.TS Phan Kỳ Nam - Ảnh: X.L. |
- Phó thủ tướng VGCS Hoàng Trung Hải và Bộ Công thương đều khẳng định tất cả dự án thủy điện nằm trong quy hoạch và một số thủy điện ở miền Trung vừa qua đã vận hành đúng quy trình, điều này đúng nhưng mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Đối với tất cả thủy điện, bắt buộc bao giờ cũng phải có quy hoạch, quy trình vận hành và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng vấn đề chất lượng tôi cho rằng chưa ổn.
* Sau câu chuyện phát triển thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung, Tây nguyên, đặc biệt là sau những trận lũ lụt vừa qua, ông nhận thấy đâu là vấn đề bất cập trong quy hoạch, quy trình?
- Thứ nhất, rõ ràng quy hoạch có vấn đề, chưa phải là quy hoạch tối ưu. Ai cũng biết thủy điện, thủy lợi là công trình lợi dụng tổng hợp, tất cả những người hiểu về thủy điện, thậm chí sinh viên chuyên ngành thủy điện, cũng nắm được điều đó. Vì đây là công trình chung, phối hợp chung, kết hợp chung để tận dụng nguồn nước, vừa tưới tiêu, phát điện, thoát lũ, cấp nước... Nhưng bây giờ tôi không hiểu tại sao lại “phát sinh” những hồ thủy điện không có khả năng phòng lũ. Vấn đề ở chỗ có quy hoạch nhưng trong quy hoạch đó không có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các ngành, các chuyên gia nên hiệu quả và giá trị thấp.
Thứ hai, đối với quy trình vận hành hồ chứa, mặc dù có quy trình rồi nhưng tôi chắc quy trình đó chưa phù hợp, chưa kết hợp chặt chẽ giữa các ngành vì vừa rồi bên dự báo khí tượng cũng đã nói các thủy điện ở miền Trung chưa có nơi nào hợp tác để nhận các bản tin dự báo lũ. Và khi đã không có thông tin dự báo lũ, làm sao có thể điều hành hồ chứa chuẩn xác trước khi lũ về.
Thứ ba, vấn đề đánh giá tác động môi trường không đầy đủ và thực hiện không đúng những gì được duyệt. Đơn giản là khi làm đánh giá tác động môi trường của một công trình, phải dự kiến được công trình này ảnh hưởng, tác động tới môi trường ra sao, lũ lớn chừng nào thì vượt thiết kế, thậm chí dự tính cả tình huống vỡ đập xảy ra. Tuy nhiên, nếu bây giờ hỏi bản đồ vùng hạ lưu khi xả bị ngập để thông báo di dân, tôi chắc có chỗ chưa làm. Chính vì vậy, mấy năm trước tôi đã nói nếu phát triển ồ ạt như thế chắc chắn sẽ để lại hậu quả.
* Ý ông là những thủy điện vừa và nhỏ phát triển không theo quy hoạch?
- Ưu điểm của thủy điện là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, không dùng sẽ lãng phí, nhưng vấn đề sử dụng nguồn năng lượng này phải hợp lý chứ không phải thấy có tiềm năng là phát triển ồ ạt, vội vàng và bằng mọi giá. Đối với vấn đề thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung cũng như Tây nguyên, tôi cho rằng cách phát triển vừa qua có sự vội vàng, thậm chí ồ ạt, hậu quả là sẽ không khảo sát được đầy đủ. Trước đây, để nghiên cứu một công trình thủy điện quy mô vừa thì phải mất ba năm, hoặc như thủy điện Sơn La phải “cãi nhau” mấy năm để tìm phương án tối ưu. Nhưng các thủy điện vừa và nhỏ phát triển vừa qua không có sự tranh cãi của các chuyên gia. Vấn đề khi xả lũ không chỉ xét vùng nhà máy mà còn phải xét cả vùng hạ lưu để có khuyến cáo ngay trong thiết kế. Bản thân một dòng sông có thể chảy qua nhiều tỉnh, thủy điện xây dựng bên tỉnh này nhưng nước ngập người dân tỉnh khác chịu. Nếu những vấn đề quy hoạch, quy trình, cơ chế phối hợp, quản lý không nhìn từ mặt bằng của quốc gia mà nặng tính địa phương thì vùng hạ lưu sẽ chịu hậu quả.
* Theo ông, cơ chế quản lý thủy điện cần có giải pháp thế nào?
- Thứ nhất, Nhà nước cho phép các nhà đầu tư tận dụng tiềm năng thủy điện nhưng khai thác thế nào cho hiệu quả thì cần có người chủ trì, có người cầm trịch. Cái mà cơ chế quản lý thủy điện vừa và nhỏ hiện nay đang thiếu là anh chủ trì, anh duyệt, mà duyệt ở đây là phải duyệt cho đúng mức, xem xét cho đầy đủ chứ không phải duyệt lấy lệ.
Thứ hai, phải có một hội đồng hoặc một ủy ban quy hoạch, khai thác các lưu vực sông. Ủy ban hoặc hội đồng này là tập hợp các bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên - môi trường để nắm quyền điều phối, duyệt quy hoạch chứ không để từng địa phương thích thế này, thế kia. Trong khai thác thủy điện, ủy ban hoặc hội đồng này giữ vai trò điều phối, lũ về thì hồ này phải trữ bao nhiêu lũ, hồ kia trữ bao nhiêu, nếu không “ông” ở trên cứ xả và những “ông” ở hạ lưu phải trữ nước thì làm sao không bị ngập. Quan điểm là phải rà soát quy hoạch thủy điện dựa trên lợi ích của đất nước, của xã hội chứ không phải của từng địa phương, từng ngành.